Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 921/2001/QĐ-TCBĐ | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN SỐ 921/2001/QĐ-TCBĐ NGÀY 1 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TRONG THỂ LỆ BƯU PHẨM, BƯU KIỆN 1999
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện;
Căn cứ Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông;
Căn cứ Thông tư số 02/1998/TT-TCBĐ ngày 20/6/1998 của Tổng cục Bưu điện hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông;
Căn cứ Quyết định số 193/QĐ-CTN ngày 5/12/2000 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn các văn kiện tại Đại hội lần thứ 22 của UPU;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Bưu điện,
Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung một số điều của Thể lệ bưu phẩm, bưu kiện 1999 ban hành kèm theo Quyết định số 397/1999-CSBĐ ngày 15/6/1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về việc ban hành Thể lệ bưu phẩm, bưu kiện 1999 như sau:
1. Điều 1 khoản 1 được sửa đổi như sau:
1.1. Thể lệ bưu phẩm, bưu kiện quy định việc cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu phẩm (thư, bưu thiếp, ấn phẩm, gói nhỏ, học phẩm người mù) và bưu kiện trao đổi trong nước và quốc tế trên cơ sở quy định của Liên minh Bưu chính Thế giới và pháp luật của Việt Nam.
2. Điều 9 được thay đổi như sau:
9.1. Đối với bưu kiện gửi trong nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ được ấn định khối lượng tối đa cho mỗi bưu kiện đơn chiếc theo khả năng phục vụ của mình nhưng không vượt quá 50 kilogam.
9.2. Việc trao đổi bưu kiện với nước ngoài tuân theo các quy định của Thể lệ này, các quy định của Liên minh Bưu chính Thế giới và thoả thuận song phương với các nước.
9.3. Hệ thống nấc khối lượng bưu kiện gửi trong và ngoài nước được chia theo nấc, mỗi nấc là 1kg và phần lẻ được tính bằng 1kg để tính cước và bồi thường.
3. Điều 11 được bổ sung như sau:
11.10. Dịch vụ phát hàng - thu tiền:
a. Dịch vụ phát hàng - thu tiền là dịch vụ mà người gửi yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu hộ một khoản tiền khi phát bưu phẩm, bưu kiện.
b. Ngoài cước cơ bản, cước dịch vụ phát hàng thu tiền, người gửi phải trả cước một thư chuyển tiền trên cơ sở số tiền phải thu.
4. Điều 13 được thay thế như sau:
Điều 13 - Dịch vụ đặc biệt sử dụng riêng cho bưu kiện
13.1. Dịch vụ đối với bưu kiện dễ vỡ
Bưu kiện dễ vỡ là bưu kiện chứa các vật phẩm dễ vỡ và đòi hỏi phải được vận chuyển, khai thác đặc biệt thận trọng.
13.2. Dịch vụ đối với bưu kiện cồng kềnh:
Bưu kiện cồng kềnh là bưu kiện có kích thước, cấu trúc, hình dạng không thể xếp chung với các bưu kiện khác hoặc đòi hỏi cách thức bảo vệ riêng khi khai thác, vận chuyển. Trên cơ sở thực tế, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quy định kích thước tối đa của bưu kiện cồng kềnh.
13.3. Khi gửi bưu kiện dễ vỡ, hoặc bưu kiện cồng kềnh, người gửi phải chịu thêm một khoản cước tối đa bằng 50% cước cơ bản của bưu kiện đó. Nếu bưu kiện vừa dễ vỡ, vừa cồng kềnh thì chỉ thu cước dịch vụ một lần. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quy định mức cộng thêm nhưng không vượt quá tối đa đã quy định ở trên.
Đối với bưu kiện cồng kềnh gửi theo đường hàng không thì cước máy bay được thu theo quy định của cơ quan hàng không.
5. Điều 41 được thay thế như sau:
Trừ trường hợp được chuyển tiếp hay người gửi có yêu cầu khác tại phiếu gửi của bưu kiện, thời hạn lưu giữ bưu phẩm, bưu kiện không phát được tại bưu cục phát được quy định như sau:
41.1. Một (01) ngày làm việc đối với bưu phẩm, bưu kiện mà người nhận từ chối nhận kể từ khi có xác nhận của người nhận trên giấy mời hoặc trên bưu phẩm, bưu kiện.
41.2. Năm (05) ngày làm việc đối với bưu phẩm, bưu kiện mà người nhận đã chết nhưng không có người xin nhận thay hợp lệ kể từ khi có xác nhận của gia đình người nhận hoặc của chính quyền phường, xã.
41.3. Ba mươi (30) ngày kể từ ngày lập giấy mời lần thứ nhất đối với loại bưu phẩm, bưu kiện trong nước gửi cho người nhận ở thành phố, thị xã, thị trấn và bốn mươi lăm (45) ngày kể từ ngày lập giấy mời lần thứ nhất đối với bưu phẩm, bưu kiện gửi cho người nhận ở nông thôn, trong các trường hợp:
a. Người nhận không đến lĩnh;
b. Không tìm thấy người nhận;
c. Không có địa chỉ của người nhận hoặc địa chỉ không rõ ràng;
d. Người nhận đi nơi khác không để lại địa chỉ.
41.4. Ba mươi (30) ngày và trong trường hợp đặc biệt có thể gia hạn nhưng không quá sáu mươi (60) ngày kể từ lần phát đầu tiên hoặc ngày lập giấy mời lần thứ nhất đối với:
a. Bưu phẩm, bưu kiện từ nước ngoài gửi đến với những lý do quy định tại khoản 41.3 trên;
b. Bưu phẩm, bưu kiện có địa chỉ nhận lưu ký.
41.5. Đối với bưu phẩm, bưu kiện chuyển hoàn trả lại người gửi, nếu quá thời hạn ba mươi (30) ngày, người gửi không đến nhận thì bưu phẩm, bưu kiện đó được chuyển về Hội đồng xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận để giải quyết.
6. Điều 42 khoản 42.3 và khoản 42.4 được thay thế như sau:
42.3. Bưu phẩm có vật phẩm, hàng hoá gửi trong nước muốn được chuyển tiếp ra nước ngoài phải thực hiện đầy đủ quy định về thủ tục hải quan và theo các quy định của Liên minh Bưu chính Thế giới.
42.4. Bưu phẩm gửi đến địa chỉ nhận trong nước có yêu cầu chuyển tiếp ra nước ngoài phải trả thêm cước gửi từ Việt Nam đến nước nhận theo địa chỉ mới.
7. Điều 48 được thay thế như sau:
Điều 48 - Khiếu nại
48.1. Thời hiệu khiếu nại:
a. Đối với việc sử dụng dịch vụ: Thời hiệu chấp nhận khiếu nại đối với bưu phẩm, bưu kiện trong nước và quốc tế là sáu (06) tháng, kể từ ngày sau ngày ký gửi.
Đối với bưu phẩm, bưu kiện trong nước mà người gửi hoặc người nhận là các cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ tại các vùng biên giới, hải đảo thì thời hiệu khiếu nại được kéo dài thêm ba (03) tháng so với thời hiệu quy định.
b. Đối với cước phí: thời hiệu chấp nhận khiếu nại là một (01) tháng kể từ ngày thanh toán cước phí.
48.2. Tổ chức giải quyết khiếu nại:
a. Đơn khiếu nại được gửi tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp tổ chức tiếp nhận đơn khiếu nại tại các bưu cục giao dịch và thông báo về việc nhận đơn khiếu nại trong vòng hai (02) ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn.
b. Người khiếu nại phải cung cấp các giấy tờ, chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại bưu phẩm, bưu kiện và chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại.
c. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm điều tra, giải quyết, kết luận về khiếu nại và thông báo kết quả cho người khiếu nại theo thời gian quy định tại khoản 48.3 dưới đây.
48.3. Thời gian giải quyết khiếu nại:
Thời gian giải quyết khiếu nại đối với bưu phẩm, bưu kiện trong nước là hai (02) tháng; đối với bưu phẩm, bưu kiện quốc tế là ba (03) tháng kể từ ngày nhận khiếu nại.
Hết thời hạn trên, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giải quyết bồi thường cho người có quyền hưởng theo quy định tại Điều 51.
48.4. Việc giải quyết khiếu nại về cước được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/1999/TT-TCBĐ ngày 11/5/1999 của Tổng cục Bưu điện.
48.5. Người khiếu nại không phải trả cước khiếu nại. Nếu người khiếu nại có yêu cầu chuyển khiếu nại bằng đường viễn thông hoặc chuyển phát nhanh thì phải thanh toán cước này.
48.6. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính khi nhận được đơn, thư khiếu nại về dịch vụ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính khác thì phải có trách nhiệm chuyển đơn khiếu nại đó tới doanh nghiệp có liên quan và thông báo cho người khiếu nại.
48.7. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với cách giải quyết của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì có thể khiếu nại đến Tổng cục Bưu điện hoặc khiếu kiện theo quy định của pháp luật.
8. Điều 49 được thay thế như sau:
Điều 49 - Bồi thường
49.1. Nguyên tắc bồi thường:
a. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người gửi hoặc người có quyền hưởng khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trừ các trường hợp quy định tại Điều 50.
b. Tiền bồi thường được trả bằng tiền Việt Nam;
c. Số tiền bồi thường thiệt hại được tính trên cơ sở thiệt hại thực tế theo giá hiện hành đối với vật phẩm, hàng hoá cùng loại tại địa điểm và thời điểm mà bưu phẩm, bưu kiện đó được chấp nhận nhưng không vượt quá mức giới hạn trách nhiệm được quy định đối với từng loại dịch vụ. Tổng cục Bưu điện quy định cụ thể mức giới hạn trách nhiệm nêu trên.
d. Tiền bồi thường được trả cho người gửi. Trường hợp bưu phẩm, bưu kiện bị suy suyển, hư hỏng, mất mát một phần mà người nhận đồng ý nhận thì tiền bồi thường được trả cho người nhận.
đ. Việc bồi thường thiệt hại đối với bưu phẩm, bưu kiện quốc tế được thực hiện theo quy định của Thể lệ này và quy định của Liên minh Bưu chính Thế giới.
49.2. Quy định về bồi thường thiệt hại đối với từng loại bưu phẩm, bưu kiện:
a. Bưu phẩm gửi ghi số, túi M gửi ghi số, bưu kiện bị mất hoặc hư hỏng toàn bộ thì được bồi thường thiệt hại và được hoàn cước đã thu. Bưu phẩm gửi ghi số, túi M gửi ghi số, bưu kiện bị suy suyển, hư hỏng một phần thì được bồi thường thiệt hại phần bị suy suyển, hư hỏng.
b. Bưu phẩm, bưu kiện khai giá bị mất hoặc hư hỏng toàn bộ thì được bồi thường thiệt hại và được hoàn cước đã thu trừ phí bảo hiểm. Bưu phẩm, bưu kiện khai giá bị suy suyển, hư hỏng một phần thì được bồi thường thiệt hại thực tế nhưng không vượt quá giá trị đã khai.
c. Bưu phẩm có chứng nhận gửi bị mất, hư hỏng hoàn toàn thì được hoàn cước đã thu.
d. Bưu kiện phát hàng thu tiền bị mất, hư hỏng, suy suyển được bồi thường theo thiệt hại thực tế nhưng không vượt quá số tiền phải thu.
9. Điều 56 được thay thế như sau:
Điều 56 - Bưu phẩm, bưu kiện có tiền Việt Nam, ngoại tệ.
Khi phát hiện bưu phẩm, bưu kiện có tiền Việt Nam, ngoại tệ, doanh nghiệp phát hiện lập biên bản, chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý và thông báo cho người gửi.
10. Điều 57 được bãi bỏ:
Các điều tiếp theo được sửa đổi số thứ tự tương ứng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông, bà Chánh văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Bưu điện, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn, Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Đức Lai (Đã ký) |
- 1Công ước Bưu chính thế giới và các nghị định thư cuối cùng
- 2Quyết định 501/QĐ-BTTTT năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3Quyết định 933/QĐ-BTTTT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông
- 1Quyết định 501/QĐ-BTTTT năm 2009 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2Quyết định 933/QĐ-BTTTT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông
- 1Nghị định 12-CP năm 1996 về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện
- 2Nghị định 109/1997/NĐ-CP về Bưu chính và Viễn thông
- 3Thông tư 02/1998/TT-TCBĐ hướng dẫn Nghị định 109/1997/NĐ-CP về mạng lưới và dịch vụ bưu chính do Tổng cục Bưu điện ban hành
- 4Thông tư 03/1999/TT-TCBĐ hướng dẫn Nghị định 09/1997/NĐ-CP về bưu chính và viễn thông và Quyết định 99/1998/QĐ-TTg về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông do Tổng cục Bưu điện ban hành
- 5Quyết định số 193/1999/QĐ-CTN về việc phê chuẩn các văn kiện tại đại hội lần thứ 22 của UPU do Chủ tịch nước ban hành
- 6Công ước Bưu chính thế giới và các nghị định thư cuối cùng
Quyết định 921/2001/QĐ-TCBĐ sửa đổi thể lệ bưu phẩm - bưu kiện 1999 do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện ban hành
- Số hiệu: 921/2001/QĐ-TCBĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 01/11/2001
- Nơi ban hành: Tổng cục Bưu điện
- Người ký: Trần Đức Lai
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra