Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 855/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 28 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH TAI XANH Ở LỢN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

Căn cứ Thông tư số 80/2008/TT-BTC ngày 18/9/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ tài chính để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 101/TTr-SNN ngày 27/4/2010 và của Sở Tài chính tại Tờ trình số 492/TTr-STC ngày 27/4/2010 về việc Quy định chế độ tài chính để phòng, chống dịch tai xanh ở lợn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (gọi là dịch tai xanh ở lợn) với các nội dung và mức hỗ trợ như sau:

1. Hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại, hợp tác xã chăn nuôi có lợn bị mắc bệnh tai xanh buộc phải tiêu hủy theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để khắc phục khó khăn do dịch tai xanh ở lợn, mức hỗ trợ: 18.000 đồng/kg lợn hơi.

2. Hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch tai xanh ở lợn, gồm:

a) Chi phí tiêu hủy lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy; lợn và sản phẩm của lợn do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, Trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật về thú y, bao gồm: Chi phí tiêu hủy, công đào hố chôn, bao đựng, phương tiện vận chuyển lớn, trang phục phòng hộ, vôi bột xử lý lợn tiêu hủy, mức hỗ trợ: 1.000 đồng/kg lợn hơi.

b) Chi phí hóa chất các loại cho việc khử trùng, tiêu độc: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua, đảm bảo số lượng, chất lượng để cấp cho các huyện, thành phố phục vụ cho phòng, chống dịch.

c) Chi bồi dưỡng cho người trực tiếp phun hóa chất khử trùng, tiêu độc và phục vụ tại các chốt kiểm dịch. Mức chi tối đa là: 50.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết.

d) Chi bồi dưỡng cho cán bộ thú y, thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch tai xanh ở lợn. Mức chi tối đa là: 50.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết.

3. Thời gian ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, kể từ ngày có quyết định công bố dịch đến ngày có quyết định công bố hết dịch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 2. Nguồn kinh phí phòng, chống dịch:

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí phòng chống dịch tai xanh ở lợn theo các nội dung quy định tại khoản 1, điểm a và b khoản 2 Điều 1 Quyết định này. Chi bồi dưỡng cho cán bộ thú y, thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch tai xanh ở lợn và lực lượng phục vụ tại các chốt kiểm dịch của tỉnh.

2. Ngân sách cấp huyện, cấp xã đảm bảo kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch tai xanh ở lợn theo nội dung quy định tại điểm c khoản 2, Điều 1 Quyết định này. Chi bồi dưỡng cho cán bộ thú y, thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch tai xanh ở lợn và lực lượng phục vụ tại các chốt kiểm dịch do địa phương quản lý.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn về quy trình kỹ thuật tiêu hủy, lập hồ sơ số liệu về số lượng, trọng lượng lợn tai xanh bắt buộc phải tiêu hủy và thẩm định hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí của các huyện, thành phố; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh làm căn cứ pháp lý quyết định hỗ trợ.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự thủ tục hỗ trợ kinh phí. Căn cứ đề nghị của UBND các huyện, thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch tai xanh ở lợn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện tiêu hủy lợn bị mắc bệnh; lợn và sản phẩm của lợn do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, Trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật về thú y.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm, đầy đủ, đúng quy trình về tiêu hủy lợn tai xanh; lập thủ tục hồ sơ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng có lợn tai xanh bắt buộc phải tiêu hủy theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện công khai chính sách và mức hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại thôn, xã theo đúng quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư. Sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, định mức, có hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực.

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổng hợp, thẩm định số lượng, trọng lượng lợn mắc bệnh tai xanh bắt buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định này. Chịu trách nhiệm về tính chính xác về số lượng, trọng lượng lợn tai xanh bắt buộc phải tiêu hủy, báo cáo UBND huyện lập tờ trình, trình Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí (Tờ trình của các huyện, thành phố gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính).

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1058/QĐ-UBND ngày 23/5/2008; Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 21/4/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.

Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND, UBND tỉnh;
- Ban chỉ đạo PCDBGSGC tỉnh;
- Như Điều 4;
- Lưu: VP1, VP3, VP6.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 855/QĐ-UBND năm 2010 quy định chế độ tài chính để phòng, chống dịch tai xanh ở lợn do Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 855/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/04/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Nguyễn Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 11/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản