Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2003/QĐ-UB

Tam Kỳ, ngày 29 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ LÀNG TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20/5/1998;

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/10/2002 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về một số chủ trương và giải pháp trọng tâm về dân tộc và miền núi giai đoạn 2002 -2007;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tại Công văn số 162/VHTT ngày 10/7/2003,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này ''Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà làng truyền thống các dân tộc thiểu số Quảng Nam (giai đoạn 2004 - 2008).

Điều 2. Chánh Văn phòng HĐND&UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Văn hoá -Thông tin, Sở Kế hoạch &Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, Sở Nông nghiệp &PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Trưởng Ban Dân tộc và Miền núi, các Sở, Ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có dân tộc thiểu số cư trú chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận
- Như điều 2
- Lưu VT, VX

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Thị Thanh Lâm

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NHÀ LÀNG TRUYỀN THỐNG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở QUẢNG NAM (GIAI ĐOẠN 2004 - 2008)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 85/2003/QĐ-UB ngày 29/7/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Điều 1. Quy định chung :

1. Nhà làng truyền thống các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương, là thiết chế văn hoá ở cơ sở gắn với công tác xây dựng thôn, bản văn hoá các dân tộc thiểu số miền núi.

2. Xây dựng nhà làng truyền thống phải tôn trọng và giữ gìn các giá trị độc đáo về kiến trúc, vật liệu, nghệ thuật tạo hình, trang trí của từng dân tộc. Nhà làng phải do nhân dân trực tiếp xây dụng, quy mô xây dựng phải phù hợp với quy hoạch và bố trí dân cư của thôn, bản; phù hợp với điều kiện và nhu cầu tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hoá cộng đồng của nhân dân.

3. Xây dựng nhà làng truyền thống thực hiện theo phương thức nhân dân đóng góp là chính, chính quyền các cấp hỗ trợ, tạo điều kiện, đồng thời thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá trong việc xây dựng, đầu tư trang thiết bị.

4. Nhà làng truyền thống cần giao cho ban dân chính thôn, bản trực tiếp quản lý, bảo vệ và sử dụng dưới sự giám sát của cấp uỷ Đảng, UBND xã, UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý toàn diện ở địa phương.

5. Thời gian thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà làng truyền thống các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là 5 năm (từ năm 2004 đến hết năm 2008). Phấn đấu đến năm 2008, tất cả các thôn, bản, làng có dân tộc thiểu số miền núi đều có nhà làng truyền thống.

Điều 2. Đối tượng và mức hỗ trợ :

1. Đối với nhà làng truyền thống xây dựng mới trong các năm 2004 đến 2008, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là 8 triệu đồng/nhà làng (tám triệu đồng).

2. Đối với nhà làng truyền thống đã xây dựng xong trong các năm 2000 đến 2003, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là 5 triệu đồng/1 nhà làng (năm triệu đồng) để mua sắm trang thiết bị văn hoá thông tin.

Điều 3. Thủ tục hỗ trợ :

1. UBND các huyện : Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước và các huyện đồng bằng có làng, xã đồng bào dân tộc thiểu số cư trú lập và phê duyệt dự án xây dựng nhà làng truyền thống ở địa phương mình theo kế hoạch hằng năm (khoản 1 điều 2 quy định này) và tổ chức khảo sát, điều tra số lượng nhà làng truyền thống đã xây dựng (khoản 2 điều 2 quy định này) báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính - Vật giá chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và các Sở, ngành liên quan kiểm tra dự án xây dựng nhà làng truyền thống (2004 - 2008) và báo cáo của các địa phương về nhà làng đã xây dựng (2000 - 2003) trình UBND tỉnh duyệt và hỗ trợ kinh phí hằng năm.

Điều 4. Tổ chức thực hiện :

1. UBND các huyện, thị xã là cơ quan chủ trì thực hiện dự án xây dựng nhà làng truyền thống các dân tộc thiểu số ở miền núi. Việc phân bổ cụ thể và sử dụng kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ do Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

2. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, UBND huyện, thị xã cân đối ngân sách địa phường hằng năm để hỗ trợ xây dựng hoặc hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cấp cho nhà làng truyền thống ở thôn, bản.

3. Các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các xã miền núi đặc biệt khó khăn có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ về trang thiết bị văn hoá thông tin như sách báo, phương tiện thông tin nghe nhìn... cho nhà làng truyền thống ở xã kết nghĩa.

4. Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp Chi cục kiểm lâm căn cứ quyết định 178/2002/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp nhằm tham mưu UBND tỉnh cho phép đồng bào dân tộc thiểu số miền núi sử dụng gỗ, nguyên vật liệu tại chỗ để xây dựng nhà làng truyền thống, đảm bảo tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả, giữ gìnvốn rừng. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc xây dựng nhà làng truyền thống để khai thác gỗ trái phép.

5. Đối với các dân tộc thiểu số chưa có mô hình nhà làng truyền thống, UBND các huyện, thị xã chủ trì tổ chức khảo sát, nghiên cứu xây dựng mô hình kiến trúc, lấy ý kiến thống nhất của nhân dân trước khi xây dựng. Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với Ban Dân tộc và Miền núi có trách nhiệm làm tư vấn thẩm định mô hình nhà làng mới.

6. Sở Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm hướng dẫn nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động văn hoá ở nhà làng truyền thống, đảm bảo giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí hằng năm từ 2004 đến 2088 trình UBND tỉnh phân bổ cho các huyện triển khai dự án và kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 85/2003/QĐ-UB về cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà làng truyền thống các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam

  • Số hiệu: 85/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/07/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Hồ Thị Thanh Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 16/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản