Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 907/QĐ-UBND .HC

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2011-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc hướng dẫn xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ thứ IX; Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 23 tháng 5 năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, khóa IX, về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015;

Căn cứ Nghị quyết số 53/2011/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa VIII - kỳ họp lần thứ 2;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020;

Xét Tờ trình số: 1246 /TTr/SKH-ĐT ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011- 2020; với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.

1. Quan điểm:

Phát triển nhân lực phải thực hiện song song hai nhiệm vụ cơ bản là xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng cao, đi đôi với sử dụng lao động, tạo việc làm ổn định cho đại bộ phận lao động của Tỉnh.

Kết hợp giữa phát triển nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao đến làm việc lâu dài cho Tỉnh; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lao động nông thôn, lao động nghèo; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực then chốt mà Tỉnh có lợi thế, có tiềm năng phát triển.

Phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện cả về trí lực, thể lực, tâm lực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực thực hiện đạt theo mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của Tỉnh đã đề ra.

Phát triển nhân lực có sự tập trung nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật nghề đồng đều cho người lao động. Đồng thời đầu tư có trọng điểm nhằm thu hút, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để phục vụ cho những ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh trong bối cảnh mở cửa, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

- Xây dựng và chuẩn hoá hệ thống dạy nghề gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề.

- Nâng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong công cuộc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ.

- Nâng cao chất lượng giáo dục của hệ thống giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Tỉnh theo đúng quy định của Luật Giáo dục.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,5% năm 2015 và 69% năm 2020, trong đó, qua đào tạo nghề là 40% và 50% (so với lực lượng lao động của Tỉnh).

- Tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân đạt 250 sinh viên năm 2015 và 300 sinh viên năm 2020.

- Các thành phố, thị xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông năm 2015 và toàn Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông sau năm 2015.

- Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên các trường cao đẳng, đại học, giáo viên các trường nghề đạt chuẩn theo quy định.

- Đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức, viên chức đạt tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC ĐẾN NĂM 2020.

1. Phát triển nhân lực theo bậc đào tạo:

Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo trong nền kinh tế của Tỉnh theo lộ trình hợp lý. Tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2015 vào khoảng 525.470 người, chiếm 55,5% lực lượng lao động của Tỉnh và năm 2020 khoảng 669.570 người, chiếm 69% lực lượng lao động của Tỉnh. Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực qua hệ thống đào tạo nghề năm 2015 khoảng 387.700 người và năm 2020 khoảng 485.200 người.

Về cơ cấu bậc đào tạo:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo mới 164.250 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề 125.250 người (ngắn hạn 42.250 người, sơ cấp nghề 38.000 người, trung cấp nghề 22.000 người, cao đẳng nghề 23.000 người), trung cấp chuyên nghiệp 9.300 người, cao đẳng 11.000 người, đại học 17.900 người, trên đại học 800 người.

- Giai đoạn 2016 -2020: đào tạo mới 144.750 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề 100.250 người (ngắn hạn 31.000 người, sơ cấp nghề 26.250 người, trung cấp nghề 20.000 người, cao đẳng nghề 23.000 người), trung cấp chuyên nghiệp 10.000 người, cao đẳng 13.500 người, đại học 20.000 người, trên đại học 1.000 người.

2. Phát triển nhân lực theo ngành chủ yếu:

a) Ngành nông nghiệp:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo 410 cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý trong ngành và 7.000 lao động kỹ thuật ngành nông nghiệp, theo cấp đào tạo trung cấp, đại h ọc và trên đại học, phù hợp nhu cầu phát triển của ngành.

- Giai đoạn 2015 -2020: đào tạo 160 cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý trong ngành và 9.000 lao động kỹ thuật ngành nông nghiệp, theo cấp đào tạo trung cấp, đại học và trên đại học, phù hợp nhu cầu phát triển của ngành.

* Đối với đào tạo nghề lao động nông thôn:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo nghề 95.000 lao động nông thôn (có 18.000 người được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề); ưu tiên đào tạo lao động cho 30 xã điểm nông thôn mới.

- Giai đoạn 2016 -2020: đào tạo nghề 85.000 lao động nông thôn (có 22.000 người được đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề).

b) Ngành công nghiệp:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo 57.680 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học cho nhu cầu ngành công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước. Trong đó, đào tạo lao động cho các khu, cụm công nghiệp khoảng 35.500 người.

- Giai đoạn 2016 -2020: đào tạo 53.230 người, theo cấp đào tạo : dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học cho nhu cầu ngành công nghiệp khai thác mỏ, công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước. Trong đó, đào tạo lao động cho các khu, cụm công nghiệp khoảng 37.150 người.

c) Ngành Thương mại - Dịch vụ:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo 42.440 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học cho nhu cầu ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, môtô; khách sạn và nhà hàng; hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; hoạt động dịch vụ khác.

- Giai đoạn 2016 -2020: đào tạo 41.060 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học cho nhu cầu ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô; khách sạn và nhà hàng; hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; hoạt động dịch vụ khác.

d) Ngành Giao thông Vận tải:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo 16.270 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học cho nhu cầu của 03 khối: xây dựng cơ bản, vận tải, quản lý nhà nước.

- Giai đoạn 2016-2020: đào tạo 18.730 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học cho nhu cầu của 03 khối: xây dựng cơ bản, vận tải, quản lý nhà nước.

đ) Ngành Xây dựng:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo 14.260 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề, cao đẳng, đại học, trên đại học.

- Giai đoạn 2016 -2020: đào tạo 9.440 người, theo cấp đào tạo: dạy nghề, cao đẳng, đại học, trên đại học.

e) Ngành Giáo dục và Đào tạo:

- Giai đoạn 2011-2015: đào tạo 9.355 giáo viên, theo các môn học đáp ứng nhu cầu các cấp học: trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên.

- Giai đoạn 2016-2020: đào tạo 9.675 giáo viên, theo các môn học đáp ứng nhu cầu các cấp học: trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên.

g) Ngành Y tế:

- Giai đoạn 2011 -2015: đào tạo 1.990 người, theo cấp đào tạo: bác sĩ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, II, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế cộng đồng, y sĩ y học cổ truyền, hộ sinh đại học.

- Giai đoạn 2016 -2020: đào tạo 2.200 người, theo cấp đào tạo: bác sĩ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II, bác sĩ, dược sĩ tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa I, II, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế cộng đồng, y sĩ y học cổ truyền, hộ sinh đại học.

h) Đào tạo cán bộ, công chức viên chức theo chuyên ngành:

- Giai đoạn 201 1-2015: đào tạo 10.200 cán bộ, công chức viên chức theo chuyên ngành và cấp đào tạo: tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao cấp, cao đẳng, trung cấp.

- Giai đoạn 2016 -2020: đào tạo 10.900 cán bộ, công chức viên ch ức theo chuyên ngành và cấp đào tạo: tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao cấp, cao đẳng, trung cấp.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUI HOẠCH.

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực.

Tuyên truyền, giáo dục nâng dần nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế địa phương, cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống dân cư.

Hàng năm đưa công tác đào tạo, phát triển nhân lực vào nhiệm vụ trọng tâm, chương trình hành động của địa phương, của ngành; lồng ghép vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành; xây dựng kế hoạch với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện đào tạo, phát triển nhân lực của từng đơn vị.

2. Đổi mới quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực.

Thực hiện đổi mới quản lý Nhà nước về phát triển nhân lực theo nội dung hướng dẫn của Trung ương, kết hợp với tình hình, yêu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo đạt kết quả tốt theo mục tiêu đổi mới của cả nước.

Hình thành cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn Tỉnh; nghiên cứu và ứng dụng các chính sách, cơ chế đào tạo có liên quan đến việc phát triển nhân lực của địa phương. Gắn với công tác quản lý, dự báo, cân đối nhu cầu đào tạo nhân lực và hỗ trợ việc làm cho lao động sau đào tạo giữa các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và các tổ chức kinh tế.

3. Về đào tạo và bồi dưỡng nhân lực.

Rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới đào tạo, dạy nghề trên địa bàn Tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới đào tạo, dạy nghề của cả nước.

Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý đào tạo nghề các cấp đúng theo quy định. Cùng với việc mời gọi các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề bậc cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi tham gia đào tạo nghề cho lao động.

Kịp thời cập nhật nội dung, chương trình dạy nghề, gắn với bổ sung, phát triển phù hợp với thực tế của địa phương, chú trọng chương trình đào tạo kỹ thuật viên, đào tạo nghề cho lao động khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển của địa phương, đơn vị.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, có sự ưu tiên cho các xã điểm nông thôn mới, để nhân rộng ra cho toàn Tỉnh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Trong đó, chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ, công chức viên chức trẻ làm nòng cốt trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học ở những ngành chủ lực, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng.

4. Về huy động nguồn lực.

Để thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của Tỉnh theo đúng mục tiêu định hướng đề ra, các cơ sở đào tạo nghề, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Tỉnh cần sự hỗ trợ của Trung ương và Tỉnh, cũng như vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2011-2020 khoảng 12.027 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư xây dựng 8.819 tỷ đồng; kinh phí thường xuyên 3.208 tỷ đồng.

Tăng cường ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển nhân lực, đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển mạng lưới giáo dục - đào tạo trên địa bàn Tỉnh, thông qua việc thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế, tín dụng, lãi suất, đất đai... Trong đó, đối với vốn chi thường xuyên, vốn ngân sách nhà nước chi khoảng 50%, người theo học khoảng 40% và huy động từ nguồn xã hội hóa...; đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động từ nguồn xã hội hóa, các chương trình, dự án.

Huy động các nguồn lực theo hướng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm về trang thiết bị dạy nghề cho các trường, trung tâm dạy nghề, trường cao đẳng, đại học có tham gia dạy nghề từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn vốn huy động khác.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần giúp cho mọi người hiểu rõ về mục tiêu phát triển nhân lực, cùng các chính sách, cơ chế phát triển nhân lực... Qua đó, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tầng lớp xã hội và đặc biệt là các doanh nghiệp vào công tác đào tạo phát triển nhân lực.

5. Mở rộng, tăng cường phối hợp và hợp tác để phát triển nhân lực.

Tăng cường mối liên kết giữa các cơ quan quản lý với các cơ sở đào tạo, dạy nghề; mối liên kết giữa đơn vị sử dụng lao động, người lao động và đơn vị đào tạo, nhằm góp phần đảm bảo cân đối giữa cung - cầu đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo.

Phối hợp xây dựng, phát triển cơ sở hệ thống dữ liệu về thị trường cung cầu lao động và các cơ sở đào tạo. Gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để có hướng đào tạo theo yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của mình trong việc phối hợp với các cơ sở sở đào tạo nghề.

6. Các chương trình, dự án ưu tiên.

Xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đảm bảo theo mục tiêu Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của Tỉnh; trong đó, khẩn trương triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án của giai đoạn 2011-2015 đã đề ra (Phụ lục kèm theo).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN QUI HOẠCH.

1. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011 -2020 của Tỉnh được duyệt, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh; đồng thời phối hợp với các sở, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm để thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch này.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Cục Thống kê và các sở, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc đánh giá phát triển nhân lực, định hướng và hoạch định chính sách phát triển nhân lực. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Tỉnh trong việc hình thành hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực địa phương.

3. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của Tỉnh, các sở, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực 5 năm giai đoạn 2011-2015 và hàng năm của đơn vị; xây dựng các chương trình, dự án, đề án cụ thể, đưa vào triển khai thực hiện, đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu Quy hoạch đã được duyệt và tiến độ phải thực hiện trong từng giai đoạn.

4. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch. Nâng cao trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc thực hiện quy hoạch. Cuối kỳ kế hoạch (năm 2015, năm 2020) tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng giai đoạn, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương và đề xuất ban hành các chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương về việc làm, thu nhập, bảo hiểm, bảo trợ xã hội... cho người lao động.

6. Các sở, ngành Tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố định kỳ đánh giá và tổng kết hàng năm tình hình thực hiện Quy hoạch gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện cần thường xuyên tiến hành xem xét, bổ sung cho phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế của địa phương, đơn vị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&ĐT;
- Văn phòng Chính phủ;
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT/UBND Tỉnh;
- Thành viên BCĐ QHPTNNL Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, NC/VX.Hg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thái

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2011-2020 CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 907/QĐ-UBND.HC Ngày 06 tháng 10 năm 2011 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

TT

TÊN CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN

01

Đề án nâng cao chất lượng giáo dục Tỉnh giai đoạn 2011-2015

02

Đề án quy hoạch chi tiết mạng lưới trường, lớp học Tỉnh đến năm 2020

03

Đề án phát triển mạng lưới trường dạy nghề Tỉnh đến năm 2020

04

Đề án đạo tạo nghề cho lao động nông thôn Tỉnh giai đoạn 2011-2020

05

Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2011-2015

06

Đề án đào tạo sau đại học ở nước ngoài 2011-2020

07

Đề án phát triển thông tin và truyền thông nông thôn

08

Đề án phát triển trường đại học kỹ thuật

09

Đề án phát triển trường đại học y dược (cơ sở 2 trường ĐH. Y Dược TP. Hồ Chí Minh)

10

Hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm

Ghi chú: về vị trí, quy mô và tổng mức đầu tư của các chương trình, đề án nêu trên sẽ được tính toán, xác định cụ thể trong từng giai đoạn lập và trình duyệt đề án, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng giai đoạn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 907/QĐ-UBND.HC năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2020

  • Số hiệu: 907/QĐ-UBND.HC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trần Thị Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản