Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 922/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 05 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC KIỂM NGHIỆM AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1104/QĐ-UBND ngày 20/6/2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ V về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2973/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành y tế tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 609/SKHĐT-KGVX ngày 20 tháng 3 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Nhằm xây dựng và phát triển thành Trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Thực hiện các xét nghiệm về y tế và hoạt động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm trên địa bàn toàn tỉnh và khu vực miền Trung đảm bảo độ chính xác cao, đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

b) Thực hiện công tác dự phòng về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh và khu vực miền Trung.

c) Thực hiện giám sát phát hiện nhân tố độc hại trong môi trường, thực phẩm đến sức khỏe của người dân trên địa bàn toàn tỉnh và khu vực miền Trung.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

2. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

3. Tăng cường xây dựng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

4. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ đối với các kỹ thuật mới, hiện đại trong công tác kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm nhằm ngăn ngừa và giảm tác hại của ngộ độc thực phẩm, thực phẩm kém chất lượng đối với sức khỏe cộng đồng. Xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo và xử lý kịp thời, chính xác các sự cố về an toàn thực phẩm, tiến tới chủ động trong quản lý an toàn thực phẩm dựa trên bằng chứng và thông tin khoa học.

5. Tăng cường hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực để đầu tư trang thiết bị và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm.

III. NGUỒN VỐN

1. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án dự kiến khoảng 70 tỷ đồng (bảy mươi tỷ đồng), trong đó:

- Mua sắm trang thiết bị thiết yếu: 66 tỷ đồng;

- Xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc: 2 tỷ đồng;

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn: 2 tỷ đồng;

2. Nguồn vốn đầu tư: Nguồn ngân sách Nhà nước do Bộ Y tế bố trí từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Y tế chủ trì:

a) Xây dựng các danh mục trang thiết bị, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng biên chế cán bộ nhân viên thực hiện các chức năng về kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Phối hợp với Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để tiến hành xây dựng các dự án đầu tư, huy động nguồn vốn, kế hoạch triển khai các nội dung liên quan của Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện Đề án.

d) Làm việc với Sở Nội vụ về việc xây dựng quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các đơn vị được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ; bố trí chỉ tiêu biên chế cán bộ và xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện công tác kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

đ) Phối hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác kiểm nghiệm.

e ) Hướng dẫn, đôn đốc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; Trung tâm Y tế dự phòng; Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án theo đúng tiến độ và quy định hiện hành.

f) Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Đề án, định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện Đề án theo quy định.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ để triển khai thực hiện Đề án theo quy định.

4. SNội vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các đơn vị được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ.

b) Phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh bố trí chỉ tiêu biên chế cán bộ thực hiện công tác kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Y tế;
- Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: các PCVP và các CV: XDKH;
- Lưu: VT. VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 08 tháng 05 năm 2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

1. Dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 922/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

  • Số hiệu: 922/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Cao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản