Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 96/2009/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 31 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH THU HÚT, CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân nhân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị quyết số 37/2009/NQ-HĐND7 ngày 16/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII - kỳ họp thứ 15 về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương,
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số: 780/TTr-SNV ngày 30/12/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế, bãi bỏ các văn bản sau:

- Thay thế Quyết định số 199/2006/QĐ-UBND ngày 16/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về chính sách đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương;

- Bãi bỏ Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 176/2006/QĐ-UBND ngày 20/7/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành điều chỉnh chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại 22 xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh;

- Bãi bỏ Khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều 1 Quyết định số 49/2008/QĐ-UBND ngày 23/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành mức phụ cấp, trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế tỉnh Bình Dương.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc các Sở, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
Các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo,  Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
TTTU, TTHĐND, TT Đoàn ĐBQH tỉnh;
CT, các PCT UBND tỉnh;
UBMTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh;
Đại biểu HĐND tỉnh;
Các Ban Xây dựng Đảng tỉnh;
Các sở, ban, ngành tỉnh;
- LĐVP: Tỉnh ủy, Đòan ĐBQH-HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
Thường trực HĐND, UBND các huyện ,thị xã;
Trung tâm Công báo tỉnh, Website tỉnh Bình Dương;
Chuyên viên VP: ĐĐBQH-HĐND, UBND tỉnh, TH;
Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH THU HÚT, CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH BÌNH DƯƠNG
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 96 /2009/QĐ-UBND Ngày 31 /12/2009 của Ủy ban nhân tỉnh Bình Dương)

Chương I

QUI ĐỊNH VỀ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Mục 1. ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TRONG NƯỚC

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức, viên chức các Ban Đảng, Đoàn thể, các cơ quan hành chính, sự nghiệp; cán bộ chuyên trách, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc diện qui hoạch cán bộ và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của các ngành, các cấp.

2. Cán bộ lãnh đạo các cấp của tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quản l‎‎ý hành chính Nhà nước, lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng; cán bộ ấp, khu phố được cử đi bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ theo chức danh.

3. Cán bộ, công chức thuộc Công an, Quân đội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự được áp dụng chính sách này khi đi học các lớp về lý luận chính trị, quản lý hành chính Nhà nước. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách các cấp.

4. Các doanh nghiệp Nhà nước được phép vận dụng chính sách quy định tại văn bản này trong công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức và người lao động ở đơn vị. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng do doanh nghiệp chi trả.

Điều 2. Các mức hỗ trợ

1. Đối với các lớp lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng:

a) Tại Hà Nội: Học tập trung 1.500.000 đồng/người/tháng; học tại chức 45.000 đồng/người/ngày.

b) Các tỉnh, thành khác: Học tập trung 1.100.000 đồng/người/tháng; học tại chức 35.000 đồng/người/ngày.

c) Trong tỉnh, có cự ly từ cơ quan làm việc đến trường:

- Từ 20 km trở lên: Học tập trung 660.000 đồng/người/tháng; học tại chức 22.000 đồng/người/ngày.

- Dưới 20 km: Học tập trung 360.000 đồng/người/tháng; học tại chức 12.000 đồng/người/ngày.

2. Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng từ 01 tháng trở lên về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học:

a) Tại Hà Nội: Học tập trung 1.300.000 đồng/người/tháng; học tại chức 40.000 đồng/người/ngày.

b) Các tỉnh, thành khác: Học tập trung 800.000 đồng/người/tháng; học tại chức 25.000 đồng/người/ngày.

c) Trong tỉnh, có cự ly từ cơ quan làm việc đến trường:

- Từ 20 km trở lên: 15.000 đồng/người/ngày.

- Dưới 20 km: 12.000 đồng/người/ngày.

3. Đối với các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn dưới 01 tháng:

a) Học trong tỉnh: 18.000 đồng/người/ngày đối với cấp tỉnh; 12.000 đồng/người/ngày đối với cấp huyện, xã.

b) Học ngoài tỉnh: Được hỗ trợ mỗi ngày học bằng mức công tác phí hiện hành của tỉnh.

Tất cả các trường hợp học các lớp bồi dưỡng, tập huấn nêu trên phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phân cấp cán bộ.

4. Các chi phí khác:

a) Học phí:

- Học phí, giáo trình, y tế phí được thanh toán theo phiếu thu của nhà trường.

- Đối với các lớp đào tạo dài hạn mà cơ quan công tác cách xa trường từ 20 km trở lên phải ở nội trú thì được thanh toán theo phiếu thu của nhà trường; trường hợp không có phiếu thu thì được hỗ trợ tiền trọ 12.000 đồng/người/ngày. Đối với các lớp ngắn hạn dưới 01 tháng được thanh toán theo mức lưu trú dành cho cán bộ, công chức, viên chức đi công tác.

b) Tiền tàu xe:

- Học ở các tỉnh phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra): Mỗi năm được thanh toán tiền đi về vào dịp hè và Tết nguyên đán 02 lần (4 lượt/năm). Trong đó:

+ Cán bộ, công chức có chức vụ từ Thường vụ Huyện - Thị ủy trở lên; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện - thị xã; Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên; cán bộ, công chức là chuyên viên chính và các chức danh khác có mức lương từ hệ số 5,76 trở lên được thanh toán tiền vé máy bay.

+ Cán bộ, công chức, viên chức còn lại được thanh toán tiền vé tàu hỏa thông thường (vé nằm).

- Học ở các tỉnh còn lại mỗi tháng được thanh toán tiền vé xe công cộng 01 lần (02 lượt).

- Học trong tỉnh đối với các lớp Lý luận Chính trị, Quản lý Nhà nước, Kiến thức quốc phòng được thanh toán tiền vé xe công cộng mỗi tuần 01 lần (02 lượt) cho các trường hợp có cự ly từ cơ quan làm việc đến trường từ 20 km trở lên.

- Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, nếu là nữ, dân tộc ít người khi đi học các lớp có thời gian từ 01 tháng trở lên thì mỗi tháng học được cấp thêm 180.000 đồng/người/tháng.

Điều 3. Hỗ trợ thực hiện và bảo vệ luận văn tốt nghiệp

Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo sau đại học được hỗ trợ thực hiện và bảo vệ luận văn tốt nghiệp với các mức như sau:

1. Các ngành y tế, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin (phần mềm):

a) Tiến sĩ: 50.000.000 đồng.

b) Thạc sĩ: 40.000.000 đồng.

c) Chuyên khoa cấp II: 30.000.000 đồng.

d) Chuyên khoa cấp I: 22.000.000 đồng.

đ) Có bằng chuyên khoa cấp I học Thạc sĩ: 28.000.000 đồng.

e) Có bằng chuyên khoa cấp II học Tiến sĩ: 30.000.000 đồng.

2. Các ngành còn lại:

a) Tiến sĩ: 40.000.000 đồng.

b) Thạc sĩ: 30.000.000 đồng.

Điều 4. Chế độ khuyến khích tự đào tạo

1. Cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ khuyến khích tự đào tạo khi có đủ các điều kiện sau:

a) Tự túc kinh phí đi học để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu công việc chuyên môn đang đảm trách.

b) Khi học xong cam kết tiếp tục làm việc tại đơn vị cũ hoặc chấp hành theo sự phân công của tổ chức.

c) Phải còn thời gian phục vụ và cam kết phục vụ tối thiểu là 02 năm đối với đại học, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II và 03 năm đối với thạc sĩ, tiến sĩ kể từ ngày tốt nghiệp khóa đào tạo.

d) Khi đi học phải có văn bản thỏa thuận với Sở Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Tỉnh ủy và có quyết định cử đi học của thủ trưởng cơ quan.

2. Các mức hỗ trợ khuyến khích tự đào tạo gồm:

a) Tiến sĩ: 20.000.000 đồng.

b) Thạc sĩ: 15.000.000 đồng.

c) Chuyên khoa cấp II: 10.000.000 đồng.

d) Chuyên khoa cấp I: 6.000.000 đồng.

đ) Đại học: 4.000.000 đồng.

Mục 2. ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 5. Điều kiện và tiêu chuẩn cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài

Điều kiện và tiêu chuẩn xét tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được thực hiện theo Qui chế tuyển chọn của tỉnh.

Điều 6. Các khoản chi phí đào tạo ở nước ngoài

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo toàn phần ở nước ngoài được tỉnh chi các khoản như sau:

1. Học phí và các khoản chi liên quan đến học phí (theo thông báo của các cơ sở đào tạo nước ngoài).

2. Sinh hoạt phí bao gồm: Tiền ăn, ở, chi phí đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập.

3. Bảo hiểm y tế (mức bảo hiểm y tế tối thiểu áp dụng chung cho lưu học sinh nước ngoài của nước sở tại).

4. Tiền vé máy bay hạng thường 01 lượt từ Việt Nam đến nơi học tập và 01 lượt từ nơi học tập về Việt Nam cho cả khóa học.

5. Chi phí đi đường được cấp 01 lần cho suốt quá trình học tập.

6. Chi phí làm thủ tục xuất nhập cảnh (hộ chiếu, visa).

7. Lệ phí ghi danh.

8. Phí chuyển và nhận tiền qua Ngân hàng (nếu có) theo quy định hiện hành.

9. Chi khen thưởng:

a) Trường hợp hoàn thành chương trình học tập với kết quả xuất sắc trước thời gian quy định ghi trong quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền và có xác nhận của cơ sở đào tạo nước ngoài sẽ được hưởng 50% số tiền sinh hoạt phí của thời gian hoàn thành trước hạn.

b) Trường hợp đạt kết quả học tập xuất sắc được cơ sở đào tạo ở nước ngoài miễn hoặc giảm học phí, có giấy báo của cơ sở đào tạo nước ngoài sẽ được hưởng 50% số tiền được miễn hoặc giảm và được cấp một lần vào năm được miễn, giảm học phí.

10. Chi hỗ trợ rủi ro, bất khả kháng xảy ra đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian học ở nước ngoài (xem xét đối với từng trường hợp cụ thể).

Các khoản chi nêu trên được thực hiện theo các định mức do Bộ Tài chính quy định.

Điều 7. Các khoản chi phí đào tạo trong nước

Cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh cử đi đào tạo có thời gian học trong nước và thời gian học, thực tập ở nước ngoài thì thời gian học ở trong nước được tỉnh chi các khoản như sau: 

1. Học phí và các khoản chi liên quan đến học phí.

2. Sinh hoạt phí tùy theo trình độ đào tạo cho thời gian đào tạo tại Việt Nam theo mức hỗ trợ học tập như đối với lưu học sinh theo chương trình đào tạo phối hợp hoặc chi hỗ trợ đối với trường hợp đào tạo ngoại ngữ trong nước.

3. Chi phí các kỳ thi đánh giá kết quả học tập theo yêu cầu của cơ quan chức năng (nếu có).

Điều 8. Các khoản chi phí đối với các lớp đào tạo liên kết với nước ngoài

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo các khóa học liên kết với nước ngoài có thời gian học toàn phần tại Việt Nam được tỉnh chi các khoản như sau:

1. Học phí và các khoản liên quan đến học phí.

2. Hỗ trợ đi học theo các mức quy định tại Điều 2 của Qui định này.

3. Hỗ trợ thực hiện và bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng 50% mức tương ứng quy định tại Điều 3 của Qui định này.

Điều 9. Chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài

Chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng ở nước ngoài thực hiện theo quy định tài chính hiện hành.

Điều 10. Chế độ hỗ trợ diện được học bổng

1. Cán bộ, công chức, viên chức được học bổng đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thì ngoài chế độ theo quy định của Trung ương, được hỗ trợ thêm hàng tháng bằng với mức sinh hoạt phí toàn phần tùy thuộc vào nước đến học tập quy định tại Thông tư Liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05/12/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (có phụ lục chi tiết kèm theo).

Ngoài mức hỗ trợ nêu trên, nếu là nữ khi đi học được cấp thêm 30 USD/người/tháng.

2. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được học bổng đi đào tạo ở nước ngoài nếu sinh hoạt phí thấp hơn mức sinh hoạt phí Nhà nước quy định thì được cấp bù phần chênh lệch.

Mục 3. BỒI THƯỜNG CHI PHÍ ĐÀO TẠO

Điều 11. Bồi thường chi phí đào tạo

1. Bồi thường chi phí đào tạo ở trong nước:

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước phải bồi thường chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

a) Nếu không tốt nghiệp hoặc tự ý bỏ dở không học hết chương trình, bị kỷ luật buộc thôi học hoặc không chấp hành sự phân công của tỉnh sau khi tốt nghiệp, tự ý bỏ việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và các trường hợp khác do lỗi chủ quan của người được cử đi đào tạo thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo và các khoản hỗ trợ đã nhận.

b) Hoàn thành khóa học về công tác nhưng thực hiện không đủ thời gian yêu cầu phục vụ sau khi được đào tạo thì phải bồi thường chi phí đào tạo và các khoản hỗ trợ đã nhận trong thời gian đi học theo tỉ lệ thời gian cam kết phục vụ trừ đi thời gian đã về công tác sau đào tạo.

c) Trong thời gian được cử đi đào tạo, cán bộ, công chức, viên chức học tập không đạt yêu cầu và phải học lại, thi lại thì không được hưởng chế độ theo quy định trong thời gian học lại, thi lại và kinh phí học lại, thi lại do cá nhân tự chi trả. Trường hợp không tốt nghiệp khóa học đúng thời gian quy định, cán bộ, công chức, viên chức phải thi lại tốt nghiệp ở lần liền kề nhưng tối đa không quá 01 năm so với chương trình học theo giấy báo nhập học. Sau lần thi này nếu không đạt yêu cầu thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo và các khoản hỗ trợ đã nhận.

2. Bồi thường chi phí đào tạo ở nước ngoài:

a) Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo ở nước ngoài do tỉnh chi toàn phần hoặc một phần kinh phí, sau khi tốt nghiệp mà không về nước, về nước không đúng thời hạn mà không có lý do chính đáng; không hoàn thành khóa học theo chương trình đào tạo quy định, bị kỷ luật buộc thôi việc và các trường hợp khác do lỗi chủ quan của người được cử đi đào tạo thì phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo và các khoản hỗ trợ đã nhận.

b) Trường hợp hoàn thành khóa học về công tác nhưng thực hiện không đủ thời gian yêu cầu phục vụ sau khi được đào tạo và trong thời gian được cử đi đào tạo, cán bộ, công chức, viên chức học tập không đạt yêu cầu và phải học lại, thi lại thì việc bồi thường chi phí đào tạo và giải quyết các chế độ đi học, kinh phí học lại, thi lại áp dụng như đối với trường hợp đào tạo ở trong nước.

Điều 12. Nguyên tắc bồi thường

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo trong nước và nước ngoài có thời gian từ 03 (ba) tháng tập trung trở lên từ kinh phí Nhà nước toàn phần hay một phần hoặc nhận hỗ trợ khuyến khích tự đào tạo thì tùy từng trường hợp cụ thể phải bồi thường theo quy định tại Điều 11 của Qui định này.

Điều 13. Cách tính chi phí bồi thường

1. Đối với đào tạo trong nước, chi phí bồi thường được tính theo tỉ lệ thời gian phục vụ sau khi hoàn thành khóa đào tạo (quy định bằng 3 lần của khóa đào tạo nhưng không quá 10 năm) trừ đi thời gian đã công tác sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

2. Đối với các chương trình đào tạo ở nước ngoài, kể cả liên kết với nước ngoài theo đề án của tỉnh, chi phí bồi thường được tính theo tỉ lệ thời gian phục vụ sau khi hoàn thành khóa đào tạo (quy định ít nhất là 10 năm) trừ đi thời gian đã công tác sau khi hoàn thành khóa đào tạo.

3. Đối với trường hợp nhận hỗ trợ khuyến khích tự đào tạo mà không công tác đủ thời gian quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 4 của Qui định này thì phải hoàn trả số tiền đã nhận tương ứng với tỉ lệ thời gian cam kết phục vụ trừ đi thời gian đã công tác.

Chương II

CHÍNH SÁCH THU HÚT NGUỒN NHÂN LỰC

Mục 1. CHẾ ĐỘ THU HÚT CHUNG

Điều 14. Chế độ thu hút đối với người được tuyển dụng mới

1. Đối tượng thu hút:

Người có trình độ từ đại học chính qui trở lên, không kể trong hay ngoài tỉnh được tuyển dụng, hợp đồng dài hạn trong chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao vào một ngạch công chức, viên chức ở các cơ quan Đảng, Đoàn thể, hành chính và các đơn vị thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục - đào tạo, văn hóa thông tin - thể dục thể thao và sự nghiệp khác (trừ sự nghiệp y tế và Trường Đại học Thủ Dầu Một) trên địa bàn tỉnh Bình Dương đối với những ngành, nghề tỉnh cần và có cam kết công tác tại tỉnh ít nhất 5 (năm) năm.

2. Các chế độ thu hút:

Người có bằng tốt nghiệp đại học chính qui, sau đại học trong nước; đại học và sau đại học ở nước ngoài được hỗ trợ thêm cho đủ 100% lương bậc khởi điểm của ngạch công chức, viên chức đang xếp trong thời gian tập sự và được trợ cấp thêm như sau:

a) Nếu tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi, loại xuất sắc (không phân biệt hình thức đào tạo, kể cả trong và ngoài nước) được cấp thêm một lần 2.000.000 đồng.

b) Nếu có bằng Chuyên khoa cấp I (không phân biệt hình thức đào tạo, kể cả trong và ngoài nước) được cấp một lần 6.000.000 đồng; tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc được cấp thêm 3.000.000 đồng.

c) Nếu có bằng Chuyên khoa cấp II (không phân biệt hình thức đào tạo, kể cả trong và ngoài nước) được cấp một lần 10.000.000 đồng; tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc được cấp thêm 4.000.000 đồng.

d) Nếu có bằng Thạc sĩ:

- Tốt nghiệp các trường trong nước được cấp một lần 15.000.000 đồng; tốt nghiệp với số điểm đạt loại giỏi được cấp thêm 4.000.000 đồng.

- Tốt nghiệp các trường ở nước ngoài (có thời gian học toàn bộ ở nước ngoài) được cấp một lần 25.000.000 đồng; tốt nghiệp với số điểm đạt loại giỏi được cấp thêm 6.000.000 đồng.

đ) Nếu có bằng Tiến sĩ:

- Tốt nghiệp các trường trong nước được cấp một lần 20.000.000 đồng.

- Tốt nghiệp các trường ở nước ngoài (có thời gian học toàn bộ ở nước ngoài) được cấp một lần 30.000.000 đồng.

3. Người được hưởng chế độ thu hút quy định tại khoản 2 Điều này không thực hiện đủ thời gian công tác đã cam kết thì phải hoàn trả số tiền đã nhận tương ứng với tỉ lệ thời gian cam kết phục vụ trừ đi thời gian đã công tác.

Điều 15. Chế độ thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức được tiếp nhận từ ngoài tỉnh

1. Cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học không quá 45 tuổi (trường hợp là Tiến sĩ thì không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ) ở ngoài tỉnh được tiếp nhận về Bình Dương công tác trong các cơ quan Đảng, Đoàn thể, hành chính, sự nghiệp (trừ sự nghiệp y tế và Trường Đại học Thủ Dầu Một) và có cam kết công tác tại tỉnh ít nhất 5 (năm) năm, được cấp 01 lần theo định mức:

a) Các ngành y tế, xây dựng, kiến trúc, công nghệ thông tin (phần mềm):

- Tiến sĩ: 30.000.000 đồng.

- Thạc sĩ: 20.000.000 đồng.

- Chuyên khoa cấp II: 15.000.000 đồng.

- Chuyên khoa cấp I: 10.000.000 đồng.

b) Các ngành còn lại:

- Tiến sĩ: 20.000.000 đồng.

- Thạc sĩ: 15.000.000 đồng.

2. Người được hưởng chế độ thu hút quy định tại khoản 1 Điều này không thực hiện đủ thời gian công tác đã cam kết thì phải hoàn trả số tiền đã nhận tương ứng với tỉ lệ thời gian cam kết phục vụ trừ đi thời gian đã công tác.

Điều 16. Chế độ thu hút đối với người có học hàm, học vị làm việc trong một thời gian nhất định cho một công việc cụ thể

Người có học hàm, học vị, có năng lực chuyên môn (không kể trong hay ngoài tỉnh) làm việc trong một thời gian nhất định cho một công việc cụ thể theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh, được chi trả thù lao theo thỏa thuận nhưng không vượt quá các mức quy định sau đây:

1. Giáo sư: 12.000.000 đồng/tháng.

2. Phó Giáo sư, Tiến sĩ: 10.000.000 đồng/tháng.

3. Thạc sĩ: 7.000.000 đồng/tháng.

4. Chuyên khoa cấp II: 6.000.000 đồng/tháng.

5. Chuyên khoa cấp I: 4.000.000 đồng/tháng.

Mục 2. CHẾ ĐỘ THU HÚT NHÂN LỰC NGÀNH Y TẾ VÀ NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Điều 17. Chế độ thu hút đối với người có trình độ chuyên môn y tế

1. Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thu hút:

a) Đối tượng:

Những người tốt nghiệp cử nhân y; bác sĩ đa khoa, chuyên khoa; dược sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I; thạc sĩ y, dược; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II; tiến sĩ y, dược được hợp đồng, tuyển dụng, tiếp nhận, hoặc điều động luân chuyển vào (về) các cơ sở y tế công lập và các cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh.

b) Về độ tuổi:

- Tiến sĩ, chuyên khoa cấp II: Không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ.

- Thạc sĩ, chuyên khoa cấp I: Không quá 50 tuổi.

- Bác sĩ, dược sĩ, cử nhân y: Không quá 45 tuổi.

c) Các đối tượng nêu trên phải cam kết công tác ít nhất là 5 (năm) năm (áp dụng cho tất cả các trình độ) tại các cơ sở y tế công lập và các cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn tỉnh. Các trường hợp đã hưởng chế độ đào tạo của tỉnh thì không được hưởng chính sách thu hút này.

2. Chế độ thu hút:

Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này sau khi được tiếp nhận và phân công công tác được cấp 01 lần theo định mức như sau:

a) Cử nhân y:

- Công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên, Bến Cát: 15.000.000 đồng.

- Công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận An, Dĩ An và Phòng khám Đa khoa - Nhà Bảo sanh Thị xã Thủ Dầu Một: 8.000.000 đồng.

b) Bác sĩ (đa khoa, chuyên khoa), Dược sĩ:

- Công tác tại Trạm Y tế thuộc các xã thuộc vùng khó khăn, kể cả Phòng khám Đa khoa khu vực và cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc ngành Lao động Thương binh và Xã hội đóng trên địa bàn các xã này: 35.000.000 đồng.

- Công tác tại Trạm Y tế xã, thị trấn (kể cả Phòng khám đa khoa khu vực) thuộc các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng: 25.000.000 đồng.

- Công tác tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (kể cả Phòng khám đa khoa khu vực) thuộc các huyện Thuận An, Dĩ An, Thị xã Thủ Dầu Một và Bệnh viện Đa khoa các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng: 15.000.000 đồng.

- Công tác tại Bệnh viện Đa khoa các huyện Thuận An, Dĩ An và Phòng khám Đa khoa - Nhà Bảo sanh Thị xã Thủ Dầu Một và các Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh (trừ Trung tâm Sức khoẻ lao động - Môi trường, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y) và các cơ sở Bảo trợ xã hội thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: 8.000.000 đồng.

c) Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp I:

- Công tác tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã và Bệnh viện Đa khoa các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng: 40.000.000 đồng.

- Công tác tại Phòng khám Đa khoa - Nhà Bảo sanh Thị xã Thủ Dầu Một và Bệnh viện Đa khoa các huyện Thuận An, Dĩ An: 30.000.000 đồng.

- Công tác tại Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh (trừ Trung tâm Sức khoẻ lao động - Môi trường, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y): 15.000.000 đồng.

d) Thạc sĩ Y, Dược; Bác sĩ, Dược sĩ chuyên khoa cấp II:

- Công tác tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã Thủ Dầu Một và Bệnh viện Đa khoa các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng: 50.000.000 đồng.

- Công tác tại Phòng khám Đa khoa - Nhà Bảo sanh Thị xã Thủ Dầu Một và Bệnh viện Đa khoa các huyện Thuận An, Dĩ An và các Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh (trừ Trung tâm Sức khoẻ lao động - Môi trường, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y): 30.000.000 đồng.

đ) Tiến sĩ Y, Dược:

- Tiến sĩ tốt nghiệp Y khoa nước ngoài đến nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trường Cao đẳng Y tế: 70.000.000 đồng.

- Tiến sĩ tốt nghiệp Y khoa trong nước đến nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trường Cao đẳng Y tế: 50.000.000 đồng.

3. Các hỗ trợ khác:

a) Được xếp 100% lương bậc khởi điểm đối với trường hợp tuyển dụng mới.

b) Được hỗ trợ tiền thuê nhà bằng 0,7 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng đối với người ngoài địa phương, có khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc từ 20 km trở lên và có thuê nhà thực tế nơi được phân công, bố trí làm việc.

c) Đối tượng là nữ được hỗ trợ thêm 0,7 lần mức lương tối thiểu chung /người/tháng.

d) Hàng tháng được hưởng thêm chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế quy định tại Điều 21 của Qui định này.

4. Thời gian được hưởng chế độ thu hút và các chế độ hỗ trợ khác quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này là 5 (năm) năm kể từ ngày đến nhận công tác.

5. Người được hưởng chế độ thu hút quy định tại khoản 2 Điều này không thực hiện đủ thời gian công tác đã cam kết thì phải hoàn trả số tiền đã nhận tương ứng với tỉ lệ thời gian cam kết phục vụ trừ đi thời gian đã công tác.

Điều 18. Chế độ thu hút đối với viên chức y tế về công tác ở các xã thuộc vùng khó khăn

1. Đối tượng thu hút:

Cán bộ quản lý, viên chức chuyên môn y tế về công tác ở trạm y tế thuộc các xã vùng khó khăn, kể cả Phòng khám Đa khoa khu vực đóng trên địa bàn các xã này (trừ các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có chế độ do Trung ương quy định).

2. Chế độ thu hút:

Được hỗ trợ hàng tháng bằng 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng, phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ này là 05 (năm) năm kể từ ngày đến nhận công tác.

Điều 19. Chế độ thu hút đối với viên chức ngành giáo dục - đào tạo về công tác ở các xã thuộc vùng khó khăn

1. Đối tượng thu hút:

Cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo về công tác ở các xã thuộc vùng khó khăn (trừ các xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có chế độ do Trung ương quy định).

2. Chế độ thu hút:

a) Được hỗ trợ hàng tháng bằng 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng, phụ cấp chức vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ này là 05 (năm) năm kể từ ngày đến nhận công tác.

b) Được hưởng trợ cấp một lần là 3.000.000 đồng/người.

Chương III

CÁC CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ KHÁC

Điều 20. Hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học (Trừ viên chức sự nghiệp giáo dục- đào tạo, dạy nghề và y tế)

Cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học công tác tại các cơ quan Đảng, Đoàn thể, hành chính, sự nghiệp văn hóa thông tin - thể dục thể thao, sự nghiệp khác; cán bộ chuyên trách, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và người được thu hút về công tác ở các cơ quan nêu trên tại tỉnh Bình Dương được hỗ trợ hàng tháng theo các mức:

1. Tiến sĩ: 0,7 lần mức lương tối thiểu chung.

2. Thạc sĩ, chuyên khoa cấp II: 0,5 lần mức lương tối thiểu chung.

3. Chuyên khoa cấp I: 0,3 lần mức lương tối thiểu chung.

Điều 21. Hỗ trợ cho cán bộ, viên chức chuyên môn y tế công tác tại các cơ sở y tế công lập

Cán bộ, viên chức chuyên môn y tế công tác tại các cơ sở y tế công lập được hỗ trợ hàng tháng theo các mức sau:

1. Công tác tại Trạm Y tế thuộc các xã vùng khó khăn, kể cả Phòng khám Đa khoa khu vực đóng trên địa bàn các xã này:

a) Trình độ đại học: 3,0 lần mức lương tối thiểu chung.

b) Trình độ cao đẳng, trung học và lương y: 1,0 lần mức lương tối thiểu chung.

c) Trình độ sơ học: 0,5 lần mức lương tối thiểu chung.

2. Công tác tại Trạm Y tế xã, thị trấn, kể cả Phòng khám Đa khoa khu vực thuộc các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng (trừ các xã thuộc vùng khó khăn):

a) Trình độ đại học: 2,0 lần mức lương tối thiểu chung.

b) Trình độ cao đẳng, trung học và lương y: 0,7 lần mức lương tối thiểu chung.

c) Trình độ sơ học: 0,3 lần mức lương tối thiểu chung.

3. Công tác tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn, kể cả Phòng khám Đa khoa khu vực thuộc các huyện Thuận An, Dĩ An và Thị xã Thủ Dầu Một:

a) Trình độ đại học: 1,5 lần mức lương tối thiểu chung.

b) Trình độ cao đẳng, trung học và lương y: 0,5 lần mức lương tối thiểu chung.

4. Công tác tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện, thị xã; Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện, thị xã và Bệnh viện Đa khoa các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng:

a) Trình độ sau đại học: 2,0 lần mức lương tối thiểu chung.

b) Trình độ đại học: 1,5 lần mức lương tối thiểu chung.

c) Trình độ cao đẳng, trung học và lương y: 0,7 lần mức lương tối thiểu chung.

5. Công tác tại Bệnh viện Đa khoa các huyện Dĩ An, Thuận An, Phòng khám Đa khoa - Nhà Bảo sanh Thị xã Thủ Dầu Một và các Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh (trừ Trung tâm Sức khỏe lao động - Môi trường, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y):

a) Trình độ sau đại học: 1,5 lần mức lương tối thiểu chung.

b) Trình độ đại học: 1,0 lần mức lương tối thiểu chung.

c) Trình độ cao đẳng, trung học và lương y: 0,3 lần mức lương tối thiểu chung.

6. Tiến sĩ Y, Dược công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trường Cao đẳng Y tế tỉnh: 3,0 lần mức lương tối thiểu chung.

Thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại Điều này là 05 (năm) năm.

Điều 22. Hỗ trợ cho viên chức y tế học đường

1. Viên chức y tế có trình độ bác sĩ hoặc tương đương công tác ở các cơ sở giáo dục công lập, các trường dạy nghề và các trung tâm dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 0,7 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

2. Viên chức y tế có trình độ trung cấp, y sĩ hoặc tương đương công tác ở các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã thuộc vùng khó khăn được hỗ trợ 0,5 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

3. Viên chức y tế có trình độ trung cấp, y sĩ hoặc tương đương công tác ở các cơ sở giáo dục công lập tại các xã, phường, thị trấn còn lại, các trường dạy nghề và các trung tâm dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 0,3 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

Thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại Điều này là 05 (năm) năm.

Điều 23. Hỗ trợ cho viên chức ngành giáo dục - đào tạo và dạy nghề có trình độ sau đại học

1. Đối tượng:

Cán bộ quản lý, nhà giáo có trình độ sau đại học công tác tại các cơ sở giáo dục công lập, các trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh.

2. Mức hỗ trợ:

a) Tiến sĩ: 2,5 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

b) Thạc sĩ: 1,5 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

Thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ quy định tại Điều này là 05 (năm) năm.

Điều 24. Hỗ trợ cho cán bộ quản lý, viên chức được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Cán bộ quản lý, viên chức các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh nếu được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành y tế gồm: Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Phòng Y tế các huyện, thị xã được hỗ trợ hàng tháng bằng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đang hưởng tại thời điểm điều động.

2. Cán bộ quản lý, nhà giáo thuộc các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, các trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh nếu được điều động về công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành Giáo dục - Đào tạo gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã; điều động về phụ trách công tác dạy nghề tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Phòng Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã được hỗ trợ hàng tháng bằng mức phụ cấp ưu đãi đang hưởng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tại thời điểm điều động.

3. Thời gian hưởng chế độ hỗ trợ của các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là 03 (ba) năm kể từ ngày nhận quyết định điều động.

Điều 25. Hỗ trợ cho cán bộ, công chức công tác tại xã, phường, thị trấn

1. Đối tượng áp dụng:

a) Cán bộ, công chức có trình độ đại học được luân chuyển về công tác tại các xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là cấp xã).

b) Cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, kể cả đối tượng tạo nguồn của tỉnh hiện đang công tác ở cấp xã có trình độ đại học.

2. Các mức hỗ trợ:

a) Cán bộ, công chức được luân chuyển có trình độ đại học:

- Công tác tại các xã thuộc vùng khó khăn: 1,2 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

- Các xã thuộc huyện Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng: 1,0 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

- Các xã, phường, thị trấn còn lại: 0,8 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

b) Đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã tại chỗ có trình độ đại học trong trường hợp không hưởng chế độ đào tạo theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Công tác tại các xã thuộc vùng khó khăn: 1,0 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

- Các xã thuộc huyện Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng: 0,8 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

- Các xã, phường, thị trấn còn lại: 0,6 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

c) Đối với cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã tại chỗ có trình độ đại học trong trường hợp hưởng chế độ đào tạo theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Công tác tại các xã thuộc vùng khó khăn: 0,8 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

- Các xã thuộc huyện Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng: 0,6 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

- Các xã, phường, thị trấn còn lại: 0,4 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

d) Ngoài các mức nêu trên, cán bộ, công chức tăng cường, cán bộ chuyên trách, công chức công tác tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh nếu tốt nghiệp đại học hệ chính qui được hưởng thêm 0,2 lần mức lương tối thiểu chung/người/tháng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Trách nhiệm của Hội đồng tư vấn thực hiện chính sách đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực

Hội đồng tư vấn thực hiện chính sách đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực có nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục ngành nghề tỉnh cần, thống nhất giải quyết các trường hợp còn vướng mắc trong quá trình xem xét hưởng chế độ thu hút nguồn nhân lực.

Điều 27. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, huyện - thị xã

1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện - thị xã có trách nhiệm xây dựng qui hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tổng hợp để có kế hoạch mở lớp và cử người đi học.

2. Đăng ký nhu cầu về số lượng, ngành nghề cần thu hút, hợp đồng người có trình độ về công tác tại cơ quan nhằm thực hiện một công việc cụ thể trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

3. Lập dự toán kinh phí thực hiện các chế độ thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong dự toán ngân sách hàng năm.

4. Thu hồi và nộp vào ngân sách nhà nước kinh phí đã cấp phát cho các đối tượng được hưởng các chế độ quy định tại văn bản này nhưng không thực hiện đúng cam kết.

5. Nhận xét, đánh giá kết quả công tác đối với những người đã được thu hút về làm việc tại cơ quan và gửi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ theo quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

Điều 28. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc giải quyết theo thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo bồi dưỡng ở trong nước (đối với đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài có sự phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã có liên quan tổ chức xét duyệt các trường hợp được hưởng chế độ thu hút của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

2. Báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc tiếp nhận, phân công, bố trí công tác cho các đối tượng được thu hút.

3. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Quy định này.

Điều 29. Trách nhiệm của Sở Tài chính

1. Cân đối ngân sách, hàng năm bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ theo Quy định này.

2. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, thị xã lập dự toán, quản lý sử dụng, thu hồi và quyết toán kinh phí thực hiện các chính sách thu hút và chế độ hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo Quy định này.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chính sách này. Trong quá trình thực hiện, nếu cần thay đổi, bổ sung hay hủy bỏ bất kỳ chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ nào trong Quy định này, Giám đốc Sở Nội vụ tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

MỨC SINH HOẠT PHÍ HỖ TRỢ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC HỌC BỔNG ĐI ĐÀO TẠO NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số:96 2009/QĐ-UBND ngày 31 tháng12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

TÊN NƯỚC

Mức sinh hoạt phí toàn phần

(USD, EURO/người/tháng)

Bằng đồng đô la Mỹ

Bằng đồng Euro

1

2

3

Ấn Độ

350

 

Trung Quốc

350

 

Đài Loan

350

 

Campuchia, Lào

170

 

Mông Cổ

170

 

Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông

500

 

Thái Lan, Philippines, Malaysia

300

 

Ba Lan

400

 

Bungary

400

 

Hungary

400

 

Séc

400

 

Slôvakia

400

 

Rumani

400

 

Ucraina, Bêlarútxia

400

 

Nga

400

 

Cuba

170

 

Các nước Tây Bắc Âu

 

740

Mỹ, Canada, Anh, Nhật Bản

1.000

 

Úc, New Zealand

860

 

Ai Cập

450

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 96/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 96/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản