Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 951/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 09 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CẤP KHÔNG THU TIỀN MỘT SỐ MẶT HÀNG THIẾT YẾU CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VÙNG MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NGÃI NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN, GIAI ĐOẠN 2019 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2018/NĐ-HĐND ngày 10/10/2018 của HĐND tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 10 Quy định cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Tết Nguyên đán, giai đoạn 2019 - 2025;

Theo đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 727/TTr-BDT ngày 05/11/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Tết Nguyên đán, giai đoạn 2019 - 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế; Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện miền núi và Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: LĐ-TB và XH, Tài chính (b/cáo);
- Ủy ban Dân tộc (b/cáo);
- TT Tỉnh ủy (b/cáo);
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- BTT Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- VPUB: CVP, TH, KGVX, CBTH;
- Lưu: VT, KT.toan188

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

ĐỀ ÁN

CẤP KHÔNG THU TIỀN MỘT SỐ MẶT HÀNG THIẾT YẾU CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VÙNG MIỀN NÚI TỈNH QUẢNG NGÃI NHÂN DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN, GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
(Kèm theo Quyết định số: 951/QĐ-UBND ngày 09/11/2018 của UBND tỉnh)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

1. Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;

2. Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

3. Quyết định số 2356/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;

4. Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc;

5. Kết luận số 31-KL/TU ngày 27/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở 06 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2016-2020;

6. Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND ngày 10/10/2018 của HĐND tỉnh Ban Dân tộc tỉnh Quy định cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Tết Nguyên đán, giai đoạn 2019 - 2025

7. Kế hoạch số 1088/KH-UBND ngày 17/3/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

II. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Quảng Ngãi có 14 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 thành phố trực thuộc và 13 huyện, trong đó có 1 huyện đảo, 1 huyện trung du, 6 huyện đồng bằng, 6 huyện vùng cao; toàn tỉnh có 184 đơn vị hành chính cấp xã (gồm có 9 thị trấn, 9 phường và 166 xã). Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh chủ yếu sinh sống tập trung ở 06 huyện vùng cao và 16 xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng. Tính đến cuối năm 2017, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có 50.493 hộ với 190.931 khẩu là người đồng bào DTTS, trong đó: Dân tộc H’re có 37.215 hộ với 136.311 khẩu; dân tộc Co: 7.938 hộ với 34.050 khẩu; dân tộc Cadong có 5.245 hộ với 20.208 khẩu và dân tộc khác (Xa Rá, Tày, Ba Kô, Mường, Xa Đăng, Ê đê, Thái, Mnông ...) là 96 hộ với 365 khẩu (nguồn số liệu thực hiện cấp không thu tiền các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào DTTS nhân dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất - 2018).

Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của Chính phủ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều thay đổi mang tính căn bản. Các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào DTTS cùng với các Chương trình, kế hoạch chung của Trung ương và của tỉnh đầu tư trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh đã góp phần làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS của tỉnh ngày càng đồng bộ, điều kiện sản xuất của người dân thuận lợi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội của vùng DTTS của tỉnh còn nhiều khó khăn, có 05/06 huyện vùng cao của tỉnh là huyện nghèo thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (giai đoạn 2008-2017 là 06/06 huyện). Trong giai đoạn 2016-2020 vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có 266 thôn đặc biệt khó khăn (trong đó 59 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II và 207 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III); có 04 xã khu vực I, 33 xã khu vực II và 46 xã khu vực III. Tổng số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao; đến đầu năm 2018, toàn vùng có 22.697 hộ hộ nghèo; chiếm tỷ lệ 36,97% và 8.518 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 13,87%; trong đó, tổng số hộ nghèo là DTTS là 20.899 hộ (chiếm tỷ lệ 53,41% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 91,25% tổng số hộ nghèo của vùng đồng bào DTTS và miền núi).

Để chăm lo, phục vụ đời sống, động viên tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong dịp tết Nguyên đán hàng năm; 21 năm qua (từ năm 1997 đến năm 2018), tỉnh ta đã thực hiện chủ trương cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào các DTTS nhân dịp tết Nguyên đán với các mặt hàng như: Nước mắm, dầu ăn và bột ngọt (trong đó: từ năm 1997 đến năm 2006, sử dụng nguồn vốn còn lại sau khi thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước và một phần vốn từ ngân sách tỉnh; từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện nội dung này từ nguồn ngân sách của tỉnh). Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chủ trương này mang tính chất hàng năm, không có đề án, kế hoạch dài hạn nên đã gây khó khăn cho việc lập dự toán, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hàng năm của các sở ngành và địa phương. Vì vậy, việc phê duyệt Đề án cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào DTTS ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Tết Nguyên đán, giai đoạn 2019 - 2025 là cần thiết.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CẤP KHÔNG THU TIỀN MỘT SỐ MẶT HÀNG THIẾT YẾU CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

1. Kết quả thực hiện

Trong giai đoạn 2007 - 2018, đã thực hiện cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi của tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán cho 541.539 lượt hộ với 2.092.844 lượt khẩu thụ hưởng. Tổng khối lượng hàng hóa đã cấp phát là 210,751 tấn bột ngọt (với định mức 100 gam/khẩu, riêng năm 2007 là 400 gam/hộ); 1.063.164 lít nước mắm (với định mức 02 lít/hộ, riêng năm 2007 là 1,4 lít/hộ); 507.184 lít dầu ăn (với định mức là 01 lít/hộ, riêng năm 2007 không thực hiện). Tổng kinh phí đã thực hiện là 48.974,63 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách tỉnh là 48.485,10 triệu đồng; ngân sách huyện là 489,53 triệu đồng (chi phí vận chuyển). Trong giai đoạn 2012-2018, chi phí bình quân thực hiện chính sách này là 110.000đồng/hộ/năm.

2. Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại và nguyên nhân

Việc thực hiện chủ trương cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở vùng miền núi của tỉnh trong những ngày vui xuân đón tết Nguyên đán, tạo được niềm tin của bà con đồng bào DTTS vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và chính sách này cũng được các Bộ ngành Trung ương đánh giá cao. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này hàng năm còn tồn tại như sau:

- Hàng năm các ngành và UBND các huyện luôn bị động trong việc thực hiện chủ trương này vì hàng năm Ban Dân tộc tỉnh phải xin chủ trương và được sự thống nhất của UBND tỉnh mới triển khai thực hiện. Quy trình thủ tục thực hiện còn phức tạp. Cụ thể: Vào đầu quý IV, Ban Dân tộc tỉnh có văn bản đề nghị UBND tỉnh thống nhất cho chủ trương thực hiện; sau khi được UBND tỉnh thống nhất chủ trương, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND các huyện xây dựng phương án gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, UBND các huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

- Việc cho chủ trương thực hiện hàng năm đã gây khó khăn trong việc bố trí kinh phí thực hiện, các địa phương không có cơ sở để xây dựng dự toán, kế hoạch thực hiện theo quy định chung của Nhà nước.

- Thời gian thực hiện chủ trương này thường rất ít và rơi vào dịp đầu năm dương lịch và cuối năm âm lịch, thời tiết thường không thuận lợi đã gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện của các địa phương.

- Trong những năm qua, giá cả thị trường luôn biến động theo xu hướng ngày càng tăng nhưng định mức thực hiện chủ trương này hầu như không thay đổi dẫn đến việc thực hiện chủ trương này có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu về chất lượng đối với mặt hàng nước mắm.

IV. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

Thực hiện Đề án về cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào DTTS ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Tết Nguyên đán, giai đoạn 2019 - 2025 nhằm động viên tinh thần, chăm lo đời sống của đồng bào các DTTS trong dịp tết Nguyên đán hàng năm, củng cố niềm tin của bà con đồng bào DTTS vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

2. Phạm vi, đối tượng

a) Phạm vi

Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi (gồm 06 huyện miền núi và các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng) của tỉnh Quảng Ngãi.

b) Đối tượng áp dụng

- Hộ dân tộc thiểu số, nhân khẩu là thành viên trong hộ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.

Hộ dân tộc thiểu số được xác định là hộ khẩu đáp ứng ít nhất một trong ba điều kiện sau: Chủ hộ là người dân tộc thiểu số; vợ hoặc chồng của chủ hộ là người dân tộc thiểu số; hộ có tỷ lệ thành viên là người dân tộc thiểu số chiếm từ 50% trở lên.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện quy định cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Các mặt hàng thiết yếu cấp không thu tiền và định mức

a) Nước mắm: 02 lít/hộ/năm;

b) Dầu ăn thực vật: 01 lít/hộ/năm;

c) Bột ngọt: 100 gam/nhân khẩu/năm;

d) Muối I-ốt: 01 kg/nhân khẩu/năm.

Mức hỗ trợ để mua và cấp không thu tiền các mặt hàng thiết yếu quy định tại khoản này tối đa là 180.000 là đồng/hộ/năm; trường hợp giá thị trường các mặt hàng thiết yếu tăng vượt mức hỗ trợ này thì Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh để có ý kiến về việc thực hiện.

4. Phương thức thực hiện: Thực hiện cấp trực tiếp bằng hiện vật.

5. Yêu cầu về chất lượng

Các mặt hàng cấp không thu tiền phải đảm bảo đúng số lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành, có nhãn mác hàng hóa ghi đầy đủ các thông tin theo quy định hiện hành đã được các đơn vị sản xuất đăng ký với cơ quan chức năng trong nước.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí thực hiện: 60.371 triệu đồng. Trong đó:

- Năm 2019: 9.252 triệu đồng;

- Năm 2020: 9.419 triệu đồng;

- Năm 2021: 9.588 triệu đồng;

- Năm 2022: 9.761 triệu đồng;

- Năm 2023: 9.937 triệu đồng;

- Năm 2024: 10.116 triệu đồng;

- Năm 2025: 10.298 triệu đồng.

2. Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai, hướng dẫn UBND các huyện triển khai thực hiện Đề án.

- Hàng năm tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện Đề án hàng năm trên cơ sở đề nghị của UBND các huyện, gửi Sở Tài chính để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định giao dự toán.

- Kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án ở các địa phương, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Đề án.

2. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán do UBND các huyện lập và đã được Ban Dân tộc tỉnh tổng hợp, thẩm tra, tổng hợp dự toán ngân sách địa phương hàng năm trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định bố trí kinh phí để thực hiện; đồng thời, hướng dẫn thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí theo quy định.

3. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện thực hiện công tác kiểm định đo lường, nhãn mác mặt hàng trước khi cấp cho đối tượng thụ hưởng.

4. Sở Công Thương: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm định chủng loại, chất lượng các mặt hàng trước khi cấp cho đối tượng thụ hưởng; đồng thời kiểm tra trong lúc cấp hàng cho đối tượng thụ hưởng.

5. Sở Y tế: Chủ trì kiểm tra, giám sát việc cấp muối I-ốt theo đúng quy định của Nhà nước. Kiểm tra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các mặt hàng thiết yếu trước khi cấp cho đối tượng thụ hưởng.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền nội dung của Đề án, kết quả thực hiện Đề án hàng năm để củng cố niềm tin của bà con đồng bào DTTS vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

7. Ủy ban nhân dân các huyện miền núi, UBND các huyện đồng bằng có xã miền núi có đồng bào DTTS sinh sống

- Chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả, hiệu quả thực hiện Đề án trên địa bàn huyện.

- Hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án (cùng với thời điểm lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh) gửi về Ban Dân tộc tỉnh, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh giao dự toán hàng năm để triển khai thực hiện.

- Trường hợp kinh phí do ngân sách tỉnh bố trí không đủ theo số liệu thực tế, UBND huyện phải bố trí ngân sách huyện để bảo đảm cho tất cả các đối tượng thuộc diện thụ hưởng được cấp phát hàng hóa theo quy định, tránh trường hợp bỏ sót làm ảnh hưởng đến chủ trương của tỉnh.

- Trên cơ sở nội dung của Đề án này và nguồn kinh phí được UBND tỉnh giao hàng năm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện xây dựng Phương án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

- Việc cấp phát hàng hóa cho đối tượng thụ hưởng phải lựa chọn địa điểm phù hợp, thuận lợi cho các đối tượng nhận hàng hóa. Danh sách, số lượng đối tượng thụ hưởng phải được niêm yết công khai tại nơi cấp phát. Thời gian cấp phát hàng hóa cho đối tượng thụ hưởng phải được thực hiện từ ngày 20 đến ngày 25 tháng chạp hàng năm.

- Quản lý, sử dụng kinh phí được bố trí đúng mục tiêu và quyết toán với Sở Tài chính theo quy định.

- Kế hoạch thực hiện, thời gian tổ chức cấp phát hàng hóa phải gửi về các Sở: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế và Ban Dân tộc tỉnh để kiểm tra, giám sát việc cấp phát. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (thông qua Ban Dân tộc tỉnh) trước ngày 27 tháng chạp hàng năm.

Trường hợp để xảy ra hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được cấp phát thì các sở, ban, ngành liên quan, đơn vị cung ứng và UBND các huyện nơi để xảy ra hàng hóa kém chất lượng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 951/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Tết Nguyên đán, giai đoạn 2019-2025

  • Số hiệu: 951/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/11/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản