Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 89/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 21 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TẠM THỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;

Căn cứ Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 ngày 15/6/2004; Luật số 48/2014/QH13 ngày 17/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; số 92/2016/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Giao thông vận tải: Số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa; số 15/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 quy định về quản lý đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-UBND ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh tại Hội nghị UBND tỉnh thường kỳ tháng 12/2020;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: Số 1641/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; số 391/QĐ-UBND ngày 12/3/2020 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời tỉnh Phú Yên;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (tại các Văn bản: số 119/TTr-SGTVT ngày 23/10/2020, số 314/BC-SGTVT ngày 23/10/2020 và số 60/SGTVT-QLCL ngày 15/01/2021), kèm theo Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời tỉnh Phú Yên do Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải lập.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời trên địa bàn tỉnh Phú Yên với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu của Phương án

- Sắp xếp mạng lưới cảng, bến thủy nội địa, định hướng phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa một cách hợp lý, đảm bảo nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xếp, dỡ hàng hóa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Phát triển cảng, bến thủy nội địa đồng bộ, tạo kết nối giữa vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác.

- Công bố danh mục các tuyến đường thủy nội địa địa phương; công bố đóng, mở đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương; đề xuất các tuyến cần nạo vét và thanh thải chướng ngại vật để bảo đảm an toàn giao thông theo cấp kỹ thuật trên các tuyến vận tải đường thủy nội địa.

- Ban hành quyết định phân cấp và điều chỉnh cấp kỹ thuật tuyến đường thủy nội địa địa phương; đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa địa phương;

- Xây dựng phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa sẽ được cập nhật, bổ sung vào “Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

2. Những nội dung chính của Phương án

2.1. Tuyến đường thủy nội địa:

Phát triển 27 tuyến đường thủy, trong đó: 09 tuyến đường thủy nội địa trên sông; 03 tuyến đường thủy nội địa nội khu vực các đầm, vịnh; 09 tuyến đường thủy nội địa ven bờ; 04 tuyến đường thủy nội địa từ bờ ra đảo; 02 tuyến đường thủy nội địa liên tỉnh.

2.2. Cảng, bến thủy nội địa:

a) Phát triển cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hàng hóa

Đến năm 2030, phát triển 07 cảng hàng hóa hỗ trợ phát triển các Khu công nghiệp và cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định 106/QĐ-UBND ngày 20/1/2014), cụ thể:

- Cảng biển Vũng Rô: Phát triển cảng bến thủy nội địa kết hợp cảng biển. Đến năm 2030 đạt công suất 1.500 ngàn tấn/năm theo quy hoạch nhóm cảng biển số IV được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt (tại Quyết định số 2370/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016 về việc quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030).

- Các cảng cá: Phú Lạc, Đông Tác, Tiên Châu, Dân Phước: Được nâng cấp theo kế hoạch phát triển cảng cá trên địa bàn tỉnh Phú Yên được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 2527/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 về việc quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

- Cảng Hòa Phú, cảng Hòa Hiệp: Phát triển gắn với Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu và khu công nghiệp Hòa Hiệp.

b) Phát triển cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách:

Đến năm 2030, phát triển 60 bến, cảng thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, trong đó:

- Khu vực thành phố Tuy Hòa: Phát triển 04 bến thủy nội địa, trong đó có 01 bến thủy gắn với cảng cá Đông Tác;

- Khu vực thị xã Sông Cầu: Phát triển 21 bến thủy nội địa, trong đó có 01 bến thủy nội địa kết hợp với cảng cá Dân Phước, 01 bến kết hợp với cầu cảng Hòa Phú;

- Khu vực thị xã Đông Hòa: Phát triển 08 bến thủy nội địa, trong đó có 01 bến kết hợp với cảng biển Vũng Rô, 01 bến kết hợp với cảng cá Phú Lạc;

- Khu vực huyện Tuy An: Phát triển 14 bến thủy nội địa, trong đó có 01 bến kết hợp với cảng cá Tiên Châu, 01 bến kết hợp bến chợ nổi Phú Sơn;

- Khu vực huyện Phú Hòa: Phát triển 04 bến thủy nội địa;

- Khu vực huyện Tây Hòa: Phát triển 02 bến thủy nội địa;

- Khu vực huyện Đồng Xuân: Phát triển 03 bến thủy nội địa;

- Khu vực huyện Sơn Hòa: Phát triển 02 bến thủy nội địa;

- Khu vực huyện Sông Hinh: Phát triển 02 bến thủy nội địa;

3. Nhu cầu vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 949.828 triệu đồng. Trong đó:

- Nguồn vốn xã hội hóa khoảng: 945.408 triệu đồng;

- Nguồn vốn ngân sách khoảng: 4.420 triệu đồng.

4. Các chính sách, giải pháp

4.1. Cơ chế chính sách, giải pháp quản lý Nhà nước:

Tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác mở - lập - xây dựng cảng, bến thủy nội địa.

Công bố công khai phương án phát triển cảng bến nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tính minh bạch.

Các công trình cảng, bến khi được cấp phép đầu tư xây dựng phải đảm bảo phù hợp với không gian kiến trúc đô thị trong quy hoạch chung của tỉnh.

Tăng cường kết nối, nâng cao hiệu quả và phát triển hài hòa các phương thức vận tải.

Lập tổ công tác chuyên ngành, rà soát cưỡng chế các bến thủy nội địa không phép, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, không đáp ứng về an toàn giao thông luồng tuyến trong quá trình neo đậu phương tiện thủy ra vào cảng, bến.

Khuyến khích dịch vụ cho thuê một phần hạ tầng kết cấu cảng thủy nội địa, đầu tư một số cảng có quy mô lớn tại các vị trí trung tâm, trọng yếu thực hiện chức năng thu gom và trung chuyển hàng hóa. Hệ thống cảng bến thủy nội địa phải được đầu tư xây dựng, khai thác theo Phương án đã được duyệt nhằm tránh dàn trải khi đầu tư và gây lãng phí.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiên quyết giải tỏa những bến hoạt động trái phép, không đảm bảo an toàn, xâm phạm công trình giao thông,...

Tăng cường các dịch vụ trên bờ để hỗ trợ cảng, bến phát triển như các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng,...

4.2. Cơ chế chính sách và giải pháp thu hút vốn đầu tư:

Tăng cường các nguồn vốn xã hội hoá; kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư xây dựng cảng, bến kết hợp với phát triển du lịch và phục vụ chuỗi cung ứng Logistics.

Tăng cường xúc tiến đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển cảng, bến bằng các hình thức theo quy định. Khuyến khích các nhà đầu tư thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư trung tâm Logistics, đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng, bến và hạ tầng kết nối cảng, bến.

Xây dựng tiêu chí quản lý chất lượng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Tăng cường công tác triển khai Quyết định số 47/2015/QĐ-TTg ngày 05/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải thủy nội địa.

Thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa theo quy định, đặc biệt là vùng nước các cảng, bến thủy trên các tuyến đường thủy nội địa: Sông Ba, sông Đà Rằng, sông Đà Nông, sông Kỳ Lộ....

Tạm dừng hoặc xử lý nghiêm các nhà thầu cố tình chậm triển khai dự án duy tu, nạo vét nhằm tận thu sản phẩm, cũng như vi phạm các quy định khác.

Xây dựng kế hoạch thanh thải chướng ngại vật nhằm khai thác tối đa hiệu quả hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa hiện có; tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông để phục vụ khai thác.

4.3. Cơ chế chính sách và giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông:

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng thực hiện rà soát, xây dựng phương án phòng ngừa, phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan của địa phương trong việc xử lý các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn giữa phương tiện thủy và công trình vượt sông trên địa bàn, tập trung đối với những công trình cầu đường bộ và đường sắt; kiên quyết xử lý triệt để đối với những công trình, cảng bến hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình vượt sông để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Ban an toàn giao thông của tỉnh tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, bất cập tại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến một số công trình vượt sông.

Vào dịp lễ tết bố trí thêm lực lượng tuần tra, giám sát, đảm bảo an ninh trật tự nhằm giảm tài tình trạng ùn ứ, mất an toàn tại các bến tàu vận tải hành khách.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ban, ngành tỉnh và các địa phương tăng cường thanh kiểm tra hoạt động của các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, xử phạt nghiêm các cảng, bến thủy không đảm bảo an toàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở (truyền thanh xã, phường, cơ quan, tuyên truyền trực tiếp) cho người dân bằng các hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng.

4.4. Cơ chế chính sách và giải pháp về phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật:

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng công tác điều tra, thống kê, tạo nhiều diễn đàn trao đổi, làm mới các kênh, hình thức thông tin trực tiếp giao tiếp với doanh nghiệp, người dân, các đơn vị chức năng liên quan để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, phục vụ cho công tác xây dựng chính sách bám sát với thực tiễn.

Áp dụng giao thông thông minh trong quản lý, vận hành khai thác các cảng, bến thủy nội địa. Ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư trang thiết bị bốc xếp hàng hóa tại các cảng, bến thủy nội địa.

Xây dựng Danh bạ hệ thống cảng bến thủy nội địa để hoàn thiện trên trang web của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng đường thủy, công cụ thu nhập, tích hợp, lưu trữ và cung cấp dữ liệu theo thời gian và xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành đường thủy.

4.5. Cơ chế chính sách và giải pháp phát triển nguồn nhân lực:

Sở Giao thông vận tải kết hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa các khu vực chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cảng, bến thủy nội địa có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực công tác vững vàng...

Nâng cao chất lượng quản lý của các chủ cảng, bến thủy nội địa. Thu hút các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế trong công tác đào tạo cho các lãnh đạo, cán bộ nòng cốt của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiệp về quản lý, khai khác cảng, bến thủy nội địa cũng như trình độ, hiểu biết của các nhân viên trong lĩnh vực hoạt động của cảng, bến thủy nội địa như việc cảng, bến hoạt động sao cho hiệu quả, các chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đường thủy nội địa, công tác đảm bảo an toàn tại cảng, bến..,.

Xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực đường thủy nội địa và các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, đồng thời phát triển nguồn nhân lực và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo.

4.6. Cơ chế chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường

Kiểm soát, phòng ngừa và hạn chế gia tăng ô nhiễm môi trường trong thực hiện dự án đầu tư và khai thác vận tải, khai thác cảng, bến. Tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Các dự án xây dựng cảng thủy nội địa, khu neo đậu tránh trú bão; dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa: Cảng sông, cảng biển tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên; khu neo đậu tránh trú bão tiếp nhận tàu trọng tải từ 1.000 DWT trở lên; nạo vét với khối lượng từ 50.000 m3/năm trở lên phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược theo quy định (tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường).

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa cho các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị thiết kế, cơ sở sửa chữa đóng mới, chủ các phương tiện thủy nội địa…

Kiểm tra định kỳ, thường xuyên và có hình thức xử phạt đối với các phương tiện thủy vi phạm tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường được quy định tại Thông tư số 61/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 của Bộ GTVT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa.

Các đơn vị chức năng của thành phố, thị xã, huyện, thị trấn, xã, phường phối hợp đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra hoạt động của các bến chở khách trong việc đảm bảo giữ vệ sinh môi trường.

Trong quá trình xây mới, nâng cấp cảng, bến thủy nội địa phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường đến các cấp, cơ quan có thẩm quyền.

Tuyên truyền đến người dân, hành khách tham gia hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa về đảm bảo môi trường nước.

5. Các nội dung khác: Theo Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời tỉnh Phú Yên do Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải lập, được Sở Giao thông vận tải thẩm định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải:

Chịu trách nhiệm về nội dung trình phê duyệt; tổ chức công bố Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhằm cung cấp thông tin đến với các nhà đầu tư và chủ cảng, bến thủy nội địa.

Chủ trì, phối hợp với các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế để khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cải thủ tục hành chính trong việc cấp phép đầu tư và thành lập liên doanh.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành, địa phương liên quan thống nhất ý kiến trước khi thỏa thuận, chấp thuận bến thủy nội địa cho các tổ chức, cá nhân; việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa được thực hiện sau khi bến được cấp phép xây dựng, đã thi công hoàn thành, có hồ sơ nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Trong quá trình triển khai thực hiện phương án, yêu cầu các chủ đầu tư dự án cảng, bến thủy nội địa thực hiện lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường về ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước khi thực hiện đầu tư cảng, bến trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Hàng năm tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh cân đối ngân sách triển khai thực hiện phương án, bố trí vốn đầu tư công cho các dự án ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn vốn ngân sách tỉnh có khả năng đảm bảo.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

3. Sở Xây dựng:

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ với công trình hạ tầng các khu bến thủy nội địa và giám sát chất lượng các công trình liên quan đến đường nội địa để bảo đảm kỹ thuật chất lượng, mỹ quan đô thị.

4. Sở Tài chính:

Trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính phối hợp Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh về nguồn kinh phí chi thường xuyên để đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện kiểm tra, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công của các dự án đầu tư phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa tỉnh Phú Yên.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan bố trí quỹ đất cho phương án phát triển cảng bến, vùng nước dành cho phát triển các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cảng, bến thủy nội địa triển khai thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường trong quá trình lập dự án, đầu tư xây dựng và khai thác.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Khuyến khích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp về du lịch hoạt động tại các cảng thủy nội địa trọng điểm về du lịch trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp đẩy mạnh đầu tư cho đào tạo quản lý, đào tạo tại chỗ và hướng dẫn viên các ngoại ngữ thông dụng, nâng cao nhận thức du lịch cho các cấp, các ngành liên quan đến du lịch thủy nội địa.

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hoàn thiện cơ chế phối hợp trong hoạt động giao thông vận tải phục vụ du lịch, đặc biệt là bằng đường thủy nội địa.

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý, khai thác và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy nội địa; tăng cường đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát trong hoạt động vận tải khách du lịch.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc thỏa thuận, chấp thuận, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa; hướng dẫn hồ sơ cấp phép xây dựng công trình cảng, bến thủy nội địa đảm bảo an toàn đường thủy nội địa theo đúng quy định...

8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh trong việc quản lý các bến thủy nội địa Trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về quản lý, khai thác và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa

9. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn:

Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc quản lý, cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, kết hợp cảng biển tổng hợp Vũng Rô. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về quản lý Nhà nước và đảm bảo trật tự an toàn giao thông vùng nước hàng hải trong vịnh Vũng Rô và vịnh Xuân Đài.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển, các lực lượng chính quyền địa phương và doanh nghiệp cảng trong hoạt động quản lý, bảo vệ an ninh trật tự.

Tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải và phối hợp thực hiện quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng biển và khu vực quản lý.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong việc công bố đến UBND cấp xã và các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn để biết và thực hiện.

Quản lý, thực hiện các nội dung Đề án, nhất là đối với quỹ đất để phục vụ phát triển đề án theo phân cấp của tỉnh đối với các tuyến đường thủy nội địa thuộc địa phận và phạm vi quản lý.

Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ cấp huyện cả về kiến thức quản lý và kỹ thuật theo nhu cầu của từng địa phương.

Điều 3. Phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa tạm thời tỉnh Phú Yên sau khi được phê duyệt, sẽ được tổ chức cập nhật, bổ sung vào “Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” theo chủ trương của UBND tỉnh tại Văn bản số 4977/UBND-ĐTXD ngày 27/9/2019.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, Phg, Ph1.005(2021).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Tấn Hổ

 

PHỤ LỤC 1:

DANH MỤC TUYẾN ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
(Kèm theo Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên tuyến

Điểm đầu tuyến

Điểm cuối tuyến

Chiều dài (km)

Chiều rộng (m)

l

Tuyến đường thủy nội địa liên tỉnh

 

 

120

 

1

Tuyến kết nối vịnh Vũng Rô - Khu Kinh tế Vân Phong

Cảng Vũng Rô

Cầu cảng Vạn Giã

70

50

1

Tuyến kết nối Vịnh Xuân Đài - Vịnh Quy Nhơn

Bến du lịch Long Nam Hải

Cảng cá Quy Nhơn

50

50

II

Tuyến đường thủy nội địa trên sông

 

 

132

 

1

Tuyến du lịch trên Sông Ba

Cửa Đà Diễn

Đập Đồng Cam

36

15-30

2

Tuyến du lịch trên Sông Bàn Thạch

Cửa Đà Nông

Cầu Bến Củi - Tây Hòa

31

15-30

3

Tuyến du lịch trên Sông Kỳ Lộ

Cầu Lò Gốm, Tuy An

Cầu La Hai, Đồng Xuân

15

15-30

4

Tuyến du lịch trên Sông Bình Bá

Đập Tam Giang

Cửa Tiên Châu

8,5

15-30

5

Tuyến du lịch trên Sông Tam Giang

Vịnh Xuân Đài

Đập Tam Giang (Tx.Sông Cầu)

2,5

15-30

6

Tuyến du lịch trên Sông Chùa

Ngọc Lãng

Đền thờ Lương Văn Chánh, Phú Hòa

12

15-30

7

Tuyến vận tải khách qua Sông Ba

Hòa Quạt, Sơn Thành Đông, Tây Hòa

Hòa Định Tây, Phú Hòa

1

30-50

8

Tuyến vận tải khách qua Sông Ba

Buôn Hóc, Sơn Hòa

Buôn Học, Sông Hinh

1

30-50

9

Tuyến du lịch tham quan trên Đầm Ô Loan

An Cư - An Hải - An Ninh Đông

25

30-50

III

Tuyến đường thủy nội địa ven bờ biển

 

 

125

 

1

Vũng Rô - Bãi Môn

Cảng Vũng Rô

Bến du lịch Bãi Môn

15

50

2

Bãi Môn - Cửa Đà Nông

Bến du lịch Bãi Môn

Cảng Phú Lạc

10

50

3

Cửa Đà Nông - Cửa Đà Diễn

Cảng Phú Lạc

Bến du lịch phường 6

20

50

4

Cửa Đà Diễn - Long Thủy

Bến du lịch phường 6

Bến du lịch Long Thủy

10

50

5

Long Thủy - Gành Đá Đĩa

Bến du lịch Long Thủy

Gành Đá Đĩa

25

50

6

Gành Đá Đĩa - Vịnh Xuân Đài

Gành Đá Đĩa

Cảng Tiên Châu

5

50

7

Vịnh Xuân Đài - Đầm Cù Mông

Cảng Tiên Châu

Bến du lịch Hòa Lợi

20

50

8

Đầm Cù Mông - Bãi biển Xuân Hải

Bến du lịch Hòa Lợi

Bãi biển Xuân Hải

15

50

9

Bãi biển Xuân Hải - Bãi biển Bãi Bàng

Bãi biển Xuân Hải

Bãi biển Bãi Bàng

5

50

IV

Tuyến đường thủy nội địa từ bờ ra đảo

 

 

22

 

1

Phước Đồng (An Hải) - Cù Lao Mái Nhà

Bến du lịch An Hải

Cù Lao Mái Nhà

5

50

2

Long Thủy - Hòn Chùa - Hòn Dứa

Long Thủy

Hòn Chùa

4

50

3

Hòn Chùa - Cù Lao Mái Nhà

Hòn Chùa

Cù Lao Mái Nhà

10

50

4

Long Thủy - Hòn Chùa - Tp. Tuy Hòa

Bến du lịch phường 6

Bến du lịch Long Thủy

3

50

V

Tuyến đường thủy nội địa nội khu

 

 

105

 

1

Tuyến đường thủy trên vịnh Vũng Rô

Kết nối Khu di tích lịch sử tàu không số - Hòn Nưa - Bãi Chính

20

30-50

2

Tuyến đường thủy trên vịnh Xuân Đài

Kết nối các khu Nhất Tự Sơn - Cù Lao Ông Xá - cồn Đám Cả - khu Nuôi trồng thủy sản

45

30-50

3

Tuyến đường thủy trên đầm Cù Mông

Kết nối các khu vực nuôi trồng thủy sản, các điểm du lịch Bãi Tràm, bãi Từ Nham, Vịnh Hòa

40

30-50

 

PHỤ LỤC 2:

DANH MỤC CẢNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA VẬN TẢI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh)

TT

Cảng

Vùng hoạt động

Phương án phát triển đến năm 2025

Phương án phát triển đến năm 2030

Ghi chú

Cỡ tàu lớn nhất (T)

Công suất (Ngàn T/năm)

Cỡ tàu lớn nhất (T)

Công suất (Ngàn T/năm)

1

Cảng Vũng Rô

Vịnh Vũng Rô

10.000

1.300

10.000

1.500

Cảng biển tổng hợp quốc gia trong đó kết hợp với vận tải đường thủy nội địa

2

Cảng Phú Lạc

Cửa biển Đà Nông

450

10

450

10

Cảng cá kết hợp với vận tải đường thủy nội địa

3

Cảng Đông Tác

Cửa biển Đà Diễn

700

15

700

15

Cảng cá kết hợp với vận tải đường thủy nội địa

4

Cảng Tiên Châu

Cửa biển Tiên Châu

450

7

450

7

Cảng cá Tiên Châu kết hợp với vận tải đường thủy nội địa, kết nối với cụm Công Nghiệp Tiên Châu

5

Cảng Dân Phước

Vịnh Xuân Đài

350

7

350

7

Cảng cá kết hợp với vận tải đường thủy nội địa

6

Cảng Hòa Phú

Bãi biển Xuân Cảnh

-

-

1.000

500

Gắn với khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, kết hợp du lịch và cảng hàng hóa

7

Cảng Hòa Hiệp

Bãi Biển Hòa Hiệp Trung

-

-

1.000

500

Gắn với khu công nghiệp Hòa Hiệp có thể kể hợp giữa cảng hàng hóa và du lịch.

 

PHỤ LỤC 3:

DANH MỤC CẢNG BẾN THỦY NỘI ĐỊA VẬN TẢI HÀNH KHÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên cảng, bến thủy nội địa

Vị trí

Phương án phát triển đến năm 2025

Phương án phát triển đến năm 2030

Cỡ tàu lớn nhất (ghế)

Công suất (Ngàn HK/năm)

Cỡ tàu lớn nhất (ghế)

Công suất (Ngàn HK/năm)

I

Thành phố Tuy Hòa

1

Bến thủy nội địa Long Thủy

Bãi biển Long Thủy

200

10

200

10

2

Cảng phường 6

Cửa biển Đà Diễn

200

10

200

10

3

Cảng cá Đông Tác

Phường Phú Đông

-

-

200

10

4

Bến thủy nội địa Ngọc Lãng

Xã Bình Ngọc

-

-

50

 

II

Thị xã Sông Cầu

5

Bến thủy nội địa Xuân Lộc

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

¡0^5-

6

Bến thủy nội địa Bãi Tràm

Bãi Tràm

50

10

100

10

7

Bến thủy nội địa Hòa Lợi

Bãi biển Hòa Lợi

50

10

100

10

8

Bến thủy nội địa thôn 2 - Xuân Hải

Bãi Rạn - Hòa Lợi

 

-

100

10

9

Cầu cảng Hòa Phú

Biển Xuân Hòa

-

-

100

10

10

Bến thủy nội địa Vịnh Hòa (gắn với phân khu du lịch Bắc Từ Nham)

Bãi biển Vịnh Hòa

50

10

100

10

11

Bến thủy nội địa Từ Nham (gắn với phân khu du lịch cao cấp Nam Từ Nham)

Bãi biển Từ Nham

50

10

100

10

12

Bến thủy nội địa Phú Dương

Đầm Cù Mông

50

10

100

10

13

Bến thủy nội địa Vùng Chào

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

14

Bến thủy nội địa Mỹ Hải

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

15

Cầu cảng du lịch Vũng Lắm

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

16

Bến thủy nội địa Cù lao Ông Xá

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

17

Bến thủy nội địa Lệ Uyên Đông

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

18

Bến thủy nội địa Phước Lý

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

19

Bến thủy nội địa Long Hải Nam

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

20

Cảng cá Dân Phước

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

21

Bến thủy nội địa Vịnh Xuân Đài

Vịnh Xuân Đài

50

10

100

10

22

Bến thủy nội địa trên sông Tam Giang

Sông Tam Giang

50

10

100

10

23

Bến thủy nội địa Bãi Nồm

Bãi biển Bãi Nôm

 

-

200

10

24

Bến thủy nội địa Bãi Ôm

Bãi biển Bãi Ôm

-

-

200

10

25

Bến thủy nội địa bờ kè Xuân Hải

Đầm Cù Mông

50

10

100

10

III

Thị xã Đông Hòa

26

Cảng Vũng Rô

Vịnh Vũng Rô

200

10

200

10

27

Bến thủy nội địa Bãi Chính

Vịnh Vũng Rô

50

10

100

10

28

Bến thủy nội địa khu di tích Tàu Không Số

Vịnh Vũng Rô

50

10

100

10

29

Bến thủy nội địa Bãi Môn

Biển Phú Yên

50

10

100

10

30

Cảng cá Phú Lạc

Cửa biển Đà Nông

-

-

200

10

31

Bến thủy nội địa Hòn Nưa

Biển Phú Yên

50

10

100

10

32

Bến Thủy nội địa KDL Euro park

Bãi Ngà

150

10

150

10

33

Bến TNĐ khu du lịch nghỉ dưỡng Hòn Nưa (trên bờ)

Vịnh Vũng Rô

50

10

100

10

IV

Huyện Tuy An

34

Bến thuyền du lịch đầm ô Loan

Đầm Ô Loan

50

10

100

10

35

Bến thuyền du lịch tại cầu Long Phú

Đầm Ô Loan

50

10

100

10

36

Bến thuyền du lịch Cù lao Mái Nhà

Cù Lao Mái Nhà

50

10

100

10

37

Bến thuyền du lịch An Hải

Bãi biển An Hải

50

10

100

10

38

Cảng cá Tiên Châu

Cửa biển Tiên Châu

200

10

200

10

39

Bến thuyền du lịch Bãi Xép

Bãi biển Bãi Xép

-

-

200

10

40

Bến thuyền du lịch trên đảo Hòn Chùa

Hòn Chùa

200

10

200

10

41

Bến thuyền du lịch trên sông tại cầu Lò Gốm

Cầu Lò Gốm (sông Kỳ Lộ)

-

-

50

5

42

Bến chợ nổi Phú Sơn

Cửa thông thủy Đầm Ô Loan

150

10

150

10

43

Bến tàu du lịch khu nghỉ dưỡng Đầm Ô Loan

Cửa thông thủy Đầm Ô Loan

50

10

50

10

44

Bến tàu du lịch An Hải

Cửa thông thủy Đầm Ô Loan

150

10

150

10

45

Bến tàu du lịch Wonderland Phú Yên

Biển Đông

200

10

200

10

46

Bến tàu du lịch đầm Ô Loan

Đầm Ô Loan

50

10

50

10

47

Bến thủy nội địa hồ Đồng Tròn

Hồ Đồng Tròn

-

-

50

10

V

Huyện Tây Hòa

48

Bến khách ngang sông Ba

Sông Ba (xã Sơn Thành Đông)

50

5

50

5

49

Bến thủy nội địa trên sông Bàn Thạch (cầu Bến Củi)

Cầu Bến Củi (Hòa Thịnh)

-

-

50

5

VI

Huyện Phú Hòa

50

Bến thủy nội địa khu Hòa Trị

Đền thờ Lương Văn Chánh

-

-

50

5

51

Bến thủy nội địa Đồng Cam

Đập Đồng Cam

-

-

50

5

52

Bến khách ngang sông Ba

Xã Hòa Định Tây

50

5

50

5

53

Bến thủy nội địa Hòa An

Xã Hòa An

-

-

50

5

VII

Huyện Đồng Xuân

54

Bến thủy nội địa hồ Sen

Hồ Sen

-

-

50

5

55

Bến thủy nội địa hồ Kỳ Châu

Hồ Kỳ Châu

-

-

50

5

56

Bến thủy nội địa hồ Phú Xuân

Hồ Phú Xuân

-

-

50

5

VIII

Huyện Sơn Hòa

57

Bến khách ngang sông Ba

Xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa

50

5

50

5

58

Bến thủy nội địa hồ Suối Bùn

Hồ suối Bùn

-

-

50

5

IX

Huyện Sông Hinh

59

Bến khách ngang sông Ba

Xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh

50

5

50

5

60

Bến thủy nội địa hồ thủy điện sông Hinh

Hồ thủy điện sông Hinh

50

5

50

5

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 4:

TỔNG HỢP CHI PHÍ ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh)

TT

Nội dung

Kinh phí (tr.đ)

Nguồn lực

Ghi chú

A

Xây dựng cảng bến thủy

147.608

Xã hội hóa

 

 

Xây dựng cầu tàu

117.285

Xã hội hóa

 

 

Xây dựng nhà chờ

23.750

Xã hội hóa

 

 

Trang thiết bị khác

5.400

Xã hội hóa

 

 

Giao thông kết nối

1.182,5

Xã hội hóa

 

B

Đào tạo nghiệp vụ

4.000

Xã hội hóa

 

 

Hỗ trợ đào tạo nghề

400

 

10 năm

C

Thiết bị tuần tra, kiểm soát, phao tiêu, biển báo

4.420

 

2 tỷ đồng/chiếc

 

Thuyền máy cao tốc

4.000

NSNN

02 chiếc

 

Phao tiêu

420

NSNN

 

D

Nạo vét tuyến

 

 

 

 

Khối lượng nạo vét

793.800

Xã hội hóa

 

 

Tổng cộng

949.828

 

 

 

PHỤ LỤC 5:

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 21 tháng 01 năm 2021 của UBND tỉnh)

TT

Tên bến

Nguồn vốn

Ghi chú

I

Tuyến đường thủy nội địa

1

Tuyến đường thủy nội địa trên vịnh Vũng Rô

NSNN

Đối với các tuyến thủy nội địa. Nguồn kinh phí hàng năm từ ngân sách được dùng cho việc đầu tư kết cấu hạ tầng trên tuyến như biển báo, phao tiêu,...

2

Tuyến đường thủy nội địa vịnh Xuân Đài

NSNN

3

Tuyến đường thủy nội địa trên đầm Cù Mông

NSNN

4

Tuyến đường thủy nội địa trên đầm Ô Loan

NSNN

5

Tuyến đường thủy nội địa Vũng Rô - Bãi Môn

NSNN

6

Tuyến đường thủy nội địa Cửa Đà Diễn - Long Thủy

NSNN

7

Tuyến đường thủy nội địa Long Thủy - Gành Đá Đĩa

NSNN

8

Tuyến đường thủy nội địa Gành Đá Đĩa - Vịnh Xuân Đài

NSNN

9

Tuyến đường thủy nội địa Vịnh Xuân Đài - Đầm Cù Mông

NSNN

10

Tuyến đường thủy nội địa Phước Đồng (An Hòa Hải) - Cù lao Mái Nhà

NSNN

11

Tuyến đường thủy nội địa Long Thủy - Hòn Chùa - Hòn Dứa

NSNN

12

Tuyến đường thủy nội địa Hòn Chùa - Cù Lao Mái Nhà

NSNN

13

Tuyến đường thủy nội địa Long Thủy - Hòn Chùa - Tp. Tuy Hòa

NSNN

II

Cảng bến thủy nội địa

1

Bến thủy nội địa Long Thủy

Xã hội hóa

Bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa Long Thủy - Hòn Chùa - Tp. Tuy Hòa

2

Cảng phường 6

Xã hội hóa

3

Cảng Vũng Rô

Xã hội hóa

Bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa Vũng Rô

4

Bến thủy nội địa Bãi Chính

Xã hội hóa

5

Bến thủy nội địa khu di tích Tàu Không số

Xã hội hóa

6

Bến thủy nội địa Bãi Môn

Xã hội hóa

7

Bến thủy nội địa Hòn Nưa

Xã hội hóa

8

Bến thủy nội địa đầm Ô Loan

Xã hội hóa

Các bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa đầm Ô Loan

9

Bến thủy nội địa tại cầu Long Phú

Xã hội hóa

10

Bến thủy nội địa Cù lao Mái Nhà

Xã hội hóa

Các bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa

11

Bến thủy nội địa An Hải

Xã hội hóa

12

Bến thủy nội địa trên đào Hòn Chùa

Xã hội hóa

13

Bến thủy nội địa Xuân Lộc

Xã hội hóa

Bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa trên đầm Cù Mông

14

Bến thủy nội địa Bãi Tràm

Xã hội hóa

15

Bến thủy nội địa Hòa Lợi

Xã hội hóa

16

Bến thủy nội địa Vinh Hòa (gắn với phân khu du lịch Bắc Từ Nham)

Xã hội hóa

17

Bến thủy nội địa Từ Nham (gắn với phân khu du lịch cao cấp Nam Từ Nham)

Xã hội hóa

18

Bến thủy nội địa Phú Dương

Xã hội hóa

19

Bến thủy nội địa bờ kè Xuân Hải

Xã hội hóa

20

Cảng Tiên Châu

Xã hội hóa

Bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa Xuân Đài

21

Bến thủy nội địa Cù lao Ông Xá

Xã hội hóa

22

Cầu cảng du lịch Vũng Lắm

Xã hội hóa

23

Bến thủy nội địa Mỹ Hải

Xã hội hóa

24

Bến thủy nội địa trên sông Tam Giang

Xã hội hóa

25

Bến thủy nội địa Long Hải Nam

Xã hội hóa

26

Cảng Dân Phước

Xã hội hóa

27

Bến thủy nội địa Long Hải Nam

Xã hội hóa

28

Bến thủy nội địa Phước Lý

Xã hội hóa

29

Bến thủy nội địa Lệ Uyên Đông

Xã hội hóa

30

Bến thủy nội địa Vịnh Xuân Đài

Xã hội hóa

31

Bến thủy nội địa Vũng Chào

Xã hội hóa

32

Bến thủy nội địa vận tải khách ngang sông Ba (huyện Sơn Hòa)

Xã hội hóa

 

33

Bến thủy nội địa vận tải khách ngang sông Ba (huyện Sông Hinh)

Xã hội hóa

 

34

Bến thủy nội địa vận tải khách ngang sông Ba (huyện Phú Hòa)

Xã hội hóa

 

35

Bến thủy nội địa vận tải khách ngang sông Ba (huyện Tây Hòa)

Xã hội hóa

 

36

Bến thủy nội địa trên hồ thủy điện sông Hinh

Xã hội hóa

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 89/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời trên địa bàn tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 89/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Lê Tấn Hổ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản