Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 899/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG BỨC XẠ TRONG KHÍ TƯỢNG, THỦY VĂN, ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2. Phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường được thực hiện đồng bộ về công nghệ, trang thiết bị, nguồn nhân lực và các biện pháp đảm bảo an toàn; đồng thời liên kết, phối hợp chặt chẽ với các ngành khoa học, công nghệ khác để khai thác thế mạnh, đạt hiệu quả ứng dụng cao.
3. Nhà nước quan tâm đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật bức xạ; chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng bức xạ, bảo đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển cơ sở vật chất và năng lực ứng dụng bức xạ trong nghiên cứu về khí tượng, thủy văn, điều tra, thăm dò, đánh giá về tài nguyên và bảo vệ môi trường đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực; góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2015:
- Xây dựng, hoàn thiện cơ bản cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ về ứng dụng kỹ thuật bức xạ và kỹ thuật đồng vị cho các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường theo các chức năng nhiệm vụ được phân công, bao gồm:
+ Hình thành phòng thí nghiệm, đào tạo cán bộ chuyên môn về kỹ thuật đồng vị phục vụ nghiên cứu về cổ khí tượng, khí tượng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dự báo.
+ Hình thành các phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ về kỹ thuật đồng vị phục vụ nghiên cứu khí tượng thủy văn, điều tra, đánh giá tài nguyên nước tại hai khu vực miền Bắc và miền Nam.
+ Xây dựng mới và nâng cấp các phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong điều tra, thăm dò địa chất, tìm kiếm khoáng sản, phân tích các mẫu địa chất nhằm tăng cường năng lực cho các liên đoàn địa chất trong công tác nghiên cứu địa chất, thăm dò và tìm kiếm khoáng sản.
+ Nâng cấp phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ cho Tổng cục Môi trường về ứng dụng các kỹ thuật đồng vị và phân tích bằng các kỹ thuật hạt nhân nhằm nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường, phục vụ công tác quan trắc và kiểm soát ô nhiễm.
- Triển khai hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật đồng vị và kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực:
+ Khí tượng thủy văn: Bước đầu ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong nghiên cứu về khí tượng (bao gồm cả cổ khí tượng và khí tượng hiện đại) phục vụ công tác dự báo thời tiết, thiên tai và biến đổi khí hậu; triển khai ứng dụng kỹ thuật đồng vị nghiên cứu về thủy văn, quá trình xói mòn, bồi lắng của các lòng sông, hồ chứa, đập thủy điện và bến cảng.
+ Tài nguyên nước: Triển khai ứng dụng kỹ thuật địa vật lý hạt nhân điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị lớn và các địa bàn có nhu cầu cấp thiết.
+ Địa chất, khoáng sản: Phát triển ứng dụng các kỹ thuật đo bức xạ và phân tích hạt nhân để nghiên cứu, điều tra bổ sung và làm rõ thành phần, cấu trúc địa chất; xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, môi trường địa chất không thuận lợi cho xây dựng các công trình lớn, khu đô thị, khu dân cư; phát hiện, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, nguồn địa nhiệt, nguồn nước khoáng, nước nóng.
+ Môi trường: Hoàn thành bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho các khu đô thị, dân cư lớn; ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân và kỹ thuật đồng vị để phát hiện các khu vực môi trường bị ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và khu vực lan tỏa ô nhiễm do sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ô nhiễm từ các bãi chôn lấp chất thải rắn; hoàn thành nghiên cứu khả thi và thử nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường do khí thải và nước thải bằng kỹ thuật bức xạ.
b) Đến năm 2020:
- Hoàn thiện, nâng cấp các phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ về ứng dụng các kỹ thuật đồng vị và phân tích hạt nhân trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và môi trường đạt trình độ ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.
- Xác định các nhóm phương pháp, kỹ thuật đồng vị và phân tích hạt nhân có hiệu quả thiết thực và các hệ thiết bị, công nghệ liên quan để đầu tư xây dựng và triển khai ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật này trong nghiên cứu, điều tra, đánh giá về tài nguyên và môi trường đạt các tiêu chí:
+ Ứng dụng rộng rãi kỹ thuật đồng vị trong thực tiễn nghiên cứu, quan trắc khí tượng, thủy văn, các nghiên cứu về xói mòn đất và sa bồi.
+ Ứng dụng kỹ thuật đồng vị cho hầu hết các nhiệm vụ điều tra, đánh giá về tài nguyên nước trên phạm vi cả nước.
+ Ứng dụng rộng rãi kỹ thuật đo bức xạ và phân tích hạt nhân trong nghiên cứu, điều tra địa chất; đánh giá nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, môi trường địa chất không thuận lợi cho xây dựng các công trình lớn tại những khu vực quan trọng theo yêu cầu; phát hiện, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, tìm kiếm các nguồn địa nhiệt, các nguồn nước khoáng, nước nóng.
+ Hoàn thành bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam; ứng dụng rộng rãi kỹ thuật phân tích hạt nhân và kỹ thuật đồng vị trong quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường; triển khai ứng dụng rộng rãi kỹ thuật bức xạ vào xử lý ô nhiễm môi trường cho các khu công nghiệp lớn và các nguồn phát thải ô nhiễm lớn ở Việt Nam.
III. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Tăng cường năng lực kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ứng dụng bức xạ trong nghiên cứu, điều tra, thăm dò, đánh giá về tài nguyên và môi trường.
a) Xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực về ứng dụng các kỹ thuật đồng vị và kỹ thuật hạt nhân trong điều tra, nghiên cứu, thăm dò, đánh giá về tài nguyên và môi trường, bao gồm:
- Xây dựng 01 phòng thí nghiệm đồng vị phục vụ công tác nghiên cứu về cổ khí tượng, mô phòng khí tượng cổ trên trái đất và dự báo tiến trình phát triển của khí tượng hiện đại; xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong quan trắc khí tượng thủy văn.
- Xây dựng 02 phòng thí nghiệm đồng vị (01 cho khu vực phía Bắc và 01 cho khu vực phía Nam) phục vụ công tác điều tra, phát hiện, đánh giá tài nguyên nước.
- Xây dựng mới 01 phòng thí nghiệm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân với các máy móc, thiết bị chuyên dụng, hiện đại để phân tích, xác định tuổi thành tạo địa chất, phân tích mẫu địa chất; tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới các trang thiết bị sử dụng trong điều tra, đánh giá địa chất, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản; trang bị hệ thống các máy móc, thiết bị lưu động phục vụ đánh giá địa chất, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản tại hiện trường.
- Xây dựng 01 phòng thí nghiệm đồng vị, kết hợp xây dựng mới, nâng cấp các trung tâm quan trắc phục vụ công tác giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, bao gồm cả môi trường biển.
- Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để quản lý và khai thác hiệu quả các cơ sở vật chất, trang thiết bị mới.
b) Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật đồng vị và kỹ thuật hạt nhân mới, tiên tiến và đào tạo cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này phục vụ phân tích mẫu nhanh với số lượng lớn, có độ nhạy và độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu của hoạt động điều tra, nghiên cứu, đánh giá về tài nguyên và môi trường.
2. Đẩy mạnh ứng dụng bức xạ trong nghiên cứu, điều tra, thăm dò, đánh giá về tài nguyên và môi trường.
a) Triển khai các ứng dụng kỹ thuật đồng vị để nghiên cứu về khí tượng, sự hình thành, tạo mây, các thay đổi của khí hậu và thời tiết nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo.
b) Ứng dụng kỹ thuật đồng vị nghiên cứu về xói mòn đất và bồi lắng tại các lưu vực sông, lòng hồ thủy lợi và thủy điện, các bến cảng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu xác định sự rò rỉ nước qua các thân đê, đập, nguồn gốc và lượng nước chảy vào các mỏ khai thác khoáng sản, nền móng các công trình xây dựng.
c) Ứng dụng kỹ thuật đồng vị để nghiên cứu dự báo về tài nguyên nước một cách định lượng với độ chính xác cao, bao gồm:
- Thành phần nền, sự biến đổi các thành phần đồng vị nước và đồng vị các nguyên tố hòa tan trong các nguồn nước tự nhiên, xác định tuổi, nguồn gốc hình thành, quan hệ thủy lực, trữ lượng, cân bằng nước của các nguồn nước, kể cả nước khoáng và nước nóng.
- Xác định nguồn gốc các hợp chất hòa tan trong nước, sự dịch chuyển, cơ chế lan truyền các vật chất trong các đới thông khí và đới bão hòa.
- Sự dịch chuyển ranh giới mặn ngọt trong các tầng chứa nước, xác định nguồn gốc và cơ chế lan truyền các chất ô nhiễm trong các nguồn nước dưới đất.
d) Nghiên cứu, phát triển tổ hợp các phương pháp địa chất - địa vật lý hạt nhân hiện đại nhằm mở rộng ứng dụng trong:
- Nghiên cứu, điều tra địa chất, kiến tạo, cổ địa lý, cổ sinh học, địa chất môi trường.
- Nghiên cứu tai biến địa chất, phát hiện, quan trắc các dạng tai biến do vận động địa chất hiện đại như xói mòn đất, trượt lở đất và đứt gãy hoạt động; quá trình sụt lún đất, nứt đất và xác định vị trí, diện tích các vùng có nguy cơ cao về sụt lún và sạt lở đất; đánh giá các đới xung yếu cho những khu vực trọng điểm.
- Điều tra địa chất, thăm dò và tìm kiếm khoáng sản; ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân tiên tiến để phân tích các mẫu địa chất một cách hiệu quả.
đ) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ xử lý khí thải từ các nhà máy nhiệt điện, các chất hữu cơ khó phân hủy trong nước thải, đất đai, tàn dư chất dioxin trong môi trường tại Việt Nam, diệt trừ các loại vi khuẩn gây bệnh, gây hại.
e) Ứng dụng các kỹ thuật đo bức xạ gamma tự nhiên, đo khí phóng xạ và các phương pháp phân tích phóng xạ môi trường để xác định cường độ phóng xạ tự nhiên và đánh giá tổng liều bức xạ tương đương hàng năm phục vụ hoạt động điều tra, nghiên cứu phóng xạ môi trường tự nhiên.
g) Ứng dụng kỹ thuật đồng vị và phân tích hạt nhân để nghiên cứu và quan trắc sự lan truyền các chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh các bãi chôn lấp rác thải, các khu công nghiệp, kho chứa hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có sử dụng các hóa chất độc hại, v.v…; phát hiện, quan trắc các nguồn gây ô nhiễm nước mặt trên các lưu vực sông, ô nhiễm biển, góp phần đưa ra các giải pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm cả trên đất liền và trên biển.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về đầu tư:
a) Nhà nước chú trọng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách để tăng cường trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để phát triển nghiên cứu, chuyển giao công nghệ ứng dụng bức xạ phục vụ điều tra cơ bản và quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
b) Đảm bảo ngân sách khoa học và công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu, phát triển ứng dụng kỹ thuật bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
c) Khuyến khích việc khai thác, đa dạng hóa nguồn vốn, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau để phục vụ cho việc phát triển ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
2. Về khoa học và công nghệ:
a) Tiếp thu chuyển giao công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại; thay thế các công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu nhằm nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ bức xạ, hạt nhân trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
b) Ưu tiên các đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ về ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân trong điều tra, đánh giá địa chất, tìm kiếm khoáng sản, phát hiện, đánh giá nguồn nước dưới đất, nghiên cứu khí tượng, xác định các nguồn gây ô nhiễm môi trường và nghiên cứu triển khai ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển tổng hợp biển, hải đảo.
c) Đảm bảo an toàn bức xạ cho con người và môi trường theo quy định trong các hoạt động nghiên cứu, triển khai, quản lý các nguồn phóng xạ đã qua sử dụng các chất thải phóng xạ, thực hiện các nguyên tắc về đảm bảo và kiểm soát chất lượng trong các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng bức xạ.
3. Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
a) Tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Chú trọng đào tạo cán bộ, chuyên gia trình độ cao, chuyên sâu về ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
b) Tổ chức đào tạo, phát triển nhân lực thông qua hoạt động thực tiễn của các đề tài, dự án khoa học và công nghệ ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường, phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt. Ưu tiên đào tạo cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị trực tiếp triển khai các nhiệm vụ chuyên môn.
c) Gắn quá trình đào tạo với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới trong thực tiễn triển khai ứng dụng bức xạ tại các đơn vị.
4. Hợp tác quốc tế
a) Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến để tiếp nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực thông qua các chương trình dự án, hợp tác quốc tế về ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường.
b) Hợp tác chặt chẽ, thường xuyên với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong nghiên cứu phát triển các ứng dụng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ theo các chương trình về hợp tác kỹ thuật và đào tạo của IAEA cho các nước đang phát triển.
c) Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong các cơ chế hợp tác đa phương, các điều ước quốc tế nhằm nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo và ứng phó trước các tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường hay sự cố bức xạ xuyên biên giới.
5. Về cơ chế, chính sách
a) Các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật bức xạ, hạt nhân trong ngành tài nguyên và môi trường được Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ theo các quy định của pháp luật về chế độ ưu đãi đối với chuyên gia có trình độ cao, người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
b) Nhà nước xem xét hỗ trợ từ ngân sách đối với các tổ chức khoa học và công nghệ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho phòng thí nghiệm; các cơ sở ứng dụng kỹ thuật bức xạ, hạt nhân trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Quy hoạch này; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đảm bảo an toàn bức xạ đối với các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; theo dõi, tổng hợp chung việc thực hiện các quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực cụ thể trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, cân đối các nguồn lực đầu tư để thực hiện Quy hoạch này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành triển khai thực hiện Quy hoạch này trên địa bàn quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 01/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Luật năng lượng nguyên tử 2008
- 4Quyết định 957/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 1970/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 899/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/06/2011
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 379 đến số 380
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra