Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 93/2001/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC SẠCH CHO NHÂN DÂN NỘI THÀNH VÀ NGOẠI THÀNH, GIAI ĐOẠN 2001 - 2005.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2001/CT-UB ngày 16/3/2001 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai tổ chức thực hiện 12 chương trình và công trình trọng điểm của thành phố trong giai đoạn 2001 - 2005 và kế hoạch thực hiện “Năm trật tự đô thị” trong năm 2001;
Thực hiện Thông báo số 135/TB-TU ngày 18/7/2001 của Ban Thường vụ Thành Ủy về việc tạo nguồn nước sạch phục vụ nhân dân thành phố;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông công chánh (công văn số 149/GT-CTN ngày 28/9/2001) về việc trình duyệt dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình nước sạch cho nhân dân nội thành và ngoại thành giai đoạn 2001-2005;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình nước sạch cho nhân dân nội thành và ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2001 - 2005 nhằm nâng cao công suất cấp nước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao ý thức của nhân dân trên toàn địa bàn thành phố để bảo vệ giữ gìn hệ thống cấp nước và hạn chế thất thoát nước.

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố căn cứ theo nhiệm vụ, tình hình của đơn vị và nội dung kế hoạch thực hiện Chương trình nước sạch cho nhân dân nội thành và ngoại thành, giai đoạn 2001 - 2005 nêu tại Điều 1 để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực tham gia thực hiện kế hoạch chung nhằm đảm bảo đạt kết quả cao nhất đối với chương trình trọng điểm này của Thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận - Huyện, Phường - Xã, Thủ trưởng các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Nơi nhận :
 - Như điều 3  
- TT/TU.TP, TT/HĐND.TP  
- TTUBND TP, UB MTTQVN.TP
- Các Báo, Đài (để tuyên truyền)
- VPHĐ - UB : CVP, các PVP
- Các Tổ NCTH, tổ ĐT (3b)
- Lưu (ĐT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hùng Việt

 

 ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

TP.Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 10 năm 2001 

 

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NƯỚC SẠCH CHO NHÂN DÂN NỘI THÀNH VÀ NGOẠI THÀNH, GIAI ĐOẠN 2001-2005
(Ban hành kèm theo quyết định số /2001/QĐ-UB ngày /10/2001 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ VII và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố kỳ họp thứ IV, khóa VI về 12 chương trình, công trình trọng điểm và “Năm trật tự đô thị";

Ủy ban nhân dân thành phố tập hợp những nội dung công tác chính để lập kế hoạch chung của thành phố, bao gồm những mục tiêu và nhiệm vụ cần tập trung thực hiện về Chương trình nước sạch cho nhân dân nội thành và ngoại thành giai đoạn 2001 -2005, tạo sự chuyển biến căn bản tình hình cấp nước sạch cho nhân dân thành phố.

I.- MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

- Phát triển nguồn nước tăng lên 1.857.000 m3/ngày vào năm 2005, để có 90% số dân thành phố được cung cấp nước sạch (có 4,1 triệu người được cấp nước) với tiêu chuẩn cấp nước bình quân 160 lít/người/ngày .

- Xây dựng mạng lưới truyền dẫn và phân phối để có thể tiếp nhận và tiêu thụ hết lượng nước tăng thêm này. Tập trung phát triển mở rộng mạng lưới phân phối tới toàn bộ các khu vực hiện thiếu nước, các khu vực đang được đô thị hóa và các khu công nghiệp tập trung. Cải tạo, nâng cấp hệ thống mạng phân phối hiện hữu để xóa các vùng nước yếu cục bộ trong các Quận nội thành. Giảm tỷ lệ thất thoát nước hiện nay xuống 29% vào năm 2005.

- Nâng tỷ lệ số hộ dân vùng nông thôn ngoại thành được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt để xoá bỏ tình trạng sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh có thể gây ảnh hưởng cho sức khoẻ, phát sinh bệnh tật do sử dụng nước, góp phần thực hiện nếp sống văn hoá mới. Phấn đấu năm 2005 có 90% số hộ nông thôn có nước sinh hoạt với mức bình quân 60 l/người/ngày.

- Hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả các dự án cấp nước đã được nghiên cứu và phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2001 - 2005. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động khác để cải tạo, đầu tư, xây dựng phát triển các công trình có liên quan về cấp nước.

- Vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia và tạo sự chuyển biến tích cực trong việc quản lý, bảo vệ, giữ gìn và đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước của Thành phố để góp phần phát triển hệ thống và hạn chế thất thoát nước.

- Thực hiện cơ chế một giá nước cho cùng một đối tượng sử dụng sử dụng nước trên các địa bàn xa gần của Thành phố

- Xây dựng chương trình, kế họach thực hiện 5 năm một cách khoa học, đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực và cụ thể ở từng ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Tổ chức tốt việc thực hiện ở các ngành các cấp nhằm đảm bảo sự thành công của Chương trình nước sạch trong giai đọan 2001 - 2005 và những năm tiếp theo.

II.- CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH :

A- Các giải pháp về quản lý và kỹ thuật:

1- Phát triển nguồn cung cấp nước bằng cách xây dựng thêm các Nhà máy nước mới có công suất lớn, đồng thời xây dựng các trạm cấp nước tại các khu dân cư vùng sâu vùng xa để giải quyết nhu cầu trước mắt khi khi chưa có điều kiện đưa mạng lưới phân phối đến.

2- Cải tạo các Nhà máy nước hiện hữu song song với việc xây dựng nhà máy mới để có thể hoạt động bình thường ổn định và nâng công suất, đáp ứng nhiệm vụ cấp nước sạch liên tục cho toàn Thành phố.

3- Phát triển mạng lưới cấp nước để có thể tiếp nhận nước từ nguồn nước tăng thêm và đưa nước sạch đến người tiêu thụ.

4- Chống thất thoát nước : kế họach chống thất thoát nước được xây dựng cho từng năm và dài hạn, trong đó công tác quan trọng là cải tạo ống mục để chống thất thoát hữu hình do rò rỉ nước và bảo đảm lắp đặt đồng hồ đo nước cho tất cả khách hàng.

5- Chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm.

6- Triển khai xã hội hóa công tác cấp nước bằng việc thí điểm việc giao cho các địa phương và các Doanh nghiệp tư nhân quản lý mạng phân phối nước để giảm nhẹ gánh nặng cho Công ty Cấp nước và thúc đẩy việc tìm biện pháp chống thất thoát nước. Nghiên cứu thực hiện việc huy động vốn hoặc ứng trước vốn của khách hàng đối với việc mở rộng mạng lưới phân phối, sau đó trừ dần vào tiền nước trên nguyên tắc tự nguyện.

7- Điều chỉnh giá nước phù hợp để có thể tích lũy tái đầu tư, trả nợ vay, đồng thời có bù giá cho các vùng xa để các khu vực khác nhau đều được hưởng chung một mức giá cung cấp nước sạch.

8- Nâng cao năng lực và cải tiến tổ chức ngành cấp nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

B- Các giải pháp về hành chánh quản lý và xã hội (dài hạn, liên tục):

1- Xây dựng và ban hành đầy đủ các Quy chế quản lý sử dụng nước sạch và Quy chế quản lý bảo vệ công trình cấp nước để có cơ sở bảo vệ hệ thống cấp nước tránh bị xâm phạm và hạn chế thất thoát nước.

2- Vận động tuyên truyền trong nhân dân ý thức về sử dụng, tiết kiệm bảo vệ nguồn nước và chống thất thoát , lãng phí.

3- Thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ đồng hồ nước của khách hàng để phát hiện các trường hợp sử dụng nước bất hợp pháp hoặc gian lận nhằm hạn chế thất thoát vô hình, hạ thấp tỉ lệ thất thoát nước.

 4- Tổ chức các Hội nghị khách hàng theo định kỳ hàng năm, thực hiện hình thức phiếu điều tra để theo dõi được các nhu cầu, đề xuất của nhân dân và các địa phương để có thể xử lý kịp thời.

III- NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA TỪNG ĐƠN VỊ :

1- Giám đốc Sở Giao thông công chánh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc Công ty Cấp nước tổ chức thực hiện các dự án cấp nước theo kế hoạch 2001 - 2005 và chuẩn bị những dự án cấp nước cho những năm tiếp theo đến 2010 - 2020 phù hợp với mục tiêu, giải pháp và tiến độ chung của thành phố. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận - Huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia tích cực, triển khai việc lập các kế hoạch hành động cụ thể , giải quyết những vấn đề liên quan đến Chương trình nước sạch ở từng đơn vị, từng địa phương một cách khẩn trương, đồng bộ, đảm bảo các dự án thuộc Chương trình nước sạch được hoàn thành đúng theo tiến độ kế hoạch.

2- Sở Văn hoá Thông tin có kế hoạch phối hợp cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các tổ chức đoàn thể quần chúng, các cơ quan thông tin đại chúng và Ủy ban nhân dân các Quận - Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trên các phương tiện thông tin, trong trường học, đoàn thể, khu phố, vận động mọi tầng lớp nhân dân tự giác thực hiện việc bảo vệ giữ gìn hệ thống cấp nước, phát động phong trào nhân dân toàn thành phố hưởng ứng thực hiện tiết kiệm nước sạch, chống lãng phí và thất thoát nước. Nội dung tuyên truyền phải thiết thực, dễ tiếp thu, phù hợp với mọi đối tượng, mọi tầng lớp nhân dân.

3- Sở Giao thông công chánh triển khai xã hội hóa công tác cấp nước bằng việc thí điểm giao cho các địa phương và các Doanh nghiệp tư nhân quản lý mạng phân phối nước, năm 2001 sẽ thực hiện thí điểm ở 1 hoặc 2 Quận Huyện, sau đó nhân rộng ra. Công ty Cấp nước phải xây dựng kế họach Chống thất thoát nước cho từng năm, liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước để triển khai các Dự án chống thất thoát nước trong từng khu vực có điều kiện cô lập mạng lưới, tiếp thu kỹ thuật tiên tiến, cải tiến thiết bị để theo dõi kiểm soát và hạ thấp tỷ lệ thất thoát nước trong khu vực làm cơ sở ứng dụng cho toàn thành phố.

4- Sở Khoa học Công nghệ Môi trường phối hợp với các Tỉnh lân cận ở thượng nguồn sông Sài Gòn và Đồng Nai có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp hợp lý để không gây ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho toàn Thành phố.

5- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hạn chế tối đa việc cấp phép khai thác không tập trung, ngăn chặn và có biện pháp xử lý nghiêm khắc với các doanh nghiệp và tư nhân, tổ chức khoan giếng bất hợp pháp; phối hợp cùng Sở Giao thông Công chánh để có kế họach và biện pháp quản lý hệ thống giếng ngầm, yêu cầu nhân dân lấp giếng đúng kỹ thuật khi có nguồn nước sạch thay thế hoặc giúp nhân dân xử lý nước đạt yêu cầu nếu còn buộc phải sử dụng tiếp, nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước ngầm cho Thành phố cũng như bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

6- Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn giải quyết nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư đối với những dự án, công trình, công việc có trong Chương trình nước sạch, đề xuất kịp thời để Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định cấp vốn đầu tư theo đúng tiến độ.

7-. Sở Giao thông công chánh phối hợp cùng Sở Tài chính - Vật giá để xây dựng và điều chỉnh giá nước theo Thông tư 03/TTLT của Liên Bộ Xây dựng-Ban Vật giá Chính phủ vào thời điểm cần thiết nhằm có thể tích lũy tái đầu tư, trả nợ vay, đồng thời có bù giá cho các vùng xa để các khu vực khác nhau đều được hưởng chung một mức giá cung cấp nước sạch.

8- Sở Giao thông công chánh và Công ty Cấp nước có kế hoạch nâng cao năng lực các Ban Quản lý Dự án, các đơn vị Tư vấn và xây lắp thuộc ngành cấp nước, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, đồng thời đề xuất cải tiến mô hình phương án tổ chức để có thể đáp ứng được khối lượng công việc gia tăng gấp nhiều lần trong thời gian tới.

9- Sở Giao thông công chánh, Công ty Cấp nước chủ trì soạn thảo và phối hợp với Sở Tư pháp để trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành những văn bản pháp quy cụ thể để quản lý có hiệu quả hệ thống cấp nước thành phố Hồ Chí Minh.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1- Sở Giao thông công chánh là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chính về phần Chương trình nước sạch cho nhân dân nội thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chính về phần Chương trình nước sạch cho nhân dân ngoại thành nhằm tham mưu cho Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Sở - Ban - ngành và các đơn vị liên quan để triển khai, đôn đốc việc thực hiện, trực tiếp kiểm tra, tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả định kỳ và đề xuất biện pháp xử lý những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.

2- Hàng quý, Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì họp giao ban để kiểm điểm tình hình thực hiện và hàng năm họp sơ kết tổng hợp tình hình chung báo cáo Thành Ủy, Hội đồng nhân dân thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở Ban ngành liên quan, Công ty Cấp nước thành phố, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã căn cứ theo nhiệm vụ, tình hình của từng đơn vị và nội dung Kế hoạch này để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể để phối hợp cùng Chương trình nước sạch của thành phố; chịu trách nhiệm tổ chức và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của đơn vị mình và sơ kết , báo cáo định kỳ theo yêu cầu trên đây.

(Đính kèm kế hoạch phát triển nguồn nước; danh mục, tiến độ thực hiện và ước toán kinh phí của các dự án cấp nước giai đoạn 2001-2005)./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NƯỚC SẠCH GIAI ĐOẠN 2001-2005

KẾ HOẠCH CẤP NƯỚC CHO NHÂN DÂN NGOẠI THÀNH GIAI ĐOẠN 2001-2005

Quận Huyện

2001

2002

2003

2004

2005

Giếng

Trạm CNTT

Giếng

Trạm CNTT

Giếng

Trạm CNTT

Giếng

Trạm CNTT

Giếng

Trạm CNTT

Củ Chi

200

4

176

3

170

3

100

3

60

2

Hóc Môn

30

1

30

1

50

1

30

1

 

1

B.Chánh

46

6

50

5

50

4

50

3

30

2

Nhà Bè

20

4

24

3

20

3

10

2

5

 

Quận 2

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

Quận 9

 

3

20

1

10

 

10

 

5

 

Quận 12

4

3

 

2

 

1

 

 

 

 

Thủ Đức

 

4

 

4

 

3

 

 

 

 

Cộng

300

25

300

21

300

15

200

9

100

5

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 93/2001/QĐ-UB ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình nước sạch cho nhân dân nội thành và ngoại thành, giai đoạn 2001 - 2005 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 93/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2001
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vũ Hùng Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản