Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 864/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 20 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG VIETTEL HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 04 tháng 12 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21 tháng 6 năm 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;

Theo Quyết định số 125/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 42/TTr-STTTT ngày 16 tháng 5 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động Viettel Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với nội dung chính như sau:

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên quy hoạch: Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động Viettel Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

2. Chủ đầu tư: Viettel Hà Nam

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành của tỉnh; bảo đảm an ninh - quốc phòng, an toàn mạng lưới thông tin góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

- Tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường; xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới; tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; thực hiện chủ trương xã hội hóa trong xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động ứng dụng các công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị và các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

III. MỤC TIÊU

- Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh có độ bao phủ rộng khắp, dung lượng lớn, tốc độ cao, cung cấp đa dịch vụ, chất lượng tốt, giá cước hợp lý, đáp ứng mọi nhu cầu của người sử dụng.

- Cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh đã đề ra. Tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh.

- Định hướng phát triển và đề ra các lĩnh vực, dự án cần ưu tiên đầu tư.

IV. QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG CỦA VIETTEL HÀ NAM ĐẾN NĂM 2020

1. Các chỉ tiêu viễn thông

- 90% các xã, phường, thị trấn có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng cung cấp được dịch vụ Internet băng rộng.

- Tỷ lệ sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng di động đạt khoảng 30 - 35%.

- Ngầm hóa mạng cáp ngoại vi: Đến 2018, hoàn thiện ngầm hóa các tuyến đường, tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý. Đến 2020, ngầm hóa 25 - 30% hạ tầng mạng cáp ngoại vi trên địa bàn toàn tỉnh; đối với các dự án mới (tuyến đường mới, khu đô thị mới) ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi.

- Đạt tỷ lệ 12,7 đường dây thuê bao cố định/100 dân; 65% dân số sử dụng điện thoại di động; 50,63% dân số sử dụng dịch vụ Internet; tỷ lệ 12,65 thuê bao Internet băng rộng cố định/100 dân; 25,3 thuê bao Internet băng rộng di động/100 dân.

2. Công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

a) Tuyến truyền dẫn viễn thông dùng riêng

- Kiên cố hóa tuyến truyền dẫn DWDM từ Hà Nội về tổng trạm HNM8002 - HNM8001 - Nam Định.

- Chuyển tổng trạm HNM8002 từ Trần Hưng Đạo về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhằm đảm bảo an toàn trong mọi tình huống.

- Nâng cấp dung lượng tuyến truyền dẫn viễn thông dùng riêng sử dụng công nghệ chuyển mạch nhãn MPLS, nâng cấp dung lượng giữa các xã từ 1GBps lên 10 GBps.

- Xây dựng mạng kiên cố (hệ thống cáp truyền dẫn, hệ thống trạm thu phát sóng) kết nối dữ liệu các cơ quan, ban, ngành từ cấp tỉnh tới cấp phường/xã đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống.

b) Tuyến truyền dẫn viễn thông liên tỉnh

- Xây dựng tuyến truyền dẫn dự phòng, đảm bảo an toàn khi thiên tai, sự cố xảy ra.

- Nâng cấp dung lượng các tuyến truyền dẫn viễn thông liên tỉnh; đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng thông rộng trong tương lai.

- Nâng cấp, bảo vệ hạ tầng công trình các tuyến truyền dẫn viễn thông liên tỉnh.

3. Hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

a) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ

- Giai đoạn đến 2016: Trên 70% các xã, phường, thị trấn có điểm truy nhập Internet công cộng.

- Giai đoạn đến 2020: 90% các xã, phường, thị trấn có điểm truy nhập Internet công cộng.

b) Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng không có người phục vụ

Giai đoạn 2017- 2020: Lắp đặt các điểm phát sóng wifi công cộng tại khu vực Ủy ban nhân dân tỉnh, khu vực các khu du lịch (Tam Chúc - Ba Sao...), khu vực khu đô thị đại học, khu vực cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, khu vực trung tâm thành phố Phủ Lý nhằm mục đích phát triển du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ.

4. Mạng truyền dẫn

- Phát triển tuyến truyền dẫn mới tới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, các tuyến đường mới, tuyến đường trục, các nút chuyển mạch đa dịch vụ mới lắp đặt, các khu vực có lưu lượng cao có nhu cầu sử dụng lớn.

- Phát triển tuyến truyền dẫn đến các khu du lịch, khu vực dịch vụ... phục vụ các nhu cầu về giải trí, thương mại, du lịch.

- Phát triển mạng truyền dẫn quang theo mô hình mạng NGN đa dịch vụ.

- Xây dựng, phát triển mạng truyền dẫn cáp quang đến thuê bao.

- Nâng cấp dung lượng các tuyến truyền dẫn: Tuyến truyền dẫn nội tỉnh 20Gbps, tuyến vòng Ring chính 100Gbps.

5. Mạng cáp ngoại vi

a) Đối với mạng ngoại vi hiện có

- Khu vực thành phố Phủ Lý tiến hành ngầm hóa mạng cáp ngoại vi tại các tuyến đường, tuyến phố chính, khu vực yêu cầu cao về mỹ quan như trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, Ban, Ngành, các khu thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí và các khu dân cư tập trung để thành phố Phủ Lý phấn đấu lên đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh vào năm 2018.

- Các khu vực khác: Ưu tiên ngầm hóa khu vực các thị trấn, thị tứ, Trung tâm các huyện, khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan, tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21, Quốc lộ 38...

- Cải tạo hạ tầng mạng cáp treo trên cột điện, cột treo cáp: Những nơi vị trí chưa có điều kiện thực hiện ngay việc ngầm hóa, thực hiện cải tạo cụ thể:

+ Buộc gọn hệ thống dây cáp.

+ Loại bỏ các sợi cáp, cột treo cáp không còn sử dụng.

+ Xóa bỏ tình trạng cáp treo tại các ngã tư, tại các nút giao thông.

+ Xóa bỏ tình trạng cáp treo cắt ngang qua các tuyến đường, tuyến phố.

+ Treo biển nhận biết đơn vị quản lý loại cáp và độ cao dây cáp.

b) Các tuyến ngoại vi xây dựng mới

Ưu tiên phương án ngầm hóa. Trường hợp đi trên cột phải đảm bảo:

- Cột treo cáp chỉ được xây dựng ở khu vực ngoài đô thị, trường hợp nằm trong khu vực đô thị phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

- Tuyến cột treo cáp phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ hành lang cầu, cống, hầm đường bộ, bến phà, cầu phao và phạm vi bảo vệ đối với một số công trình khác trên đường bộ theo quy định của Chính phủ; trường hợp nằm trên hành lang an toàn đường bộ phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

6. Cột ăng ten

a) Cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động

Hạ tầng dùng chung:

- Giai đoạn đến năm 2016: Quy hoạch 45 vị trí.

- Giai đoạn 2017 - 2020: Quy hoạch 70 vị trí.

Hạ tầng dùng riêng:

- Giai đoạn đến năm 2016: Quy hoạch 02 vị trí loại A1.

- Giai đoạn 2017 - 2020: Quy hoạch 08 vị trí loại A1.

Hạ tầng phát triển mạng lưới ứng dụng công nghệ mới (4G):

- Đến năm 2016: Quy hoạch 12 vị trí.

- Giai đoạn 2017 - 2020: Quy hoạch 16 vị trí.

b) Chuyển đổi, sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động

Chuyển đổi sắp xếp lại hệ thống cột ăng ten thu phát sóng thông tin di động tuân thủ theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đảm bảo mỹ quan đô thị.

V. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030

1. Chỉ tiêu phát triển

- Đến năm 2030, tỷ lệ đường dây thuê bao cố định trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 15 đường dây/100 dân; tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại di động đạt trên 65% dân số; tỷ lệ dân số sử dụng Internet đạt khoảng 55% dân số.

- Tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten trạm thu, phát sóng thông tin di động đạt khoảng 45%; tỷ lệ ngầm hóa hạ tầng mạng ngoại vi đạt khoảng 30%.

- Ngầm hóa toàn bộ tuyến cáp liên xã, đảm bảo an toàn mạng lưới: 320 tuyến truyền dẫn đến các trạm.

2. Mạng cáp viễn thông

- Phát triển mạng cáp viễn thông theo hướng cáp quang hóa, ngầm hóa: Xây dựng hạ tầng cống bể cáp ngầm hóa mạng ngoại vi trên diện rộng tại khu vực đô thị; đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ băng rộng của người dân.

- Phát triển mạng truy nhập quang ứng dụng công nghệ GPON (mạng truy nhập quang thụ động), tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả mạng lưới.

- Từng bước củng cố tuyến cáp chuyển sang cáp ngầm toàn bộ tuyến cáp trục liên huyện, các trạm BTS Node dự kiến 350 tuyến/800 km cáp.

3. Mạng viễn thông không dây

- Phát triển hạ tầng cột ăng ten mạng thông tin di động trên địa bàn tỉnh ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại (công nghệ 4G, công nghệ truy nhập băng rộng...).

- Phát triển hệ thống ăng ten thông tin di động theo công nghệ đa tần: Một ăng ten có thể thu phát trên nhiều dải tần khác nhau, nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng chung hạ tầng, tiết kiệm chi phí (nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng chung hạ tầng một ăng ten, mỗi doanh nghiệp thu phát trên một băng tần khác nhau).

- Phát triển hạ tầng cột ăng ten mạng thông tin di động ngụy trang: Cột ăng ten có kích thước và quy mô nhỏ gọn, thân thiện môi trường, ngụy trang ẩn vào các công trình kiến trúc và cảnh quan xung quanh, đảm bảo mỹ quan đô thị.

VI. NHU CẦU VỀ VỐN ĐẦU TƯ, NGUỒN VỐN

- Tổng vốn đầu tư: 138.000 triệu đồng

- Nguồn vốn đầu tư: Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.

(Danh mục các dự án đầu tư có phụ lục kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch của doanh nghiệp. Căn cứ vào tình hình phát triển của địa phương, sự phát triển của công nghệ, nhu cầu xã hội, kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để điều chỉnh quy hoạch của doanh nghiệp cho phù hợp.

2. Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông giám sát thực hiện quy hoạch.

3. Viettel Hà Nam xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch. Tích cực, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp khác xây dựng và sử dụng chung hạ tầng, báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông khi triển khai xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện đồng thời kiến nghị, đề xuất giải quyết hoặc hỗ trợ tháo gỡ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc Viettel Hà Nam; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để b/c);
- Thường trực TU, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 4;
- VPUB: LĐVP(2), GT-XD(V);
- Lưu: VT, TH(D).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Sỹ Lợi

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN VÀ NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 864/QĐ-UBND ngày 20/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Dự án

Giai đoạn
2015 -2016

Giai đoạn
2017 - 2020

Tổng nhu cầu vốn đầu tư

Doanh nghiệp

Ngân sách

Doanh nghiệp

Ngân sách

1

Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng

200

0

3.200

0

3.400

2

Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng

 

 

 

 

 

a

Điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng

0

0

4.300

0

4.300

b

Điểm thu, thanh toán cước viễn thông tự động

0

0

0

0

0

c

Lắp đặt hệ thống máy tính phục vụ tra cứu thông tin

0

0

0

0

0

d

Lắp đặt điểm phát sóng wifi công cộng

0

0

900

0

900

3

Mạng truyền dẫn

2.500

0

9.000

0

11.500

4

Mạng cáp ngoại vi

 

 

 

 

 

a

Xây dựng hạ tầng cống bể cáp

0

0

25.000

0

25.000

b

Xây dựng hạ tầng cột treo cáp

0

0

1.000

0

1.000

5

Cột ăng ten

 

 

 

 

 

a

Hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng dùng chung

31.500

0

49.000

0

80.500

b

Hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng dùng riêng

600

0

2.400

0

3.000

c

Hạ tầng cột ăng ten thu phát sóng công nghệ mới 4G

3.600

0

4.800

0

8.400

 

Tổng

38.400

0

99.600

0

138.000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 864/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động Viettel Hà Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Hà Nam ban hành

  • Số hiệu: 864/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Phạm Sỹ Lợi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản