Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 870/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MÔ HÌNH ĐIỂM GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI HUYỆN SƠN HÀ VÀ HUYỆN BA TƠ TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2017-2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”;

Căn cứ Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 06/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1205/QĐ-UBND ngày 06/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Mô hình Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi;

Thực hiện nội dung các văn bản của Ủy ban Dân tộc: số 216/UBDT- DTTS ngày 07/3/2016 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2016 và số 677/UBDT-DTTS ngày 15/7/2016 về việc hướng dẫn bổ sung thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg năm 2016;

Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 226/TTr-BDT ngày 24/4/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tại huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2018.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Giao Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực hiện Mô hình điểm.

- Giao UBND các huyện: Ba Tơ và Sơn Hà có trách nhiệm phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai thực hiện Mô hình điểm đạt hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND các huyện: Sơn Hà và Ba Tơ; Thủ trưởng các sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh;
- Các thành viên BCĐ thực hiện Mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn tỉnh;
- UBND các huyện miền núi;
- VPUB: PCVP (KT,VX), TH, VX, CB;
- Lưu: VT, P.KT việt240.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Trường Thọ

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN MÔ HÌNH ĐIỂM GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI HUYỆN SƠN HÀ VÀ HUYỆN BA TƠ TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2017 - 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 870/QĐ-UBND ngày 10/5/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG MÔ HÌNH

1. Thực trạng chung về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện triển khai mô hình điểm

a) Khái quát dân số, phân bố dân cư và điều kiện tự nhiên của tỉnh và địa bàn triển khai mô hình điểm

- Tỉnh Quảng Ngãi có 184 xã, phường, thị trấn, trong đó có 83 xã, thị trấn thuộc khu vực miền núi và vùng cao (có 67 xã thuộc 06 huyện miền núi và 16 xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng). Tổng diện tích tự nhiên là 5.152,95 km2, trong đó vùng núi chiếm 62% diện tích tự nhiên trên toàn tỉnh. Dân số toàn tỉnh năm 2015 là 1.247.644 người, trong đó người dân tộc thiểu số là 178.874 người, chiếm 14,34 % dân số trên toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh có 25 thành phần dân tộc, nhưng phần lớn là dân tộc Hre, Co, Cadong sống tập trung ở 6 huyện miền núi và các huyện đồng bằng có xã miền núi trong tỉnh. Toàn tỉnh có hộ nghèo năm 2016 là 52.100 hộ/342.986 hộ dân, chiếm tỷ lệ 15,19% hộ dân trên toàn tỉnh (trong đó khu vực miền núi có hộ nghèo là 27.937 hộ/59.745 hộ dân miền núi, chiếm tỷ lệ hộ nghèo là 46.76%) cao hơn gấp 05 lần so với khu vực đồng bằng (8,53%) và gấp 3,2 lần so với toàn tỉnh (15,19%).

- Đối với địa bàn các huyện triển khai mô hình điểm như sau

+ Huyện Ba Tơ có 20 xã, thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 1.137,56 km2. Tổng số hộ dân trên địa bàn huyện là 18.739 hộ với dân số là 59.027 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số 48.889 khẩu, chiếm 83% dân số trên toàn huyện. Hộ nghèo ở trên địa bàn huyện còn rất cao có đến 6.507 hộ, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 5.569 hộ, chiếm tỷ lệ 86% số hộ nghèo của toàn huyện. Tổng số cặp đã đăng ký kết hôn trên địa bàn huyện trong năm 2016 là 509 cặp.

+ Huyện Sơn Hà có 14 xã, thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 751,92 km2. Tổng số hộ dân trên địa bàn huyện là 21.086 hộ với dân số 73.589 khẩu, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 18.088 hộ, với 59.918 khẩu, chiếm tỷ lệ 81,5% dân số trên toàn huyện. Hộ nghèo ở trên địa bàn huyện còn rất cao có đến 7.251 hộ, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 6.679 hộ, chiếm tỷ lệ 92% số hộ nghèo của toàn huyện. Tổng số cặp đã đăng ký kết hôn trên địa bàn huyện trong năm 2016 là 591 cặp.

b) Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện triển khai mô hình điểm

b1) Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Ba Tơ

b1.1) Tình hình tảo hôn trên địa bàn huyện

- Tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ba Tơ tính từ năm 2011- 31/10/2016 có 337 trường hợp; riêng trong năm 2016 có 94 trường hợp; các trường hợp tảo hôn đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối tượng tảo hôn ở các em học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; phần lớn những gia đình tảo hôn thuộc diện hộ nghèo, con đông.

- Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã, trường triển khai mô hình điểm

+ Tình hình tảo hôn ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ

Xã Ba Tô nằm ở phía Tây huyện Ba Tơ là một xã vùng cao, thuộc khu vực III, cách trung tâm huyện 12 km, về phía Tây Bắc, có địa giới như sau: Phía Đông giáp xã Ba Dinh; phía Tây giáp xã Ba Vì; phía Nam giáp xã Ba Nam; phía Bắc giáp xã Ba Tiêu. Tổng diện tích đất tự nhiên là 5.891,51 ha, trong đó đất đồi núi chiếm đến 95%.

Toàn xã có 1.543 hộ, với 6.026 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Hre chiếm đa số. Dân tộc Hre có 1.474 hộ với 5.746 khẩu chiếm 95%, dân tộc kinh có 65 hộ chiếm 5%. Toàn xã có 08 thôn và đã được đầu tư cơ bản điện, đường giao thông, trường THCS, Tiểu học, Mầm non, Trạm Y tế. Tuy nhiên, tình trạng giao thông, thủy lợi, trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao 739 hộ/6.709 hộ nghèo của huyện, chiếm 11%.

Số liệu tảo hôn ở xã Ba Tô thống kê từ năm 2011 - 31/10/2016: có 33 trường hợp chiếm 9,79 % so với toàn huyện. Riêng năm 2016 toàn xã có 04 trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện, tỷ lệ tảo hôn chiếm 4,25%.

+ Tình hình chung ở Trường Trung học phổ thông Ba Tơ, huyện Ba Tơ

Trong năm học 2016 - 2017, toàn trường có 743 học sinh, trong đó có 502 học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số (nam 246, nữ 256), chiếm 67% so với tổng số học sinh của trường.

Tổng số lớp học và học sinh của các khối cụ thể: Khối 10: 7 lớp, có 285 học sinh; khối 11:7 lớp, có 263 học sinh; khối 12: 5 lớp, có 195 học sinh.

Tỷ lệ học sinh bỏ học trong 7 năm qua (từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2016 - 2017) của trường là 196 học sinh, trong đó có 137 học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 69,9% so với toàn trường; số học sinh nghỉ học và tảo hôn: từ năm học 2013-2014 đến năm học 2016 -2017 là 63 em, trong đó năm học 2016 - 2017 có 16 học sinh tảo hôn.

b1.2). Thực trạng hôn nhân cận huyết thống tại huyện Ba Tơ

Tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở huyện Ba Tơ chưa phát hiện trường hợp nào xảy ra trên địa bàn huyện.

b2) Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Sơn Hà

b2.1) Thực trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Sơn Hà

- Tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Sơn Hà tính từ năm 2011 -31/10/2016 có 327 trường hợp, chiếm tỷ lệ 31,4% so với trên địa bàn các huyện miền núi; trong năm 2016 có 92 trường hợp tảo hôn.

Đối tượng tảo hôn gia tăng ở các em học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông; phần lớn những gia đình này thuộc diện hộ nghèo, con đông, không được học hành, việc làm không ổn định, thu nhập thấp.

- Thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã, trường triển khai mô hình điểm

+ Tình hình tảo hôn ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà

Xã Sơn Trung cách trung tâm huyện 6 km về phía Tây - Nam, phía Đông giáp xã Sơn Hải và xã Sơn Giang; phía Tây giáp xã Sơn Thượng; phía Bắc giáp Thị trấn Di Lăng và xã Sơn Thành; phía Nam giáp xã Sơn Thủy. Tổng diện tích đất tự nhiên là 3.394 ha. Toàn xã có 970 hộ với 3.415 khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Hre 2.829 khẩu chiếm 82,84% và dân tộc kinh là 586 khẩu chiếm 17,16%.

Toàn xã có 07 thôn và đã được đầu tư cơ bản điện, đường giao thông, trường THCS, Tiểu học, Mẫu giáo, Trạm Y tế. Tuy nhiên, tình trạng giao thông, thủy lợi, trạm y tế còn tạm bợ, trình độ dân trí còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều, hộ nghèo còn cao 349 hộ/970 hộ, chiếm tỷ lệ 36%.

Thực trạng tảo hôn tại xã Sơn Trung được thống kê từ năm 2011- 31/10/2016: có 49/327 trường hợp, chiếm 15% so với toàn huyện. Riêng trong năm 2016 toàn xã có 08/92 trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện, chiếm tỷ lệ 8,7%.

+ Tình hình chung Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Phạm Kiệt:

Trong năm học 2016 - 2017, toàn trường có 828 học sinh, trong đó có 752 học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số (nam: 347, nữ: 405), chiếm 90,8% so với tổng số học sinh của trường.

Tổng số lớp học và các học sinh của các khối cụ thể: Khối 6: 4 lớp, có 153 học sinh; khối 7: 3 lớp, có 123 học sinh; khối 8: 3 lớp, có 98 học sinh; khối 9: 3 lớp, có 109 học sinh; khối 10: 4 lớp, có 123 học sinh; khối 11:3 lớp, có 123 học sinh; khối 12: 3 lớp, có 99 học sinh.

Năm học 2016 - 2017 có 08 học sinh tảo hôn.

b2.2) Thực trạng hôn nhân cận huyết thống tại huyện Sơn Hà

Huyện Sơn Hà chưa phát hiện trường hợp hôn nhân cận huyết thống nào xảy ra trên địa bàn huyện.

c) Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

- Ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, những hủ tục như hứa hôn, cưỡng ép hôn vẫn còn tồn tại.

- Sự thiếu quan tâm, buông lõng quản lý, giáo dục con em của các bậc phụ huynh.

- Trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người dân còn rất hạn chế, nhất là tư tưởng cho con có vợ, có chồng sớm để khỏi gánh nặng cha mẹ còn phổ biến.

- Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa mạnh mẽ, quyết liệt.

- Sự lan truyền của văn hóa đồi trụy trên mạng internet đã tác động tiêu cực đến hành vi và sự phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên; một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên có lối sống buông thả, đua đòi và dễ dàng thiết lập các mối quan hệ với nhau.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại nhiều địa phương, trường học còn hạn chế. Công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức.

- Nhận thức về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của người dân chưa cao, có tư tưởng muốn gia đình có thêm lao động để đở gánh nặng cho cha mẹ

d) Tác hại, ảnh hưởng của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ gây hại cho sức khỏe, sự trưởng thành của trẻ em mà còn vi phạm quyền con người của các em, ảnh hưởng đến sự tồn vong và phát triển của cộng đồng và dân tộc; dẫn đến sự nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu các mối quan hệ xã hội, cụ thể:

- Về sức khỏe, tinh thần: Tảo hôn sẽ làm cho sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng; khi mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai so với phụ nữ đúng độ tuổi theo quy định. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi có nhiều khả năng nhẹ cân hoặc chết non cao hơn những đứa trẻ khác. Đây chính là sự cảnh báo về sức khỏe, tử vong và bệnh tật của người mẹ chưa đủ 18 tuổi.

Khi tảo hôn trẻ em sẽ không được nghỉ ngơi và thư giãn, không được tham gia vui chơi, những hoạt động giải trí và tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi....

- Về môi trường giáo dục: Trẻ em tảo hôn ít khi được tiếp tục việc học, phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em.

- Về kinh tế: Tảo hôn khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình là rất thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng cao.

- Về mặt xã hội: Có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về chất lượng dân số, thiểu năng về thể chất, thiểu năng về trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật lớn sẽ là gánh nặng cho xã hội.

2. Sự cần thiết phải xây dựng mô hình điểm

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ đi ngược với thuần phong, mỹ tục của người Việt mà còn vi phạm pháp luật và nguy hại hơn là để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, cơ hội cải thiện điều kiện sống và sức khỏe của bà mẹ và trẻ em; hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào đời sống xã hội, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thực thi pháp luật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các huyện miền núi có tỷ lệ tảo hôn cao của tỉnh. Vì vậy, việc xây dựng mô hình điểm để thực hiện là rất cần thiết; khi mô hình được triển khai góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và các chủ thể tích cực tham gia thực hiện, sẽ làm giảm tỷ lệ tảo hôn của người dân tại địa bàn các xã, trường triển khai mô hình; làm giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật, bệnh tật... do hậu quả của việc mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên, làm giảm tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai, nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, góp phần thực hiện tốt hơn Chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CHỈ TIÊU CỦA MÔ HÌNH

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành; Mặt trận tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, dân số, kế hoạch hóa gia đình; tác hại và những ảnh hưởng to lớn trong việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 03 trở lên đối với gia đình.

Tạo sự thống nhất trong xã hội và sự đồng thuận của người đồng bào DTTS nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại nơi thực hiện các Mô hình điểm.Tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng hiệu quả mô hình để thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

2. Yêu cầu

Thực hiện có hiệu quả mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ, giai đoạn 2017-2018; đồng thời thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ tại các Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 06/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020”.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện mô hình điểm, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong thực hiện mô hình.

Cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên, tuyên truyền viên trong quá trình tham gia mô hình phải không ngừng trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền công tác đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thường xuyên bám sát địa bàn, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với người đồng bào dân tộc thiểu số, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để người đồng bào dân tộc thiểu hiểu rõ tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống;

Chính quyền địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, nhằm răn đe, giáo dục cho các hộ gia đình khác trong cộng đồng;

Phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Mô hình điểm.

3. Chỉ tiêu

Tăng cường các hoạt động can thiệp nhằm làm giảm tỷ lệ các trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tại địa bàn triển khai Mô hình điểm; phấn đấu trong hai năm triển khai mô hình giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống như sau:

- Năm 2017: Giảm tỷ lệ tảo hôn từ 40% - 50% so với năm 2016; không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn triển khai mô hình điểm.

- Năm 2018: Không có trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn triển khai mô hình điểm.

III. ĐỊA BÀN, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN MÔ HÌNH

1. Địa bàn

- Huyện Sơn Hà chọn 02 Mô hình:

+ 01 Mô hình tại xã Sơn Trung;

+ 01 Mô hình tại Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Phạm Kiệt.

- Huyện Ba Tơ chọn 02 Mô hình:

+ 01 Mô hình tại xã Ba Tô;

+ 01 Mô hình tại Trường Trung học Phổ thông Ba Tơ.

2. Đối tượng: gồm có 6 nhóm

- Lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan liên quan của huyện, xã tham gia thực hiện Đề án;

- Người có uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, trưởng họ;

- Các bậc cha, mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên;

- Những người trong độ tuổi sinh đẻ.

- Vị thành niên, thanh niên: Ưu tiên nhóm đối tượng cụ thể là:

+ Vị thành niên, thanh niên có độ tuổi từ 14 tuổi đến 20 tuổi;

+ Phụ nữ và nam giới đã tảo hôn, kết hôn cận huyết thống;

- Học sinh từ lớp 8 đến lớp 12.

3. Thời gian thực hiện: Năm 2017 - 2018.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA MÔ HÌNH

1. Tổ chức tập huấn và triển khai các hoạt động của mô hình.

a) Nội dung:

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh Dân số, các chính sách kế hoạch hóa gia đình; kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số.

- Triển khai, quán triệt một số nội dung trong văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác liên quan đến công tác thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch triển khai nội dung theo Đề án này của tỉnh.

- Hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, tuyên truyền, vận động, phương pháp can thiệp và xử lý các tình huống, vụ việc liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương.

b) Đối tượng thực hiện

Cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội; cán bộ xã tham gia tuyên truyền, ngăn ngừa tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại xã thực hiện mô hình; đại diện các bậc cha mẹ, phụ huynh và Ban giám hiệu và cán bộ Đoàn của trường THPT huyện.

2. Tổ chức Hội nghị chuyên đề Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; ký cam kết giữa gia đình với chính quyền xã, giữa học sinh với nhà trường hoặc giữa đoàn viên Đoàn thanh niên với Ban chấp hành Đoàn trường về việc không để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

a) Nội dung:

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Pháp lệnh Dân số, các chính sách kế hoạch hóa gia đình, Luật Bình đẳng giới và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan; những nguyên nhân tác hại, ảnh hưởng của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với dân số, sức khỏe, tinh thần, kinh tế và xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, trường học.

b) Đối tượng:

- Học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 của trường thực hiện mô hình; thanh niên, vị thành niên là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, tảo hôn từ năm 2015 đến nay.

- Gia đình có con trong độ tuổi thanh niên, vị thành niên là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, tảo hôn từ năm 2015 đến nay.

3. Xây dựng áp phích, khẩu hiệu và tờ rơi; tổ chức hội thi thông qua hình thức sân khấu hóa; xây dựng phóng sự trên báo viết, nói và báo hình.

a) Nội dung:

Tuyên truyền bằng áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi; tổ chức hội thi thông qua hình thức sân khấu hóa; xây dựng phóng sự trên báo viết, nói và báo hình tuyên truyền về tác hại, ảnh hưởng của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, bản trên địa bàn xã và trường học, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

b. Đối tượng:

Toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã; toàn thể học sinh trong trường và các em trong độ tuổi thanh niên, vị thành niên.

4. Tổ chức tập huấn phổ biến thông tin, tuyên truyền tại xã triển khai mô hình; lồng ghép chiếu phim, phóng sự bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số.

a) Nội dung:

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình, Pháp Lệnh dân số, các chính sách kế hoạch hóa gia đình; chiếu các bộ phim, đưa các phóng sự trực quan về những hoàn cảnh đói khổ do tảo hôn và hôn nhân mang lại và so sánh với những gia đình sung túc, giàu có khi họ lập gia đình theo đúng quy định của pháp luật.

b) Đối tượng: Thanh niên, vị thành niên; cha mẹ của nam, nữ thanh niên, vị thành niên; trưởng thôn, người có uy tín; cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên xã.

5. Tổ chức buổi tọa đàm gặp gỡ các em học sinh tại Trường học.

a) Nội dung:

Nêu lên những nội dung chính về kiến thức pháp luật liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình, Pháp Lệnh dân số, các chính sách kế hoạch hóa gia đình; chiếu một đoạn phim hoặc phóng sự về người thật việc thật. Sau đó lấy ý kiến, quan điểm nhận thức từ các em trên cơ sở gợi ý của các thầy cô, khuyến khích các em tự trao đổi và nêu lên chính kiến của bản thân...

b) Đối tượng: Học sinh đang theo học tại trường.

6. Tổ chức hội nghị tổng kết mô hình

a) Nội dung

- Báo cáo tổng kết mô hình, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện mô hình; đồng thời, so sánh các mục tiêu trước và sau khi thực hiện mô hình. Quyết định việc nhân rộng thực hiện Mô hình đối với các xã và trường học còn lại.

- Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình.

b) Đối tượng

- Trưởng, Phó và các thành viên Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã thực hiện mô hình;

- Mời Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND xã, Mặt trận và các Hội đoàn thể xã thực hiện Mô hình và các xã chưa thực hiện Mô hình;

- Cán bộ xã, cán bộ nhà trường làm công tác tuyên truyền triển khai mô hình;

- Đại diện Chi ủy chi bộ,  Trưởng thôn, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể, Nông dân, Phụ nữ, Người có uy tín và người dân tại xã thực hiện Mô hình.

(lưu ý: có thể tổ chức tổng kết tại xã riêng, trường học riêng hoặc chung cho toàn huyện để sắp xếp đối tượng cho phù hợp

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tại huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ, giai đoạn 2017 - 2018 là 400.000.000 đồng (Bốn trăm triệu đồng). Cụ thể:

- Năm 2017: UBND tỉnh giao cho UBND huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ mỗi huyện 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (trung ương đã giao năm 2016 và đã được chuyển năm 2017);

- Năm 2018: Dự kiến mỗi huyện 100 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, trên cơ sở dự toán do UBND các huyện lập và trình UBND tỉnh theo kế hoạch lập dự toán ngân sách hàng năm.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh

Ban Dân tộc tỉnh (cơ quan thường trực BCĐ) theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các hoạt động của mô hình điểm và tham mưu, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện mô hình theo định kỳ 06 tháng, năm.

2. Các Sở: Tư pháp; Văn hóa, thể thao và Du lịch, Tài chính, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh nhằm thực hiện tốt kế hoạch đề ra.

4. UBND các huyện Sơn Hà, Ba Tơ

- Chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2001/QĐ-UBND ngày 06/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn liên quan và UBND xã, Trường học tổ chức triển khai Mô hình điểm trên địa bàn huyện, giai đoạn 2017-2018.

- Quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được giao theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để kịp thời triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả tại địa phương./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 870/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tại huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2017-2018

  • Số hiệu: 870/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/05/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Trường Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản