BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/2005/QĐ-BQP | Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP CỤC THI HÀNH ÁN BỘ QUỐC PHÒNG
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996, đã sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sư;
Xét đề nghị của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng trên cơ sở Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng.
- Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng chịu sự quản lý về hành chính quân sự của Bộ Tổng Tham mưu.
Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng".
Điều 3.
1. Cơ cấu tổ chức của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng bao gồm: Chỉ huy Cục, các phòng nghiệp vụ, Ban Tài chính, Ban Hành chính.
2. Tổ chức biên chế cụ thể của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng do Bộ Tổng Tham mưu quy định.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 247/QĐ-QP ngày 15 tháng 6 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Phòng Quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng.
Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY ĐỊNH
VỊ TRÍ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN MỘT QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA CỤC THI HÀNH ÁN BỘ QUỐC PHÒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 93/2005/QĐ-BQP ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Điều 1. Vị trí, chức năng của Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng
1. Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng (dưới đây gọi tắt là Cục Thi hành án) là cơ quan quản lý thi hành án, cơ quan nghiệp vụ đầu ngành về công tác thi hành án dân sự trong quân đội.
2. Cục Thi hành án có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong quân đội theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Thi hành án
Cục Thi hành án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cán bộ, công chức làm công tác thi hành án; các văn bản pháp luật khác có liên quan và các nhiệm vụ quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập, giải thể Cơ quan Thi hành án cấp quân khu; đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu; giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án.
2. Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về thi hành án dân sự trong quân đội bao gồm: Soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự phù hợp với đặc thù quân đội; thực hiện chế độ đối với cán bộ làm công tác thi hành án dân sự trong quân đội theo quy định chung của Nhà nước; thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về thi hành án dân sự; quản lý các ngạch Thẩm tra viên thi hành án trong quân đội theo quy định của Pháp luật.
3. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ của Cục Thi hành án, Chấp hành viên và các chức danh khác của Thi hành án cấp quân khu.
4. Lập và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kế hoạch đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của ngành thi hành án trong quân đội theo quy định của pháp luật.
5. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để thống nhất xin chủ trương của Bộ Quốc phòng trong chỉ đạo, giải quyết thi hành các vụ việc thi hành án phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài quân đội.
6. Chuẩn bị nội dung báo cáo công tác thi hành án dân sự trong quân đội để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.
7. Thực hiện chế độ báo cáo, tổng kết công tác nghiệp vụ theo quy định của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Bộ Tư pháp; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Bộ nghiên cứu tổng kết công tác quản lý nghiệp vụ và tổng kết thực tiễn công tác thi hành án dân sự trong quân đội.
8. Xây dựng Cục Thi hành án vững mạnh và thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Quốc phòng giao.
Điều 3. Mối quan hệ công tác của Cục Thi hành án
1. Quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan, đơn vị:
a) Phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng trong việc tham mưu, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng lập kế hoạch và tổ chức soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự trong quân đội trình cấp có thẩm quyền ban hành; tham mưu đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo thi hành án dối với những vụ án lớn, phức tạp; quan hệ công tác với Tư lệnh quân khu và tương đương trong việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng để các cơ quan thi hành án cấp quân khu tổ chức thi hành.
b) Phối hợp với Cục Cán bộ Tổng cục Chính trị, Phòng Cán bộ quân khu và tương đương và các cơ quan chức năng trong công tác tuyển dụng, đào tạo, xét đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh Chấp hành viên, Trưởng Thi hành án, Phó Trưởng thi hành án cấp quân khu; xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ của ngành Thi hành án dân sự trong quân đội.
c) Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng khác thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp trong việc bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên, các ngạch Thẩm tra viên thi hành án trong quân đội.
d) Phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chấp hành viên và đề nghị bổ nhiệm Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp.
đ) Phối hợp với các cơ quan pháp luật và các cơ quan chức năng khác của Bộ Quốc phòng hướng dẫn chỉ đạo áp dụng thống nhất việc thực hiện quy định của pháp luật trong công tác thi hành án dân sự.
g) Phối hợp với các cơ quan chức năng của nhà nước và Bộ Quốc phòng đảm bảo kinh phí, trang bị phương tiện hoạt động, đầu tư xây dựng cơ bản cho ngành Thi hành án dân sự trong quân đội.
2. Quan hệ với Thi hành án cấp quân khu:
Quan hệ giữa Cục Thi hành án với Thi hành án cấp quân khu là quan hệ quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và chịu sự quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra về nghiệp vụ thi hành án dân sự./.
Quyết định 93/2005/QĐ-BQP thành lập Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng ban hành
- Số hiệu: 93/2005/QĐ-BQP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/07/2005
- Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
- Người ký: Phùng Quang Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 20 đến số 21
- Ngày hiệu lực: 02/08/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực