Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 86/2004/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA – KHEN THƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hóa – Thông tin;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Văn hóa - Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 42/1999/QĐ-BVHTT ngày 30 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng và các thành viên Hội đồng có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN




Phạm Quang Nghị

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG THI ĐUA – KHEN THƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 86/2004/QĐ-BVHTT ngày 30/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin)

Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thi đua, khen thưởng

Hội đồng thi đua - Khen thưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (sau đây gọi tắt là Hội đồng) có chức năng, nhiệm vụ sau:

1. Giúp Bộ trưởng triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phong trào thi đua; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phong trào thi đua, khen thưởng trong toàn ngành.

2. Đề xuất với Bộ trưởng trình Chính phủ việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về thi đua, khen thưởng.

3. Hướng dẫn thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng của Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan thi đua, khen thưởng cấp trên.

4. Xây dựng, trình Bộ trưởng chương trình, kế hoạch, nội dung thi đua dài hạn và hàng năm của ngành.

5. Xem xét thành tích, báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước khen tặng tập thể, cá nhân trong ngành các hình thức khen thưởng:

Huân chương, Huy chương các loại; danh hiệu Anh hùng Lao động.

6. Xem xét thành tích, báo cáo Bộ trưởng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khen tặng tập thể, cá nhân trong ngành các hình thức khen thưởng.

Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

7. Xem xét thành tích, trình Bộ trưởng quyết định khen thưởng các hình thức:

Cờ thi đua xuất sắc, Cờ thi đua tiên tiến của Bộ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin; Huy chương vàng, bạc cho Hội thi, Hội diễn chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.

Điều 2. Cơ cấu của Hội đồng

1. Thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Văn hóa - Thông tin gồm:

a) Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công phụ trách thi đua, khen thưởng làm Chủ tịch Hội đồng;

b) Chánh Văn phòng Bộ làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng;

c) Các Ủy viên Hội đồng gồm: Cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin; đại diện Đảng ủy cơ quan Bộ; Chánh thanh tra Bộ; Chủ tịch công đoàn cơ quan Bộ; Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty sách Việt Nam; Giám đốc cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh; Trưởng phòng Tổng hợp – Thi đua, thư ký Hội đồng.

2. Thành viên Ban Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng gồm:

a) Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ, Trưởng Ban;

b) Chánh Văn phòng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Phó Trưởng Ban;

c) Chủ tịch Công đoàn cơ quan Bộ, Thành viên;

d) Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Bộ, Thành viên;

đ) Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thành viên;

e) Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thành viên;

f) Chánh thanh tra Bộ, Thành viên;

g) Trưởng Phòng Tổng hợp – Thi đua, Thư ký Ban Thường trực Hội đồng.

Điều 3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng

1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể, công khai, dân chủ, quyết định theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu kín.

2. Hội đồng họp định kỳ một năm 3 đợt để trình các hình thức khen thưởng của Nhà nước vào các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 01 tháng 5; ngày Quốc khánh 02 tháng 9; ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.

3. Hội đồng họp cuối năm để xét khen thưởng năm công tác đối với địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ.

4. Chủ tịch Hội đồng chủ trì các kỳ họp Hội đồng. Trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch thường trực chủ trì và báo cáo lại kết quả cho Chủ tịch Hội đồng trong thời gian sớm nhất.

5. Cuộc họp của Hội đồng chỉ hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên Hội đồng tham dự.

6. Thành viên Hội đồng nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trước khi Hội đồng họp ít nhất là 2 ngày làm việc. Trường hợp không dự họp có thể uỷ quyền cho Phó Thủ trưởng đơn vị họp thay và phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng. Không cử chuyên viên họp thay.

7. Chỉ thành viên Hội đồng mới có quyền bỏ phiếu. Trường hợp số phiếu bầu ngang nhau, Chủ tịch Hội đồng có ý kiến quyết định.

8. Căn cứ nội dung phiên họp của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng mời đại diện cơ quan, đoàn thể thuộc Bộ dự.

9. Trong quá trình xét duyệt khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc bí mật về nội dung và kết quả, các thành viên Hội đồng không tiết lộ ra bên ngoài và không trao đổi với những người không có trách nhiệm khi chưa có quyết định của Bộ trưởng hoặc cơ quan Thi đua – Khen thưởng cấp trên.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng

1. Chủ tịch Hội đồng được Bộ trưởng ủy quyền chỉ đạo phong trào thi đua, khen thưởng trong toàn ngành văn hóa - thông tin.

2. Đề nghị Bộ trưởng kiện toàn, bổ sung hoặc thay thế Thành viên Hội đồng.

3. Thực hiện chế độ thông tin hoạt động thi đua, khen thưởng với Hội đồng tại các kỳ họp Hội đồng.

4. Khi vắng mặt, Chủ tịch Hội đồng ủy quyền cho Phó Chủ tịch Thường trực chủ trì cuộc họp Hội đồng.

Điều 5. Nhiệm vụ của Ban Thường trực Hội đồng

1. Thông báo, hướng dẫn các tập thể, cá nhân trong toàn ngành thực hiện thống nhất các quy định về thi đua, khen thưởng.

2. Tiếp nhận, thẩm định, lưu giữ hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng trình Hội đồng trong phiên họp gần nhất.

3. Chuẩn bị nội dung cho các phiên họp Hội đồng.

4. Gửi thành viên Hội đồng hồ sơ đề nghị khen thưởng và các tài liệu liên quan trước phiên họp của Hội đồng.

5. Tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng và kết quả phiên họp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đã được Hội đồng xét chọn.

6. Hoàn thiện hồ sơ khen thưởng để Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

7. Soạn thảo các văn bản của Hội đồng.

8. Tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động thi đua, khen thưởng trong toàn ngành với lãnh đạo Bộ, các thành viên Hội đồng, các cơ quan thi đua, khen thưởng cấp trên.

9. Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan khi Bộ tổ chức các buổi lễ trao tặng các hình thức khen thưởng của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ cho các tập thể, cá nhân được tặng thưởng.

10. Giúp Hội đồng xem xét, trình Bộ trưởng khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác, lao động và học tập.

Việc khen thưởng phục vụ yêu cầu Chính trị, khen thưởng đột xuất phải được giải quyết nhanh chóng để có tác dụng động viên, khích lệ kịp thời và phải được báo cáo đầy đủ với Hội đồng tại phiên họp gần nhất.

11. Dự trù và theo dõi việc sử dụng kinh phí hoạt động thi đua, khen thưởng.

Phòng Tổng hợp – Thi đua thuộc Văn phòng Bộ là cơ quan giúp Ban Thường trực Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ thực hiện các nhiệm vụ trên.

Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của thành viên Hội đồng

a) Thành viên Hội đồng phải tham gia đầy đủ các kỳ họp của Hội đồng;

b) Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu trước khi họp Hội đồng;

c) Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng giao;

d) Đề xuất khen thưởng và tham gia bỏ phiếu xét chọn khen thưởng;

đ) Đảm bảo bí mật về nội dung và kết quả trong quá trình xét chọn khen thưởng.

Điều 7. Trình tự và thủ tục xét duyệt

1. Thường trực Hội đồng tiếp nhận hồ sơ, đối chiếu các quy định hiện hành về thi đua, khen thưởng, lập báo cáo tóm tắt thành tích của các tập thể, cá nhân và chuẩn bị các tài liệu cần thiết khác trình Hội đồng xem xét, quyết định.

2. Hội đồng họp xem xét thành tích của các cá nhân, tập thể đề nghị khen thưởng.

3. Việc xét chọn khen thưởng của Hội đồng được tiến hành theo trình tự sau:

a) Thường trực Hội đồng đọc báo cáo tóm tắt thành tích của các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng;

b) Hội đồng thảo luận, phân tích, đánh giá thành tích của các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng;

c) Hội đồng tiến hành bỏ phiếu kín;

d) Thư ký Hội đồng công bố kết quả kiểm phiếu ngay tại phiên họp Hội đồng./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 86/2004/QĐ-BVHTT về Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ Văn hóa - Thông tin do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành

  • Số hiệu: 86/2004/QĐ-BVHTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/09/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Phạm Quang Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 23/10/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản