ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 848/QĐ-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 12 tháng 04 năm 2016 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng chống thiên tai;
Căn cứ Công văn số 3468/BNN-TCTL ngày 6/5/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai ở các cấp địa phương;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -Cơ quan Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 74/TTr-SNN-PCTT ngày 14 tháng 3 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các Sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU NĂM 2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 848/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
- Thực hiện tốt công tác chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, huy động các lực lượng tổ chức ứng cứu các tình huống trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
- Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
- Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong việc xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.
- Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.
B. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
I. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
1. Vị trí địa lý
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, có diện tích tự nhiên 1.982 km2, phía Đông Bắc giáp với tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp với thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam và Tây Nam giáp Biển Đông, chiều dài bờ biển gần 156 km (kể cả huyện đảo là 305,4 km), vùng đặc quyền kinh tế biển trên 100.000km2, có tuyến hàng hải quốc tế đi ngang, tàu biển ra vào các cảng thuộc các tỉnh phía nam và tàu quá cảnh Campuchia đi qua. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới đường sông, đường biển thuận lợi, các đường quốc lộ 51, 55, 56 cùng với hệ thống đường tỉnh lộ, huyện lộ là những mạch máu chính gắn kết quan hệ toàn diện của Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh khác trong cả nước và quốc tế.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 06 huyện và 02 thành phố, gồm: thành phố Bà Rịa thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền, Huyện Đất Đỏ, Huyện Xuyên Mộc, huyện Tân Thành, Huyện Châu Đức và huyện đảo là huyện Côn Đảo (cách Vũng Tàu 97 hải lý khoảng 180 km), gồm 82 xã, phường, thị trấn; trong đó có 05 huyện, thành phố với 25 xã, phường ven biển.
2. Đặc điểm địa hình
Địa hình toàn vùng phần đất liền có xu hướng dốc ra biển. Tuy nhiên ở sát biển vẫn có một số núi cao. Núi có độ cao lớn nhất chỉ khoảng 500m. Phần đất liền (chiếm 96% diện tích của tỉnh) thuộc bậc thềm cao nguyên Di Linh - vùng Đông Nam Bộ, độ nghiêng từ tây bắc xuống đông nam, giáp biển Đông. Quần đảo Côn Đảo (chiếm 4% diện tích của tỉnh) gồm 16 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Côn Sơn có diện tích lớn nhất rộng 57,5 km2, cách Vũng Tàu 180 km.
Toàn tỉnh có hơn 3/4 diện tích đồi núi, thung lũng thấp, có trên 50 ngọn núi cao 100 m trở lên, khi ra biển tạo thành nhiều vũng, vịnh, mũi, bán đảo, đảo. Độ cao trên 400 - 500 m có núi ông Trịnh, núi Chúa, núi Thánh Giá. Địa hình tập trung vào 4 loại đặc trưng (đồng bằng hẹp, các núi, gò đồi, thềm lục địa).
Tỉnh có nhiều sông suối, hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước lớn nhỏ, đê điều, kè biển, sông với tổng cộng 27 hồ lớn nhỏ, 14 đập dâng, 3 kênh tiêu, 3 đê ngăn mặn) 2 đê ngăn lũ, 01 kè biển, 01 kè sông và 01 đê kè mỏ hàn biển, với tổng trữ lượng nước các hồ 314,7 triệu m3;
3. Khí hậu
- Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của đại dương. Nhiệt độ trung bình khoảng 27°C; sự thay đổi nhiệt độ của các tháng trong năm không lớn. Số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 2.370 - 2.850 giờ và phân phối đều các tháng trong năm.
- Lượng mưa trung bình hàng năm thấp (khoảng 1.600 mm) và phân bố không đều theo thời gian, tạo thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 90% lượng mưa cả năm; và 10% tổng lượng mưa tập trung vào mùa khô là các tháng còn lại trong năm.
- Khí hậu nhìn chung mát mẻ, rất phù hợp với du lịch, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cho phát triển lâm nghiệp đa dạng.
4. Dân số
Dân số tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tính đến năm 2015 là: 1.059.800 người. Mật độ: 529 người/Km2. Dân số thành thị chiếm khoảng 49,85% dân số toàn tỉnh. Nam giới chiếm khoảng 49,99% dân số toàn tỉnh.
5. Đặc điểm kinh tế
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, có 15 khu công nghiệp, trong đó có 09 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Đặc biệt tỉnh có số lượng tàu thuyền lớn của ngư dân hoạt động khai thác thủy sản, với tổng 6.284 tàu thuyền lớn nhỏ, tổng công suất 1.048.745CV, với khoảng 37.800 thuyền viên (tính đến 31/3/2015) và hơn 2.000 tàu thuyền của các tỉnh bạn vào hoạt động trên vùng biển của tỉnh.
6. Các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bà Rịa- Vũng tàu thường chịu ảnh hưởng của một số loại hình thiên tai điển hình như: Bão, áp thấp nhiệt đới, sét, mưa lớn, lũ cục bộ, sạt lở đất do mưa hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, lốc xoáy... gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
1. Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành.
2. Tuyên truyền Luật phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo về thời tiết, thủy văn, thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh, chỉ đạo xử lý, đối phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra.
3. Tiếp tục triển khai thực hiện Đồ án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2016, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai.
4. Cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các phương án ứng phó với thiên tai đã có, đặc biệt tiếp tục rà soát, bổ sung phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Tiếp tục xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai khác theo cấp độ rủi ro thiên tai.
5. Nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai; đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai. Phát triển hệ thống thông tin cảnh báo theo chiều từ trung tâm xuống cơ sở và thu nhận các báo cáo từ dưới lên ở 3 cấp: từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã, thôn, bản, nhóm dân cư để mọi người phòng tránh có hiệu quả và để có thông tin báo cáo kịp thời giữa Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
6. Rà soát, đề xuất và triển khai thực hiện các dự án, công trình phòng, chống thiên tai như ngập lụt, sạt lở, thủy lợi.., để bảo vệ dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
7. Triển khai kế hoạch quản lý, đầu tư trang bị bổ sung các phương tiện, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
8. Triển khai tốt công tác quản lý, thu - chi, sử dụng, quyết toán Quỹ Phòng, chống thiên tai theo Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ.
9. Kiểm tra việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước, thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đôn đốc các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra công trình trước mùa mưa, bão để có kế hoạch sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng.
Lập kế hoạch, phương án cụ thể đảm bảo an toàn tuyệt đối với các hồ chứa.
10. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi tổ chức thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
III. Nội dung và biện pháp thực hiện
1. Biện pháp phi công trình
1.1. Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016, đặc biệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý tình huống thiên tai.
1.2. Triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Luật, Phòng chống thiên tai, Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chú trọng việc lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các sở, ngành, các huyện, thành phố.
1.3. Cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh các phương án chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt, xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão.
1.4. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các Sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực tốt kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; tăng cường công tác phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
1.5. Thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở, ban, ngành theo quy định của Chính phủ để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành.
1.6. Lập kế hoạch mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai.
1.7. Triển khai tổ chức tập huấn Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2016 trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai đến cấp xã, nhất là các hộ dân đang sinh sống, sản xuất tại các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai.
1.8. Nghiên cứu thực hiện các dự án di dời các hộ dân tại các khu vực xung yếu, trong đó tập trung tổ chức di dời trước đối với những hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai.
1.9. Các địa phương, đơn vị chức năng kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ và lòng sông; tình trạng xây dựng, san lấp mặt bằng trái phép gây tắc nghẽn dòng chảy kênh, mương.
1.10. UBND các huyện, thành phố hoàn thành tất toán Quỹ Phòng chống lụt bão để bàn giao cho cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai để quản lý, sử dụng theo quy định.
1.11. Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định để nắm chắc diễn biến tình hình, đề phòng tình huống xấu và chuẩn bị phương án ứng phó, đồng thời theo dõi và thông tin kịp thời diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai cho nhân dân trong khu vực biết để kịp thời ứng phó.
1.12. Các huyện, thành phố thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông qua Văn phòng thường trực
a. Báo cáo định kỳ:
- Báo cáo sơ kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 6 tháng đầu năm 2016 (thực hiện trước ngày 25 tháng 6) và 9 tháng đầu năm 2016 (thực hiện trước ngày 25 tháng 9);
- Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 (thực hiện trước ngày 15 tháng 12 năm 2016).
b. Báo cáo đột xuất:
- Đối với tình hình khẩn cấp có thiên tai xảy ra, phải báo cáo ngay bằng điện thoại, fax cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng thường trực số điện thoại + fax: 0643.828999 hoặc số di động thường trực 0918005372 và sau đó báo cáo chính thức bằng văn bản về tình hình thiệt hại, biện pháp khắc phục hậu quả và kiến nghị giải quyết.
2. Biện pháp công trình
2.1. Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công công trình: Đối với các công trình đang xây dựng dở dang chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trước, trong mùa mưa bão.
2.2. UBND các huyện, thành phố vận động nhân dân phát quang, nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, kênh mương làm ách tắc dòng chảy, hạn chế đến việc tiêu thoát nước; kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn; cắm biển cảnh báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao để cảnh báo; chỉ đạo các đơn vị là chủ đầu tư, các Ban quản lý, nhà thầu trên địa bàn có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trước, trong mùa mưa, bão.
2.3. Trang bị, nâng cấp và bảo vệ hệ thống, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị điện; khắc phục sửa chữa ngay khi xảy ra sự cố đường dây tải điện và có phương án đảm bảo nguồn điện dự phòng.
3. Biện pháp ứng phó với các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh
Trong năm gần đây, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu thiên tai xuất hiện bất thường, không theo quy luật, số lần xuất hiện ngày càng tăng và cường độ ngày càng lớn hơn. Theo số liệu thống kê, rà soát về các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trong những năm qua như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ cục bộ, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán,.. đã tác động trực tiếp làm thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước.
3.1. Công tác ứng phó với lũ cục bộ, triều cường:
a. Công tác truyền thông:
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cung cấp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông thực hiện, ưu tiên phát các tin về lũ cục bộ triều cường. Hình thức truyền thông tin từ các huyện, thành phố đến cộng đồng dân cư qua hệ thống truyền thanh của địa phương, loa cầm tay trực tiếp, xe loa tuyên truyền cơ động.
b. Tổ chức ứng phó:
b.1- Đối với UBND các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ bố trí lãnh đạo chủ chốt thường trực để xử lý các tình huống; Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn, sẵn sàng, triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, chủ động sơ tán nhân dân hạ du hồ chứa.
- Dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác, nhất là đối với những vùng dễ bị chia cắt, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn.
- Cắm biển báo, bố trí lực lượng chốt chặn ở những đoạn đường bị ngập sâu, cấm người, phương tiện qua lại ở những đoạn đường bị ngập và những nơi có dòng nước chảy xiết và các khu vực nguy hiểm.
- Tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực trọng điểm, các khu vực sơ tán đi và đến.
- Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ cho các công trình đang thi công và các công trình trọng điểm.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ để kịp thời cắt điện ở những vùng ngập...
- Triển khai thực hiện phương án phòng chống lũ cục bộ; rà soát các khu dân cư đang sống dọc ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở triều cường... triển khai phương án sơ tán nhân dân; thông báo tình hình mưa lũ, triều cường để nhân dân chủ động ứng phó, hạn chế đi lại trong vùng ngập lũ và triều cường.
b.2- Đối với các Sở, ban, ngành:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị tổ chức công tác ứng phó với lũ, triều cường.
c. Tổ chức sơ tán nhân dân
Trên cơ sở mức bão động lũ, triều cường phát lệnh sơ tán và chỉ huy công tác sơ tán; lực lượng hỗ trợ sơ tán nhân dân là lực lượng vũ trang như quân đội, công an... Rà soát lại số người sơ tán, kiểm tra an toàn nơi sơ tán đến; Hình thức sơ tán là người dân tự sơ tán là chính, ưu tiên sơ tán cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh. Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không chịu sơ tán, cố thủ thì tổ chức cưỡng chế sơ tán...
d. Phương án khắc phục hậu quả
- Huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm, tổ chức khắc phục hậu quả: Chăm sóc, điều trị người bị thương, thăm hỏi, động viên các gia đình có người tử nạn, bị nạn, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khôi phục nhà cửa, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, bưu điện, thủy lợi, hỗ trợ nông dân khôi phục và tổ chức sản xuất nông nghiệp...
- Vận động, tiếp nhận và phân phối kịp thời các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men, hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
- Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương.
3.2. Công tác ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn:
Tùy theo mức độ, cường độ các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức ứng phó theo phương án, kịch bản bão mạnh, siêu bão đã được ban hành. Tuy nhiên có thể bổ sung thêm các công việc tùy theo mức độ, cường độ.
3.3. Công tác ứng phó với nắng nóng, hạn hán:
a) Công tác truyền thông:
Đài Khí tượng Thủy văn cung cấp, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông thực hiện. Hình thức truyền thông tin từ các huyện, thành phố đến cộng đồng dân cư qua hệ thống truyền thanh của địa phương...
b) Tổ chức ứng phó:
b.1- Đối với UBND các huyện, thành phố:
+ Chỉ đạo, theo dõi sát diễn biến thời tiết; Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước vận hành hợp lý hồ chứa nước, công trình cấp nước, sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát nước; điều chỉnh giống cây trồng, vật nuôi; ưu tiên cung cấp điện và vật tư, nhiên liệu cần thiết cho các cho các trạm bơm.
+ Rà soát, bổ sung sẵn sàng triển khai phương án phòng chống hạn cho ưu tiên nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sau đó mới giải quyết đến công nghiệp...
b.2- Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh:
Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và PCLB, Trung tâm Khai thác công trình thủy lợi, và các chủ hồ có phương án tích nước, trữ nước hợp lý...
c) Phương án khắc phục hậu quả:
Tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương.
3.4. Công tác ứng phó với sạt lở đất:
a) Công tác truyền thông:
Tuyên truyền đến các hộ dân hiện đang sinh sống tại dọc ven sông, suối, sườn đồi, núi các khu vực nguy cơ cao. ..Hình thức truyền thông tin từ các huyện, thành phố đến cộng đồng dân cư qua hệ thống truyền thanh của địa phương.
b) Tổ chức ứng phó
b.1- Đối với UBND các huyện, thành phố:
+ Chỉ đạo, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, chủ động sơ tán nhân dân...
+ Cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân.
+ Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để kịp thời thông báo cho các khu dân cư đang sống dọc ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở.
b.1- Đối với các Sở, ban, ngành:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị tổ chức công tác ứng phó.
c) Tổ chức sơ tán nhân dân
- Lực lượng hỗ trợ sơ tán nhân dân là lực lượng vũ trang như quân đội, công an.., Rà soát lại số người sơ tán, kiểm tra an toàn nơi sơ tán đến; Hình thức sơ tán là người dân tự sơ tán là chính, ưu tiên sơ tán cho người già, trẻ em, phụ nữ, người bệnh. Đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân không chịu sơ tán, cố thủ thì tổ chức cưỡng chế sơ tán…
d) Phương án khắc phục hậu quả
- Huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm, tổ chức khắc phục hậu quả; Chăm sóc, điều trị người bị thương, thăm hỏi, động viên các gia đình có người tử nạn, bị nạn...
- Tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương...
3.5. Công tác ứng phó với sét đánh, lốc xoáy:
a) Tổ chức ứng phó:
Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết tìm nơi trú ẩn an toàn, không đứng dưới các cây to, cột điện khi có mưa dông, tắt điện thoại không sử dụng, không cầm vật dụng bằng sắt, nhà và các khu xây dựng phải có cột thu lôi...
b) Phương án khắc phục hậu quả
- Huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, nhu yếu phẩm, tổ chức khắc phục hậu quả: Chăm sóc, điều trị người bị thương, thăm hỏi, động viên các gia đình có người tử nạn, bị nạn...
- Tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền về tình hình thiệt hại và kết quả triển khai công tác khắc phục tại địa phương.
IV. Phân công trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm
1. Sở Nông nghiệp và PTNT - Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
1.1. Tham mưu các giải pháp công trình và phi công trình trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai. Chủ trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt.
1.2. Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận truyền phát các tin báo về diễn biến của khí tượng thủy văn, bão, áp thấp nhiệt đới và thời tiết nguy hiểm trên biển Đông để các cấp, các ngành và nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó;
1.3. Tổ chức trực ban kịp thời thông tin, cảnh báo cho các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn; tổ chức nhắn tin cảnh báo thiên tai cho nhân dân trên địa bàn thành phố biết để chủ động phòng, tránh.
1.4. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Trung tâm quản lý, khai thác công trình Thủy lợi và các chủ hồ khác trên địa bàn tỉnh:
+ Rà soát, kiểm tra công tác quản lý, khai thác vận hành tích nước và xả lũ đối với hồ đập trong phạm vi quản lý.
+ Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và hạ du trong mùa mưa, lũ.
+ Thực hiện báo cáo tình hình mực nước hồ, các sự cố gây mất an toàn... về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
1.5. Chỉ đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
- Tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; Tổ chức lực lượng trực ban 24h/24h theo quy định và phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị quản lý hồ, đập để điều tiết, giảm lũ, xả lũ hợp lý nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống úng ngập, lũ cục bộ triều cường....
- Thu thập xử lý thông tin, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để ra các chỉ lệnh kịp thời về phòng chống thiên tai; xây dựng, dự thảo các báo cáo theo quy định.
- Phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh và các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung thiết bị, mạng lưới các trạm đo mưa và trạm đo mực nước trên địa bàn phục vụ việc thông tin cảnh báo kịp thời, chủ động phòng, chống, ứng phó đạt hiệu quả trình UBND tỉnh.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh:
- Xây dựng và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phương án ứng phó với các loại hình thiên tai để tham gia ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai khi xảy ra. Hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt xây dựng lực lượng tại chỗ, trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ, hướng dẫn kỹ năng để ứng phó cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả các tình huống thiên tai.
- Thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch tổ chức tập kết, quản lý sử dụng các phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai; đặc biệt là tại các khu vực xung yếu (ven sông, ven suối, vùng trũng thấp, vùng dân cư đông đúc...). Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo sự phân công của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang gồm lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC tỉnh trong công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Công an tỉnh:
- Triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng tình hình thiên tai để trộm cắp, cướp giật.
- Tăng cường lực lượng hướng dẫn, giải quyết, xử lý ách tắc giao thông trong thời gian xảy ra thiên tai, nhất là thời điểm triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập sâu trên diện rộng; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện thủy, bộ vận chuyển trang thiết bị, vật tư xử lý các sự cố về tràn bờ, bể bờ bao, đảm bảo yêu cầu khắc phục nhanh nhất.
4. Sở Giao thông Vận tải:
- Phối hợp các địa phương, đơn vị kiểm tra bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân; điều phối, kiểm soát an toàn giao thông ở khu vực xảy ra thiên tai.
- Có kế hoạch dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ phù hợp với địa hình khi xảy ra thiên tai để kịp thời đáp ứng yêu cầu sơ tán dân cư, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ... theo lệnh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
- Xây dựng phương án của ngành để tham gia ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với tình huống thiên tai xảy ra, cứu hộ, cứu nạn.
5. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đóng trên địa bàn thành phố kiểm tra các trạm tiếp sóng viễn thông, bảo đảm cho mạng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống.
- Chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông triển khai, tổ chức thực hiện nhắn tin cảnh báo thiên tai qua điện thoại di động theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp vơi Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông triển khai, tổ chức định vị thuê bao di dộng để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng, kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
- Chủ trì, phối hợp với Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất thiết lập hệ thống thông tin dự phòng sử dụng công nghệ thông tin vệ tinh Inmarsat phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc hiện hữu.
6. Sở Xây dựng:
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra các nhà, xưởng, công trình, các công trường đang thi công (nhất là vấn đề an toàn đối với giàn giáo, cần cẩu...), chung cư xuống cấp không bảo đảm an toàn khi xảy ra thiên tai.
- Cảnh báo các chủ đầu tư có công trình ngầm chuẩn bị và thực hiện tốt nhất phương án chống ngập khi mưa bão, triều cường.
7. Sở Công Thương:
Chỉ đạo đảm bảo về dự trữ nhiên liệu, hàng hóa nhu yếu phẩm trong khắc phục hậu quả thiên tai. Xây dựng phương án của ngành để tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với tình huống thiên tai xảy ra.
8. Sở Y tế:
Chuẩn bị thuốc và dụng cụ y tế, phòng ngừa dịch bệnh, chỉ đạo hệ thống bệnh viện, trạm y tế, cấp cứu thương vong, phòng ngừa dịch bệnh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khắc phục hậu quả lụt bão. Xây dựng phương án của ngành để tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với tình huống thiên tai xảy ra.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tham mưu, đề xuất và sẵn sàng có kế hoạch chủ trì, phối hợp với địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức khắc phục môi trường, làm sạch môi trường sau thiên tai, sự cố.
- Khi có sự cố tràn dầu tham mưu, hướng dẫn các hoạt động trong khắc phục và làm sạch đường bờ, quản lý chất thải sau thu gom, có phương án bảo vệ vùng nhạy cảm, điều tra đánh giá thiệt hại về môi trường và xây dựng các chương trình phục hồi môi trường sau tràn dầu. Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan xác định nguyên nhân gây ra sự cố tràn dầu.
10. Sở lao động - Thương binh và Xã hội:
Tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ và của tỉnh về hỗ trợ đối với các gia đình có người chết, bị thương, nhà cửa bị đổ... do thiên tai gây ra, đồng thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố giải quyết các chính sách, chế độ trợ giúp đột xuất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai theo quy định.
11. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
- Phối hợp với UBND huyện, thành phố kiểm tra, khuyến cáo, yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa nô, biển quảng cáo đúng kỹ thuật, đề phòng gãy đổ, gây tai nạn khi có bão, lốc xoáy, giông gió.
- Phối hợp với các Ban Quản lý khu du lịch kiểm tra, khuyến cáo, yêu cầu các doanh nghiệp khi tổ chức sự kiện, du lịch, tham quan, lữ hành phải đảm bảo an toàn cho du khách tại nơi lưu trú, trên tàu du lịch, tàu nhà hàng, nhà hàng; khuyến cáo khách không tắm biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, tuân thủ nghiêm túc nội quy tại các khu du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng.
12. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Cân đối, bố trí vốn đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố triển khai thực hiện kịp tiến độ, đạt hiệu quả.
13. Đài Phái thanh và Truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh:
Thực hiện chế độ phát tin cảnh báo, thông báo, truyền tin khi xảy ra thiên tai theo quy định, thực hiện các chương trình chuyên đề về phòng, chống, ứng phó thiên tai, hiểm họa.
14. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ và các cấp:
Lập kế hoạch hỗ trợ cho nhân dân, để ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng bị thiên tai.
15. Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu:
Đảm bảo nguồn điện liên tục 24/24 giờ cho các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, điều hành, cảnh báo, dự báo, phòng, chống thiên tai, Bảo vệ hệ thống, thiết bị điện, trạm biến thế, đặc biệt là vấn đề an toàn trong sử dụng điện; đồng thời, xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, chuẩn bị máy phát điện dự phòng cho các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai.
16. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
Trực tiếp xuống địa bàn được phân công phụ trách để kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra. Chủ trì phối hợp cùng Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại một số huyện, thành phố trọng điểm.
17. UBND các huyện, thành phố:
- Cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh phê duyệt các kế hoạch, phương án Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương mình. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
- Lồng ghép nội dung chương trình Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Đôn đốc công tác thu nộp Quỹ phòng chống thiên tai hằng năm.
- Thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn để đề xuất giải pháp phòng ngừa và ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước. Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch hằng năm về tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng trong Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn theo Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 để tổ chức triển khai thực hiện.
- Tổ chức lực lượng trực ban 24h/24h theo quy định và phối hợp với các đơn vị quản lý hồ, đập để điều tiết, giảm lũ, xả lũ hợp lý nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc phòng, chống úng ngập, lũ cục bộ triều cường....
- Có kế hoạch hiệp đồng với các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn và các vùng giáp ranh lân cận về người và nhu yếu phẩm, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.. .khi có tình huống thiên tai xảy ra, để kịp thời ứng cứu.
1. Ngân sách Trung ương:
Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” đến năm 2020; Chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa đến năm 2020;
Công trình thủy lợi; Dự án đê, kè biển chống sạt lở bờ sông, bờ biển các đoạn qua xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, Chu Hải huyện Tân Thành và phường 12 thành phố Vũng tàu..., hệ thống cảnh báo thiên tai, các phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ...
2. Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh:
Sau sự cố, thiên tai xảy ra, UBND huyện, thành phố và Sở, ban, ngành có liên quan lập kế hoạch, phương án thẩm định tham, đề xuất UBND tỉnh sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai để khắc phục thiệt hại do các sự cố, thiên tai gây ra và các hạng mục khác theo quy định.
3. Ngân sách địa phương:
Đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, trang bị những điều kiện cần thiết phục vụ công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4. Ngoài ra, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn kinh phí tài trợ, hợp tác của các tổ chức phi Chính phủ.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan theo từng lĩnh vực địa bàn phụ trách triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh năm 2016. Trong quá trình tổ chức triển khai cần nghiên cứu cập nhật và đề xuất bổ sung sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Giao cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp đề xuất./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 2Quyết định 2101/QĐ-UBND năm 2016 sửa đổi Điều 6, 7 Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội theo Quyết định 1385/QĐ-UBND
- 3Quyết định 1074/QĐ-UBND về thành lập các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016 tỉnh Hà Tĩnh
- 4Quyết định 1436/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế về công tác trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 5Quyết định 1867/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch ứng phó sự cố tai nạn tàu, thuyền trên sông trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2020
- 6Quyết định 869/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2018
- 1Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 2Nghị định 66/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai
- 3Nghị định 94/2014/NĐ-CP thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai
- 4Công văn 3468/BNN-TCTL năm 2015 về xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lụt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 7Quyết định 2101/QĐ-UBND năm 2016 sửa đổi Điều 6, 7 Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội theo Quyết định 1385/QĐ-UBND
- 8Quyết định 1074/QĐ-UBND về thành lập các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016 tỉnh Hà Tĩnh
- 9Quyết định 1436/QĐ-UBND năm 2016 Quy chế về công tác trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 10Quyết định 1867/QĐ-UBND năm 2017 về Kế hoạch ứng phó sự cố tai nạn tàu, thuyền trên sông trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến năm 2020
- 11Quyết định 869/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2018
Quyết định 848/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Số hiệu: 848/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/04/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Nguyễn Văn Trình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/04/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực