Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 935/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 23 tháng 03 năm 2018 |
” PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;
Căn cứ Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;
Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 30/TTr-SYT ngày 22/3/2018 về việc phê duyệt Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020” (có Đề án chi tiết đính kèm).
Điều 2. Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh, Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Y tế, Tài chính, Công thương, NN&PTNT; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, dân số hơn 1,7 triệu người sinh sống ở 12 huyện/thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là huyện) với 265 xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là xã). Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 10 khu công nghiệp, 32 cụm công nghiệp và khoảng 9.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Để đảm bảo An toàn thực phẩm (ATTP), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra kế hoạch hành động số 1241/KH-UBND ngày 12/5/2017 về việc tăng cường chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện huy động sức mạnh toàn dân triển khai đồng bộ nhiều biện pháp cải thiện điều kiện ATTP như: kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra kiểm tra; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Ngày 04/6/2017, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 771/TTg-KGVX yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo đảm ATTP trên địa bàn; đưa nhiệm vụ bảo đảm ATTP là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo ATTP trên địa bàn; Đảm bảo nguồn lực và bố trí đủ ngân sách cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn.
Tuy nhiên, với tình trạng sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thiếu kiến thức về ATTP, chạy theo lợi nhuận, đưa ra thị trường những sản phẩm thực phẩm không an toàn như giò chả chứa hàn the, rượu chứa metanol, rau quả có chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép... Bên cạnh đó, bộ máy quản lý nhà nước về ATTP đã được tăng cường nhưng vẫn còn thiếu và yếu, hầu hết cán bộ tại cơ quan quản lý ATTP cấp huyện, xã là kiêm nhiệm. Năng lực kiểm nghiệm còn nhiều bất cập, các phòng kiểm nghiệm ATTP tại tỉnh thiếu máy móc, trang thiết bị không thể kiểm nghiệm được một số chất độc hại ảnh hưởng đến chất lượng ATTP. Cơ chế phối hợp quản lý giữa các sở ngành chưa đồng bộ, các quy định pháp luật trong thanh kiểm tra, xử lý chưa hợp lý, chưa đủ sức răn đe. Ngộ độc thực phẩm, các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm chứa các chất độc hại vẫn còn được phát hiện trên thị trường đã gây nên tâm trạng bất an và bức xúc cho người tiêu dùng.
Do vậy, đảm bảo ATTP hiện nay là một vấn đề nóng, thách thức đối với toàn dân và xã hội. Trước thực trạng trên, cho thấy cần thiết xây dựng Đề án: “Đảm bảo an toàn thực phẩm của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017 - 2020”.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;
- Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường năng lực Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tuyến tỉnh đến năm 2015;
- Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới;
- Hướng dẫn số 29-HD/BTGTW-BCSĐBYT ngày 12/12/2011 của Ban tuyên giáo Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW;
- Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030;
- Kế hoạch số 36-KH/TU ngày 20/3/2012 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”;
- Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật an toàn thực phẩm;
- Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm;
- Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP
- Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 08/7/2014, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 04/02/2015 của Chính phủ;
- Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc “Kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm”;
- Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT ngày 28/3/2015 hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Thông tư 14/2015/TTLT-BNN-BNV ngày 23/5/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;
- Chỉ thị số 13-CT/TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm;
- Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 17/4/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về thực hiện Kết Luận số 11-KL/TW, ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới”;
- Kế hoạch hành động số 1241/KH-UBND ngày 12/5/2017 của UBND tỉnh Hải Dương về việc thực hiện Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 17/4/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về thực hiện Kết Luận số 11-KL/TW, ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Công văn số 771/TTg-KGVX ngày 4/6/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/1/2017 của Ban bí thư về an toàn thực phẩm;
- Nghị quyết số 43/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020;
II. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
1. Tác động của thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe con người
Thực phẩm không an toàn gồm thực phẩm nhiễm vi sinh độc hại (vi khuẩn, virus, ký sinh, nấm) là nguyên nhân chính yếu gây nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể (ngộ độc cấp tính). Thực phẩm chứa các chất độc hại như phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm, tồn dư hóa chất bảo vệ thực phẩm... thường gây ngộ độc mãn tính. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 400 các bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn.
ATTP là tập hợp các điều kiện và biện pháp cần thiết để thực phẩm không gây hại cho sức khỏe và tính mạng con người. Để bảo đảm chất lượng ATTP thì tất cả các khâu trong sản xuất, kinh doanh (từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, đến sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng) đều phải đạt vệ sinh và an toàn. Trách nhiệm bảo đảm chất lượng ATTP là của tất cả mọi người trong xã hội từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đến các nhà khoa học, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và mọi người tiêu dùng.
Vấn đề ATTP luôn là vấn đề nóng được đặt lên hàng đầu tại nhiều hội nghị y tế và sức khỏe cộng đồng toàn cầu, cho thấy tình hình an toàn thực phẩm trên thế giới, Việt Nam nói chung và tại tỉnh Hải Dương nói riêng hiện nay diễn biến phức tạp, các vụ ngộ độc tập thể đều có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, ở đâu. Khi xảy ra, chúng không những chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề vĩ mô khác như sự phát triển về kinh tế, về văn hóa, du lịch, an ninh quốc phòng.
2. Thực trạng an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Thực phẩm không an toàn thường được tiêu thụ và sản xuất với giá rẻ hơn rất nhiều so với thực phẩm sạch. Chính vì vậy, một bộ phận người dân, người sản xuất thực phẩm không có kiến thức về thực phẩm an toàn nên đã trực tiếp hay gián tiếp sản xuất và tiêu dùng những thực phẩm bẩn làm cho tình hình mất an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất không an toàn trong chăn nuôi trồng trọt nông nghiệp, thủy hải sản hiện nay còn khá phổ biến. Chúng ta cũng có những vùng rau sạch, trái cây sạch, những nông trại chăn nuôi thực hiện đúng quy định, nhưng số lượng và tỷ lệ chưa cao.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 10 mô hình quản lý thực phẩm an toàn theo chuỗi để phân tích được mối nguy và kiểm soát được mối nguy (gồm các sản phẩm rau, củ, quả, trứng gà và gà thịt). Tổng diện tích rau củ quả an toàn đạt 920,1948 ha, trong đó diện tích được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là 100 ha, có 52 cơ sở áp dụng VietGAP, Global GAP (tính đến tháng 6/2017 diện tích sản xuất rau được chứng nhận đủ điều kiện ATTP hoặc chứng nhận tiêu chuẩn VietGap là 551,796 ha), áp dụng chăn nuôi an toàn với số lượng 179.791 đầu con gia súc, gia cầm. Lượng sản phẩm sạch từ nông nghiệp tiêu thụ trong nước là 20.579 tấn.
Cụ thể hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các vùng sản xuất cây rau màu tập trung cho giá trị kinh tế cao như: Vùng hành, tỏi diện tích 5.000 ha; vùng củ đậu diện tích 700 ha; vùng cà rốt diện tích 1.400 ha; vùng su hào, cải bắp, súp lơ diện tích 3.600 ha; vùng dưa hấu, dưa lê diện tích 3.500 ha; vùng cà chua diện tích 100 ha; vùng vải quả diện tích 10.605 ha; vùng ổi diện tích 1.602 ha; vùng na diện tích 932 ha; vùng cam diện tích 20 ha. Đến nay toàn tỉnh có 313,95 ha rau, vải, ổi, cam được cấp chứng nhận VietGAP; 12 ha vải quả sản xuất theo GlobalGAP; 6.000 ha (tập trung ở Thanh Hà, Chí Linh) nông dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP. Toàn tỉnh hiện có 183 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn, một số cơ sở có quy mô lớn từ 300-800 con lợn nái ngoại, 5.000-12.000 lợn thịt; 40.000-16.000 con gia cầm ... Có 5.082 hộ gia trại lợn, quy mô 50-100 con lợn thịt, 10-20 con lợn nái, có 1.208 hộ gia trại gia cầm, quy mô từ 200-500 con, tập trung nhiều ở Thị xã Chí Linh, huyện Nam Sách, Cẩm Giàng. Đến nay, đã có 5 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 420 hộ nuôi lợn và gà được cấp chứng nhận GAP nông hộ.
Hải Dương có 8.972 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1.525 cơ sở sản xuất, chế biến, 3.671 cơ sở kinh doanh và 3.776 cơ sở dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, còn một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cạnh cống rãnh hoặc gần ao tù, nước đọng rất mất vệ sinh; hoặc sử dụng dụng cụ lưu trữ, chế biến không đảm bảo vệ sinh. Thực phẩm có chứa chất độc hoặc được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe cũng còn lưu hành rất nhiều trên thị trường như nước tương có chất 3-MCPD, nước mắm có u-rê, hải sản tươi được ướp với u-rê để bảo quản, trứng gà và sữa có chứa melamine, da heo được tẩy trắng bằng thuốc tẩy; hạt dưa, bột ớt và bột điều nhuộm phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamin B, trái cây khô từ Trung Quốc bị nhiễm độc chì, xúc xích có chứa chất Polychlorobifenyls gây ung thư, bánh phở có tẩm formol, chả giò chứa hàn the, rau củ quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật; rượu tự nấu hoặc tự pha chế, làm giả, xuất ăn công nghiệp có dòi... vẫn còn xảy ra trên địa bàn.
Theo yêu cầu, mỗi huyện trên địa bàn tỉnh Hải Dương phải có 1-2 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung song đến nay mới có 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại thành phố Hải Dương. Việc vận chuyển thịt gia súc, gia cầm bằng các phương tiện và dụng cụ chứa đựng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa tốt; sự phối hợp kiểm tra, kiểm soát giữa các lực lượng chức năng trong công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, vận chuyển sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm chưa thực sự chặt chẽ. Tuy nhiên, các sản phẩm rau sạch này chưa được hỗ trợ phát triển thương hiệu, thực hiện mã hóa theo quy định nhằm truy xuất được nguồn gốc.
Hải Dương có trên 170 chợ các loại chưa kể hàng trăm chợ tạm, chợ cóc tự phát mọc lên ở khắp các thôn, xóm, khu phố. Tuy nhiên, mới chỉ có 95 chợ chiếm tỷ lệ 60,5% chợ được kiểm soát vệ sinh thú y. Chính vì vậy, việc kiểm soát vấn đề ATTP trong quá trình giết mổ gia súc gia cầm rất khó khăn. Việc giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay hoàn toàn mang tính thủ công, manh mún, phân và rác thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, để lại mùi hôi thối rất khó chịu và gây ô nhiễm nặng nguồn nước, môi trường sống của người dân.
3. Thực trạng trong công tác quản lý ATTP hiện nay
3.1. Cơ quan quản lý, kiểm soát về ATTP và sự phối hợp liên ngành
3.1.1 Ban chỉ đạo về ATTP
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Ban chỉ đạo (BCĐ) An toàn thực phẩm tỉnh được kiện toàn theo Quyết định số 3617/QĐ-UBND ngày 05/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh gồm 23 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách Khối Văn xã và Giám đốc Sở Y tế làm Phó trưởng ban, Cơ quan thường trực là Chi cục ATVSTP. Các ban, ngành đoàn thể liên quan khác là thành viên. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác ATTP; điều phối các sở ngành, đoàn thể triển khai thực hiện quản lý ATTP theo quy định của pháp luật.
Tương tự cấp tỉnh, mỗi huyện và xã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo ATTP.
Tuy nhiên hoạt động của các BCĐ, nhất là BCĐ cấp xã chưa thật sự đáp ứng yêu cầu do chưa có quy định về tổ chức bộ máy và cán bộ chuyên trách trong khi nội dung và khối lượng công tác trên lĩnh vực ATTP là rất lớn, lại thực hiện chủ yếu tại cơ sở.
Về kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo về ATTP hiện nay không có nên cũng hạn chế rất nhiều trong công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng và thực hiện các vấn đề về ATTP tại địa phương.
3.1.2 Tổ chức bộ máy quản lý ATTP của ngành Y tế
Sở Y tế có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP; xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp triển khai công tác đảm bảo ATTP cho toàn tỉnh; đầu mối phối hợp với các sở, ngành trong các hoạt động đảm bảo ATTP; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện và tổng hợp báo cáo định kỳ...
Năm 2008, Chi cục ATVSTP tỉnh được thành lập theo Quyết định số 35/2008/QĐ-UBND ngày 06/06/2008 và chính thức đi vào hoạt động từ 01/7/2008. Chi cục ATVSTP thực hiện chức năng quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh, là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo về CLATVSTP tỉnh.
Tuyến huyện có Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện có nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện công tác quản lý ATTP tại địa phương, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế.
Hiện nay cả tuyến huyện và tuyến xã chỉ có cán bộ kiêm nhiệm về ATTP.
3.1.3 Tổ chức bộ máy quản lý ATTP của ngành Nông nghiệp & PTNT
Sở Nông nghiệp và PTNT có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ về quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm các sản phẩm nông sản thực phẩm; xây dựng các chương trình, Đề án, dự án, giải pháp đảm bảo an toàn đối với nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chuyên môn thuộc sở trong việc quản lý an toàn thực phẩm. Trong đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản là đơn vị đầu mối có trách nhiệm triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 11/8/2011 của UBND tỉnh về việc thành lập Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hải Dương.
Công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp ở cấp huyện và cấp xã đều được thực hiện dưới hình thức kiêm nhiệm thuộc Phòng Nông nghiệp/phòng Kinh tế.
3.1.4 Tổ chức bộ máy quản lý ATTP của ngành Công thương
Sở Công Thương Hải Dương thực hiện quản lý về ATTP theo lĩnh vực được phân công.
Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương được tổ chức theo ngành dọc, hoạt động xuyên suốt từ tỉnh đến huyện. Chi cục có 01 đội chuyên theo dõi và quản lý về VSATTP. Với chức năng quản lý thị trường, Chi cục tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng thực phẩm, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém phẩm chất lưu thông trên thị trường.
Lực lượng thực hiện công tác quản lý về ATTP của ngành công thương tại tuyến huyện/xã điều thực hiện dưới hình thức kiêm nhiệm.
3.1.5 Sự phối hợp liên ngành về ATTP
Công tác phối hợp liên ngành được duy trì thường xuyên giữa các ban, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo các cấp; phối hợp giữa các cơ quan quản lý từ tỉnh đến địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo ATTP; phối hợp với các cơ quan hữu quan như: Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; Phối với với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương; Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh; Chi cục Quản lý thị trường - Sở Công thương; Các cơ quan ngôn luận: Báo Hải Dương, Đài Phát thanh truyền hình, Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe...
Bên cạnh đó, hằng năm cơ quan quản lý về ATTP tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” đồng loạt ở cả 3 cấp của tỉnh với sự tham dự đông đảo của nhà quản lý, người tiêu dùng và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, qua đó đã tổ chức phát các tờ rơi, đĩa CD, VCD hướng dẫn về ATTP; tổ chức các hội thảo khoa học... giới thiệu các hoạt động đảm bảo ATTP và các sản phẩm thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn...
Tuy nhiên, Hải Dương đứng trước thực trạng sản phẩm thực phẩm vô cùng đa dạng, công tác thống kê các loại hình cơ sở chưa được đầy đủ; nhiều loại hình cơ sở sản xuất kết hợp đa dạng chủng loại sản phẩm thuộc nhiều ngành quản lý trên địa bàn tỉnh chưa được phân công phân cấp rõ ràng. Do đó còn thực hạng chồng chéo hoặc bỏ sót trong công tác quản lý giữa các cấp, các ngành.
Thêm nữa, sự phối hợp thông tin giữa các cơ quan truyền thông đại chúng với các cơ quan quản lý ATTP chưa chặt chẽ, thiếu chính xác, nên đôi khi đã gây nên những hoang mang và bức xúc không cần thiết trong nhân dân. Nhiều thông tin quảng cáo về sản phẩm thực phẩm còn gây ngộ nhận cho người tiêu dùng về chất lượng và tác dụng của thực phẩm (gây nhầm lẫn với thực phẩm chức năng hoặc thuốc chữa bệnh). Việc quản lý hoạt động quảng cáo còn nhiều bất cập từ việc cấp Giấy chứng nhận quảng cáo đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên báo, đài so với Giấy chứng nhận đã cấp.
Để nâng cao nhận thức về thực phẩm an toàn một cách toàn diện phải kể đến sự hợp tác của các cơ quan, đoàn thể. Trong thời gian qua, vai trò của các cơ quan, đoàn thể, phường, hội chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Đến nay cả tỉnh không có một Website về ATTP để đăng nhập những thông tin về thực phẩm an toàn và cảnh báo mối nguy về ATTP tới người tiêu dùng.
3.2. Về nhân lực cho công tác ATTP
Đối với tuyến tỉnh đội ngũ quản lý về ATTP không nhiều (Chi cục ATVSTP: 15 biên chế, Chi cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản Hải Dương (cấp tỉnh): 10 biên chế... Tuyến huyện (hiện chỉ có cán bộ kiêm nhiệm) và toàn bộ hệ thống thôn/khu (có 1.432 thôn/khu trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương) không có cộng tác viên về ATTP. Đây là một nghịch lý ai cũng thấy rõ, nhưng vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết phù hợp, triệt để.
Việc đào tạo, nâng cao trình độ quản lý về ATTP còn hạn chế. Chưa có cơ chế khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phối hợp với cấp TW trong việc hợp tác quốc tế đầu tư về quản lý ATTP như: tham quan học tập kinh nghiệm tại một số nước lân cận...
3.3. Về trang thiết bị phục vụ công tác ATTP
Để kiểm soát chất lượng thực phẩm, cơ quan quản lý về ATTP phải có các test nhanh để kiểm nghiệm chất lượng nông sản, thực phẩm để kịp thời xử lý và chấn chỉnh các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, các trang thiết bị này hiện nay vẫn còn thiếu kể cả về số lượng và chủng loại và nhất là không đủ cơ sở pháp lý để xử lý, trong lúc cơ quan quản lý không có điều kiện để lưu giữ hàng hóa chờ kết quả kiểm nghiệm định lượng từ các labo.
Trên địa bàn tỉnh đã có 2 phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO17025. Một phòng xét nghiệm của Trung ương đóng trên địa bàn thuộc trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương. Một phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm kiểm nghiệm Dược, Mỹ Phẩm và Thực phẩm, tuy nhiên hệ thống xét nghiệm này chưa xét nghiệm được các độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, hàm lượng các kim loại nặng, thiếu các sinh phẩm để đo lường các chất mới, chưa định lượng được hàm lượng Phoocmon và Methanol trong thực phẩm. Do vậy một số xét nghiệm phải gửi lên Viện kiểm nghiệm Quốc gia mới đảm bảo yêu cầu.
3.4. Về kinh phí hoạt động
Kinh phí đã được tăng cường trong những năm gần đây nhưng vẫn còn ở mức thấp:
+ Cụ thể năm 2011 kinh phí đầu tư cho công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Hải Dương đạt 1.334đ/người/năm trong khi đó theo số liệu của một số tỉnh năm 2011 cho thấy tỉnh Hưng Yên đạt 1.433đ/người/năm, Bắc Ninh đạt 1.369đ/người/năm, Lào Cai đạt 1.855đ/người/năm, Vĩnh Phúc đạt 1.523đ/người/năm.
+ Nguồn kinh phí địa phương cho ATTP không có;
+ Nguồn kinh phí quốc gia theo chương trình mục tiêu y tế dành cho địa phương giảm: Năm 2011: 2.333 triệu đồng; năm 2012: 2.120 triệu đồng đồng; năm 2013: 1.643 triệu đồng; năm 2014: 538 triệu đồng và năm 2015: 603 triệu đồng.
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Kiểm soát chất lượng ATTP trên cơ sở kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý về ATTP, đảm bảo đủ năng lực quản lý và điều hành công tác đảm bảo ATTP của toàn tỉnh.
- Xây dựng bộ máy quản lý đủ mạnh để phát huy tối đa hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hành về ATTP của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về ATTP.
- Nâng cao thị phần các sản phẩm trong “chuỗi thực phẩm an toàn”.
- Phối hợp với các tỉnh tạo nguồn cung cấp nguyên liệu nông sản thực phẩm từ các tỉnh; đảm bảo sự phối hợp liên ngành, các tỉnh, vùng để sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đảm bảo ATTP để kiểm soát toàn bộ quá trình “từ trang trại đến bàn ăn”; kiểm soát chặt chẽ các công đoạn trong toàn bộ quá trình sản xuất và cung cấp sản phẩm an toàn có xác nhận cho người tiêu dùng.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- 80% cơ sở sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm quy mô tập trung áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP như GMP, HACCP, ISO 9001, ISO 22000;
- 20% cơ sở chế biến nông sản áp dụng quản lý chất lượng theo HACCP, GMP, GHP, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về ATTP;
- 60% diện tích sản xuất rau quả áp dụng VietGAP, trong đó 8% diện tích (3.000ha) được chứng nhận GAP, hữu cơ.
- 30% cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện đảm bảo quy định về ATTP; 50% số cơ sở chăn nuôi công nghiệp được chứng nhận đảm bảo ATTP theo VietGAHP;
- 100% số cơ sở giết mổ công nghiệp đạt các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP);
- 30% cơ sở giết mổ gia súc gia cầm khác được cấp phép hoạt động và có kiểm soát đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
- 70% vùng nuôi thủy sản tập trung có sản lượng hàng hóa lớn áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.
- 83% số chợ trên địa bàn tỉnh được kiểm soát vệ sinh thú y.
- 96% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 85% người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có hiểu biết đúng và thực hành đúng về ATTP.
- 100% các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, tập trung và bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;
- 98% các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;
- 100% siêu thị được kiểm soát ATTP.
- Giảm tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm được ghi nhận xuống còn dưới 6 trường hợp trên 100.000 dân.
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức và thực hành của người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng về ATTP
1.1 Nội dung thực hiện:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý nhà nước, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị về đảm bảo ATTP trên địa bàn.
- Nâng cao năng lực và tăng cường truyền thông về ATTP trong các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể.
- Cung cấp đầy đủ và kịp thời các quy định của nhà nước liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (như quy định pháp lý về ATTP; Quy định về trình tự, thủ tục cấp các Giấy chứng nhận; Quy định về điều kiện cơ sở vật chất và con người; Quy định về xử lý vi phạm...).
- Cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm thực phẩm và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn và an toàn. Phổ biến các kiến thức về lựa chọn, bảo quản, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn. Cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo thực phẩm không an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, nhất là sản phẩm độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
- Tiếp nhận thông tin và giải đáp thắc mắc liên quan đến an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
1.2 Phương thức thực hiện:
- Xây dựng Website về ATTP của tỉnh Hải Dương tại Sở Y tế. Tổ chức bộ phận thường xuyên cập nhật các quy định của nhà nước về ATTP và giải đáp thắc mắc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thông qua Website ATTP. Bên cạnh đó, duy trì và liên tục nâng cao chất lượng Website An toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương để mọi người có thể tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về ATTP. Kịp thời giải quyết, khắc phục và thông tin cho người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.
- Tổ chức Lễ phát động tháng ATTP hàng năm tại các cấp nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà quản lý, người sản xuất, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng đối với vấn đề ATTP.
- Tổ chức tuyên truyền trong các cơ sở Đảng thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp. Tổ chức giao ban với các cơ quan báo chí về vấn đề ATTP trong từng giai đoạn.
- Tổ chức các lớp tập huấn, buổi nói chuyện chuyên đề thông qua các đoàn thể như: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ dân phố, các trường học ... để tuyên truyền, giới thiệu chuyên môn, kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm và phổ biến các quy định về đảm bảo ATTP và an toàn sinh học trong nuôi trồng, giết mổ, sơ chế, sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm.
- Thực hiện in ghi đĩa CD, tợ bướm, pano... hướng dẫn lựa chọn, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn. Đặt bảng hướng dẫn lựa chọn, sử dụng và bảo quản thực phẩm tại các siêu thị kinh doanh thực phẩm, chợ, trường học với nội dung phù hợp cho từng đối tượng được truyền thông.
- Thực hiện phóng sự chuyên đề, bài viết liên quan đến ATTP và phòng chống dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm phát trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Cải thiện điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh
2.1. Đối với lĩnh vực trồng trọt
a) Nội dung thực hiện:
- Lấy các mẫu như đất, nước xét nghiệm khảo sát hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng: Arsen, Cadimi, Chì, Đồng, Kẽm, Thủy ngân. Thực hiện khảo sát các vùng trồng rau, củ, quả (vị trí, chất lượng đất, nước...) để quy hoạch các vùng trồng rau, củ, quả an toàn cung cấp nhu cầu rau sạch cho toàn tỉnh.
- Hỗ trợ, tập huấn phổ biến các quy định của pháp luật về trồng rau an toàn, tiến tới để được chứng nhận VietGAP. Tiêu chuẩn sản phẩm nông sản hữu cơ,...
- Hỗ trợ các mô hình cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm trồng trọt đạt tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP ngành nông nghiệp; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP đặc biệt trong việc sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm theo đúng quy định của Luật ATTP và Nghị định 178/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát đầy đủ đối với các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực ngành nông nghiệp theo đúng quy định tại Thông tư 45/2014/TTBNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc Kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đủ điều kiện ATTP.
b) Phương thức thực hiện:
- Tổ chức tham quan các vùng trồng rau củ quả trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận đang cung cấp rau, củ, quả cho tỉnh, đánh giá và xây dựng lại các vùng có điều kiện tạo ra sản phẩm an toàn nhằm xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP.
- Mở các lớp tập huấn, đào tạo cho người sản xuất nông nghiệp về quy trình sản xuất rau quả an toàn thực phẩm để hướng tới các tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn sản phẩm nông sản hữu cơ...
- Thực hiện công bố sản phẩm rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rau an toàn.
2.2 Đối với việc chăn nuôi, tiêu thụ gia súc, gia cầm
a) Nội dung thực hiện:
- Tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi tập trung đạt chứng nhận VietGAHP (Quy trình chăn nuôi theo Quyết định 1506/QĐ-BNN-KHCN).
- Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ (Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010).
- Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện của phương tiện vận chuyển sản phẩm thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về điều kiện của các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm, hướng dẫn mã hóa sản phẩm để có thể truy nguyên được nguồn gốc.
- Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật trên địa bàn, cơ sở giết mổ, các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, các cửa ngõ ra vào tỉnh và vùng giáp ranh với các tỉnh. Có biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường theo quy định của pháp luật.
- Thanh kiểm tra, giám sát việc kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Làm tốt công tác phối hợp kiểm soát các vùng nuôi trồng tập trung, cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm tại các tỉnh lân cận đang cung cấp thực phẩm an toàn cho tỉnh.
b) Phương thức thực hiện:
- In tờ rơi, áp phích, pano, mở các lớp phổ biến văn bản quy định của pháp luật, tập huấn, hỗ trợ cho cơ sở để được chứng nhận VietGAHP...
- Mở các lớp tập huấn cho cơ sở chăn nuôi, sơ chế và kinh doanh gia súc, gia cầm về điều kiện bảo quản, vận chuyển, kinh doanh tránh được sự lây nhiễm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
- Thành lập các đoàn thanh kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh các cơ sở giết mổ, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện vận chuyển kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
- Xây dựng hàng rào kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn. Phối hợp với cơ quan quản lý về ATTP của các tỉnh lân cận xây dựng quy chế phối hợp kiểm tra, giám sát nguồn nông sản, thực phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh lân cận đưa về.
3. Cải thiện điều kiện ATTP trong kinh doanh nông sản, thực phẩm tại các chợ, siêu thị
a) Nội dung thực hiện:
- Đầu tư nâng cấp, sắp xếp lại các khu vực kinh doanh nông sản, thực phẩm tại các chợ, siêu thị của tỉnh theo hướng đảm bảo đủ điều kiện ATTP.
- Kiểm soát tốt các thực phẩm kinh doanh tại chợ, siêu thị nhằm nâng cao chất lượng công tác đảm bảo ATTP trong quá trình kinh doanh.
b) Phương thức thực hiện:
- Tổ chức sắp xếp riêng biệt khu vực buôn bán thực phẩm với các loại hàng hóa khác; trong khu vực buôn bán thực phẩm, bố trí hợp lý các khu vực thực phẩm chín, sống, sạch, dơ; bố trí khu vực tập kết rác tách biệt với khu vực kinh doanh và tổ chức thu gom, xử lý kịp thời, tránh gây ô nhiễm môi trường.
- Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức và thực hành đúng quy định về ATTP trong kinh doanh tại chợ.
- Tăng cường công tác kiểm soát thú y tại các chợ trên địa bàn.
4. Cải thiện điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
a) Nội dung thực hiện:
- Đảm bảo tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quản lý đúng phân cấp theo quy định về quản lý ATTP.
- Tập huấn, hỗ trợ chuyên môn để các cơ sở áp dụng và tiến đến đạt chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP).
- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch về các chính sách ưu đãi nhằm duy trì, phát triển thương hiệu sản phẩm thực phẩm sạch trên địa bàn, tạo cơ hội tiếp cận đối với người tiêu dùng.
- Hỗ trợ phát triển thương hiệu sản phẩm thực phẩm truyền thống có lợi thế tại Hải Dương đạt tiêu chuẩn về ATTP theo quy định của Việt Nam và Quốc tế. Tổ chức các hội chợ cho các sản phẩm thực phẩm an toàn trên địa bàn.
b) Phương thức thực hiện:
- Thống kê, phân chia các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh theo phân cấp để xây dựng kế hoạch tập huấn và triển khai cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Luật ATTP.
- Mở các lớp tập huấn về ATTP cho chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để các đối tượng nắm được yêu cầu pháp luật cho từng loại hình kinh doanh. Trên cơ sở đó hướng dẫn, tư vấn thiết kế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ để cơ sở đạt giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP theo quy định.
- Tiến hành khảo sát thực địa nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ chế biến để đánh giá cơ sở có khả năng đạt được các chứng nhận thực hành sản xuất tốt (GMP, HACCP).
- Mở các lớp tập huấn về áp dụng quy trình thực hành sản xuất theo GMP và HACCP cho các cơ sở.
- Tư vấn cho cơ sở thực phẩm đầu tư các phòng kiểm nghiệm ATTP phù hợp với sản phẩm mà cơ sở sản xuất.
- Đưa lên Website ATTP, tổ chức hội chợ triển lãm cho các cơ sở có sản phẩm thực phẩm đảm bảo quy định về ATTP.
- Lên kế hoạch kiểm tra thường xuyên, chủ yếu tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm để kịp thời chấn chỉnh hay đình chỉ các cơ sở không đảm bảo quy định ATTP.
- Xây dựng các mô hình chuẩn, đặc biệt là mô hình cung cấp suất ăn công nghiệp, mô hình các bếp ăn bán trú trong cơ sở giáo dục để các cơ sở tham quan, học tập và nhân rộng.
- Đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không thuộc thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP:
+ Hàng năm tổ chức tập huấn miễn phí ít nhất 1 lần cho người sản xuất, kinh doanh để nâng cao kiến thức và cải thiện hành vi trong quá trình buôn bán thực phẩm.
+ Ủy ban nhân dân phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với người buôn bán hàng rong, không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận
+ Kiên quyết cấm bán và xử phạt theo quy định đối với các hàng rong không đủ điều kiện ATTP.
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm
+ Phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường quản lý các cơ sở được Cục cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.
+ Đối với các cơ sở thuộc diện phân cấp cho tỉnh quản lý: tăng cường giáo dục, huấn luyện nâng cao nhận thức, kiến thức của người kinh doanh về hóa chất phụ gia thực phẩm, thực hiện tốt việc ghi nhãn đối với sản phẩm kinh doanh, vận động và tiến đến bắt buộc không được kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm chung với các loại hóa chất dùng cho mục đích khác.
+ Tổ chức tập huấn kiến thức cho người kinh doanh phụ gia thực phẩm. Yêu cầu: Cơ sở kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm không được kinh doanh hóa chất, phụ gia khác; Người kinh doanh phải có trình độ nhất định về hóa học để có thể hướng dẫn sử dụng.
+ Xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, phụ gia độc hại cho sức khỏe cộng đồng.
5. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm
a) Nội dung thực hiện:
- Nâng cao chất lượng kiểm nghiệm của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, các phòng kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đáp ứng năng lực kiểm nghiệm về ATTP.
- Tăng cường vai trò giám sát tại các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và tại các chợ đầu mối. Đảm bảo sản phẩm thực phẩm được sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh phải an toàn được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo ATTP.
b) Phương thức thực hiện
- Đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm và thực phẩm Hải Dương để xây dựng phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 17025 với các chỉ tiêu về ATTP.
- Trang bị các bộ Kit test nhanh về ATTP của Bộ công an cho các cơ quan quản lý về ATTP, đảm bảo mỗi đơn vị kiểm tra các cấp có phương tiện kiểm nghiệm nhanh, xác định các thực phẩm đảm bảo an toàn nhanh, chính xác, kịp thời.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo đúng quy trình.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ xét nghiệm mẫu theo bộ test nhanh đảm bảo, đúng, chính xác, kịp thời.
- Xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các phòng kiểm nghiệm để nâng cao năng lực kiểm nghiệm, thống nhất phương pháp, kỹ thuật kiểm nghiệm nhằm hạn chế sự khác biệt về kết quả kiểm nghiệm giữa các phòng kiểm nghiệm.
6. Thiết lập và vận hành hệ thống thông tin tuyên truyền, giám sát, cảnh báo, phòng ngừa và khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm
a) Nội dung thực hiện:
- Tổ chức tuyên truyền về thực phẩm và công tác đảm bảo ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Thiết lập và vận hành hệ thống giám sát, cảnh báo về an toàn thực phẩm trên cơ sở thu thập và phân tích thông tin về kết quả kiểm nghiệm thực phẩm của các Labo đạt chuẩn; thông tin cảnh báo an toàn thực phẩm của thế giới và các cơ quan chức năng trong nước; thông tin cảnh báo từ người tiêu dùng... Kết quả giám sát, cảnh báo sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, giúp người tiêu dùng cảnh giác trong chọn lựa thực phẩm an toàn.
- Phát hiện sớm và xử lý tốt các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất về sức khỏe và tính mạng của người dân. Tổ chức điều tra dịch tễ, xét nghiệm mẫu thực phẩm để kết luận nguyên nhân ngộ độc nhằm kịp thời ngăn chặn sự lan truyền của thực phẩm đã gây ngộ độc và xử lý các tổ chức, cá nhân đã gây ngộ độc.
- Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chế biến nông sản thực phẩm, các hóa chất ngoài danh mục cho phép; kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đảm bảo ATTP... Kiểm soát hiệu quả điều kiện đảm bảo ATTP đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu gom, sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản.
b. Phương thức thực hiện:
- Thu thập và xử lý các thông tin về thực phẩm trên địa bàn tỉnh, trên cả nước và trên thế giới để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, giúp người tiêu dùng cảnh giác trong chọn lựa thực phẩm an toàn.
- Thực hiện lấy mẫu định kỳ các loại thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao tại các chợ, cửa hàng, siêu thị tiến hành kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa học để cảnh báo các nguy cơ về ATTP tới người tiêu dùng qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua Website ATTP của tỉnh.
- Thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm không đảm bảo ATTP, kiểm soát tốt các vùng nuôi trồng trên địa bàn tỉnh, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP.
- Xây dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm cấp tính, cá thể trên toàn tỉnh thông qua đội ngũ cộng tác viên về ATTP.
- Xây dựng định nghĩa, tiêu chuẩn chẩn đoán ngộ độc thực phẩm cấp tính, cá thể (bao gồm các bệnh lây truyền qua thực phẩm như tả, lỵ, thương hàn...); triển khai huấn luyện cho mạng lưới khám chữa bệnh toàn tỉnh; thiết lập hệ thống ghi nhận và báo cáo các trường hợp ngộ độc thực phẩm cấp tính, cá thể từ các cơ sở khám chữa bệnh; phân tích số liệu ghi nhận được để cảnh báo cho các cơ quan quản lý, người tiêu dùng khi có hiện tượng ngộ độc bất thường. Kết quả giám sát cũng là một chỉ số quan trọng để đánh giá kết quả chương trình đảm bảo ATTP cho người dân.
- Tổ chức truyền thông và công khai các thông tin về thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng (đặc biệt là trên đài phát thanh của huyện và truyền thông cơ sở).
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về ATTP
a) Nội dung thực hiện:
- Củng cố, kiện toàn mạng lưới thanh tra, kiểm tra ATTP trên toàn địa bàn tỉnh, đủ năng lực thực hiện công tác thanh kiểm tra toàn diện về ATTP trên toàn địa bàn.
- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định nhà nước về an toàn thực phẩm theo từng ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: Thủ tục hồ sơ pháp lý, hồ sơ quản lý chất lượng ATTP; Điều kiện nuôi, trồng, đánh bắt, sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh nông sản, thực phẩm; Xuất xứ, chất lượng nguyên liệu; Ghi nhãn hàng hóa, bao bì sử dụng; Hoạt động quảng cáo sản phẩm thực phẩm của các doanh nghiệp.
- Thanh, kiểm tra tại các chợ lấy mẫu giám sát sản phẩm đưa vào lưu thông tại chợ, có biện pháp chế tài đối với các trường hợp không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các khu vực lễ hội đảm bảo người tham gia kinh doanh tại khu vực lễ hội phải có kiến thức về ATTP. Các sản phẩm thực phẩm đưa vào lễ hội phải đảm bảo ATTP, kiên quyết xử lý các trường hợp không thực hiện đầy đủ yêu cầu về ATTP không được bày bán vào khu lễ hội.
- Xử lý nghiêm các sai phạm, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường. Đưa các sản phẩm thực phẩm, doanh nghiệp thực phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng về ATTP lên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo mối nguy cho người tiêu dùng.
b) Phương thức thực hiện:
- Tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra về ATTP cho tất cả cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP trên địa bàn.
- Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; kế hoạch thanh tra, kiểm tra đột xuất.
- Thành lập các đoàn thanh tra liên ngành và chuyên ngành. Tiến hành thanh tra, kiểm tra từ khâu nuôi trồng, sơ chế, chế biến và kinh doanh. Chú trọng việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng lưu thông trên thị trường; phát hiện kịp thời, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn.
- Các chợ đầu mối, các khu vực lễ hội chủ động lấy mẫu nông sản, thực phẩm hàng ngày nhằm giám sát phát hiện và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
- Hỗ trợ kinh phí cho đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành thực hiện thanh tra và lấy mẫu thực phẩm để xác định mức độ ô nhiễm thực phẩm và các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm về ATTP (các vấn đề thu giữ, tiêu hủy...)
8. Nâng cao trình độ, năng lực bộ máy quản lý nhà nước về ATTP
a) Nội dung thực hiện:
- Trang bị phương tiện, dụng cụ, thiết bị phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về ATTP.
- Tăng cường hoạt động tham mưu, chỉ đạo và điều hành của Ban Chỉ đạo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp.
- Cơ quan quản lý về ATTP được bố trí đủ biên chế cán bộ chuyên môn theo quy định. Đặc biệt, tăng cường biên chế cán bộ thanh tra về ATTP bảo đảm kiểm soát toàn diện được thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.
- Củng cố, phát triển bộ máy quản lý nhà nước về ATTP của Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Ủy ban nhân dân huyện.
- Nâng cao nhân lực và năng lực quản lý cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP trên địa bàn, đảm bảo cán bộ làm công tác ATTP được đào tạo, tập huấn chuyên môn về ATTP.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học trong công tác đảm bảo ATTP.
- Tăng cường ngân sách cho hoạt động quản lý ATTP, đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác đảm bảo ATTP đạt 10.000đ/người dân (Hiện nay ngân sách tỉnh dành cho chi phí y tế, chưa kể nguồn thu, năm 2015 đạt khoảng 372.000đ/ người dân).
b) Phương thức thực hiện:
- Kiện toàn bộ máy quản lý về ATTP của các đơn vị thuộc Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & PTNT và bộ máy quản lý về ATTP tại tuyến huyện/xã.
- Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo về ATTP các cấp và xây dựng quy chế hoạt động để hoạt động có hiệu quả. Hỗ trợ kinh phí hoạt động về công tác đảm bảo ATTP tại các cấp đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Đầu tư trang thiết bị cho các phòng chuyên môn và hoạt động thanh tra chuyên ngành của Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp PTTN
- Đầu tư xây dựng phòng xét nghiệm đạt chuẩn về ATTP cho Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm thuộc Sở Y tế.
- Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành để giải quyết những vấn đề về ATTP có tính phức tạp và liên quan đến nhiều ngành.
- Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng để nhanh chóng nâng cao năng lực của cán bộ, nhất là cán bộ tuyến huyện, cán bộ mới tuyển dụng để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu trong công tác quản lý ATTP tại UBND huyện/xã.
- Phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu để triển khai các Đề tài nghiên cứu về ATTP cũng như nâng cao trình độ cho cán bộ.
- Liên kết, hợp tác quốc tế để hợp tác, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác quản lý ATTP.
- Khuyến khích xây dựng và triển khai các đề tài, Đề án nghiên cứu khoa học về ATTP trên địa bàn tỉnh.
III. TỔNG DỰ TOÁN KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ
1. Dự toán kinh phí: 28.680.000.000 đồng
(Hai mươi tám tỷ, sáu trăm tám mươi triệu đồng chẵn)
(Chi tiết có phụ lục kèm theo)
2. Nguồn kinh phí:
Ngân sách từ chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác.
Tháng 10 hàng năm, các Sở, ngành đề xuất kinh phí liên quan gửi về Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm) tổng hợp trình UBND tỉnh.
I. THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án là Ban chỉ đạo ATTP của tỉnh, Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) làm cơ quan thường trực Đề án, các thành viên gồm lãnh đạo các sở, ngành liên quan và chủ tịch UBND các huyện.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
1. Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm)
- Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương xây dựng dự toán chi tiết nội dung triển khai thực hiện Đề án; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Đề án khi cần thiết; chủ trì sơ, tổng kết Đề án.
- Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch chuyên ngành; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để thực hiện hiệu quả Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng hướng dẫn về trình tự xây dựng kế hoạch, thủ tục cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp để thực hiện Đề án.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, tổ chức triển khai các nhiệm vụ về quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm các sản phẩm nông - lâm - thủy sản trong Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2017 - 2020.
3. Sở Công Thương
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, tổ chức quản lý chất lượng thực phẩm lưu thông, buôn bán trên thị trường theo nội dung Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2017 - 2020.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.
Bố trí kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách hàng năm cho phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
5. Sở Tài chính
Căn cứ vào dự toán kinh phí hàng năm, tham mưu cho UBND tỉnh cân đối vốn từ ngân sách để thực hiện Đề án. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý kinh phí thực hiện Đề án.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ban, ngành có liên quan đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan tới hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm; Phối hợp để chuyển giao kết quả các đề tài nghiên cứu đã được đánh giá kết luận.
- Hướng dẫn, hỗ trợ đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm thực phẩm là thế mạnh trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm thực phẩm của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương đơn vị về trình tự thủ tục cấp phát, thanh quyết toán nguồn kinh phí từ ngân sách cấp cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ để thực hiện Đề án.
7. Sở thông tin truyền thông
Sở thông tin và truyền thông phối hợp Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, đài phát thanh cấp huyện và đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin tuyên truyền theo yêu cầu của Đề án.
8. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hải Dương
Báo Hải Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Dương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng dân cư hiểu, nắm vững mục tiêu và nội dung cơ bản của Đề án, tích cực tham gia công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
9. Các sở, ban, ngành, đoàn thể
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong nhiệm vụ và chức năng của mình thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền thông qua hệ thống báo cáo viên tuyên truyền viên các cấp trong các tổ chức cơ sở đảng và định hướng tuyên truyền trên báo đài, tạp chí của tỉnh về vấn đề ATTP.
Các cơ quan, đơn vị trong địa bàn tỉnh thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của ngành liên quan đến Đề án.
10. UBND các huyện, thành phố, thị xã,
- Tổ chức tuyên truyền, triển khai và chỉ đạo các xã thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; rà soát, điều chỉnh, cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh. Tăng cường phối kết hợp với Sở Y tế trong công tác chỉ đạo, phát triển sản xuất; có chính sách hỗ trợ từ ngân sách địa phương gắn với các nội dung chính sách hỗ trợ của Đề án nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kịp thời và hiệu quả, đảm bảo An toàn thực phẩm.
- Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của tỉnh để khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương để thu hút vốn đầu tư xã hội cho công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trên địa bàn.
- Tổng hợp khối lượng thực hiện và nhu cầu kinh phí hỗ trợ hàng năm để thực hiện Đề án gửi Sở Y tế trước ngày 30/7 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
III. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO
Định kỳ sơ, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện triển khai và báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
Trước ngày 15/12 hàng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả thực hiện Đề án (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh).
Hàng năm, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổ chức đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh./.
Đặt vấn đề
Phần 1
CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
II. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
1. Tác động của thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe con người
2. Thực trạng ATTP trên địa bàn tỉnh Hải Dương
3. Thực trạng trong công tác quản lý ATTP hiện nay
Phần 2
NỘI DUNG ĐỀ ÁN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức và thực hành của người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng về ATTP
2. Cải thiện điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh
4. Cải thiện điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm
5. Nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm
6. Thiết lập và vận hành hệ thống thông tin tuyên truyền, giám sát, cảnh báo, phòng ngừa và khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về ATTP
8. Nâng cao trình độ, năng lực bộ máy quản lý nhà nước về ATTP
III. KINH PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN 26
1. Dự toán kinh phí:
2. Nguồn kinh phí:
Phần 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
PHỤ LỤC
KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo QĐ số 935/UBND ngày 23/3/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương)
ĐV: Triệu đồng
TT | NỘI DUNG THỰC HIỆN | KINH PHÍ | |||||||||||
Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Tổng giai đoạn 2018 - 2020 | ||||||||||
Chi thường xuyên | Đầu tư | Cộng | Chi thường xuyên | Đầu tư | Cộng | Chi thường xuyên | Đầu tư | Cộng | Chi thường xuyên | Đầu tư | Cộng | ||
I | Giải pháp 1: Nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức và thực hành của người sản xuất kinh doanh và tiêu dùng về ATTP | 2.740 | 0 | 2.740 | 2.740 | 0 | 2.740 | 2.740 | 0 | 2.740 | 8.220 | 0 | 8.220 |
1 | Quản lý Website về An toàn thực phẩm tại Sở Y tế | 50 |
| 50 | 50 |
| 50 | 50 |
| 50 | 150 | 0 | 150 |
2 | Tổ chức lễ mít tinh tháng hành động về ATTP: + Tuyến tỉnh: 150.000.0000đ + Tuyến huyện/TX: 12x20.000.000đ=240.000.000đ | 390 |
| 390 | 390 |
| 390 | 390 |
| 390 | 1.170 | 0 | 1.170 |
3 | Tổ chức tuyên truyền trong các cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể, Ủy ban mặt trận tổ quốc thông qua đội ngũ báo cáo viên các cấp. Giao ban báo chí về vấn đề ATTP: | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
4 | Tổ chức các buổi tập huấn kiến thức về ATTP cho các đối tượng người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng của 3 ngành: Y tế, công thương, nông nghiệp: | 900 |
| 900 | 900 |
| 900 | 900 |
| 900 | 2.700 | 0 | 2.700 |
5 | In đĩa, tờ rơi, pano áp phích có nội dung về ATTP: - Làm pano tuyên truyền (4 cái x 80.000.000đ = 320.000.000đ) - In sao băng đĩa tuyên truyền (280 x 3đĩa x 18.000đ/đĩa = 15.000.000đ - In tờ rơi tuyên truyền ATTP (1.800đ x 80.000 tờ = 144.000.000đ - In 10 nguyên tắc vàng trong chế biến ATTP (20.000đ x 6.000 tờ = 120.000.000đ) | 600 |
| 600 | 600 |
| 600 | 600 |
| 600 | 1.800 | 0 | 1.800 |
6 | Viết các phóng sự chuyên đề về ATTP: - Chuyển cho đài phát thanh truyền hình làm các phóng sự về ATTP: 60.000.000đ - Đài địa phương: 12 x 20.000.000đ= 240.000.000đ | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 900 | 0 | 900 |
II | Giải pháp 2: Cải thiện điều kiện ATTP trong nuôi trồng, đánh bắt, sơ chế, giết mổ, vận chuyển nông sản | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
1 | Lấy mẫu và xét nghiệm khảo sát các mẫu đất, nước tại các vùng canh tác để kiểm tra hàm lượng kim loại, hóa chất đảm bảo ATTP, cảnh báo mối nguy về ATTP: - Tiền xét nghiệm mẫu đất, nước: 250 mẫu x 2.000.000đ/mẫu = 500.000.000đ | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
III | Giải pháp 3: Cải thiện điều kiện ATTP tại các chợ, siêu thị | 500 | 0 | 500 | 500 | 0 | 500 | 500 | 0 | 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
| Đầu tư phương tiện kiểm tra nhanh, kiểm soát thú y, nông sản thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
IV | Giải pháp 4: Cải thiện điều kiện ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm | 800 | 0 | 800 | 800 | 0 | 800 | 800 | 0 | 800 | 2.400 | 0 | 2.400 |
1 | + Tổ chức tập huấn miễn phí 1 lần cho các đối tượng không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 900 | 0 | 900 |
+ Tổ chức tập huấn kiến thức cho người kinh doanh phụ gia thực phẩm đảm bảo kiến thức về hóa học cho chủ cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm đảm bảo ATTP | |||||||||||||
2 | Xây dựng mô hình điểm về ATTP tại một số bếp ăn tập thể của trường học, doanh nghiệp cung cấp xuất ăn công nghiệp. | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
V | Giải pháp 5: Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng ATTP | 800 | 1.500 | 2.300 | 800 | 1.500 | 2.300 | 800 | 1.500 | 2.300 | 2.400 | 4.500 | 6.900 |
1 | Đầu tư trang, thiết bị máy móc thực hiện kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm về ATTP đạt tiêu chuẩn ISO 17025. | 200 | 1500 | 1.700 | 200 | 1500 | 1.700 | 200 | 1500 | 1.700 | 600 | 4.500 | 5.100 |
2 | Trang bị bộ kít test nhanh về thực phẩm của Bộ Công an cho các địa phương | 600 |
| 600 | 600 |
| 600 | 600 |
| 600 | 1.800 | 0 | 1.800 |
VI | Giải pháp 6: Thiết lập và vận hành hệ thống giám sát, cảnh báo, phòng ngừa và khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm | 800 | 300 | 1.100 | 800 | 300 | 1.100 | 800 | 300 | 1.100 | 2.400 | 900 | 3.300 |
1 | Xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo, phòng ngừa các sự cố về ATTP và kiểm soát hiệu quả điều kiện đảm bảo ATTP đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khắc phục kịp thời ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm (hoạt động dập dịch, phòng ngừa cứu chữa,...) | 300 | 300 | 600 | 300 | 300 | 600 | 300 | 300 | 600 | 900 | 900 | 1.800 |
2 | Điều tra dịch tễ, lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu thực phẩm. Xây dựng chỉ tiêu đối với thực phẩm an toàn theo qui chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về ATTP. | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
VII | Giải pháp 7: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP | 500 | 0 | 500 | 500 | 0 | 500 | 500 | 0 | 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
| Kinh phí hỗ trợ cho đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành thực hiện thanh tra và lấy mẫu thực phẩm để xác định mức độ ô nhiễm thực phẩm và các vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm về ATTP (các vấn đề thu giữ, tiêu hủy...) | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 1.500 | 0 | 1.500 |
VIII | Giải pháp 8: Nâng cao trình độ, năng lực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm | 820 | 300 | 1.120 | 820 | 300 | 1.120 | 820 | 300 | 1.120 | 2.460 | 900 | 3.360 |
1 | Cải tạo, nâng cấp trang thiết bị tại cơ quan quản lý về ATTP thực hiện nhiệm vụ về ATTP | 0 | 300 | 300 | 0 | 300 | 300 | 0 | 300 | 300 | 0 | 900 | 900 |
2 | Bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện quản lý về ATTP (Đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tham quan học tập các mô hình tiên tiến trong và ngoài nước...) | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 900 | 0 | 900 |
3 | Hỗ trợ kinh phí hoạt động của ban chỉ đạo các cấp về ATTP | 420 |
| 420 | 420 |
| 420 | 420 |
| 420 | 1.260 | 0 | 1.260 |
4 | Hội nghị đánh giá tiến trình thực hiện đề án | 100 |
| 100 | 100 |
| 100 | 100 |
| 100 | 300 |
| 300 |
| Tổng số kinh phí | 7.460 | 2.100 | 9.560 | 7.460 | 2.100 | 9.560 | 7.460 | 2.100 | 9.560 | 22.380 | 6.300 | 28.680 |
- 1Kế hoạch 58/KH-UBND về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2018 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 2Kế hoạch 54/KH-UBND về hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2018 về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 1Quyết định 1506/QĐ-BNN-KHCN năm 2008 về việc ban hành quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho chăn nuôi lợn an toàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Luật an toàn thực phẩm 2010
- 3Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 1256/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tuyến tỉnh đến năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 08-CT/TW năm 2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới do Ban Bí thư ban hành
- 6Quyết định 20/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 8Quyết định 35/2008/QĐ-UBND thành lập Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Hải Dương
- 9Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm
- 10Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công thương ban hành
- 11Nghị quyết 47/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2014
- 12Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 13Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 14Thông tư liên tịch 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ ban hành
- 15Thông tư 15/2015/TT-BNNPTNT hướng dẫn nhiệm vụ các Chi cục và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 16Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 17Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 18Công văn 771/TTg-KGVX năm 2017 thực hiện Kết luận 11-KL/TW về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 19Nghị quyết 43/2017/QH14 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 do Quốc hội ban hành
- 20Kế hoạch 58/KH-UBND về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2018 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 21Kế hoạch 54/KH-UBND về hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 22Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2018 về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Quyết định 935/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020
- Số hiệu: 935/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/03/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
- Người ký: Nguyễn Dương Thái
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra