Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/QĐ-UB

Lào Cai, ngày 19 tháng 4 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MẠNG ĐIỆN THOẠI XÃ, CỤM XÃ, ĐỒN BIÊN PHÒNG TỈNH LÀO CAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ kết luận phiên họp UBND tỉnh Lào Cai ngày 04/4/1997;

Xét Tờ trình của Bưu điện tỉnh Lào Cai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về xây dựng, quản lý và sử dụng mạng điện thoại xã, cụm xã, đồn Biên phòng tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Lộng

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ VIỆC XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MẠNG ĐIỆN THOẠI XÃ, CỤM XÃ, ĐỒN BIÊN PHÒNG TỈNH LÀO CAI

(GỌI TẮT LÀ "MẠNG VIỄN THÔNG NÔNG THÔN")
 Ban hành kèm theo quyết định số: 94/QĐ-UB ngày 19/4/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Mạng thông tin điện thoại các xã, cụm xã, đồn Biên phòng (gọi chung là mạng viễn thông nông thôn) là bộ phận cấu thành của mạng viễn thông quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bưu chính - viễn thông. Mạng viễn thông nông thôn cần phải quản lý, sử dụng có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, vùng nông thôn, miền núi và bảo vệ an ninh tổ quốc.

Quy chế này quy định các nội dung về xây dựng, quản lý, khai thác mạng viễn thông nông thôn.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mạng viễn thông nông thôn nhằm đảm bảo thông tin liên lạc cho các xã, cụm xã, đồn Biên phòng về điện báo điện thoại trong nước và quốc tế. Với mục đích phục vụ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các lực lượng vũ trang trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội văn hóa xã hội ở nông thôn, nâng cao dân trí cho nhân dân các dân tộc, bảo vệ an ninh tổ quốc.

Điều 2. Việc xây dựng mạng viễn thông nông thôn, vừa phải đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thông tin liên lạc, vừa phải đảm bảo phù hợp với trình độ quản lý, vận hành các xã, cụm xã, đồn Biên phòng.

Điều 3. Việc quản lý vận hành mạng viễn thông nông thôn phải đảm bảo "nhanh chóng, chính xác, an toàn, bí mật" là nhiệm vụ đặc biệt cần quan tâm của người quản lý và sử dụng thiết bị.

Chương II

TỔ CHỨC XÂY DỰNG

Điều 4. Bưu điện tỉnh Lào Cai có trách nhiệm:

4.1. Xây dựng quy hoạch phát triển mạng viễn thông nông thôn phù hợp với quy hoạch mạng viễn thông toàn tỉnh và quốc gia.

4.2. Căn cứ tổng dự án đầu tư được duyệt, vốn đầu tư phân theo kế hoạch hàng năm, tổ chức khảo sát thiết kế, thử nghiệm, lựa chọn thiết bị phù hợp. Phấn đấu đến năm 2000 có 70% số xã có máy điện thoại.

4.3. Tổ chức thi công đúng quy trình quy phạm kỹ thuật, đảm bảo chất lượng và an toàn lao động.

Điều 5. Các xã, cụm xã, đồn Biên phòng có trách nhiệm:

5.1. Bố trí nơi lắp đặt Anten, phòng lắp thiết bị đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, bảo vệ an toàn máy móc và các thiết bị.

5.2. Các xã biên giới, xã loại 2, loại 3. Được lắp đặt máy điện thoạt tại nhà Chủ tịch UBND xã hoặc Bí thư Chi, Đảng bộ xã (cụ thể do huyện quy định). Chủ tịch UBND xã, Bí thư Chi, Đảng bộ xã vừa là người trực tiếp sử dụng có trách nhiệm quản lý bảo vệ theo quy định và bố trí nơi lắp đặt thiết bị.

5.3. Tham gia giúp đỡ quá trình vận chuyển, lắp đặt thiết bị, tạo các điều kiện khác cho việc lắp đạt đạt kết quả.

5.4. Lựa chọn người có khả năng tiếp nhận, có phẩm chất đạo đức tốt để đào tạo, quản lý, vận hành thiết bị. (Ngoài các đối tượng nêu ở 5.2 hoặc do điều kiện địa hình tại nhà Chủ tịch hoặc Bí thư Chi, Đảng bộ xã không thể đặt máy được).

Điều 6. Kinh phí xây dựng lắp đặt các tuyến trạm máy, do ngành Bưu điện cấp. Trường hợp các xã hoặc cá nhân muốn thiết lập mạng riêng như: Tổng đài dung lượng nhỏ, máy thuê bao, máy nhánh, phải thỏa thuận với ngành Bưu điện. Kinh phí xây dựng mạng riêng do nhà thuê bao trả.

6.1 Do tình hình kinh phí đầu tư tùy nơi có thể dùng cụm thuê bao tập trung 1/4 : 4/8 : 4/16 (nghĩa là cứ 4 thuê bao có 1 trung kế).

Chương III

QUẢN LÝ VẬN HÀNH MẠNG VIỄN THÔNG NÔNG THÔN

Điều 7. Trách nhiệm Bưu điện tỉnh Lào Cai:

7.1. Quản lý mạng toàn tỉnh và được quyền phân cấp giao nhiệm vụ cho cơ sở quản lý, sử dụng thiết bị theo địa bàn từng địa phương.

7.2. Biên soạn tài liệu vận hành, bảo dưỡng thiết bị, các nội quy, quy tắc đảm bảo an toàn, hướng dẫn lập sổ sách quản lý.

7.3. Tổ chức đào tạo về vận hành, quản lý thiết bị.

7.4. Quy định thời gian kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị. Khi có sự thay đổi cơ cấu hình mạng, chủng loại thiết bị phải kịp thời thông báo với các thuê bao, hướng dẫn quản lý, vận hành thiết bị mới.

Điều 8. Các xã, cụm xã, đồn Biên phòng được quản lý, sử dụng đầu thuê bao phải có trách nhiệm:

8.1. Chọn cử người quản lý vận hành thiết bị viễn thông.

8.2. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thiết bị vô tuyến, điện thoại, nguồn điện.

8.3.Giữ bí mật về tần số, hô hiệu liên lạc, nội dung điện báo điện thoại. Không được tuy ý cá nhân, hoặc để cho người khác lợi dụng phương thức thông tin liên lạc, làm phương tiện hại đến lợi ích kinh tế, làm mất an ninh quốc gia.

8.4. Phải có trách nhiệm theo dõi, ghi chép sổ sách, thanh toán cước phí đàm thoại cho Bưu điện.

8.5 Các cuộc đàm thoại và điện báo phục vụ an ninh, quốc phòng, được ưu tiên số một, không kể hẹn thời gian.

Điều 9. Người vận hành máy thiết bị có trách nhiệm:

9.1. Quán lý, vận hành đúng quỵ trình quy phạm kỹ thuật, đảm bảo an toàn thiết bị, không sử dụng thiết bị vào mục đích khác.

9.2. Luôn có mặt tại phòng máy, ghi chép đầy đủ tình trạng thiết bị và các cuộc đàm thoại vào sổ sách quy định. Tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của Bưu điện.

Điều 10. Khi phát hiện sự cố thiết bị, người vận hành phải tắt nguồn và máy, tìm mọi cách đảm bảo an toàn thiết bị và thông báo cho Bưu điện bằng phương thức liên lạc nhanh nhất.

Bưu điện tỉnh tổ chức chỉ đạo sử lý kịp thời để đảm báo thông tin liên lạc. Thời gian chậm nhất là 48 giờ kể từ khi nhận thông báo.

Điều 11. Khi cần thiết phải thay đổi địa điểm đặt máy, người vận hành thiết bị các thuê bao phải chủ động bàn bạc vơi Bưu điện trước 96 giờ, để triển khai thực hiện.

Chương IV

CHI PHÍ BẢO QUẢN, VẬN HÀNH THIẾT BỊ THU CƯỚC

Điều 12. Bưu điện tỉnh Lào Cai ký hợp đồng với người các xã, cụm xã, đồn biên phòng vận hành, khai thác, bảo quản thiết bị viễn thông.

Điều 13. Cước phí thuê bao mạng viễn thông nông thôn bao gồm:

13.1 Đối tượng 1: Các xã biên giới, xã loại 2, loại 3, các đồn, trạm Biên phòng: Thu cước điện thoại chiều đi.

13.2 Đối tượng 2. Các xã còn lại không thuộc đối tượng 1.

- Thu cước thuê bao

- Thu cước điện thoại chiều đi

13.3. Các đối tượng 1 (trừ các đồn, trạm Biên phòng), mỗi ngày được gọi một cuộc đàm thoại hẹn giờ về huyện do UBND huyện quy định (giờ liên lạc cụ thể cho từng xã trong huyện do UBND huyện quy định). Cước phí thanh toán cho Bưu điện do ngân sách xã thanh toán. Những cuộc đàm thoại đột xuất cần thiết ngân sách huyện thanh toán.

13.4. Các cuộc đàm thoại của đồn Biên phòng do Biên phòng tỉnh thanh toán.

13.5. Các cuộc đàm thoại ngoài quy định tại Điểm 13.3, Điều 13. Người quản lý thuê bao phải thu tiền điện đàm của cá nhân để thanh toán cho Bưu điện.

13.6. Giám đốc Sở Tài chính vật giá tỉnh và Giám đốc Bưu điện tỉnh cùng ký văn bản hướng dẫn thanh toán cước phí điện đàm cho các đối tượng nêu trên.

Điều 14. Hàng tháng, Bưu điện tỉnh trả tiền bảo dưỡng vận hành thiết bị cho người hợp đồng, tiền mua nhiên liệu (nếu có) theo định mức.

Điều 15. Các máy điện thoại xã, cụm xã, đồn Biên phòng được làm dịch vụ đại lý cho Bưu điện. Thu cước phí của khách đàm thoại phải theo quy định của ngành Bưu điện. Bưu điện có trách nhiệm thanh toán cho đại lý 70% tổng số tiền thu đàm thoại của các tư nhân.

Chương V

ĐIỂU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Khen thưởng: Các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo quản, vận hành thiết bị, có hiệu qủa thông tin thì sẽ được xét khen thưởng theo quy chế của ngành Bưu điện.

Điều 17. Kỷ luật: Tập thể, cá nhân, bị vi phạm quy trình quy phạm kỹ thuật, làm thất thoát, hư hỏng máy móc, thiết bị phụ trợ, không thanh toán cước phí điện đàm. Dùng phương tiện thông tin làm tiết lộ bí mật quốc gia, làm lộ bí mật thông tin, lợi dụng thông tin gây rối trật tự xã hội. Ngoài việc bồi thường thiệt hại còn xử lý kỷ luật. Nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị sử lý theo pháp luật.

Điều 18. Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký.

Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thi hành quy chế này.

Trong quá trình thực hiện có điều gì cần thay đổi, bổ sung, giám đốc Bưu điện tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 94/QĐ-UB năm 1997 ban hành Quy chế tạm thời về xây dựng, quản lý và sử dụng mạng điện thoại xã, cụm xã, đồn Biên phòng tỉnh Lào Cai

  • Số hiệu: 94/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/04/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Đặng Quốc Lộng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản