Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 946/QĐ-BXD | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ XÂY DỰNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 140/NQ-CP NGÀY 17/5/2025 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 66-NQ/TW NGÀY 30/4/2025 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới;
Căn cứ Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới;
Căn cứ Nghị định số 33/2025/NĐ-CP ngày 25/02/2025 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng các Cục, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ XÂY DỰNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 140/NQ-CP NGÀY 17/5/2025 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 66-NQ/TW NGÀY 30/4/2025 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ THI HÀNH PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 946/QĐ-BXD ngày 28 tháng 6 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
I. Mục tiêu
Xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu nhằm cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 66-NQ/TW), Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động của Chính phủ) phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện, tình hình thực tiễn của Bộ Xây dựng.
II. Nhiệm vụ cụ thể
Để triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, các đơn vị thuộc Bộ cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật
a) Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của các cấp ủy đảng đối với việc thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này; lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật;
b) Xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên trong công tác quản lý nhà nước của Bộ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật;
c) Trong phạm vi lĩnh vực được phân công, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm chính về chất lượng chính sách, pháp luật do cơ quan, đơn vị mình chủ trì soạn thảo, tham mưu trình; gắn với công tác đánh giá, khen thưởng, sử dụng cán bộ và có chế tài, biện pháp xử lý đối với người không thực hiện đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật;
d) Chủ động rà soát quy hoạch và kiện toàn cơ cấu lãnh đạo, bảo đảm Bộ có ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật.
2. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực
a) Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; bám sát thực tiễn, phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; tham mưu xây dựng luật phải có giải pháp để bảo đảm các quy định mang tính ổn định, có giá trị lâu dài, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm;
b) Chú trọng nghiên cứu chiến lược, chính sách từ sớm trên cơ sở tình hình thực tiễn và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới đến kinh nghiệm của Việt Nam, góp phần tăng cường tính dự báo, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra;
c) Thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; trong đó các hoạt động tổng kết, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động chính sách, lựa chọn chính sách, tổ chức lấy ý kiến phải được thực hiện kỹ lưỡng, thực chất, khoa học. Đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là các chính sách có tác động lớn đến xã hội, người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm việc tiếp thu, giải trình và công khai nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động;
d) Triệt để cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh bất hợp lý, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định; triển khai hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân theo yêu cầu của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia;
đ) Khẩn trương tham mưu sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và việc cơ cấu lại không gian phát triển mới ở từng địa bàn.
3. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật
a) Chú trọng công tác giải thích pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
b) Tăng cường đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị và giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hợp nhất, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật sau khi được ban hành để kịp thời nhận diện, tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật;
c) Tăng cường phòng ngừa, cảnh báo vi phạm pháp luật gắn với việc giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền, thiếu trách nhiệm; đồng thời, góp phần khắc phục bệnh đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nghiêm cấm việc lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để trục lợi hoặc can thiệp, cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân.
4. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế
a) Nâng cao năng lực bảo đảm thực hiện công tác đàm phán, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và triển khai thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý trong điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ;
b) Tiếp tục tham mưu mở rộng hợp tác quốc tế về pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo hướng hiệu quả, thực chất; quan tâm hợp tác các nội dung để hoàn thiện pháp luật góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
5. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật
a) Thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động, vị trí việc làm theo quy định;
b) Trường hợp cần thiết, thực hiện cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật;
c) Thực hiện việc thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công theo quy định;
d) Quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng của các cơ sở nghiên cứu chiến lược, chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
6. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm; lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào phong trào “học tập số”.
7. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật
a) Thực hiện chế độ chi đặc thù cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo định mức quy định. Người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ động và chịu trách nhiệm trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí được giao.
b) Bố trí nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết số 66-NQ/TW và Chương trình hành động của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Chương trình hành động của Bộ trong tháng 7 năm 2025.
2. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ đã ban hành, còn hiệu lực thực hiện có liên quan đến xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật (nếu có) để điều chỉnh, đồng bộ thống nhất với Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, hoàn thành trong năm 2025.
3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung nhiệm vụ được giao trong Chương trình hành động của Bộ và Phụ lục kèm theo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình này, định kỳ 6 tháng gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 08 tháng 6 và trước ngày 25 tháng 11 để tổng hợp gửi Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ.
4. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp chung kết quả thực hiện của Bộ; theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình này, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ đối với những vấn đề phát sinh hoặc kiến nghị biện pháp triển khai hiệu quả Chương trình trên cơ sở đề xuất của các đơn vị.
5. Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động trong việc lập dự toán; quản lý, sử dụng kinh phí trong phạm vi dự toán được giao. Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ bố trí ngân sách bảo đảm cho các đơn vị thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Chương trình hành động này theo quy định của pháp luật.
6. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động của Bộ, các đơn vị chủ động đề xuất gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 66-NQ/TW
(Kèm theo Chương trình hành động tại Quyết định số 946/QĐ-BXD ngày 28 tháng 6 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
TT | Tên nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Kết quả | Thời gian hoàn thành |
I | Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật | ||||
1 | - Thường xuyên tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 66- NQ/TW cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý bằng hình thức phù hợp; - Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này; đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật. | Các đơn vị thuộc Bộ |
|
| Thường xuyên |
2 | Thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong xây dựng và thi hành pháp luật, gắn với triển khai thực hiện Quy định số 178-QĐ/TW, ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị. | Các đơn vị thuộc Bộ |
|
| Thường xuyên |
3 | Chủ động rà soát quy hoạch và kiện toàn cơ cấu lãnh đạo, bảo đảm Bộ có ít nhất một lãnh đạo có chuyên môn pháp luật. | Vụ Tổ chức cán bộ | Các đơn vị liên quan |
| Thường xuyên |
II | Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển | ||||
1 | Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh truyền thông chính sách, nhất là các chính sách có tác động lớn đến xã hội, người dân, doanh nghiệp. | Các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ; Văn phòng Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin | Các đơn vị liên quan |
| Thường xuyên |
2 | Chủ động rà soát, kiến nghị giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật (thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ) để cơ bản hoàn thành trong năm 2025. | Các đơn vị thuộc Bộ | Các đơn vị liên quan | Báo cáo rà soát, tháo gỡ “điểm nghẽn” do quy định pháp luật | Trước ngày 15/7/2025 |
Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành | Năm 2025 | ||||
3 | Rà soát, sửa đổi, bổ sung và tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính, gắn với phân cấp, phân quyền tối đa theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. | Các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ; Văn phòng Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin | Các đơn vị liên quan | Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát các nội dung phân cấp, phân quyền | Đã hoàn thành |
Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành | Năm 2025 - 2026 | ||||
4 | Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án tồn đọng, vướng thủ tục, chậm tiến độ. | Chủ đầu tư/ Ban Quản lý dự án thuộc Bộ, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, Vụ Kế hoạch - Tài chính | Các đơn vị liên quan | Các văn bản đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc | Năm 2025 - 2026 |
5 | Rà soát, hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng cắt giảm ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh bảo đảm nguyên tắc cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng đạt được. | Các Vụ, Cục thuộc Bộ; Văn phòng Bộ | Các đơn vị liên quan | Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành | 2025 (tiếp tục cắt giảm trong những năm tiếp theo theo Chương trình của Chính phủ) |
6 | Xây dựng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số. | Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng | Các đơn vị liên quan | Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành | Năm 2026 |
III | Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế | ||||
1 | - Phát huy cao độ tinh thần phục vụ Nhân dân, tư duy kiến tạo phát triển, hành động vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Bộ; - Xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. | Các đơn vị thuộc Bộ |
|
| Thường Xuyên |
2 | Tăng cường công tác giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng) | Các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ; Văn phòng Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin | Các đơn vị liên quan | Các văn bản giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật tham mưu Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành | Thường xuyên |
3 | Thực hiện thường xuyên, hiệu quả, công tác kiểm tra, xử lý; rà soát, hợp nhất, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. | Các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ; Văn phòng Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin | Các đơn vị liên quan | Báo cáo công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hợp nhất; văn bản công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật | Thường xuyên |
4 | Tăng cường đối thoại, tiếp nhận, lắng nghe phản ánh, kiến nghị, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương. | Các Vụ, Cục thuộc Bộ; Văn phòng Bộ | Các đơn vị liên quan | Các hoạt động đối thoại, tiếp nhận ý kiến; văn bản giải quyết kiến nghị | Thường xuyên |
5 | Thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau ban hành (kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm công tác tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường các hoạt động điều tra, khảo sát). | Các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ; Văn phòng Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin | Các đơn vị liên quan | Báo cáo đánh giá hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất xử lý; văn bản quy phạm pháp luật (nếu có); | Thường xuyên |
6 | Tăng cường công tác phòng ngừa, cảnh báo vi phạm pháp luật đi đôi với hậu kiểm, giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý, kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. | Các Vụ, Cục thuộc Bộ; Văn phòng Bộ | Các đơn vị liên quan | Kết quả hậu kiểm, biện pháp phòng ngừa, cảnh báo | Thường xuyên |
7 | Nâng cao năng lực bảo đảm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế. | Vụ Hợp tác quốc tế | Các Vụ, Cục thuộc Bộ |
| Thường xuyên |
IV | Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật | ||||
1 | - Thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật theo quy định; - Tổ chức theo thẩm quyền các buổi tập huấn về xây dựng pháp luật trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải hoặc tham gia các buổi tập huấn kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức; - Tổ chức rà soát, đánh giá để bảo đảm yêu cầu, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật thuộc phạm vi quản lý. | Các Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ; Văn phòng Bộ; Trung tâm Công nghệ thông tin | Các đơn vị liên quan |
| Thường xuyên |
2 | Nâng cao năng lực của tổ chức pháp chế thuộc Bộ, các đơn vị thuộc Bộ. | Các Vụ: Pháp chế, Tổ chức cán bộ; các tổ chức pháp chế của các đơn vị thuộc Bộ | Các đơn vị liên quan | Đề án nâng cao năng lực tổ chức pháp chế của Bộ | Năm 2026 |
3 | Hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với lãnh đạo, công chức có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Vụ Pháp chế. | Văn phòng Bộ, các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Pháp chế, Tổ chức cán bộ (theo chức năng, nhiệm vụ) | Các đơn vị liên quan |
| Thường xuyên (triển khai thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền) |
4 | Trường hợp cần thiết, thực hiện cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật. | Vụ Tổ chức cán bộ | Các đơn vị liên quan |
| Thường xuyên |
V | Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật | ||||
1 | Lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào phong trào “học tập số”. | Các đơn vị thuộc Bộ |
|
| Thường xuyên |
- 1Thông tư 21/2025/TT-BCT quy định về xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công thương
- 2Quyết định 706/QĐ-BXD năm 2025 về Quy chế soạn thảo, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng
- 3Công văn 3001/BTP-KTVB&QLXLVPHC năm 2025 thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tổ chức thi hành pháp luật khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp do Bộ Tư pháp ban hành
Quyết định 946/QĐ-BXD năm 2025 về Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết 140/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
- Số hiệu: 946/QĐ-BXD
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/06/2025
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Trần Hồng Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/06/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra