Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUỶ SẢN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 92-QĐ-TS

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 1963 

 

QUYẾT ĐỊNH

TỔNG CỤC THỦY SẢN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 156-CP ngày 05-10-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thủy sản.
Xét nhu cầu công tác và theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về phân cấp quản lý kinh tế cho các xí nghiệp trực thuộc Tổng cục.

Điều 2. – Các ông Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, thủ trưởng các Vụ, Cục và Giám đốc các xí nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC THỦY SẢN
TỔNG CỤC PHÓ 

 


Nguyễn Cao Đàm   

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ KINH TẾ CHO CÁC XÍ NGHIỆP TRỰC THUỘC TỔNG CỤC

I. LỜI NÓI ĐẦU

Tổ chức xí nghiệp của ngành thủy sản được hình thành trong quá trình sản xuất phát triển và một số xí nghiệp được tiến hành nhận từ các ngành khác, các liên đoàn sản xuất miền Nam chuyển sang.

Ngay sau khi thống nhất mọi hoạt động về sản xuất, chế biến, kinh doanh, v.v… vào một ngành thủy sản, thì phương hướng hoạt động và nhiệm vụ của ngành cũng có nhiều thay đổi. Trên cơ sở đó mà nói chung, trong mấy năm qua, các xí nghiệp vừa sản xuất vừa cải tiến phương hướng, phương châm và kỹ thuật sản xuất mới, vừa xác định nhiệm vụ từng loại xí nghiệp cho phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất. Về mặt tổ chức cũng đang trong quá trình kiện toàn và củng cố, nên Tổng cục chưa có một quy định quyền hạn, trách nhiệm cho các xí nghiệp trong công tác quản lý sản xuất, quản lý kinh tế theo tinh thần phân cấp.

Tuy vậy, từ sau cải tiến quản lý xí nghiệp đã có nhiều tiến bộ, củng cố được nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo của Tổng cục, đồng thời phát huy tính tích cực sáng tạo của xí nghiệp, tinh thần trách nhiệm, ý thức làm chủ của cán bộ, công nhân, viên chức đã được nâng cao thêm một bước cả về mặt trình độ tư tưởng, trình độ tham gia quản lý.

Đến nay, tình hình nhiệm vụ của Tổng cục đã có những chuyển biến mới, tính chất, vị trí và chức năng đã được xác định, tổ chức xí nghiệp đã được ổn định, phương hướng nhiệm vụ rõ ràng và hoạt động theo chuyên môn hóa. Rồi đây chế độ hạch toán kinh tế riêng biệt theo ngành, nghề và từng đơn vị phân xưởng trong các xí nghiệp sẽ được thực hiện.

Hướng tiến lên của những năm tới, phạm vi xí nghiệp ngày càng phát triển quy mô và tiến đến hình thức liên hợp sản xuất, phát triển thêm nhiều xí nghiệp mới đang từng bước tiến lên trang bị nửa cơ giới và cơ giới trong khai thác sản xuất, chế biến… đòi hỏi khoa học kỹ thuật phải phát triển kịp thời để tạo cho việc phát triển sản xuất có cơ sở vững chắc, thì nhiệm vụ quản lý kinh tế kỹ thuật và quản lý sản xuất cũng đòi hỏi phải sâu sát, khẩn trương, cụ thể hơn.

Xuất phát từ tình hình trên, đòi hỏi việc phân cấp quản lý cho các xí nghiệp là một vấn đề cần thiết nhằm tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho các xí nghiệp, giảm bớt những việc sự vụ tập trung lên Tổng cục để Tổng cục có điều kiện đi sâu nghiên cứu chủ trương chính sách và chỉ đạo mọi mặt công tác được toàn diện, kịp thời, đồng thời để các xí nghiệp có đủ quyền hạn, trách nhiệm quản lý, phát huy khả năng độc lập tính trong công tác quản lý sản xuất, quản lý kinh tế.

Chương 1:

PHƯƠNG CHÂM NGUYÊN TẮC PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Điều 1. – Phân cấp quản lý cho các xí nghiệp dựa trên phương châm nguyên tắc: “Trên cơ sở kiện toàn sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Tổng cục, mở rộng quyền hạn, nhiệm vụ cho các xí nghiệp trong điều kiện cần thiết có lợi cho sản xuất, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của xí nghiệp, cần giao những việc mà xí nghiệp đã có khả năng đảm nhiệm”.

Điều 2. - Đảm bảo mở rộng dân chủ, đề cao sự tập trung lãnh đạo thống nhất của Tổng cục, đồng thời phát huy được tính tích cực và sáng tạo của xí nghiệp, Tổng cục giao quyền hạn cho các xí nghiệp, thì các xí nghiệp phải đề cao tinh thần trách nhiệm và chấp hành nghiêm chỉnh mọi chỉ thị nghị quyết, chế độ thỉnh thị, báo cáo đối với Tổng cục.

Điều 3. – Các xí nghiệp tuy trực thuộc Tổng cục, nhưng những hoạt động của xí nghiệp đều có quan hệ mật thiết với địa phương, do đó cần tranh thủ sự lãnh đạo của địa phương.

Điều 4. – Phân cấp quản lý kinh tế cho các xí nghiệp căn bản theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Nhưng tùy từng loại xí nghiệp lớn hay nhỏ, tính chất quan trọng nhiều hay ít, khả năng và điều kiện thực tế của mỗi xí nghiệp mà phân quyền hạn, nhiệm vụ thích hợp.

Chương 2:

NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Điều 5. – Phân cấp quản lý về kế hoạch sản xuất:

A. TỔNG CỤC PHỤ TRÁCH

1. Quản lý và xét duyệt kế hoạch dài hạn, kế hoạch năm (có chia ra từng quý) của các xí nghiệp và kể cả kế hoạch khác: kế hoạch lao động tiền lương, kế hoạch tài vụ, kế hoạch vật tư, biện pháp kỹ thuật và kế hoạch đào tạo, giáodục.

Quản lý 8 chỉ tiêu chủ yếu:

- Tổng giá trị sản lượng và sản phẩm chủ yếu;

- Tổng số lao động, lương bình quân và tổng quỹ lương;

- Chế độ sử dụng thiết bị và số lượng thiết bị chủ yếu;

- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu;

- Giá thành sản phẩm;

- Lỗ, lãi;

- Vốn đầu tư kiến thiết cơ bản của Nhà nước;

- Hướng nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và kế hoạch áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.

2. Xét duyệt điều chỉnh kế hoạch sản lượng hàng quý của các xí nghiệp trên cơ sở tổng hợp của các xí nghiệp.

3. Thẩm tra và cân đối kế hoạch hàng quý, hàng năm của các xí nghiệp trong ngành.

4. Quản lý đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của các xí nghiệp.

B. XÍ NGHIỆP PHỤ TRÁCH

1. Dự kiến, xây dựng toàn bộ kế hoạch hàng tháng, quý, năm của xí nghiệp, đảm bảo cân đối giữa sản xuất với tiêu thụ hàng quý, hàng năm, đảm bảo thực hiện hoàn thành vượt mức toàn diện kế hoạch của Tổng cục đã phê chuẩn.

2. Ngoài việc đảm bảo kế hoạch của Tổng cục và Nhà nước, được sản xuất các sản phẩm phụ để tận dụng khả năng máy móc, phế liệu, nguyên liệu vật liệu thừa sẵn có, được chế tạo phụ tùng máy móc thay thế trên cơ sở không được ảnh hưởng kế hoạch vật tư chính cho sản xuất và đảm bảo vấn đề tiêu thụ.

3. Thay đổi mặt hàng thuộc Tổng cục và Nhà nước quản lý phải thỉnh thị Tổng cục, những mặt hàng, nếu thị trường đòi hỏi và cơ quan Mậu dịch yêu cầu, xí nghiệp được đổi và báo cáo Tổng cục; nhưng phải đảm bảo giá trị tổng sản lượng và không đòi hỏi thay đổi kế hoạch vật tư đột xuất.

4. Trường hợp phải ngừng máy móc để tránh tai nạn lao động hay vì lý do đặc biệt gì khác, xí nghiệp có quyền quyết định và báo cáo ngay lên Tổng cục.

5. Báo cáo thống kê, xí nghiệp thống nhất làm loại thường kỳ 10 ngày và hàng tháng gửi lên Tổng cục theo biểu mẫu quy định. Đối với địa phương thì các xí nghiệp báo cáo một số mẫu chủ yếu theo yêu cầu của cơ quan đó.

Điều 6. Phân cấp quản lý về cung cấp tiêu thụ:

A. TỔNG CỤC PHỤ TRÁCH

1. Ngoài những mặt hàng do Nhà nước quản lý, Tổng cục quản lý thêm một số mặt hàng chủ yếu, hiếm, đắt tiền, số lượng lớn, khó mua (Tổng cục sẽ có quy định sau).

2. Quản lý tiêu chuẩn sử dụng một số mặt hàng chủ yếu của xí nghiệp. Hướng dẫn các xí nghiệp lập kế hoạch vật tư lâu dài và hàng năm. Phụ trách việc tổng hợp, đặt hàng ký hợp đồng thanh toán các loại thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ và hàng lẻ ngoài nước, hàng trong nước.

3. Tổng cục dự trữ một số hàng thiết bị chủ yếu, các loại kim khí, máy công cụ, các nguyên liệu chủ yếu xí nghiệp cần dùng mà mậu dịch không kinh doanh, hiếm ở thị trường.

4. Quản lý, thu hồi, sử dụng những vật tư ứ đọng của xí nghiệp, Tổng cục có thể điều động các loại vật tư xí nghiệp này sang xí nghiệp khác. Hàng thừa do Tổng cục thay đổi kế hoạch Tổng cục sẽ có kế hoạch điều phối.

5. Tổng cục nghiên cứu thị trường và hướng tiêu thụ hàng năm cho từng sản phẩm, ký hợp đồng nguyên tắc với các nơi tiêu thụ.

6. Quản lý các tiêu chuẩn sử dụng vật tư dài hạn và hàng năm của xí nghiệp trong ngành.

7. Hướng dẫn, theo dõi các xí nghiệp ký hợp đồng đặt hàng; theo dõi hàng ngoài nước về và theo dõi đôn đốc xí nghiệp đi nhận hàng.

8. Tổng cục có kế hoạch và biện pháp giải quyết những khó khăn về cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm cho xí nghiệp.

B. XÍ NGHIỆP PHỤ TRÁCH

1. Xí nghiệp được quản lý, ngoài số mặt hàng do Nhà nước và Tổng cục quản lý đã quy định trên.

2. Lập kế hoạch vật tư dài hạn và tháng, năm trình Tổng cục xét duyệt.

3. Cung cấp các quy cách, tiêu chuẩn, thời gian các loại vật tư ngoài nước và trong nước. Theo dõi hàng ngoài nước về trực tiếp đảm nhiệm việc nhận hàng, bảo quản, vận chuyển, tự ký hợp đồng cụ thể các loại hàng trong nước với các nơi sản xuất theo các hợp đồng nguyên tắc của Tổng cục. Các loại hàng thuộc diện xí nghiệp quản lý, xí nghiệp tự giải quyết là chính và được sử dụng ngoài kế hoạch hoặc nhường lại các xí nghiệp khác và báo cáo Tổng cục biết.

4. Hàng quý, xí nghiệp báo cáo việc thực hiện hợp đồng vật tư trong nước cho Tổng cục.

5. Lập kế hoạch điều chỉnh vật tư kịp thời, khi có lệnh điều chỉnh kế hoạch sản xuất của Tổng cục.

6. Được dự trữ một số mặt hàng cần thiết dự phòng cho việc tăng năng suất vượt kế hoạch theo định mức của Nhà nước.

7. Ký hợp đồng tiêu thụ cụ thể với các nơi tiêu thụ và báo cáo Tổng cục biết, nghiên cứu nguồn tiêu thụ các mặt hàng mới.

8. Hàng thừa do xí nghiệp lập không sát, Tổng cục sẽ cùng với xí nghiệp điều chỉnh nội bộ hoặc nhường lại cho các cơ quan khác, xí nghiệp phải chịu mọi phí tổn.

Điều 7. – Phân cấp quản lý phần kế toán tài vụ:

A. TỔNG CỤC PHỤ TRÁCH

1. Tổng cục xét duyệt các loại vốn: vốn lưu động, vốn chuyên dùng, vốn sửa chữa lớn, vốn kiến thiết cơ bản, vốn ngoài nước, quy tiền thưởng, kinh phí sự nghiệp và tiêu chuẩn hành chính phí cho xí nghiệp và có định tỷ lệ vay ngân hàng cho từng loại vốn.

2. Xét duyệt mọi kế hoạch xin vốn thêm nằm trong kế hoạch Tổng cục đã duyệt đầu năm.

3. Về quỹ xí nghiệp: xí nghiệp đối chiếu trong các tiêu chuẩn chế độ đề ra thấy mình đủ điều kiện hưởng quỹ xí nghiệp thì cứ tạm trích tiền trước. Tổng cục xét duyệt sau cả năm trong dịp duyệt quyết toán.

4. Vốn ngoài nước: Tổng cục cấp phát hàng quý xí nghiệp kịp thanh toán khi hàng về.

5. Vốn kiến thiết cơ bản: Tổng cục duyệt các công trình dưới hạn ngạch, hàng quý Tổng cục duyệt và cấp phát theo dự toán khối lượng (công trình trên hạn ngạch do Phủ Thủ tướng xét duyệt).

6. Vốn sửa chữa lớn: dựa theo tỷ lệ khấu hao sửa chữa lớn đã quy định, xí nghiệp lập, Tổng cục xét duyệt, xí nghiệp dựa vào đó để chi tiêu, không được dùng vốn sửa chữa lớn làm công việc sản xuất hay kiến thiết, cơ bản, nhưng được điều chỉnh trong phạm vi sửa chữa các thiết bị chủ yếu và báo cáo Tổng cục biết, trường hợp cần thiết Tổng cục có quyền điều chỉnh vốn sửa chữa lớn giữa các xí nghiệp.

7. Kinh phí sự nghiệp: Tổng cục cấp phát hạn mức từng quý. Số kinh phí năm và quý được duyệt là con số khống chế tối đa, nếu chi thiếu, xí nghiệp phải tự lo liệu Tổng cục không cấp thêm và xí nghiệp không được lấy các nguồn vốn khác ra chỉ.

Các khoản văn phòng hành chính phí sẽ nghiên cứu cải tiến dần để giảm những chi phí không hợp lý.

8. Hướng dẫn theo dõi, đôn đốc kiểm tra các xí nghiệp chấp hành mọi chế độ về tài vụ và việc nộp thuế, khấu hao, lợi nhuận cho Nhà nước.

9. Quản lý thống nhất chế độ tài khoản cấp I và hướng dẫn hệ thống chứng từ, sổ sách và các quy định cụ thể cho từng xí nghiệp.

B. XÍ NGHIỆP PHỤ TRÁCH

1. Xí nghiệp phải lập kế hoạch xin các loại vốn: vốn lưu động, vốn chuyên dùng, vốn sửa chữa lớn, vốn kiến thiết cơ bản, vốn ngoài nước, quỹ xí nghiệp, kinh phí sự nghiệp, tiêu chuẩn hành chính phí và lập các kế hoạch xin vốn thêm nằm ngoài kế hoạch hoặc điều chỉnh vốn nằm trong kế hoạch trình Tổng cục xét duyệt.

2. Căn cứ định mức các loại vốn Tổng cục đã xét duyệt và cấp phát, xí nghiệp đặt kế hoạch chi tiêu theo những quy định của Nhà nước và của Tổng cục. Được vay Ngân hàng trong phạm vi tỷ lệ Tổng cục đã ấn định, vay ngoài định mức, xí nghiệp thực hiện theo chế độ tín dụng quốc doanh. Nếu hàng tháng, hàng quý chưa dùng đến hay dùng không hết, phải gửi Ngân hàng hay nộp lại cho Nhà nước và không được dùng lẫn lộn giữa các loại hay các công việc khác.

3. Trực tiếp nộp: thuế, khấu hao, lợi nhuận cho Nhà nước và đảm bảo nộp đủ số, đúng hạn theo quy định của Nhà nước và báo cáo lên Tổng cục.

4. Lập báo cáo thu chi tài vụ hàng tháng, hàng quý gửi lên Tổng cục.

5. Thi hành đúng các chế độ tài vụ và những quy định hệ thống chứng từ, sổ sách tài vụ của Tổng cục quy định, không được tự ý sửa đổi, nếu chưa có ý kiến của Tổng cục xét duyệt.

Điều 8. - Phần cấp quản lý phần kỹ thuật:

A. TỔNG CỤC PHỤ TRÁCH

1. Nghiên cứu đề xuất ra đường lối, phương châm, chính sách, kỹ thuật cụ thể cho từng loại xí nghiệp.

2. Nghiên cứu đề xuất phương hướng và mức độ cơ giới hóa cho các xí nghiệp, các ngành, phương hướng cải tiến dây chuyền sản xuất, chính sách sử dụng nguyên vật liệu, phế phẩm, thiết bị đảm bảo an toàn kỹ thuật và có lợi về mặt kinh tế.

3. Quy định các thể lệ chế độ và nguyên tắc chung về các quy chế bảo dưỡng sử dụng máy móc, thiết bị chủ yếu, các quy chế về an toàn lao động, đảm bảo an toàn sản xuất, an toàn kỹ thuật và hướng dẫn, kiểm tra các xí nghiệp chấp hành.

4. Xác định các mặt hàng chế tạo mẫu và quyết định việc đưa vào sản xuất thử hay sản xuất hàng loạt.

5. Quy định những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu, xây dựng quy trình kiểm tra kỹ thuật sản xuất và tổ chức kiểm tra kỹ thuật, phẩm chất sản phẩm của các xí nghiệp.

6. Xét duyệt các sáng kiến phát minh do xí nghiệp đề nghị.

7. Nghiên cứu giải quyết những khó khăn mắc mứu về kỹ thuật hàng ngày của xí nghiệp đề nghị.

8. Tổng cục xét duyệt hướng khai thác, chế biến đúng kỹ thuật, kiểm tra việc bảo vệ tài nguyên hải sản.

B. XÍ NGHIỆP PHỤ TRÁCH

1. Chấp hành nghiêm chỉnh những thể lệ, chế độ và các quy chế về kỹ thuật của Tổng cục, xây dựng những nội quy cụ thể về những quy định đó để hướng dẫn, kiểm tra công nhân chấp hành.

2. Bảo đảm sản xuất khai thác chế biến đúng kỹ thuật, khai thác phải bảo vệ nguồn lợi hải sản, sản xuất phải tiết kiệm nguyên vật liệu.

3. Sử dụng và bảo quản máy móc theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật của các loại máy móc, thiết bị và bảo quản tu sửa đúng kỳ trung tu, đại tu.

4. Xây dựng quy cách phẩm chất các sản phẩm chính, sản phẩm mới, sản phẩm cải tiến bán ra thị trường, quá trình sản xuất được thay đổi từng bộ phận chi tiết máy móc không ảnh hưởng đến máy móc thiết bị.

5. Xây dựng những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật, báo cáo Tổng cục xét duyệt.

6. Xét duyệt các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất loại vừa và nhỏ. Động viên và phát huy mọi sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

Điều 9. – Phân cấp quản lý phần tổ chức, cán bộ, giáo dục, lao động, tiền lương, sẽ có văn bản cụ thể riêng.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. – Phân cấp quản lý cho các xí nghiệp là một cuộc cải tiến lớn cả về mặt nội dung tư tưởng và công tác, có một ý nghĩa về chính trị và kinh tế, nên cần tiến hành theo tinh thần mạnh dạn, tích cực, nhưng đồng thời phải thận trọng, làm từng bước, có chỉ đạo chặt chẽ, tránh buông lỏng, tránh tập trung, quan liêu.

Điều 11. – Phân cấp quản lý cho các xí nghiệp phải đi đôi với việc cải tiến tổ chức và lề lối làm việc, phải đảm bảo tổ chức gọn, nhẹ và hợp lý, không vì phân cấp mà làm cho bộ máy trở nên nặng nề, cồng kềnh.

Điều 12. – Quy định này thi hành đối với các xí nghiệp trực thuộc Tổng cục. Quá trình thi hành gặp những gì trở ngại khó khăn thì báo cáo lên Tổng cục, trong khi chưa có ý kiến quyết định của Tổng cục, các xí nghiệp không được sửa đổi.

Ban hành theo quyết định số 92 QĐ-TS ngày 26 tháng 02 năm 1963 của Tổng cục.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 92-QĐ-TS năm 1963 về việc ban hành bản quy định về phân cấp quản lý kinh tế cho các xí nghiệp trực thuộc Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản do Tổng cục Thuỷ sản ban hành

  • Số hiệu: 92-QĐ-TS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/02/1963
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuỷ sản
  • Người ký: Nguyễn Cao Đàm
  • Ngày công báo: 13/03/1963
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 13/03/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản