Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 838/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 16 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Căn cứ Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 53/TTr-SXD ngày 10 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

 

 

Nơi nhận:
 - Các Bộ: XD, KH và ĐT, TC;
 - TT tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
 - TT UBND tỉnh;
 - UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
 - Như Điều 4;
 - Lưu VT - Châu (30b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Đức Hải

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 22/2013/QĐ-TTG NGÀY 26 THÁNG 4 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở
(Ban hành kèm theo Quyết định số 838/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ LẬP ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết

Nhà ở là một trong những nhu cầu cơ bản của nhân dân, không thể thiếu của mỗi hộ gia đình và các nhân, nhiều năm qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, tập trung nhiều nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều chương trình lồng ghép để phát triển nhà ở cho các tầng lớp dân cư có khó khăn về nhà ở trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách là người có công với cách mạng. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân về nhà ở, hàng nghìn hộ dân, hộ người có công có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh có nhà ở ổn định, an toàn góp phần giảm nghèo, ổn định tình hình an sinh xã hội.

Tuy nhiên, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong những năm đầu khi thực hiện chính sách, định mức xây dựng căn nhà còn thấp, phần lớn nhà được xây dựng để hỗ trợ cho các gia đình chính sách thiếu kiên cố, mặt khác thời gian sử dụng đến nay đã nhiều năm, nhiều căn nhà bị xuống cấp hư hỏng, không đảm bảo an toàn trong sử dụng.

Ngày 26 tháng 4 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Đề án này được thực hiện theo Hướng dẫn của Bộ Xây dựng nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên trong năm 2013 và năm 2014. Để nguồn vốn chính sách hỗ trợ thực sự đến với người có công được kịp thời, đúng đối tượng, UBND tỉnh phân công trách nhiệm cho các ngành, các cấp để tổ chức triển khai thực hiện.

II. Các căn cứ pháp lý

Căn cứ Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Căn cứ Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở;

Căn cứ Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

Chương II

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NHÀ Ở VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở

I. Đánh giá thực trạng nhà ở người có công với cách mạng

+ Về số lượng nhà ở cần được hỗ trợ:

- Số liệu theo báo cáo của các huyện, thành phố tính đến ngày 02 tháng 01 năm 2014 có tổng số: 9. 539 nhà. (cần phải được xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp).

Trong đó:

- Hỗ trợ xây dựng mới: 3. 561 nhà

- Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp: 5. 978 nhà

+ Về chất lượng nhà ở: Qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng, thậm chí có nhiều nhà hư hỏng nặng.

+ Về điều kiện nơi ở của các hộ người có công còn nhiều khó khăn, thường là vùng sâu vùng xa, nhiều nơi kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa có đường giao thông cho xe cơ giới; điện, nước sinh hoạt gặp khó khăn. Kinh tế chậm phát triển, sản xuất tự cung tự cấp, năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ các hộ được hỗ trợ người có công còn chưa được đáp ứng kịp thời.

II. Kết quả thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở

- Chính sách theo Quyết định số 118/1996/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 1996 và Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2000, Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 cải thiện nhà ở đến năm 2008.

- Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức phát động kêu gọi các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ người có công trong tỉnh xây dựng nhiều nhà tình nghĩa.

+ Về ưu điểm: Chính sách nhằm mục đích hỗ trợ cho người có công khó khăn về nhà ở, giúp hộ người có công có nhà ở ổn định tạo điều kiện vươn lên Hòa chung với sự phát triển của cộng đồng, hộ người có công vui mừng phấn khởi đón nhận trước sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước.

+ Về các hạn chế, tồn tại:

Nhu cầu của đối tượng hộ người có công cần được giúp đỡ còn khá lớn, vốn Trung ương cấp có hạn, ngân sách địa phương khó khăn. Đối tượng người có công cư trú ở vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn nhiều gia đình và cộng đồng dân cư không có khả năng đóng góp.

Khả năng, năng lực chỉ đạo tổ chức thực hiện gặp khó khăn ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, nhiều xã chưa đủ điều kiện để đảm nhận và hoàn thành tốt vai trò được giao là chủ đầu tư.

Do đó cần sự chỉ đạo, tháo gỡ của cấp huyện, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng nhà ở.

Chương III

NỘI DUNG HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VỀ NHÀ Ở

(Theo Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)

I. Quan điểm

- Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy cần có sự phối hợp đồng bộ và huy động tổng hợp các nguồn lực: Nhà nước, Mặt trận, Hội, Đoàn thể, gia đình, họ tộc và cộng đồng tham gia thực hiện.

- Cùng với việc thực hiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng bằng nhiều hình thức như tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nâng cấp, đảm bảo nhà ở người có công từng bước được cải thiện cơ bản, bền vững góp phần ổn định cuộc sống người có công.

II. Mục tiêu

Trong năm 2014, phấn đấu hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 9. 539 nhà ở hộ gia đình người có công với cách mạng. Trong đó, hỗ trợ xây mới 3. 561 nhà; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp 5. 978 nhà.

III. Về nguyên tắc hỗ trợ

1. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình có một hoặc nhiều người có công với cách mạng có nhà ở bị hư hỏng, dột nát (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây mà nay nhà ở đã bị hư hỏng, dột nát) để các hộ gia đình này xây dựng nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở hiện có, bảo đảm nâng cao điều kiện nhà ở của người có công với cách mạng.

2. Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng phải bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

3. Việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được thực hiện theo phương châm Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả chính sách.

4. Việc hỗ trợ người có công với cách mạng xây dựng mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (nếu là những hộ độc thân thì có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên;

b) Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng quy định ở trên.

IV. Đối tượng được hỗ trợ về nhà ở

Đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là người có tên trong danh sách người có công với cách mạng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý tại thời điểm Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành.

2. Đang sinh sống và có đăng ký hộ khẩu thường trú trước ngày 15 tháng 6 năm 2013 (ngày Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành) tại nhà ở mà nhà ở đó có một trong các điều kiện sau:

a) Nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá đi xây dựng lại nhà ở mới;

b) Nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà.

V. Hình thức và mức hỗ trợ

Thực hiện hỗ trợ theo nội dung Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công bằng các hình thức: Tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng mới nhà ở; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp nhà ở.

1. Phá dỡ để xây mới nhà ở: Mức hỗ trợ 40. 000. 000 đồng/nhà

2. Sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở: Mức hỗ trợ 20. 000. 000

đồng/nhà.

Ngoài nguồn vốn trên có thể huy động thêm vốn từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ nhằm nâng cao hơn về diện tích, chất lượng và tiện nghi nhà ở của người có công với cách mạng.

VI. Chi phí quản lý

Sau ngày Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính có hiệu lực, UBND tỉnh giao Sở Tài chính bố trí kinh phí quản lý triển khai thực hiện chính sách nhưng với mức tối đa không quá 0, 5% tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện chính sách theo quy định.

VII. Quy trình thực hiện hỗ trợ

1. Căn cứ kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ, bố trí của ngân sách địa phương và huy động đóng góp từ các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh giao dự toán cho UBND các huyện, thành phố để triển khai thực hiện (trong đó chi tiết nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước). UBND cấp huyện thực hiện phân bổ kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và cấp kinh phí ủy quyền cho UBND các xã hoặc giao dự toán cho UBND xã theo hình thức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (kèm theo danh sách đối tượng được hỗ trợ về nhà ở trong Đề án được phê duyệt, mức hỗ trợ từng hộ gia đình theo địa bàn từng xã).

Việc quản lý, lập dự toán, cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính (sau ngày Thông tư số 98/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực).

2. Sau khi được phân bổ vốn, hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình người có công xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở trên cơ sở Đề án và danh sách của các huyện, thành phố. Trường hợp bản thân đối tượng hoặc gia đình không tự đảm bảo được thì UBND xã, phường, thị trấn nơi đối tượng cư trú có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Những hộ gia đình người có công trong danh sách, đề án được các cơ quan, đơn vị tặng nhà tình nghĩa, được tính vào chỉ tiêu thực hiện trong năm của Đề án.

VIII. Kinh phí thực hiện Đề án

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 263. 310. 000. 000, 0 đồng (A + B)

(Bằng chữ: Hai trăm sáu mươi ba tỷ, ba trăm mười triệu đồng)

- Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ 100%: 262. 000. 000. 000, 0 đồng (A)

Trong đó:

+ Hỗ trợ xây mới: 142. 440. 000. 000, 0 đồng

+ Hỗ trợ sửa chữa: 119. 560. 000. 000, 0 đồng

- Nguồn kinh phí quản lý của tỉnh 0, 5%: 1. 310. 000. 000, 0 đồng (B)

- Đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng có khó khăn đặc biệt về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn năm 2014.

IX. Phương thức thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở

1. Yêu cầu kỹ thuật và chất lượng

Việc lựa chọn quy mô và hình thức nhà ở, có thể áp dụng theo các mẫu được giới thiệu và phải đảm bảo theo yêu cầu được quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- Kết cấu: Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì nhà ở mới phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung - tường cứng, mái cứng).

- Nhà ở của các hộ gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ phải bảo đảm vệ sinh môi trường, bao che kín đáo, tránh được tác động xấu của khí hậu, thời tiết. Phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

2. Yêu cầu về tổ chức xây dựng nhà ở

a) Các hộ gia đình sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ nhà ở theo quy định thì tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật... ), không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.

b) UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, giám sát và giúp đỡ các hộ gia đình trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở; vận động các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giúp đỡ các hộ gia đình xây dựng nhà ở, tận dụng cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng và hộ gia đình về nhân công, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ... để giảm giá thành xây dựng.

3. Mẫu nhà ở

Để phù hợp với phong tục tập quán và tình hình thực tế tại địa phương Sơn La, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố hướng dẫn áp dụng theo mẫu Đề án hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở được phê duyệt tại Quyết định số 1167/QĐ-UBND ngày 04 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh trên cơ sở thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Sau khi hoàn thành việc xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở mà có thay đổi về diện tích nhà ở, nếu hộ gia đình được hỗ trợ có nhu cầu thì cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện cho các hộ gia đình thực hiện các thủ tục xác nhận thay đổi về nhà ở trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Thời hạn xác nhận các thay đổi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật.

X. Tiến độ thực hiện

Đề án thực hiện trong năm 2014, hỗ trợ 9. 539 nhà ở cho người có công với cách mạng, trong đó:

- Hỗ trợ xây mới nhà ở: 3. 561 nhà

- Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp: 5. 978 nhà

(có Phụ lục kèm theo).

XI. Phân công trách nhiệm

1. Sở Xây dựng (là cơ quan Thường trực)

- Chủ trì tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án; tham mưu UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo tình hình và tiến độ thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng tháng, quý và năm hoặc đột xuất gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thẩm định, phê duyệt danh sách người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương thực hiện Đề án. Sau khi được Trung ương cấp vốn, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh bố trí phân bổ nguồn vốn cho các địa phương thực hiện.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn cho Đề án theo quy định; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn cho các địa phương thực hiện.

- Quản lý, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 98/2013/TT-BTC ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng kinh phí quản lý của tỉnh 0, 5% tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Tổ chức tuyên truyền, vận động các Hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, quần chúng nhân dân tham gia hỗ trợ thực hiện Đề án.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn; cân đối ngân sách được cấp để hỗ trợ và tổ chức vận động nguồn lực khác (nếu có) thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra.

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng cấp huyện để tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở.

- Tổng hợp, báo cáo hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất kết quả thực hiện việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của các xã trên địa bàn (gồm số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình, số tiền huy động được từ các nguồn khác, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện).

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong việc thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

7. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

- Chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn; tổ chức vận động nguồn lực thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra;

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng cấp xã để tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở;

- Niêm yết công khai danh sách và mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng tại trụ sở của UBND cấp xã;

- Tổ chức việc lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo giai đoạn và Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng; lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở theo hướng dẫn tại Phụ lục số V và Phụ lục số VI Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Bộ Xây dựng;

- Chỉ đạo, giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ về nhà ở đúng mục đích, đảm bảo chất lượng nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa theo quy định;

- Tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện kết quả thực hiện việc hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn (gồm số hộ gia đình đã được hỗ trợ, số nhà ở đã được xây dựng mới hoặc sửa chữa, số tiền hỗ trợ đã cấp cho các hộ gia đình, số tiền huy động được từ các nguồn khác, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong quá trình thực hiện trên địa bàn).

Chương IV

HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

Đề án là điều kiện để khoảng 9. 539 hộ gia đình người có công trong tỉnh ổn định về chỗ ở, nhà ở an toàn trong giai đoạn 2014, có điều kiện đảm bảo nâng cao điều kiện sống, vệ sinh môi trường, sức khỏe tốt hơn, tập trung tích lũy cho sản xuất nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo.

Đây là chính sách lớn của Đảng và Chính phủ, để Đề án thực hiện có hiệu quả đòi hỏi các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo sát sao, quản lý chặt chẽ, tạo mọi điều kiện để các tổ chức quần chúng, tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, cộng đồng tham gia hỗ trợ ủng hộ thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Đề án. /.

 

PHỤ LỤC

TỔNG HỢP HỘ GIA ĐÌNH CÓ CÔNG ĐƯỢC HỖ TRỢ VỀ NHÀ Ở NĂM 2013 CỦA TỈNH SƠN LA

STT

Tên huyện, thành phố thuộc tỉnh

Tổng số hộ người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ xây dựng mới nhà ở (40 triệu đồng/hộ)

Tổng số tiền hỗ trợ để các hộ sửa chữa nhà ở (20 triệu đồng/hộ)

1

2

3

4

5

1

Sông Mã

818

10. 240. 000. 000

11. 240. 000. 000

2

Phù Yên

1. 619

19. 880. 000. 000

22. 440. 000. 000

3

Thuận Châu

1. 766

30. 720. 000. 000

19. 960. 000. 000

4

Mộc Châu

621

4. 760. 000. 000

10. 040. 000. 000

5

Mường La

54

720. 000. 000

720. 000. 000

6

Yên Châu

882

14. 680. 000. 000

10. 300. 000. 000

7

Quỳnh Nhai

83

760. 000. 000

1. 280. 000. 000

8

Mai Sơn

786

7. 880. 000. 000

11. 780. 000. 000

9

Bắc Yên

270

5. 320. 000. 000

2. 740. 000. 000

10

Sốp Cộp

917

18. 040. 000. 000

9. 320. 000. 000

11

Vân Hồ

607

10. 280. 000. 000

7. 000. 000. 000

12

TP Sơn La

1. 116

19. 160. 000. 000

12. 740. 000. 000

Tổng cộng

9. 539

142. 440. 000. 000

119. 560. 000. 000

1. Tổng số hộ được hỗ trợ (Chín nghìn, năm trăm, ba mươi chín hộ).

2. Tổng số tiền hỗ trợ để xây dựng mới nhà ở (Một trăm bốn mươi hai tỷ, bốn trăm bốn mươi triệu đồng).

3. Tổng số tiền hỗ trợ để sửa chữa nhà ở (Một trăm mười chín tỷ, năm trăm sáu mươi triệu đồng).

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 838/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Sơn La

  • Số hiệu: 838/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Bùi Đức Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản