Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 947/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 13 tháng 5 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 20/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình số 28-CTr/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 28-CT/TU ngày 20/7/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 29/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 131/TTr-SNN ngày 16/4/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án), với những nội dung chủ yếu sau (kèm theo Đề án số 147/ĐA-SNN ngày 16/4/2024):

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2030 phát triển bền vững, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, trình độ công nghệ đạt mức trung bình trở lên so với cả nước. Góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Diện tích nuôi tôm 280.000 ha; diện tích trồng lúa 95.000 ha; diện tích có rừng tập trung 96.000 ha; đàn heo 250.000 con, đàn gia cầm 4.500.000 con.

- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đạt mức trên trung bình của cả nước, một số ngành hàng như chế biến tôm, lúa gạo chất lượng cao, gỗ đạt mức tiên tiến, hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

- Xây dựng nhà máy chế biến gạo chất lượng cao, nhà máy chế biến gỗ, chuối công suất lớn; hình thành các nhà máy chế biến nông sản khác, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Đến năm 2030

- Diện tích nuôi tôm 280.000 ha; diện tích trồng lúa 95.000 ha; diện tích có rừng tập trung đạt 96.000 ha; đàn heo 300.000 con, đàn gia cầm 5.500.000 con.

- Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đạt mức khá của cả nước. Phát triển thêm nhà máy chế biến gạo chất lượng cao, nhà máy chế biến gỗ, chuối công suất lớn, nhà máy chế biến nông sản, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thu hút các dự án đầu tư trồng và chế biến sâu đối với gỗ rừng trồng, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Hình thành, củng cố chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến

- Phát triển vùng nguyên liệu nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm tập trung tại các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau; vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, chuối và trái cây tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời; phát triển chăn nuôi tại các huyện, thành phố Cà Mau và phát triển diện tích rừng trồng tại các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển.

- Khuyến khích các cơ sở chế biến đầu tư, nâng cấp nhà máy chế biến quy mô lớn, công nghệ hiện đại, nhằm tạo ra sản phẩm đa dạng, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2.2. Tổ chức lại sản xuất, chế biến

Tổ chức sản xuất theo hình thức chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, định hướng sản xuất; bảo đảm đầu ra cho nông sản; tạo ra sản phẩm có chất lượng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, cung ứng cho thị trường trong nước và tiếp cận dần với chuỗi cung ứng toàn cầu.

2.3. Khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong bảo quản sau thu hoạch, bảo quản thực phẩm và các ngành hàng trọng điểm, chuỗi giá trị, phù hợp với nhu cầu của thị trường; quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

- Tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa vào công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh liên kết với nguồn cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

2.4. Xúc tiến thương mại và tiêu thụ

Tăng cường phát triển thị trường nội địa, đồng thời phát triển các thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc,... chú trọng mở rộng các thị trường mới có tiềm năng. Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng, Doanh nghiệp, Hợp tác xã, để thực hiện tốt việc tiêu thụ, thông tin, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và người tiêu dùng.

2.5. Bảo vệ môi trường

Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quan trắc, giám sát môi trường, đánh giá tác động của nguồn thải từ các khu công nghiệp; triển khai hệ thống quản lý môi trường tại các nhà máy, khu công nghiệp theo phương pháp hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin.

2.6. Cơ chế, chính sách

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí đủ đất để tổ chức sản xuất nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách đất đai đối với chủ trương tích tụ đất nông nghiệp, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, từ đó có thể ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

3. Các nhiệm vụ, dự án ưu tiên

Chi tiết các nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện Đề án giai đoạn 2024 - 2030 và danh mục các dự án dự kiến đề xuất mời gọi đầu tư tại Phụ lục II và III của Đề án.

4. Kinh phí thực hiện

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện 52 tỷ đồng (ngân sách địa phương 17 tỷ đồng, nguồn vốn ngoài ngân sách 35 tỷ đồng), trong đó kinh phí phân khai theo từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 2024 - 2025 là 11,2 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 40,8 tỷ đồng.

Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án: Đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp từ nguồn ngân sách địa phương thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên thực hiện lồng ghép vào các Kế hoạch, Chương trình, Đề án, Dự án đang triển khai thực hiện và kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác.

5. Tổ chức thực hiện

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, định kỳ hàng năm, 05 năm, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết; đề xuất điều chỉnh các danh mục thực hiện Đề án và giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện. Tổng hợp, xây dựng kế hoạch, dự toán hàng năm để triển khai thực hiện theo mục tiêu, nội dung của Đề án.

- Các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị tại Mục IV Đề án;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Phòng NN-TN (Kha05);
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Sử

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 947/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030

  • Số hiệu: 947/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lê Văn Sử
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản