Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 909/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 2010 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Quan điểm thực hiện
a) Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy cần được thực hiện từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung trước mắt vào những đô thị đang bị ô nhiễm không khí trầm trọng, như nêu tại điểm 2 mục II dưới đây.
b) Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Nhà nước đảm bảo các nguồn lực cần thiết, khuyến khích và huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế, sự hỗ trợ của quốc tế vào thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
2. Phạm vi thực hiện
Đề án được thực hiện tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 trên cả nước.
1. Mục tiêu tổng quát
Kiểm soát được tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013:
- Tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm thực hiện của các cấp, các ngành và của nhân dân.
- Phấn đấu đạt được 20% số người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kiểm định và bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy đạt tiêu chuẩn khí thải.
- Hình thành mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy với ít nhất 100 cơ sở tại thành phố Hà Nội và 150 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
- Đào tạo, tập huấn cho ít nhất 500 cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
b) Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015:
- Tăng cường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của các cấp, các ngành và của nhân dân.
- Thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% đến 90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 60% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố loại 1 và loại 2.
1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế tài chính và văn bản quy phạm pháp luật.
a) Xây dựng, hoàn thiện tổ chức cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và địa phương.
b) Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý để triển khai kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
c) Xây dựng, ban hành các cơ chế tài chính nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
2. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động
a) Tuyên truyền, phổ biến chủ trương kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
b) Tổ chức các cuộc vận động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân tham gia hưởng ứng, tự giác chấp hành các quy định về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
3. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực
a) Xây dựng mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy đáp ứng nhu cầu tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2. Đầu tư trang thiết bị phục vụ kiểm tra khí thải lưu động xe mô tô, xe gắn máy.
b) Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Tổ chức tuyển chọn, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nhằm tăng cường năng lực quản lý, kỹ thuật cho các cán bộ quản lý ở các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
c) Mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường học tập kinh nghiệm của những nước điển hình về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và tìm kiếm, thu hút nguồn tài trợ, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của nước ngoài.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào quản lý kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy
a) Tin học hóa các công đoạn, quy trình, thủ tục kiểm định. Xây dựng hệ thống các phần mềm quản lý cho phép tự động cập nhật, lưu trữ, thống kê, đánh giá, báo cáo kết quả kiểm định.
b) Xây dựng mô hình, hình thành và phát triển mạng máy tính từ Trung ương đến địa phương.
c) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đáp ứng được yêu cầu quản lý.
5. Nguồn vốn thực hiện Đề án
Nguồn vốn thực hiện Đề án được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước; vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước; vốn hỗ trợ của nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác. Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định cụ thể vốn cho từng Dự án.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện một số nội dung sau đây:
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ;
- Xây dựng hệ thống mạng máy tính và phần mềm quản lý;
- Xây dựng một số cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy;
- Tăng cường năng lực tuần tra, kiểm soát trên đường;
- Thực hiện thông tin, tuyên truyền, vận động cộng đồng;
- Tập huấn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực;
- Trao đổi, học tập kinh nghiệm với nước ngoài;
- Chi phí quản lý thực hiện Đề án.
Phê duyệt về nguyên tắc 06 dự án thành phần để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án (Phụ lục kèm theo). Tổng kinh phí nhà nước cấp để thực hiện 06 dự án thành phần và triển khai thực hiện theo quy định, dự kiến là 250 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015.
1. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động bằng các hình thức phù hợp về tác hại của khí thải xe mô tô, xe gắn máy và lợi ích của việc bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ và của việc sử dụng nhiên liệu sạch.
2. Thực hiện việc kiểm định, kiểm soát khí thải thường xuyên, liên tục.
3. Từng bước hình thành và phát triển mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy chủ yếu dựa trên hệ thống các Trung tâm Đăng kiểm ô tô đang lưu hành và các Đại lý được ủy quyền chính thức của các Công ty sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy.
4. Cơ chế tài chính, huy động nguồn lực đầu tư:
a) Xây dựng cơ chế tài chính theo hướng:
- Cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy được thu phí kiểm định khí thải và lệ phí cấp Giấy chứng nhận;
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thiết bị đo khí thải và các vật tư, phụ kiện thay thế kèm theo để thực hiện việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
b) Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư để kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, quy định các Đại lý được ủy quyền chính thức của các Công ty sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy phải đầu tư khi tham gia thực hiện kiểm định khí thải; khuyến khích các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe mô tô, xe gắn máy khác và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia thực hiện kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
1. Bộ Giao thông vận tải
- Xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ không thực hiện kiểm định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải. Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, phần mềm, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nghiệp vụ và cơ chế quản lý, điều hành và hướng dẫn thực hiện Đề án, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền. Quy định mẫu và quản lý Tem, Giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính, quy định mức thu và việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- Chủ trì xây dựng, phê duyệt đề cương, kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ được phân công. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy tham gia kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Thành lập Ban Điều hành Đề án do lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng ban. Thành phần, Quy chế hoạt động của Ban Điều hành và Văn phòng giúp việc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế liên quan đến kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị kinh phí cần thiết từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường cho các dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án.
3. Bộ Công an:
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng trình Chính phủ bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ không thực hiện kiểm định khí thải, xe không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
- Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng công an các địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên đường bộ, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kiểm soát khí thải.
4. Bộ Công Thương:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy tham gia kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ:
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Tăng cường kiểm soát chất lượng xăng lưu thông trên thị trường bảo đảm phù hợp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành cân đối, bố trí kinh phí cho các dự án của Đề án.
7. Bộ Tài chính:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng cơ chế tài chính, quy định mức thu và việc quản lý, sử dụng phí, lệ phí kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin, báo chí:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chỉ đạo và thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy để người dân hưởng ứng thực hiện.
9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại địa phương.
- Chỉ đạo, tăng cường năng lực cho các Sở, Ban, ngành liên quan bố trí lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp để thực hiện, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại địa phương theo quy định.
- Thường xuyên, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Đề án về Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN THUỘC ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT KHÍ THẢI XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY THAM GIA GIAO THÔNG TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
Dự án 1: Hoàn thiện tổ chức, cơ chế tài chính, văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Giao thông vận tải.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2015.
Dự án 2: Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vận động thực hiện kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Giao thông vận tải.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông; các cơ quan thông tin, báo chí và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2015.
Dự án 3: Đào tạo, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực phục vụ kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Giao thông vận tải
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2015.
Dự án 4: Tăng cường năng lực phục vụ kiểm tra, kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên đường.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2015.
Dự án 5: Quy hoạch mạng lưới cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và phát triển một số cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy của nhà nước.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Giao thông vận tải.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2015.
Dự án 6: Xây dựng hệ thống mạng máy tính, phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
- Cơ quan chủ trì: Bộ Giao thông vận tải.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Thời gian thực hiện: từ năm 2010 đến năm 2015.
Quyết định 909/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 909/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/06/2010
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/06/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra