Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 902/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 17 tháng 3 năm 2017 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG, CƠ NHỠ, XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2017
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Thực hiện Quyết định số 955/QĐ-UBND ngày 13/3/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 475/SLĐTBXH-BTXHPCTNXH ngày 13/3/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh năm 2017.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG NGƯỜI LANG THANG, CƠ NHỠ, XIN ĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2017
(Kèm theo Quyết định số 902/QĐ-UBND ngày 17/3/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Thực hiện Quyết định số 955/QĐ-UBND ngày 28/03/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân toàn tỉnh trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn góp phần đảm bảo an toàn xã hội, tạo mỹ quan đô thị để thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh năm 2017, cụ thể như sau:
1. Mục đích
- Không để xảy ra tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến phát triển du lịch của tỉnh; tạo điều kiện trợ giúp người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn ổn định cuộc sống tại gia đình, hòa nhập cộng đồng, không tái lang thang xin ăn hoặc giải quyết tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng. Đồng thời, ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn để thu lợi bất chính gây bức xúc trong xã hội;
- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và xã hội nhằm ngăn chặn tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân và những người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn để hiểu rõ hơn về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, từ
đó tạo ra sự đồng thuận của người dân ngăn chặn tình trạng người lang thang xin ăn làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến phát triển du lịch của tỉnh;
- Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện việc tập trung và giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn có hiệu quả, tạo điều kiện để đối tượng ổn định cuộc sống tại gia đình và cộng đồng, không đề tái diễn tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn nhất là vào các dịp lễ, tết và tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Xử lý triệt để những người lợi dụng đối tượng xã hội tổ chức xin ăn thu lợi bất chính.
1. Đối tượng thực hiện:
- Người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn;
- Người sống lang thang không có nơi cư trú nhất định, thường sử dụng vỉa hè, công viên, chợ, bến xe,... làm nơi sinh sống;
- Các đối tượng giả dạng người khuyết tật, lỡ đường, cơ nhỡ... để xin ăn, chăn dắt đối tượng xin ăn.
2. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh.
3. Nội dung thực hiện
a. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là công tác tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của xã, phường, thị trấn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và người dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
- Tăng cường vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, vui chơi giải trí, các địa điểm du lịch, đền, chùa... cam kết không để đối tượng lang thang, bán hàng rong, hoặc xin ăn trong khuôn viên, địa bàn đơn vị kinh doanh, quản lý;
- Tuyên truyền vận động trực tiếp người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn để họ tự nguyện trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, ổn định làm ăn sinh sống.
b. Đẩy mạnh công tác tập trung, giải quyết người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn:
- Phối hợp thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, răn đe, chế tài mạnh đối với người chăn dắt người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn nhằm ngăn chặn tình trạng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm như nhà ga, bến xe, các chợ, các tuyến đường có nhiều quán ăn, khu, điểm du lịch nhằm phát hiện các đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn đeo bám, chèo kéo khách hoặc tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật.
- Các trường hợp người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn không xác định được nơi cư trú, không có gia đình, người thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng thì lập hồ sơ thủ tục đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội tạm thời hoặc lâu dài theo quy định.
c. Lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội:
- Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội; quan tâm hỗ trợ, trợ cấp đột xuất đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khuyến khích các tổ chức nhân đạo, từ thiện hỗ trợ tại cộng đồng cho những người, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, giúp họ khắc phục khó khăn để không phải lang thang, cơ nhỡ, xin ăn kiếm sống.
- Đối với những đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn đang trong độ tuổi lao động thì chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức xã hội, hội đoàn thể ở địa phương vận động, tạo điều kiện để đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống;
d. Thực hiện đăng ký, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, nhất là số đối tượng từ địa phương khác đến cư trú trên địa bàn: Tăng cường công tác quản lý về trật tự trị an, đặc biệt là việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến cư trú trên địa bàn; xử lý nghiêm các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ cho tạm trú, lưu trú mà không có giấy tờ tùy thân, không khai báo tạm trú, lưu trú theo quy định nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp phối hợp giải quyết không để phát sinh tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
e. Nâng cấp cơ sở, vật chất, trang thiết bị các cơ sở bảo trợ xã hội: Thực hiện đầu tư sửa chữa nhỏ một số hạng mục tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu để phục vụ đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn sau khi các Tổ công tác tập trung, bàn giao về điểm tiếp nhận của tỉnh để giải quyết theo quy định.
g. Kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết: Các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch, định kỳ 6 tháng, 01 năm hoặc đột xuất báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Kinh phí thực hiện
Căn cứ Kế hoạch chung của UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lập kế hoạch phân bổ dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan và huy động nguồn kinh phí đóng góp hợp pháp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch và quản lý sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2017.
- Tổ chức tiếp nhận đối tượng sau tập trung và phân loại, giải quyết các nhóm đối tượng theo quy định.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố giải quyết những người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn của các địa phương khác theo quy định.
- Theo dõi, tổng hợp, tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.
2. Sở Tài chính:
- Cân đối, đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch tập trung và giải quyết đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí có hiệu quả và quyết toán kinh phí theo quy định của Nhà nước.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí sửa chữa các hạng mục tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội để phục vụ nơi ăn ở, sinh hoạt cho đối tượng trong thời gian phân loại, xử lý, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định để thực hiện.
3. Sở Y tế:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tiếp nhận, khám và điều trị cho người lang thang bị bệnh nặng, sức khỏe suy kiệt và người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần lang thang được cơ quan chức năng tập trung chuyển đến. Lập hồ sơ (bệnh án) những người khuyết tật dạng thần kinh, tâm thần lang thang, người khuyết tật không có địa chỉ sau khi điều trị ổn định chuyển về UBND các huyện, thị xã, thành phố để giải quyết theo quy định.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và điều trị những trường hợp được tập trung bị mắc bệnh truyền nhiễm như: Lao, HIV/AIDS đang sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu đề xuất đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận và quản lý người lang thang, cơ nhỡ, ăn xin, báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
5. Sở Văn hóa và Thể thao: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với việc thực hiện giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn khu dân cư.
6. Sở Du lịch: Hướng dẫn các khu, điểm du lịch, các điểm tổ chức lễ hội phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm và xử lý kịp thời tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, ăn xin.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo, theo dõi, quản lý và phát hiện những em học sinh có nguy cơ bỏ học để kịp thời có biện pháp động viên, giúp đỡ, làm tốt vai trò cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, xin ăn. Nêu gương các tập thể, cá nhân có nghĩa cử tốt đẹp, giúp đỡ học sinh có nguy cơ bỏ học được tiếp tục đến trường.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Tư pháp: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về các chính sách liên quan đến công tác bảo trợ xã hội.
10. Công an tỉnh:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập trung người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn.
- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ tập trung đối tượng, cùng xác lập ban đầu hồ sơ đối tượng theo quy định để bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
- Kịp thời phát hiện, điều tra và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng “chăn dắt”, tổ chức xúi giục và thuê trẻ em, người khuyết tật, người lang thang, cơ nhỡ hoặc người già đi ăn xin để hưởng lợi; không dung túng cho hành vi lợi dụng người già, trẻ em lang thang, cơ nhỡ, người mất năng lực hành vi để kiếm tiền bất hợp pháp.
- Tăng cường công tác quản lý tạm trú, tạm vắng; điều tra xác định nhân thân và tham gia phân loại đối tượng để xử lý có hiệu quả.
11. Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các chương trình, chuyên mục để tuyên truyền về công tác giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn bằng các hình thức phù hợp, sát với tình hình của địa phương.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Căn cứ Kế hoạch chung của tỉnh và tình hình thực tế ở địa phương để xây dựng Kế hoạch tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn quản lý.
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ công tác kiêm nhiệm, bố trí đủ nhân lực, phương tiện và công cụ để thực hiện tập trung đối tượng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn quản lý. Lập đường dây nóng, niêm yết công khai để thường xuyên tiếp nhận thông tin và giải quyết người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn.
- Tổ công tác UBND các huyện, thị xã, thành phố phải hoạt động thường xuyên, liên tục, nhất là trước, trong và sau các ngày lễ, tết và tại các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí công cộng... trên địa bàn quản lý.
- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức tập trung người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn quản lý.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, giúp đỡ và không để người dân trên địa bàn phải đi lang thang, xin ăn.
- Chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan để thực hiện Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh năm 2017. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh các đơn vị, địa phương phản ánh bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo./.
- 1Quyết định 95/2005/QĐ-UB quy định về mức chi phí công tác tập trung, giải quyết đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 2Quyết định 1049/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2014
- 3Kế hoạch 206/KH-UBND năm 2015 về giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 4Quyết định 16/2017/QĐ-UBND bãi bỏ Chỉ thị 05/2008/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 5Quyết định 6053/QĐ-UBND năm 2017 thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 6Quyết định 1314/QĐ-UBND năm 2018 về Quy trình và mức kinh phí hỗ trợ tập trung người già cô đơn; người cơ nhỡ; trẻ em; người tâm thần, người khuyết tật sống lang thang, xin ăn; người bệnh, người tâm thần bị bỏ rơi tại bệnh viện đã được điều trị tạm ổn định (kể cả người có quốc tịch nước ngoài) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 7Quyết định 09/2020/QĐ-UBND quy định về biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 8Kế hoạch 954/KH-UBND năm 2020 về giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 9Quyết định 389/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025
- 1Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
- 2Quyết định 95/2005/QĐ-UB quy định về mức chi phí công tác tập trung, giải quyết đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3Quyết định 1049/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch tập trung đối tượng lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2014
- 4Kế hoạch 206/KH-UBND năm 2015 về giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 5Luật ngân sách nhà nước 2015
- 6Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7Quyết định 955/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020
- 8Quyết định 16/2017/QĐ-UBND bãi bỏ Chỉ thị 05/2008/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 9Quyết định 6053/QĐ-UBND năm 2017 thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 10Quyết định 1314/QĐ-UBND năm 2018 về Quy trình và mức kinh phí hỗ trợ tập trung người già cô đơn; người cơ nhỡ; trẻ em; người tâm thần, người khuyết tật sống lang thang, xin ăn; người bệnh, người tâm thần bị bỏ rơi tại bệnh viện đã được điều trị tạm ổn định (kể cả người có quốc tịch nước ngoài) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
- 11Quyết định 09/2020/QĐ-UBND quy định về biện pháp giải quyết tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 12Kế hoạch 954/KH-UBND năm 2020 về giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 13Quyết định 389/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án tập trung, giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025
Quyết định 902/QĐ-UBND Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2017
- Số hiệu: 902/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/03/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 17/03/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra