Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 948/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 28 tháng 5 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG KHẮC PHỤC CƠ BẢN HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 651/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 492/STNMT, ngày 08 tháng 4 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Vĩnh Long; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
HÀNH ĐỘNG KHẮC PHỤC CƠ BẢN HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 28/5/2013 của UBND tỉnh Vĩnh Long)
Căn cứ Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động) với những nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU:
Giải quyết cơ bản hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và con người ở tỉnh Vĩnh Long, cụ thể:
- Thực hiện chính sách ưu đãi cho tất cả người tham gia kháng chiến và con, cháu ruột của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
- Thực hiện trợ cấp đời sống và chế độ bảo hiểm y tế cho những hộ gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn và tất cả hộ gia đình có từ hai người tàn tật nặng trở lên.
- Tất cả thai phụ bị nhiễm chất độc hóa học được quản lý thai nghén và chăm sóc sức khoẻ đặc biệt đối với bà mẹ và trẻ em.
- Xử lý tẩy rửa khu vực đã bị nhiễm chất độc hóa học (nếu phát hiện).
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ:
1. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
2. Xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra sức khoẻ, bệnh tật của các nạn nhân chất độc hóa học.
3. Thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân chất độc hóa học đối với những người tham gia kháng chiến và con, cháu ruột của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công.
4. Trợ cấp và có chế độ bảo hiểm y tế cho các gia đình nạn nhân chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều người bị bệnh, tật nặng.
5. Tuân thủ đúng quy trình xác định nạn nhân chất độc hóa học và tiêu chí xác định bệnh/tật do chất độc hóa học được Nhà nước ban hành.
6. Cập nhật số lượng nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
7. Thành lập, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng các mô hình chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng, các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ nạn nhân ở các địa phương. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ cho nạn nhân chất độc hóa học về vật chất và tinh thần để cải thiện đời sống và chữa bệnh.
8. Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc hóa học.
9. Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, tư vấn sinh sản và di truyền, chẩn đoán dị tật bẩm sinh trước khi sinh cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học.
10. Tăng cường vận động các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế và phi Chính phủ đồng thời đề nghị Chính phủ tham gia nghiên cứu và khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học ở nước ta nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Phân công nhiệm vụ:
1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Vĩnh Long, các sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Kế hoạch hành động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
- Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, Bộ CHQS tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh xử lý, tẩy rửa và khắc phục cải thiện môi trường khu vực đã bị nhiễm chất độc hóa học (nếu phát hiện).
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động.
1.2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Chịu trách nhiệm và thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chính sách và chế độ trợ giúp nạn nhân chất độc hóa học đối với những người tham gia kháng chiến và con, cháu ruột của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Vĩnh Long và UBND các huyện, thị xã, thành phố:
+ Xây dựng chương trình kế hoạch kiểm tra sức khoẻ, bệnh tật dị tật của các nạn nhân chất độc hóa học.
+ Trợ cấp và mua bảo hiểm y tế cho các gia đình nạn nhân chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn và có nhiều người bị bệnh, tật nặng.
+ Thực hiện quy trình xác định nạn nhân chất độc hóa học và tổ chức thống kê, quản lý số lượng nạn nhân chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
+ Xây dựng các mô hình chăm sóc nạn nhân tại cộng đồng, các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ nạn nhân trong tỉnh.
+ Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc hóa học.
1.3. Sở Y tế:
- Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, tư vấn sinh sản và di truyền, chẩn đoán dị tật bẩm sinh trước khi sinh cho nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học.
- Hướng dẫn danh mục bệnh, tật và tiêu chí chẩn đoán bệnh, tật có liên quan đến chất độc hóa học theo quy định của Bộ Y tế.
- Xây dựng, triển khai kế hoạch chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh, tật cho nạn nhân chất độc hóa học; xây dựng chương trình phát hiện sớm, tư vấn sinh sản, giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học.
- Tuân thủ đúng quy trình xác định nạn nhân chất độc hóa học và tiêu chí xác định bệnh/tật do chất chất độc hóa học được Nhà nước ban hành.
- Phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu đề xuất chế độ bảo hiểm y tế phù hợp cho các nạn nhân.
1.4. Bộ CHQS tỉnh:
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố, bệnh xá, bệnh viện quân dân y kết hợp tham gia nghiên cứu và điều trị bệnh, tật cho nạn nhân chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
- Rà phá, xử lý triệt để các loại bom, mìn có chất độc hóa học tồn đọng sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
- Cung cấp tên địa phương phát hiện có bom đạn hóa học, qua quá trình thu gom, xử lý bom đạn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.
- Giải mã và công bố (hoặc cung cấp) phiên hiệu các đơn vị quân đội hoạt động tại các vùng bị phun rải chất độc hóa học.
1.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và hướng dẫn lồng ghép Kế hoạch hành động vào các quy hoạch và kế hoạch mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị liên quan phân bổ nguồn lực, bố trí ngân sách và các nguồn tài trợ cho các chương trình và dự án liên quan đến Kế hoạch hành động.
1.6. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị liên quan căn cứ nguồn ngân sách tỉnh hàng năm, bố trí ngân sách để thực hiện kế hoạch.
- Hướng dẫn việc sử dụng kinh phí cho các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học.
1.7. Sở Khoa học và Công nghệ:
Hướng dẫn cơ quan, đơn vị liên quan các quy định về trình tự xây dựng, trình phê duyệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (đề tài/dự án cấp tỉnh) về chất độc hóa học.
1.8. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Vĩnh Long tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học.
1.9. Đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Vĩnh Long:
- Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ủng hộ cho nạn nhân chất độc hóa học về vật chất và tinh thần để cải thiện đời sống và chữa bệnh. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học.
- Tổ chức vận động gây quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc hóa học. Xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình nạn nhân khó khăn về nhà ở.
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của tỉnh, cụ thể:
+ Cập nhật số lượng khu vực bị rãi chất độc và nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
+ Thành lập, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Vĩnh Long từ tỉnh đến cơ sở.
- Tăng cường vận động các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế và phi Chính phủ tham gia nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất độc hóa học.
1.10. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện các chương trình, dự án trong Kế hoạch hành động.
- Huy động mọi nguồn lực và lồng ghép các hoạt động có liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch hành động; kiện toàn cơ quan đầu mối ở địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, hàng năm việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn quản lý.
2. Cơ chế tài chính:
Ngân sách tỉnh đảm bảo các nguồn lực cần thiết, đồng thời vận động sự đóng góp của cộng đồng; tạo cơ sở pháp lý và môi trường thuận lợi để huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện - nhân đạo, các tổ chức quốc tế, các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ nước ngoài tham gia thực hiện Kế hoạch hành động.
Việc lập, phân bổ, quyết định giao dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Kế hoạch hành động thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ vào nhiệm vụ được giao có trách nhiệm lập chương trình, kế hoạch, dự án và dự toán kinh phí trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chế độ báo cáo:
Các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện có trách nhiệm định kỳ trước 30 tháng 11 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện, có khó khăn, vướng mắc phát sinh hoặc nếu phát hiện khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học; các sở, ban, ngành tỉnh liên quan, UBND cấp huyện báo cáo kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Lao động Thương binh và Xã hội hoặc Bộ CHQS tỉnh để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
- 1Quyết định 942/QĐ-UBND năm 2013 ban hành Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 2Kế hoạch 120/KH-UBND năm 2013 khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Hậu Giang ban hành
- 3Quyết định 1835/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 4Quyết định 1692/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 651/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 942/QĐ-UBND năm 2013 ban hành Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020
- 5Kế hoạch 120/KH-UBND năm 2013 khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Hậu Giang ban hành
- 6Quyết định 1835/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 7Quyết định 1692/QĐ-UBND năm 2016 Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Quyết định 948/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch hành động khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
- Số hiệu: 948/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/05/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Nguyễn Văn Diệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/05/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra