Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 927/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 07 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN "RÀ SOÁT, BỔ SUNG QUY HOẠCH BỐ TRÍ SẮP XẾP DÂN CƯ TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2012 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020"

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg , ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015;

Căn cứ Thông tư hướng dẫn số 21/2007/TT-BNN ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 62/BNN-KTHT ngày 10 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 984/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2011 của UBND tỉnh Sơn La cho phép lập dự án rà soát, bổ sung Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư tỉnh Sơn la giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2823/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương - Dự toán kinh phí lập dự án rà soát, bổ sung Quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 41/TTr-PTNT, ngày 05 tháng 02 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án "Rà soát, bổ sung Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020" với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU BỐ TRÍ, SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ

1. Quan điểm

- Quy hoạch bố trí dân cư phải đồng bộ, từ quy hoạch khu dân cư, hệ thống kết cấu hạ tầng, địa bàn sản xuất, phục vụ sinh sống ổn định lâu dài của dân tái định cư. Khai thác, sử dụng có hiệu quả thế mạnh trong vùng, có hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế, sớm giải quyết khó khăn, góp phần thực hiện tốt chính sách dân tộc và miền núi của Đảng và Nhà nước. Bố trí dân cư phải gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các huyện và thành phố.

- Quy hoạch bố trí dân cư theo hướng xen ghép, tại chỗ, nội bản, nội xã, nội huyện là chính. Tập trung hỗ trợ vùng thiên tai cần phải di dời cấp bách trước. Trong trường hợp xã, bản không thể bố trí được nữa, mới bố trí sắp xếp bản khác, xã khác trong huyện.

- Quy hoạch bố trí dân cư phải gắn với thế trận an ninh, quốc phòng, quan tâm hơn địa bàn các xã có đường biên giới quốc gia, đảm bảo thực hiện đúng quy định về hành lang an ninh biên giới và bảo vệ môi trường bền vững.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

- Thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống, vùng biên giới, ổn định dân di cư tự do, vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, di cư tự do; giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố anh ninh, quốc phòng.

- Quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020 là cơ sở pháp lý để các huyện, thành phố lập các dự án bố trí sắp xếp dân cư.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020 cần bố trí, sắp xếp, ổn định 6.707 hộ, 33.537 nhân khẩu thuộc 92 xã, 01 phường, 02 thị trấn.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 21,3% năm 2015 và 10% năm 2020.

- Thu nhập bình quân đạt từ 21 - 23 triệu đồng/người/năm (năm 2015) và 27 - 30 triệu đồng/người/năm (năm 2020).

- Đời sống văn hoá, xã hội nâng cao: Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ 71% lên 96,6, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện từ 75,8% lên 99,5%, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 98,5%; tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 70%, phấn đấu có 80% số hộ trong vùng dự án có chuồng trại chăn nuôi tách riêng khỏi khu vực nhà; rác thải sinh hoạt được chôn lấp hoăc đốt làm phân bón.

- Xây dựng các điểm tái định cư có điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất ổn định lâu dài.

II. NỘI DUNG DỰ ÁN QUY HOẠCH

1. Hình thức bố trí, sắp xếp dân cư

Tổng hợp theo kết quả khảo sát, thống kê từ xã và các huyện trên địa bàn, đến năm 2020 cần bố trí cho 6.707 hộ theo các hình thức sau:

Di chuyển đến 109 điểm tập trung với 2.953 hộ.

Di chuyển đến 250 điểm xen ghép với 2.767 hộ.

Ổn định tại chỗ: 987 hộ.

2. Phân theo đối tượng

- Di dân ra khỏi vùng thiên tai: 217 điểm, 3.299 hộ, 16.074 nhân khẩu.

- Sắp xếp các hộ vùng biên giới Việt - Lào: 21 điểm, 425 hộ, 2.146 nhân khẩu.

- Di dân các hộ ở vùng khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sinh hoạt, hạ tầng...): 85 điểm, 2.482 hộ, 12.723 nhân khẩu.

- Sắp xếp ổn định các hộ di cư tự do không theo quy hoạch cần sắp xếp vào vùng quy hoạch: 29 điểm, 346 hộ, 1.832 nhân khẩu.

- Di dân các vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ: 07 điểm, 155 hộ, 762 nhân khẩu.

3. Tiến độ thực hiện bố trí dân cư

a) Giai đoạn 2012 - 2015: 1.855 hộ, chiếm 27,6%, chủ yếu tập trung di dời vùng phòng tránh thiên tai, gồm:

- Vùng phòng tránh thiên tai: 1.154 hộ, chiếm 62,2%.

- Số hộ di cư tự do ở phân tán không theo quy hoạch, đời sống khó khăn: 134 hộ, chiếm 7,2%.

- Vùng đặc biệt khó khăn như: Thiếu đất, thiếu nước, thiếu kết cấu hạ tầng thiết yếu, không có điều kiện đầu tư để ổn định đời sống: 294 hộ, chiếm 15,8%.

- Vùng biên giới Việt - Lào: 192 hộ, chiếm 10,3%.

- Vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng: 81 hộ, chiếm 4,5%.

b) Giai đoạn 2016 - 2020: 4.852 hộ, chiếm 72,3%, gồm:

- Vùng phòng tránh thiên tai: 2.145 hộ, chiếm 44,2%.

- Hộ di cư tự do ở phân tán không theo quy hoạch, đời sống khó khăn: 212 hộ, chiếm 4,3%.

- Vùng đặc biệt khó khăn như: Thiếu đất, thiếu nước, thiếu cơ sở hạ tầng..., không có điều kiện đầu tư để ổn định đời sống: 2.188 hộ, chiếm 45,1%.

- Vùng biên giới Việt - Lào: 233 hộ, chiếm 4,8%.

- Vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng: 74 hộ, chiếm 1,6%.

4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

Tổng số hộ cần ưu tiên bố trí 838 hộ, gồm:

4.1. Dự án bố trí, sắp xếp dân cư di dời cấp bách phòng tránh thiên tai: 307 hộ, chiếm 36,6% tổng số hộ ưu tiên, gồm:

- Bố trí sắp xếp 26 hộ bản Pặt đến tái định cư tại bản Keo Thán xã Mường Chùm huyện Mường La;

- Bố trí sắp xếp 82 hộ, bản Phiêng Lương đến khu Xồm Lồm - Hin Tư, xã Sập Xa, huyện Phù Yên.

- Bố trí sắp xếp 16 hộ bản Đông Tấu di chuyển nội bản, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu.

- Bố trí sắp xếp 38 hộ bản Nậm Ngùa đến tái định cư tập trung tại 2 điểm Ít Tà Bót + Nà Mùn, xã Chiềng Khay và 55 hộ bản Huổi Ngà đến tái định cư tập trung tại bản Huổi Ngà xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai.

- Bố trí sắp xếp 40 hộ bản Cát đến tái định cư tập trung bản Cát, xã Cò Mạ, huyện Thuận Châu.

- Bố trí sắp xếp 115 hộ 5 xã, 5 điểm huyện Mường La, gồm: 27 hộ bản Nậm Khít đến tái định cư tại bản Huổi Nạ xã Hua Trai; 20 hộ bản Giạng Phổng đến Háng Chứ xã Ngọc Chiến, 41 hộ bản Huổi Hậu đến Huổi Hậu 2 xã Chiềng Lao, 17 hộ bản Hin Phá di chuyển nội bản Hin Phá xã Chiềng Hoa.

4.2. Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn: 481 hộ, chiếm 57,4% tổng số hộ ưu tiên, gồm:

- Bố trí sắp xếp 360 hộ huyện Mường La, gồm: 80 hộ xã Chiềng San, trong đó: 35 hộ bản Lầm chuyển đến bản Huổi Pụt, 20 hộ bản Pá Làng chuyển đến bản Phiêng Kham, 25 hộ bản Long chuyển đến bản Khắm Nhổng; 33 hộ bản Pá Han chuyển đến bản Nặm Hồng, xã Hua Trai; 247 hộ xã Ngọc Chiến, trong đó: 22 hộ bản Chom Khâu chuyển đến bản Pá Khoang, 18 hộ bản Phiêng Ái chuyển đến bản Đin Đanh, 36 hộ bản Phày chuyển đến bản Mé (mới), 40 hộ bản Lướt chuyển đến bản Pá Pâu (mới), 40 hộ bản Nà Tâu chuyển đến bản Đông Huổi (mới) và 91 hộ bản Mường Chiến 2 chuyển đến bản Hin Hẹ.

- Bố trí sắp xếp 11 hộ bản Văng Khoang đến bản Kéo Ca, xã Mường Giôn huyện Quỳnh Nhai.

- Bố trí sắp xếp 110 hộ tại 9 bản, xã Mường É, huyện Thuận Châu gồm: 27 hộ bản Hát Lụ, 9 hộ bản Nà Lè, 8 hộ Nà Ổn, 14 hộ bản Nà Lè - Nà Ổn chuyển đến khu tái định cư tập trung bản Hua Công; 8 hộ bản Tàn, 9 hộ bản Hịa, 8 hộ bản Co Cại, 6 hộ bản Tum chuyển đến khu tái định cư tập trung bản Pa Đông; 21 hộ bản Pá Khôm chuyển đến tái định cư tập trung bản Sài Lương.

4.3. Dự án bố trí sắp xếp vùng biên giới Việt - Lào: 50 hộ, chiếm 6%, gồm:

Bố trí sắp xếp 50 hộ bản Pú Hao đến tái định cư tập trung tại khu Suối Liên xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.

III. QUY HOẠCH XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG PHỤC VỤ SẢN XUẤT VÀ SINH HOẠT CỦA NHÂN DÂN

1. Đường giao thông

Mở mới và nâng cấp 109,6 km đường giao thông vào điểm tái định cư và đường nội bộ, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 là 193.600 triệu đồng, trong đó: Giai đoạn 2012 - 2015 là 38.720 triệu đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là 154.880 triệu đồng.

2. Thủy lợi

Đầu tư xây dựng 39 công trình thủy lợi, phục vụ nước tưới tiêu, nước sinh hoạt và khai hoang tăng vụ cho 258,4 ha, vốn đầu tư 38.760 triệu đồng, trong đó: Giai đoạn 2012 - 2015 là 15.504 triệu đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là 23.256 triệu đồng.

3. Hệ thống cấp nước sinh hoạt

Năm 2020 có trên 96,6% số hộ thuộc đối tượng dự án được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, cần đầu tư xây dựng 64 công trình nước sinh hoạt cấp nước cho 1.965 hộ. Tổng vốn đầu tư: 50.707 triệu đồng trong đó: Giai đoạn 2012 - 2015 là 20.028 triệu đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 30.042 triệu đồng.

4. Nhu cầu đầu tư các công trình lớp học cắm bản và nhà trẻ mẫu giáo

Mở rộng quy mô và hoàn thiện hệ thống trường, lớp học, đầu tư trang thiết bị phục vụ học tập theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Trong giai đoạn quy hoạch cần đầu tư xây dựng vùng dự án là 125 phòng học các cấp (phòng học mầm non, mẫu giáo 56 phòng, phòng học bậc tiểu học (lớp học cắm bản) 69 phòng), vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 là 55.255 triệu đồng, trong đó: Giai đoạn 2012 - 2015 là 16.577 triệu đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 38.678 triệu đồng.

5. Công trình điện

Đến năm 2020 trên địa bàn các điểm quy hoạch bố trí dân cư vùng dự án có 99,5% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Đến năm 2020 vùng dự án cần đầu tư xây dựng 24 km đường dây cao thế và trung thế, 107,4 km đường dây 0,4KV 64 trạm biến áp. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 khoảng 92.640 triệu đồng, trong đó: Giai đoạn 2012 - 2015 là 18.528 triệu đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 74.112 triệu đồng.

6. Nhà văn hóa

Giai đoạn 2012 - 2020 cần đầu tư xây mới nhà văn hoá tại các điểm dân cư tập trung, xen ghép thuộc đối tượng dự án phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá. Dự kiến cần xây dựng 51 nhà văn hoá với diện tích khoảng 5.355 m2. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 là 26.845 triệu đồng, trong đó: Giai đoạn 2012 - 2015 là 8.054 triệu đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 18.792 triệu đồng.

7. San lấp nền nhà

Mỗi hộ tái định cư đến nơi ở mới sẽ được san nền nhà với diện tích không quá 400 m2/nền để xây dựng nhà ở, sân và công trình phụ. Vốn đầu tư khoảng 85.800 triệu đồng.

8. Y tế:

Đầu tư, nâng cấp, trang thiết bị cho các cơ sở y tế, tăng cường đội ngũ y bác sỹ cho trung tâm y tế, trạm y tế xã, y tế bản, các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y kết hợp..., bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia y tế.

IV. QUY HOẠCH SẢN XUẤT

1. Sản xuất nông nghiệp

a) Trồng trọt: Đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, thay thế giống cũ đã thoái hoá. Áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Tận dụng khai hoang diện tích đất trồng lúa nước ở những nơi có điều kiện. Phát triển cây ngô hàng hoá gắn với việc phát triển mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, cụ thể như sau:

- Cây lúa nước: Quy hoạch đến năm 2020 diện tích gieo trồng đạt 1.307,2 86 ha, năng suất bình quân 4,8 tấn/ha, sản lượng 6.277,7 tấn.

- Cây ngô: Dự kiến diện tích gieo trồng ngô năm 2020 là 5.231,5 ha, năng suất bình quân 4,2 tấn/ha, sản lượng 21.972,1 tấn.

- Cây sắn: Phát triển với quy mô 760,0 ha vào năm 2020, năng suất bình quân 10,0 tấn/ha, sản lượng 7600,0tấn.

- Trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc: Dự kiến năm 2020 có 1.524,0 ha đất trồng cỏ, năng suất bình quân đạt 150 tấn/ha, sản lượng đạt 228.600 nghìn tấn.

- Cây rau các loại: Tiếp tục phát triển cây rau đậu các loại đảm bảo cung cấp rau xanh tại chỗ và làm sản phẩm hàng hoá, rau an toàn cung cấp cho thị trường. Diện tích năm 2020 có 152,0 ha, sản lượng 2.752 tấn.

- Cây ăn quả: Phấn đấu đến năm 2020 có 1.006,10 ha cây ăn quả, sản lượng quả tươi 3.018,15 tấn.

- Cây công nghiệp các loại: Quy hoạch vùng cây công nghiệp lâu năm đến năm 2020 ở những xã có điều kiện bao gồm cây cao su, cây chè, cà phê với tổng quy mô là 2.551,10 ha.

- Đối với cây công nghiệp hàng năm (đỗ tương, lạc, bông…): Phấn đấu đến năm 2020 diện tích gieo trồng ổn khoảng 1.809,8 ha, sản lượng 2.171,7 tấn.

b) Chăn nuôi: Phấn đấu đến năm 2020 bình quân mỗi hộ có 3 - 5 con trâu bò, tổng đàn trâu, bò có 23.475 con (bình quân 3,5 con/hộ), đàn dê có 9.055 con, đàn lợn có 21.127con (bình quân 3,2 con/hộ), đàn gia cầm có 368,885 nghìn con (bình quân 55 con /hộ).

c) Lâm nghiệp

- Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho hộ, nhóm hộ nông dân và cộng đồng quản lý. Phấn đấu nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 50% năm 2011 lên 55% năm 2015 và 60% năm 2020.

- Trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế trên những diện tích không có khả năng khoanh nuôi tái sinh thành rừng, tạo cảnh quan môi trường với quy mô 6.707,0 ha.

- Bảo vệ và khoanh nuôi phục hồi rừng đến năm 2020 đạt 23.474,5 ha.

- Khai thác tận thu các sản phẩm lâm sản như: gỗ củi, tre nứa trên rừng sản xuất và có phương án điều chế rừng nhằm khai thác hợp lý lâm sản từ rừng.

d) Nuôi trồng thuỷ sản: Tận dụng 201,3 ha diện tích mặt nước hiện có để nuôi trồng thuỷ sản quy mô hộ gia đình, đồng thời tận dụng diện tích mặt nước ở các khu vực có điều kiện như lòng hồ thuỷ điện Sơn La, Sông Đà, Nậm Chiến để nuôi cá lồng. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 503,0 tấn vào năm 2020.

2. Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp - TTCN

Giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn vùng dự án tập trung phát triển một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sau đây:

- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn một số xã vùng dự án có điều kiện (các xã có các mỏ đá xây dựng, cát, sỏi xây dựng).

- Công nghiệp chế biến nông, lâm sản: Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông lâm sản trên địa bàn tập trung vào các lĩnh vực:

+ Chế biến lương thực: Xây dựng các xưởng sấy nông sản, xưởng tẽ ngô, sơ chế các hàng nông sản như: ngô, sắn ở các trung tâm, các khu đầu mối thu gom nông sản.

+ Chế biến thức ăn gia súc: Nhằm góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi của vùng, đưa cơ cấu của ngành chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng nhanh chất lượng sản phẩm của ngành chăn nuôi. Yêu cầu phải xây dựng một số cơ sở chế biến thức ăn gia súc trong vùng dự án.

+ Phát triển các cơ sở dịch vụ sửa chữa, cơ khí ở địa bàn các điểm dân cư tập trung phục vụ cho nhân dân. Đồng thời phát triển các cơ sở sản xuất nông cụ cầm tay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

+ Khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống: Thêu, dệt thổ cẩm, đan lát nhằm thu hút lao động nông nhàn và tăng nguồn thu nhập cho người dân trong vùng.

3. Quy hoạch phát triển thương mại, du lịch

Phát triển các loại hình dịch vụ đảm bảo “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình sản xuất, phục vụ đắc lực cho công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong nông nghiệp và nông thôn, phát triển các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm đến xã, bản và hộ gia đình..., để đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Phát triển ngành dịch vụ khác như ngân hàng, thông tin liên lạc, vận tải hàng hoá, hành khách... Phát triển và tổ chức tốt hệ thống thương nghiệp đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, thuận lợi, đặc biệt là các xã, bản, điểm dân cư gặp nhiều khó khăn về giao thông đi lại.

Củng cố hệ thống thương nghiệp quốc doanh, tổ chức tốt hệ thống HTX mua bán, khuyến khích các hộ có điều kiện tham gia phát triển thương mại dịch vụ. Tăng cường quản lý thị trường, hướng dẫn các thành phần kinh tế trong ngành thương mại dịch vụ kinh doanh đúng chính sách, pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, chống chốn thuế, lậu thuế, lưu thông hàng giả.

V. KHÁI TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

1. Tổng hợp vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 là: 998.040 triệu đồng.

ĐVT: Triệu đồng

Hạng mục

Vốn ĐT
(triệu.đ)

Phân kỳ

2012- 2015

2016-2020

Tổng vốn đầu tư trực tiếp

998.040

277.371

720.669

I. Đầu tư­ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu

550.754

156.845

393.909

1. Khai hoang đất sản xuất (khai hoang tập trung)

7.784

2.335

5.449

2. Giao thông

193.600

38.720

154.880

3. Thuỷ lợi

38.760

15.504

23.256

4. Cấp nư­ớc sinh hoạt

50.070

20.028

30.042

5. Hệ thống điện

92.640

18.528

74.112

6. Lớp học cắm bản

26.055

7.817

18.239

7. Nhà trẻ mẫu giáo

29.200

8.760

20.440

8. Nhà văn hoá bản

26.845

8.054

18.792

9. San lấp mặt bằng khu dân cư­

85.800

37.100

48.700

II. Hỗ trợ ổn định cuộc sống và phát triển SX

447.035

120.276

326.760

1. Hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp

126.762

38.029

88.734

2. Hỗ trợ phát triển CN-TTCN, dịch vụ

13.047

3.914

9.133

3. Hỗ trợ đào tạo, khuyến nông – lâm...

24.307

7.292

17.015

4. Hỗ trợ bố trí sắp xếp ổn định và đền bù giải phóng mặt bằng

134.700

40.410

94.290

5. Hỗ trợ cộng đồng

138.350

27.670

110.680

6. Hỗ trợ bố trí ổn định tại chỗ

9.870

2.961

6.909

III. Chi phí tư vấn lập dự án

250

250

 

Trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 550.754,0 triệu đồng.

- Vốn sự nghiệp kinh tế: 447.286,0 triệu đồng.

2. Phân theo nguồn vốn đầu tư

- Vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương: 710.721 triệu đồng, chiếm 71,21%

- Vốn ngân sách địa phương: 60.036 triệu đồng, chiếm 6,2%

- Vốn lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn 121.326 triệu đồng, chiếm 12,16% (vốn lồng ghép thông qua chương trình 30a đối với các huyện nghèo, vốn lồng ghép từ 33, 135, chương trình đào tạo nghề...)

- Vốn huy động trong dân: 61.274 triệu đồng, chiếm 6,14%.

- Vốn huy động từ các tổ chức khác: 44.683 triệu đồng, chiếm 4,48%.

3. Phân kỳ vốn đầu tư theo các năm

Phân kỳ đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 là 394.816 triệu đồng, trong đó:

- Năm 2012: 8.250 triệu đồng.

- Năm 2013: 81.461 triệu đồng.

- Năm 2014: 85.480 triệu đồng.

- Năm 2015: 102.180 triệu đồng.

Giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư 720.669 triệu đồng.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH.

1. Giải pháp về quy hoạch kế hoạch

- Trên cơ sở Quy hoạch bố trí dân cư đã được phê duyệt, tiến hành lập quy hoạch chi tiết, lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư bố trí dân cư để tổ chức thực hiện theo kế hoạch hàng năm.

- Triển khai dứt điểm các dự án bố trí dân cư đang triển khai hoàn thành trước năm 2013.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách

a) Chính sách đất đai

- Căn cứ Luật đất đai hiện hành có biện pháp thu hồi diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả của các tổ chức, cá nhân hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án bố trí ổn định dân cư.

- Có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất ở với các hộ di dân vùng thiên tai, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn theo quy định.

b) Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu với vùng bố trí ổn định dân cư tập trung theo dự án được phê duyệt theo quy định.

c) Chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình: Ngân sách nhà nước (nguồn vốn sự nghiệp kinh tế) hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 1 Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Chính sách hộ trợ cộng đồng bố trí dân cư xen ghép: Thực hiện hỗ trợ theo Điểm d Khoản 2 Điều 3 Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ: Hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất xây dựng khu tái định cư để di chuyển phải bố trí ổn định tại chỗ mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/hộ để nâng cấp nhà ở, mua thuyền xuồng và vật dụng phòng tránh thiên tai khác.

e) Chính sách khác

- Nhà nước hỗ trợ: Đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ gia đình được bố trí ổn định đến vùng dự án bố trí dân cư nhưng không bảo đảm quỹ đất sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; phát triển sản xuất thực hiện theo quy định của các chính sách hiện hành;

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng nội dung, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình cho cán bộ làm công tác bố trí dân cư và bảo đảm kinh phí chỉ đạo thực hiện chương trình ở các cấp. Mức chi phí cụ thể theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Phát triển sản xuất

- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các dự án bố trí dân cư; chú trọng phát triển hàng hóa, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, tạo nguồn thu nhập từ rừng;

- Tổ chức cung ứng giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao cho sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, áp dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất, làm mô hình thí điểm tham quan cho người dân trong vùng.

- Phát triển ngành nghề đặc biệt là những nghề truyền thống của địa phương;

- Tăng cường công tác thông tin, tìm kiếm thị trường; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho hộ dân vùng dự án bố trí dân cư.

4. Giải pháp về vốn

- Chủ động bố trí nguồn vốn do địa phương quản lý kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để triển khai thực hiện bố trí ổn định dân cư, ưu tiên thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư các vùng: Nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ); biên giới, hải đảo (hiện chưa có dân sinh sống hoặc còn ít dân); dân di cư tự do (đời sống quá khó khăn);

- Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân, các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư.

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn.

5. Về tuyên truyền vận động

Huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội và cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện bố trí dân cư theo quy hoạch, kế hoạch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp & PTNT

Chủ trì theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các huyện, thành phố thực hiện quy hoạch, đảm bảo đúng đối tượng, mục tiêu, tuân thủ theo quy hoạch, định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch với UBND tỉnh. Tham mưu đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện quy hoạch nếu thấy không phù hợp với từng thời kỳ và điều kiện thực tế triển khai quy hoạch.

2. Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn UBND các huyện, thành phố lập kế hoạch, dự án đầu tư hàng năm. Dự kiến vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện quy hoạch.

3. UBND các huyện, thành phố (Chủ đầu tư các dự án bố trí sắp xếp dân cư trên địa bàn quản lý).

- Phối hợp chặt chẽ trong sự chỉ đạo, điều hành, phân công trách nhiệm cụ thể của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đến các hộ dân. Thực hiện công khai dân chủ, chế độ chính sách để nhân dân biết, tự giác thực hiện. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, phát huy vai trò của trưởng bản, già làng, người có uy tín trong việc vận động nhân dân tại cơ sở.

- Giao đất, giao rừng đến hộ dân, đồng thời hướng dẫn thực hiện các chính sách hưởng lợi của hộ dân trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng một cách đồng bộ để hộ dân yên tâm sản xuất, ổn định bền vững.

- Đầu tư xây dựng các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, điện, nước, xây dựng nương định canh, nhằm sớm ổn định sản xuất đời sống cho người dân tái định cư.

- Triển khai thực hiện các nội dung liên quan theo các quy định hiện hành của nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật.

4. Các Sở, ban, ngành khác của tỉnh

Phối hợp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của ngành có liên quan đến quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- TT.UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu VT, (M01), 26 bản.

CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 927/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt dự án Rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 927/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Cầm Ngọc Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản