Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2014/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 07 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐỔI TÊN BỆNH VIỆN ĐIỀU DƯỠNG - PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỆNH VIỆN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế về việc Quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ sở phục hồi chức năng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 1613/TTr-SYT ngày 28/7/2014 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 192/TTr-SNV ngày 06/8/2014 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 1501/BCTĐ-STP ngày 25/9/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đổi tên "Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng" thành "Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An".

Điều 2. Vị trí, chức năng

1. Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng (PHCN) và tổ chức an dưỡng cho người bệnh và đối tượng khác có nhu cầu.

2. Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An là bệnh viện chuyên khoa, trực thuộc Sở Y tế Nghệ An; là đơn vị sự nghiệp công lập, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Khám bệnh, chữa bệnh, PHCN theo các hình thức nội trú, ngoại trú, PHCN ban ngày và tổ chức an dưỡng:

a) Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa PHCN;

b) Khám bệnh, chữa bệnh đa khoa;

c) Hồi sức, cấp cứu;

d) An dưỡng;

đ) Khám và chứng nhận sức khỏe theo quy định;

e) Tham gia khám giám định xác định khuyết tật khi được trưng cầu.

2. Đào tạo nhân lực:

a) Là cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành y và các cơ sở giáo dục đào tạo hợp pháp khác;

b) Thực hiện việc đào tạo liên tục, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành PHCN và cấp giấy chứng nhận theo đúng chương trình đào tạo.

3. Nghiên cứu khoa học:

a) Thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới về khám bệnh, chữa bệnh và PHCN;

b) Tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên về công tác nghiên cứu khoa học trong khám bệnh, chữa bệnh và PHCN.

4. Chỉ đạo tuyến về PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng:

a) Chỉ đạo tuyến dưới phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng PHCN;

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện PHCN dựa vào cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

c) Tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên về xây dựng, phát triển mạng lưới và hoạt động PHCN.

5. Phòng bệnh:

a) Thực hiện việc tuyên truyền phòng ngừa khuyết tật, bệnh tật;

b) Tham gia công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.

6. Truyền thông giáo dục sức khỏe:

a) Tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân;

b) Truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác PHCN, PHCN dựa vào cộng đồng.

7. Tư vấn cho người bệnh và gia đình người bệnh về PHCN, tâm lý, giáo dục, hướng nghiệp, tạo cơ hội cho người bệnh tự lập trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

8. Thực hiện quy chế dược bệnh viện theo quy định hiện hành.

9. Quản lý kinh tế:

a) Quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác;

b) Thực hiện xã hội hóa trong hoạt động của bệnh viện theo quy định của pháp luật;

c) Tiếp nhận và sử dụng các nguồn viện trợ.

10. Hợp tác quốc tế:

a) Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế về PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng;

b) Tham mưu cho cơ quan quản lý cấp trên về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PHCN và PHCN dựa vào cộng đồng.

11. Tổ chức sản xuất, cung cấp và hướng dẫn sử dụng hiệu quả dụng cụ trợ giúp cho người bệnh. Hướng dẫn người dân sản xuất và sử dụng dụng cụ trợ giúp đơn giản cho người bệnh tại cộng đồng.

12. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo chuyên môn theo quy định và nhiệm vụ khác liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh khi có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc

1. Lãnh đạo Bệnh viện: Bệnh viện có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

a) Giám đốc Bệnh viện là người đứng đầu Bệnh viện, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Bệnh viện;

b) Phó Giám đốc Bệnh viện là người giúp Giám đốc Bệnh viện, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Bệnh viện và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành, quản lý các hoạt động của Bệnh viện;

c) Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, từ chức… đối với Giám đốc và các Phó Giám đốc Bệnh viện, thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý hiện hành.

2. Các phòng chức năng và các khoa, phòng chuyên môn:

2.1. Căn cứ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, PHCN của nhân dân trên địa bàn, thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực, phạm vi chuyên môn và các điều kiện khác của bệnh viện, bệnh viện được tổ chức, thành lập tối đa các phòng, khoa phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 18 Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế, cụ thể như sau:

a) Các phòng chức năng:

- Tổ chức cán bộ;

- Kế hoạch tổng hợp;

- Tài chính kế toán;

- Hành chính - Quản trị;

- Vật tư - Thiết bị y tế;

- Đào tạo và chỉ đạo tuyến (bao gồm nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế);

- Điều dưỡng;

b) Các khoa, phòng chuyên môn:

- Khám chuyên khoa PHCN;

- Khám bệnh đa khoa;

- Cấp cứu, hồi sức;

- Vật lý trị liệu;

- Hoạt động trị liệu;

- Ngôn ngữ trị liệu;

- Tâm lý trị liệu;

- Nội;

- Ngoại - Chỉnh hình;

- Nhi;

- Mắt - TMH - RHM;

- Y học cổ truyền;

- Dinh dưỡng;

- Kiểm soát nhiễm khuẩn;

- An dưỡng;

- Chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng;

- Xét nghiệm;

- Dược;

- Xưởng sản xuất dụng cụ trợ giúp;

- Các khoa khác.

2.2. Trước mắt và những năm tiếp theo, khi chưa có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện quy định: Nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, PHCN của nhân dân trên địa bàn; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực, phạm vi chuyên môn và các điều kiện khác của bệnh viện, Cơ cấu tổ chức các phòng, khoa của bệnh viện gồm:

a) Các phòng chức năng:

- Tổ chức hành chính quản trị;

- Kế hoạch tổng hợp;

- Tài chính kế toán;

- Điều dưỡng.

b) Các khoa chuyên môn:

- Khám bệnh cấp cứu;

- Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng;

- Bệnh người cao tuổi;

- Dinh dưỡng;

- Dược.

3. Biên chế, số lượng người làm việc.

a) Biên chế, số lượng người làm việc của Bệnh viện được UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ cấu chức danh, vị trí việc làm theo quy định, định mức biên chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và điều kiện, tình hình thực tế khả năng ngân sách của cơ quan, đơn vị.

b) Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động của Bệnh viện thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý hiện hành.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế các nội dung quy định về tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Bệnh viện tại Quyết định số 2202/QĐ.UB.TCCQ ngày 09/7/1999 của UBND tỉnh về việc thành lập Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng.

Điều 6. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 85/2014/QĐ-UBND về đổi tên Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An

  • Số hiệu: 85/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Xuân Đường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản