Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90/2004/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT KHU VỰC CỬA Ô PHÍA NAM HÀ NỘI, TỶ LỆ 1/500 TẠI XÃ TỨ HIỆP, HUYỆN THANH TRÌ, HÀ NỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý Quy hoạch Đô thị;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định Lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị;
Căn cứ Quyết định số 5407/QĐ-UB ngày 10/9/2003 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chi tiết Khu vực Cửa Ô phía Nam Hà Nội tại Xã Tứ Hiệp, Huyện Thanh Trì, Hà Nội, tỷ lệ 1/500;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 912A/TTr-QHKT ngày 19/5/2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu vực Cửa Ô phía Nam Hà Nội tại Xã Tứ Hiệp, Huyện Thanh Trì, Hà Nội - Tỷ lệ 1/500 do Viện Nghiên cứu Kiến Trúc - Bộ Xây dựng lập và hoàn thành 4/2004 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Vị trí: Khu vực Cửa Ô phía Nam Hà Nội thuộc Xã Tứ Hiệp, Huyện Thanh Trì, Hà Nội nằm ở phía Nam Thành phố.

2. Phạm vi: Phạm vi lập quy hoạch:

+ Phía Bắc giáp Sông Tô Lịch.

+ Phía Đông Nam giáp tuyến điện cao thế .

+ Phía Tây giáp Quốc lộ 1B .

3. Quy mô: Tổng diện tích khu đất lập quy hoạch: 234967m2.

4. Mục tiêu: - Cụ thể hoá Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Lập quy hoạch tổ chức không gian và cảnh quan khu vực với vai trò là “Cửa Ô phía Nam” của Thủ đô, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.

- Xây dựng công trình văn hoá kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tạo điểm nhấn kiến trúc cho khu vực, đồng thời là công trình ghi nhận một quá trình lịch sử phát triển hào hùng của Thủ đô.

- Làm cơ sở pháp lý cho việc đầu tư xây dựng và lựa chọn phương án hợp lý để xây dựng các hạng mục công trình trong khu vực Cửa Ô phía Nam Hà Nội về sau này.

5. Nội dung quy hoạch chi tiết :

5.1. Tổ chức không gian Quy hoạch chi tiết khu vực Cửa Ô phía Nam:

5.1.1.Tổ chức không gian khu vực xung quanh cửa Ô:

Quy hoạch chi tiết Khu vực Cửa Ô phía Nam Hà Nội (quy mô 23,49ha) được xem xét nghiên cứu trong cả khu quy hoạch xung quanh Cửa Ô với quy mô khoảng 100ha được giới hạn bởi phía Bắc giáp Công viên Yên Sở, phía Đông là đường Vành đai 4 dự kiến, phía Tây là đường Quốc lộ 1B, phía Nam là nút giao cắt giữa đường Vành đai và Quốc lộ 1B.

Khu quy hoạch xung quanh Cửa Ô được xác định là Công viên Văn hoá, gắn kết với Công viên Yên Sở tạo thành khu văn hoá vui chơi đa chức năng của Thành phố ở phía Nam .

Trước mắt tập trung xây dựng khu vực cửa Ô phía Nam Hà Nội. Diện tích còn lại là đất dự trữ phát triển được dành cho các chức năng văn hoá, các công trình bảo tàng và triển khai xây dựng trong giai đoạn tiếp theo.

Trong không gian Công viên Văn hoá Nam Hà Nội, khu vực Cửa Ô phía Nam được xác lập là chủ thể chính về không gian kiến trúc cảnh quan cho quy hoạch chung cả khu vực.    

Khu vực Cửa Ô phía Nam có diện tích 23,49ha được nghiên cứu quy hoạch thành một khu vực Công viên Văn hoá mang tính giáo dục cao về truyền thống lịch sử, văn hoá của Thủ đô Hà Nội.

Trong đó bao gồm tổ hợp các công trình: Cửa Ô, hệ thống cây xanh tượng đài (với tượng đài chiến thắng ghi dấu những chiến công của Thủ đô Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh) là điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan toàn khu vực.

5.1.2. Tổ chức không gian Quy hoạch khu vực Cửa Ô phía Nam Hà Nội :

Quy hoạch chi tiết khu cửa Ô phía Nam là một tổ hợp quần thể các công trình bao gồm các hạng mục: Cửa Ô, tượng đài chiến thắng, các khu cây xanh kết hợp với các công trình kiến trúc nhỏ như tượng đài phù điêu... và công trình công cộng thấp tầng.

Toàn bộ các hạng mục trên được quy hoạch bố cục theo một tổng thể chung thống nhất theo nguyên tắc tổ chức không gian gồm các chủ thể chính - phụ kết hợp với  nhau theo hình thức bố cục hướng tâm.

Khu quảng trường - tượng đài chiến thắng là chủ thể chính được quy hoạch bố trí tại lô đất trung tâm của khu đất thuộc dự án.

Các chủ thể phụ bao gồm các hạng mục cây xanh kết hợp các kiến trúc nhỏ, tượng đài, phù điêu được quy hoạch dưới hình thức các quảng trường vệ tinh nằm xung quanh.

Hệ thống giao thông nội bộ gắn kết quảng trường chính và các quảng trường vệ tinh được tổ chức theo dạng vòng cung hướng vào chủ thể là tượng đài chiến thắng.

Tổ chức không gian từng hạng mục được bố trí cụ thể như sau:

a. Công trình công cộng:

+ Nhà trưng bày triển lãm: Bố trí ở phía Đông Bắc khu đất, là khu phục vụ công cộng đa chức năng với quy mô diện tích khoảng 1000 m2, công trình cao từ 2 - 3 tầng.

+  Ngoài ra, một số công trình dịch vụ có quy mô nhỏ cao 1 tầng được tổ chức phân tán dọc theo các tuyến giao thông và trong các khu cây xanh.

b. Cây xanh kết hợp các công trình kiến trúc nhỏ:

Quy hoạch cây xanh được tổ chức bao gồm nhiều khu liên hoàn, kết hợp với các khu vực quảng trường thành các tổ hợp công viên vệ tinh.

Các khu cây xanh bao gồm các đường dạo và trồng các loại cây xanh bóng mát, trang trí kết hợp với hệ thống các công trình kiến trúc nhỏ, tượng đài, phù điêu theo một chủ đề chung thống nhất cho cả khu công viên.

Ven các tuyến đường giao thông tổ chức các vườn hoa cây xanh mang tính đặc trưng của Hà Nội tạo thành các hành lang cây xanh, tôn tạo cảnh quan cho các tuyến đường và dẫn dắt vào tượng đài chiến thắng.

c. Tượng đài chiến thắng và quảng trường chiến thắng :

Tổ chức không gian của khu quảng trường chiến thắng và quảng trường chiến thắng bao gồm các hạng mục:

+ Đài chiến thắng là công trình chủ thể được xử lý bằng các giải pháp không gian có tầng bậc, nằm tại Quảng trường Chiến thắng. Đài được đặt tại lô đất trung tâm của khu công viên và nằm trên cốt nền cao nhất trong khu vực (cốt +15.6m ). Chiều cao của Tượng đài chiến thắng được dự kiến cao từ 90m đến 120m, đảm bảo để Đài Chiến thắng là điểm nhấn cho không gian kiến trúc cảnh quan của cả khu vực Nam Hà Nội.

+ Lối đi chính đi lên khu Quảng trường Chiến thắng được quy hoạch tổ chức theo hình thức là một đường vòng xoáy ốc hướng tâm theo chiều hướng đi lên và kết thúc tại Quảng trường Chiến thắng.

Chiều dài lối đi bộ khoảng 900m và được chia thành chín cung đường tương ứng với từng thời kỳ lịch sử phát triển của Thủ đô trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hai bên trục đường quy hoạch bố trí trồng các loại cây xanh đặc trưng Hà Nội và gắn kết với các phù điêu, tượng đài nhỏ theo các chủ đề nhằm khắc hoạ lại các thời kỳ lịch sử của Thủ đô trong thời đại Hồ Chí Minh. Không gian kiến trúc cảnh quan sinh động và có chiều sâu hơn với hệ thống hồ nước, vòi phun dọc theo tuyến đường này.

d. Cửa Ô phía Nam Hà Nội:

Cửa Ô được quy hoạch là không gian mở mang tính biểu tượng được bố trí hai bên trục đường Quốc lộ 1B, có chiều cao hài hoà với chiều cao của tượng đài chiến thắng.

5.2. Quy hoạch sử dụng đất:

Trên cơ sở nghiên cứu tổ chức không gian, khu vực Cửa Ô được bao gồm các chức năng chính như sau:

- Đất xây dựng công trình công cộng: Có diện tích khoảng 10.111m2 được bố trí tại lô đất phía Đông Bắc của ô đất.

- Đất cây xanh có các kiến trúc nhỏ: Được kết hợp với hồ điều hoà ở giữa tạo không gian thông thoáng, góp phần cải tạo môi trường cảnh quan thiên nhiên, có diện tích khoảng 70.557m2.

- Đất xây dựng Quảng trường Chiến thắng - Tượng đài Chiến thắng: Được bố trí ở trung tâm của khu Cửa Ô là điểm nhấn cho quy hoạch toàn khu vực, có diện tích khoảng 5245m2.

- Đất mặt nước: Được bố trí xung quanh Tượng đài Chiến thắng, có diện tích khoảng 18.323 m2.

- Đất giao thông và quảng trường: Có diện tích khoảng 101.293m2.

- Đất giao thông tĩnh: có diện tích khoảng 9075m2 được bố trí dọc theo các tuyến đường liên khu vực.

- Đất đường giao thông kết hợp cây xanh: có diện tích khoảng 20.363m2.

BẢNG TỔNG HỢP CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT CƠ BẢN

TT

HẠNG MỤC

DIỆN TÍCH (M2)

TỶ LỆ (%)

1

Đất xây dựng cây xanh các kiến trúc nhỏ

70.557

30,03

2

Đất xây dựng công trình công cộng

10.111

4,3

3

Đất mặt nước

18.323

7.8

4

Đất xây dựng Quảng trường - Tượng Chiến thắng

5245

2.23

5

đất giao thông và quảng trường

101.293

43,11

6

Đất giao thông tĩnh

9075

3.86

7

Đất giao thông kết hợp cây xanh

20.363

8,67

 

Tổng cộng :

234.967

100.0

5.3. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:

5.3.1. Quy hoạch giao thông:

a. Giao thông nội bộ:

+ Quy hoạch trục giao thông chính xuyên suốt khu Công viên có hình dạng vòng xoắn ốc hướng vào khu tượng đài tại trung tâm khu đất với phần cổng vào khu công viên tại tuyến đường phía Bắc khu đất với mặt cắt đường là 33m.

+ Hệ thống giao thông nội bộ trong khu dự án được tổ chức theo các trục đường hướng tâm đi từ khu quảng trường trung tâm đến các quảng trường vệ tinh xung quanh và ra các đường liên khu vực nằm phía ngoài khu đất.

+ Các đường dạo trong các lô đất cây xanh được tổ chức theo hình dạng tự nhiên: Diện tích đất dành cho hệ thống giao thông nội bộ trong khu công viên chiếm 43,11% trên tổng diện tích nghiên cứu.

b. Giao thông tĩnh: Trên trục đường giao thông ven khu công viên bố trí các bãi đỗ xe công cộng với tổng diện tích khoảng 9075m2.

Hệ thống bãi đỗ xe công cộng được thiết kế phục vụ cho nhu cầu của khách đến khu công viên.

5.3.2. Chuẩn bị kỹ thuật và thoát nước mưa:

a. San nền:

Cao độ san nền cao nhất : + 6,20 m (khu tượng đài chiến thắng)

Cao độ san nền thấp nhất : + 5,70 m.

San nền được thiết kế theo các đường đồng mức hướng từ trung tâm ra xung quanh. Xung quanh xây dựng các tuyến cống bao (rãnh xây đậy nắp đan và được thoát vào hệ thống cống thoát bên ngoài).

b. Thoát nước mưa:

- Hệ thống thoát nước mưa là hệ thống cống riêng với hướng thoát vào trục tiêu chính và thoát vào Sông Tô Lịch.

Mạng lưới đường cống thoát nước và rãnh thoát nước:

Đường cống thoát nước bố trí cùng với mạng đường quy hoạch, trong các khu  công viên cây xanh được xây dựng tuyến rãnh thoát nước bao và được thoát vào tuyến cống dọc đường giao thông theo phương pháp tự chảy.

5.3.3. Quy hoạch cấp nước:

a. Cấp nước: Nguồn cấp nước cho khu vực Cửa Ô được dự kiến lấy từ hệ thống cấp nước chung của Thành phố dọc theo tuyến đường Quốc lộ 1B. Vị trí đấu nối dự kiến được xây dựng trong khu hạ tầng kỹ thuật của đồ án quy hoạch.

Mạng lưới cấp nước bao gồm tuyến ống phân phối chính có đường kính D225mm. Từ tuyến ống nguồn chia tách ra bằng các tuyến ống nhánh với D160mm dẫn đến các khu quảng trường, các khu cây xanh.

Tại khu quảng trường được quy hoạch các trạm bơm nhỏ kết hợp với các đài phun nước có bể chứa nước dự trữ cung cấp nước cục bộ cho từng khu vực quảng trường. Đường ống cấp nước cục bộ của từng khu vực đều được thiết kế có đường kính ống từ d= 30mm đến d=160mm.

b/ Phòng cháy chữa cháy:

Cấp nước chữa cháy tuân theo quy phạm PCCC và quy chuẩn Xây dựng Việt Nam. Trên các tuyến truyền dẫn có đường kính từ D225 mm đến D160mm được bố trí các họng cứu hoả.

Các công trình có hệ thống chữa cháy đồng thời có bể dự trữ nước chữa cháy đủ cung cấp nước chữa cháy theo quy định phòng cháy chữa cháy.

5.3.4. Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

a/ Thoát nước thải: Hệ thống thoát nước thải được quy hoạch xây dựng là hệ thống riêng. Trong các công trình công cộng, các nhà vệ sinh công cộng nước thải được xử lý sơ bộ qua các bể tự hoại xây dựng bên trong công trình hoặc bên trong ô đất, đấu nối ra đường cống dọc theo trục đường và dẫn đến khu xử lý chung.

b/ Vệ sinh môi trường: Các thùng rác nhỏ được bố trí tại dọc các tuyến đường giao thông nội bộ, quảng trường với khoảng cách của các thùng rác từ  60m ¸80m/1 thùng được tổ chức thu gom tập kết rác tại các vị trí được bố trí trong khu vực, sau đó vận chuyển về nơi xử lý của thành phố.

5.3.5. Quy hoạch cấp điện.

a) Nguồn điện: Nguồn điện cấp cho khu vực Cửa Ô được lấy từ lưới điện của thành phố qua trạm biến áp được xây dựng trong khu hạ tầng kỹ thuật của đồ án quy hoạch.

b) Cấp  điện: - Cấp điện được lấy từ trạm biến áp nguồn của toàn khu tới trạm biến áp hạ thế cục bộ của các khu quảng trường, các khu cây xanh sử dụng hệ thống cáp ngầm chôn trực tiếp dưới đất, chiều dài tuyến tối đa Lmax Ê 1km để tổn thất điện áp ở dưới mức giới hạn cho phép.

- Mạng lưới cấp điện trong khu vực cửa Ô sử dụng loại cáp ngầm có đai thép bảo vệ và chống thấm dọc.

- Các trạm biến áp được bố trí tại các vị trí gần tâm phụ tải điện, thuận tiện cho việc quản lý và vận hành.

5.3.6. Quy hoạch mạng lưới thông tin.

Mạng lưới đường dây thông tin liên lạc trong khu vực thiết kế đi ngầm được nối từ tổng đài hiện có của khu vực.

5.3.7. Tổng hợp đường dây đường ống.

Trong khu vực Quy hoạch Cửa Ô bố trí hệ thống tuy nen kỹ thuật dọc vỉa hè đường giao thông để lắp đặt các đường ống, dây cáp cấp điện, cấp nước và thông tin liên lạc...

Điều 2:

- Sở Quy hoạch Kiến trúc chịu trách nhiệm kiểm tra, xác nhận hồ sơ, bản vẽ thiết kế kèm theo Quy hoạch chi tiết được phê duyệt trong vòng 15 ngày kể từ ngày ký Quyết định này; chủ trì phối hợp với UBND Huyện Thanh Trì và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức công bố công khai quy hoạch chi tiết được phê duyệt để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện.

- Uỷ ban nhân dân Huyện Thanh Trì tổ chức kiểm tra, giám sát xây dựng theo đúng quy hoạch và xử lý việc xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định cuả pháp luật.

- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các Sở: Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường và Nhà đất, Xây dựng, Giao thông Công chính, Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Huyện Thanh Trì; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Xã Tứ Hiệp; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (Bộ Xây dựng); Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 90/2004/QĐ-UB Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu vực Cửa Ô phía Nam Hà Nội, tỷ lệ 1/500 tại Xã Tứ Hiệp, Huyện Thanh Trì, Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 90/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/05/2004
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản