Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 25 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH LAI CHÂU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ Y tế Ban hành quy chế Bệnh viện;

Căn cứ Thông tư số 37/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã , thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 319-QĐ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc giải thể Phòng khám và quản lý sức khỏe thuộc Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 10/11/2023 của UBND tỉnh Lai Châu về việc chia tách Khoa Nội tổng hợp thành Khoa Nội tổng hợp và Khoa Nội Tim mạch - Lão Khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh thuộc Sở Y tế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bệnh viện đa khoa tỉnh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Lai Châu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 170/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bệnh viện đa khoa tỉnh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Lai Châu.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Y tế; Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUBND: V, TH, CB;
- Lưu: VT, VX1.

CHỦ TỊCH




Lê Văn Lương

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH TRỰC THUỘC SỞ Y TẾ TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu)

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Vị trí

a) Bệnh viện đa khoa tỉnh là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh Lai Châu; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu, tài khoản riêng được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

b) Bệnh viện đa khoa tỉnh chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, nhân lực, hoạt động, tài chính và cơ sở vật chất của Sở Y tế tỉnh Lai Châu; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của Trung ương, Cục Quản lý khám chữa, bệnh thuộc Bộ Y tế.

2. Chức năng

Bệnh viện đa khoa tỉnh có chức năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, hỗ trợ cho các cơ sở y tế tuyến dưới trong toàn tỉnh; khám quản lý bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh và tổ chức thực hiện các dịch vụ công về y tế theo qui định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Cấp cứu - Khám bệnh - Chữa bệnh

a) Tiếp nhận tất cả các trường hợp người bệnh từ ngoài vào hoặc từ các bệnh viện khác chuyển đến để cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú.

b) Tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo quy định của pháp luật.

c) Có trách nhiệm giải quyết hầu hết các bệnh tật trong tỉnh và các ngành liên quan.

d) Tổ chức khám giám định sức khỏe, khám giám định pháp y khi Hội đồng giám định y khoa tỉnh hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật trưng cầu.

e) Chuyển người bệnh lên tuyến trên khi bệnh viện không đủ khả năng giải quyết.

2. Khám, quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh

a) Tham mưu xây dựng chương trình đề án, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ, sơ kết, tổng kết công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ trên địa bàn tỉnh.

b) Tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ:

- Lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe cán bộ cho các đối tượng theo quy định và theo phân cấp;

- Tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ; phân loại sức khỏe cho các đối tượng thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý;

- Thực hiện truyền thông, cung cấp thông tin, tư vấn về sức khỏe, hướng dẫn phòng bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe;

- Thường xuyên theo dõi phát hiện, xử lý kịp thời diễn biến tình trạng mắc bệnh mãn tính của các cán bộ thuộc đối tượng quản lý khi điều trị ngoại trú tại nhà;

- Tiếp nhận, khám bệnh cấp cứu điều trị ngoại trú, điều trị nội trú, chuyển tuyến cho các cán bộ thuộc đối tượng quản lý theo phân cấp và theo đúng quy định chuyên môn;

- Thực hiện các chế độ chính sách về bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ theo đúng quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức các phương án bảo đảm về y tế, xử lý các tình huống cấp cứu đối với cán bộ thuộc diện quản lý theo phân cấp quản lý khi tham gia các hội nghị, sự kiện trên địa bàn;

- Tham gia, huy động các nguồn lực để thực hiện giải quyết tình huống cấp cứu cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi công tác tại tỉnh.

c) Tham mưu huy động và quản lý nguồn lực phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh.

3. Đào tạo cán bộ y tế

a) Bệnh viện là cơ sở thực hành để đào tạo cán bộ y tế ở bậc đại học, cao đẳng và trung học.

b) Tổ chức đào tạo liên tục cho các thành viên trong bệnh viện và tuyến dưới để nâng cao trình độ chuyên môn.

4. Nghiên cứu khoa học về y học

a) Tổ chức nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các đề tài y học ở cấp Nhà nước, cấp bộ hoặc cấp cơ sở, chú trọng nghiên cứu về y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.

b) Nghiên cứu triển khai dịch tễ học cộng đồng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu lựa chọn ưu tiên thích hợp trong địa bàn tỉnh.

c) Kết hợp với bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để phát triển kỹ thuật chuyên môn của bệnh viện.

5. Chỉ đạo tuyến dưới về chuyên môn, kỹ thuật

a) Lập kế hoạch và chỉ đạo tuyến dưới thực hiện việc phát triển kỹ thuật chuyên môn.

b) Kết hợp với bệnh viện tuyến dưới thực hiện các chương trình về chăm sóc sức khỏe ban đầu trong địa bàn tỉnh và các ngành.

6. Phòng bệnh

Phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh, phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh.

7. Hợp tác quốc tế

Hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ở ngoài nước theo quy định của pháp luật.

8. Quản lý kinh tế y tế

a) Có kế hoạch sử dụng hiệu quả cao ngân sách Nhà nước cấp. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về thu, chi tài chính, từng bước thực hiện hạch toán chi phí khám bệnh chữa bệnh.

b) Tạo thêm nguồn kinh phí từ các dịch vụ y tế: Viện phí, Bảo hiểm y tế, đầu tư nước ngoài và của các tổ chức kinh tế khác.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Y tế giao theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và số người làm việc

1. Cơ cấu tổ chức

a) Bệnh viện đa khoa tỉnh có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc và các viên chức, người lao động theo quy định.

b) Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh là người đứng đầu Bệnh viện trực tiếp quản lý, điều hành và chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động của Bệnh viện trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế và trước pháp luật về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công;

c) Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh là người giúp Giám đốc phụ trách, chỉ đạo một hoặc một số lĩnh vực công tác, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm thay Giám đốc điều hành các hoạt động của Bệnh viện;

d) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cách chức, cho thôi chức vụ, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện theo quy định của Đảng, của pháp luật và theo phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.

2. Các tổ chức trực thuộc, gồm: 06 phòng chức năng và 23 khoa chuyên môn.

2.1. Các phòng chức năng

a) Phòng Kế hoạch tổng hợp. b) Phòng Điều dưỡng.

c) Phòng Vật tư thiết bị y tế. d) Phòng Tổ chức cán bộ.

e) Phòng Hành chính quản trị. f) Phòng Tài chính kế toán.

2.2. Các khoa chuyên môn

a) Khoa Khám bệnh.

b) Khoa Hồi sức cấp cứu.

c) Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc.

d) Khoa Nội tổng hợp.

e) Khoa Nội Tim mạch - Lão khoa.

f) Khoa Truyền nhiễm.

g) Khoa Y học Cổ truyền và Phục hồi chức năng.

h) Khoa Nhi.

i) Khoa Ngoại tổng hợp.

j) Khoa Gây mê Phẫu thuật.

k) Khoa Phụ sản.

l) Khoa Tai- Mũi- Họng.

m) Khoa Răng- Hàm- Mặt.

n) Khoa Mắt.

o) Khoa Huyết học truyền máu.

p) Khoa Hóa sinh.

q) Khoa Vi sinh.

r) Khoa Chẩn đoán hình ảnh.

s) Khoa Giải phẫu bệnh.

t) Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

u) Khoa Dược.

v) Khoa Dinh dưỡng tiết chế.

w) Khoa Nội A.

3. Số lượng người làm việc

a) Số lượng người làm việc của Bệnh viện đa khoa tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ và nằm trong tổng số người làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở Y tế được UBND tỉnh giao;

b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, Bệnh viện đa khoa tỉnh xây dựng đề án vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hàng năm xây dựng cơ cấu chức danh nghề nghiệp, xác định số lượng người làm việc, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

c) Việc bố trí, sử dụng viên chức của Bệnh viện đa khoa tỉnh đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động của Bệnh viện đa khoa tỉnh theo nội dung của Quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các khoa, phòng trực thuộc; ban hành quy chế làm việc theo quy định của pháp luật. Chủ động rà soát, xây dựng vị trí việc làm, kế hoạch biên chế hàng năm của đơn vị; đồng thời bố trí, sắp xếp viên chức, người lao động phù hợp với vị trí việc làm, đảm bảo chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch viên chức theo quy định.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh đề xuất Giám đốc Sở Y tế báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 89/QĐ-UBND năm 2024 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bệnh viện đa khoa tỉnh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Lai Châu

  • Số hiệu: 89/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/01/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Lê Văn Lương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản