Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 839/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 31 tháng 3 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA TRƯỜNG, LỚP HỌC VÀ NHÀ CÔNG VỤ CHO GIÁO VIÊN TỈNH QUẢNG NINH NĂM 2010

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003; Luât sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10/02/2009;
Căn cứ Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012;
Căn cứ Quyết định số 2186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ vốn thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008 - 2012;
Căn cứ văn bản số 24/BXD-KHCN ngày 07/3/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn áp dụng thiết kế mẫu phục vụ Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học;
Căn cứ văn bản số 1031/UBND-XD1 ngày 23/3/2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại về việc hoàn thành trạm y tế xã chuẩn quốc gia; kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh năm 2010;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 525/SGDĐT-KHTC ngày 22/3/2010, của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 722/KHĐT-VX ngày 26/3/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Quảng Ninh năm 2010 với những nội dung sau:

1/ Mục tiêu:

- Xoá bỏ phòng học học tạm thời các loại (bao gồm: các phòng học tranh tre, nứa lá, các phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác nhau, các phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp nặng, phòng học còn thiếu cần xây dựng bổ sung).

- Giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở những nơi có nhu cầu về nhà ở tập thể dành cho giáo viên.

2/ Yêu cầu:

- Kế hoạch thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn tỉnh được triển khai đối với các cơ sở giáo dục mầm non đến các cấp học phổ thông trong toàn tỉnh.

- Kết hợp việc thực hiện Kế hoạch với việc sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng chuẩn quốc gia nhằm sử dụng có hiệu quả các trường, lớp học mới được xây dựng.

- Các trường, lớp học xây dựng kiên cố theo tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng và tham khảo thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng ban hành tại Văn bản số 24/BXD-KHCN ngày 07/3/2008 về việc hướng dẫn áp dụng thiết kế mẫu phục vụ Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học.

3/ Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng: Năm 2010 hoàn thành việc xoá 100% phòng học tạm và có đủ nhà công vụ cho giáo viên. Tổng số phòng học đầu tư xây dựng khoảng 1.190 phòng và xây dựng kiên cố 368 nhà công vụ cho giáo viên, trong đó:

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành 299 phòng học kiên cố (bao gồm 179 phòng học tạm cần được kiên cố hóa và 120 phòng học xây mới để đáp ứng nhu cầu phát triển trường lớp của các địa phương) và 73 phòng công vụ giáo viên đã được quyết định đầu tư từ các nguồn vốn khác.

- Triển khai đầu tư xây dựng kiên cố để xoá 1.011 phòng học tạm và xây dựng 295 nhà công vụ cho giáo viên; với số vốn đầu tư khoảng 495 tỷ đồng.

4/ Nguồn vốn đầu tư:

- Ngân sách tỉnh cân đối 100% kinh phí xây lắp cho các phòng học, nhà công vụ giáo viên (gồm cả bếp, khu vệ sinh, hệ thống cấp nước sinh hoạt): 495 tỷ đồng.

- Ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động xã hội hoá để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, san nền, xây dựng các công trình phụ trợ và các khoản chi phí khác. 

- Các nguồn vốn đầu tư cho Kế hoạch thực hiện Đề án, đặc biệt nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng chế độ theo Luật Ngân sách.

5/ Tổ chức thực hiện:

5.1. Thành lập Ban Chỉ đạo tại các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân làm Trưởng ban; Lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo làm Phó ban thường trực; thành phần Ban chỉ đạo có đại diện cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và một số ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tham gia.

5.2. Trách nhiệm của các Sở, ngành:

5.2.1. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý, thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh, chịu trách nhiệm:

- Tổng hợp số lượng phòng học và nhà công vụ cần được kiên cố hóa thuộc Kế hoạch thực hiện Đề án trong toàn tỉnh;

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch;

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch của các địa phương, định kỳ hàng tháng báo cáo Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.

5.2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn để triển khai Kế hoạch; giao kế hoạch cụ thể cho các chủ đầu tư theo danh mục đã thống nhất.

- Tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý đầu tư của các Chủ đầu tư.

5.2.3. Sở Tài chính:

- Cân đối nguồn vốn ngân sách tỉnh để tạm ứng cho các địa phương, các chủ đầu tư thực hiện.

- Phối hợp với Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý giá vật liệu xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của các Chủ đầu tư.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng các nguồn vốn thực hiện Kế hoạch.

5.2.4. Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn thiết kế xây dựng phù hợp với điều kiện của từng địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình.

- Phối hợp với Sở Tài Chính hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của các Chủ đầu tư.

5.2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn các địa phương khẩn trương tiến hành đo vẽ và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường, đảm bảo hoàn thành trong năm 2010.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển quỹ đất, tạo nguồn thu ngân sách để bổ sung nguồn vốn thực hiện Kế hoạch.

5.3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn theo đúng mục tiêu, đúng trình tự xây dựng cơ bản, bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, chống thất thoát, tiêu cực.

- Kiểm tra, rà soát và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tính chính xác số lượng, danh mục phòng học tạm và nhà công vụ cho giáo viên cần đầu tư xây dựng, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu được phê duyệt. Đồng thời, triển khai ngay các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản, thẩm định và phê duyệt theo thẩm quyền để khởi công và phấn đấu hoàn thành xong trong năm 2010, đảm bảo kế hoạch đề ra. Yêu cầu trước khi xây dựng công trình, phải lập hồ sơ báo cáo hiện trạng kèm theo “ảnh chụp” chứng minh tình trạng thực tế của các phòng học tạm được xóa bỏ để xây dựng kiên cố.

- Có giải pháp huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện Chương trình xóa phòng học tạm, xây nhà công vụ cho giáo viên và kết hợp, lồng ghép sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn.

- Tận dụng quỹ đất hiện có để xử lý những khó khăn trong công tác đề bù giải phóng mặt bằng. Chủ động đo vẽ và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường học, đảm bảo hoàn thành trong năm 2010.

- Trong quá trình thực hiện, yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp để tham gia giám sát cộng đồng theo đúng quy định hiện hành; thường xuyên phản ánh, thông tin vướng mắc về Uỷ ban nhân dân tỉnh, thường trực Ban chỉ đạo của tỉnh và các Sở, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ, nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

- Thực hiện tốt công tác báo cáo, tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng và đánh giá kết quả thực hiện cả năm, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

5.4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến các địa phương phối hợp tuyên truyền rộng rãi để toàn xã hội cùng tham gia hưởng ứng, kiểm tra, giám sát việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên năm 2010 trên địa bàn tỉnh.

5.5. Các cơ quan thông tin đại chúng có nhiệm vụ tuyên truyền rộng rãi để toàn xã hội cùng tham gia hưởng ứng Kế hoạch thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên của tỉnh.

Điều 2. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ngành và đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 2 (thực hiện);
- V0, V1, V2, XD1-2, GD, TM2;
- TT Thông tin;
- Lưu: VT, XD1.
 XD40-QĐ63

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 839/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 839/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/03/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản