THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 836/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KỶ NIỆM 1.000 NĂM THĂNG LONG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Thông báo số 118-TB/TW ngày 17 tháng 12 năm 2007 về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị và công tác chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA KỶ NIỆM 1.000 NĂM THĂNG LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 836/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (sau đây gọi chung là Ban Chỉ đạo) là bộ máy được thành lập để tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều hành công tác lập kế hoạch, chuẩn bị và triển khai mọi hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Điều 2. Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ thành lập và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng ban và các ủy viên là đại diện lãnh đạo của một số Bộ, Ban, ngành, Trung ương, thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố liên quan, Ban Chỉ đạo hoạt động trong thời gian tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào năm 2010. Ban Chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Các thành viên của Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 3. Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, vừa đảm bảo phát huy vai trò của tập thể Ban Chỉ đạo vừa đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên.
Trong phân công giải quyết công việc, mỗi việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị, một người phụ trách và chịu trách nhiệm chính. Cấp trên không làm thay cấp dưới, tập thể không làm thay cá nhân và ngược lại. Thành viên Ban Chỉ đạo chủ động triển khai thực hiện những công việc của Ban Chỉ đạo thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thành viên đó đại diện.
Chương 2.
TỔ CHỨC BỘ MÁY, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo được quy định tại Điều 2 Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Điều 5. Tổ chức bộ máy
1. Thành lập các Tiểu ban trực thuộc Ban Chỉ đạo, gồm:
- Tiểu ban Tuyên truyền, Giáo dục, Quảng bá do ông Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng Tiểu ban;
- Tiểu ban Đầu tư và Xây dựng do ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng Tiểu ban;
- Tiểu ban Văn hóa Nghệ thuật do ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Trưởng Tiểu ban;
- Tiểu ban Đại lễ do ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội làm Trưởng Tiểu ban.
Trưởng Tiểu ban quyết định ủy viên các Tiểu ban phù hợp nội dung hoạt động của Tiểu ban.
2. Bộ phận Thường trực Ban Chỉ đạo gồm:
- Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, các Phó Trưởng ban, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo.
- Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, do Phó Trưởng ban Thường trực quyết định và trực tiếp chỉ đạo. Văn phòng có 1 Chánh Văn phòng, có 2 đến 3 Phó Văn phòng và cán bộ chuyên trách giúp việc. Quy chế hoạt động của Văn phòng Ban Chỉ đạo do Phó Trưởng ban Thường trực quy định.
Điều 6. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo
1. Trưởng Ban Chỉ đạo (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ): chỉ đạo chung toàn bộ chương trình, kế hoạch kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược và việc tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào năm 2010.
2. Phó Trưởng ban Thường trực (Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội): thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công và ủy quyền; trực tiếp chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long của thành phố Hà Nội; phối hợp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố khác chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; theo dõi, đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao, chuẩn bị báo cáo sơ kết, tổng kết; trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
3. Phó Trưởng ban (Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội): thực hiện các nhiệm vụ được Trưởng ban phân công và ủy quyền; trực tiếp giúp việc Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
4. Phó Trưởng ban (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương): giúp Trưởng ban định hướng tuyên truyền, giáo dục về các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
5. Phó Trưởng ban (Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư): chỉ đạo công tác đầu tư, xây dựng, cân đối vốn đầu tư cho các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
6. Phó Trưởng ban (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): chỉ đạo các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tu bổ tôn giáo tạo các công trình di tích lịch sử - văn hóa và tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
7. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Xây dựng): chỉ đạo các công trình xây dựng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng kế hoạch, tiến độ.
8. Ủy viên (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ): tổng hợp ý kiến đề xuất, báo cáo sơ kết, tổng kết và kiến nghị cơ chế, chính sách để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
9. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Tài chính); chỉ đạo hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, cấp phát vốn ngân sách nhà nước, các nguồn vốn tài trợ khác cho các đề án, dự án, các công trình và các hoạt động phục vụ chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
10. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ): chỉ đạo việc thực hiện các đề án nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực (xã hội và tự nhiên) thuộc chương trình kỷ niệm như KX.09 và các hoạt động liên quan.
11. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải): chỉ đạo đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình xây dựng, cải tạo hạ tầng giao thông đô thị thành phố Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
12. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng): chỉ đạo công tác bàn giao mặt bằng khu Thành cổ Hà Nội cho thành phố Hà Nội đảm bảo tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; phối hợp với Bộ Công an đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn phục vụ các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
13. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Công an): chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ các hoạt động kỷ niệm, đặc biệt là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
14. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông): chỉ đạo công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
15. Ủy viên (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao): chỉ đạo công tác lễ tân đối ngoại và phối hợp tuyên truyền, quảng bá các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
16. Ủy viên (Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam): chỉ đạo công tác vận động các đoàn thể chính trị xã hội, quần chúng nhân dân trong cả nước tham gia các hoạt động kỷ niệm và xã hội hóa các chương trình, công trình xây dựng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
17. Ủy viên (Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam): chỉ đạo công tác nghiên cứu về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các chương trình Hội thảo quốc gia và quốc tế về Thăng Long – Hà Nội.
18. Ủy viên (Chủ tịch toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam): phát động cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật có chủ đề “Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến”, chỉ đạo xây dựng chương trình nghệ thuật đỉnh cao tại thời điểm tuần lễ kỷ niệm chính thức năm 2010 và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
19. Ủy viên (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam): chỉ đạo công tác biên soạn bộ lịch sử ”Thủ đô Hà Nội” ấn hành trong năm 2010; cố vấn cho chương trình sản xuất phim truyện lịch sử về Thăng Long – Hà Nội; phối hợp tham gia các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
20. Ủy viên (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh): chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại địa phương và phối hợp với thành phố Hà Nội tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; tu bổ tôn tạo di tích; giới thiệu các công trình của tỉnh Bắc Ninh.
21. Ủy viên (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình): chỉ đạo các hoạt động và tu bổ tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư; tuyên truyền, quảng bá trong các tầng lớp nhân dân về các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; giới thiệu các công trình của tỉnh Ninh Bình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại địa phương và phối hợp với thành phố Hà Nội trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
22. Ủy viên (Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ): chỉ đạo các hoạt động và tu bổ tôn tạo di tích Đền Hùng; tuyên truyền quảng bá trong các tầng lớp nhân dân về các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; giới thiệu các công trình của tỉnh Phú Thọ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; tổ chức Lễ hội Đền Hùng cùng các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại địa phương và phối hợp với thành phố Hà Nội trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
23. Ủy viên (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội): chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long trên địa bàn thành phố Hà Nội.
24. Ủy viên (Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội): trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và xây dựng mới các công trình văn hóa kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long trên địa bàn thành phố Hà Nội; xây dựng kịch bản chương trình kỷ niệm và Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long trong năm 2010 tại thời điểm lịch sử; đầu mối các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
25. Ủy viên (Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo): trực tiếp điều hành hoạt động Văn phòng Ban Chỉ đạo, tham mưu, tổng hợp, giúp việc, phục vụ, công tác của Ban Chỉ đạo.
Chương 3.
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC, LỀ LỐI LÀM VIỆC VÀ CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Điều 7. Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ thông qua Trưởng ban và các Phó Trưởng ban. Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Trưởng ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của đơn vị mình trong công tác.
Điều 8. Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau và bố trí cán bộ giúp theo dõi công việc của đơn vị mình theo nhiệm vụ được giao.
Điều 9. Ban Chỉ đạo thường xuyên liên hệ công tác với các cơ quan Trung ương, các tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố trong cả nước để phối hợp triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Điều 10. Văn phòng Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc lập kế hoạch, chuẩn bị nội dung, tài liệu cho các buổi họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo; dự thảo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo giao.
Điều 11. Chế độ họp
1. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 3 tháng một lần và có thể họp đột xuất để giải quyết công việc cấp bách.
2. Các Tiểu ban định kỳ họp định kỳ 1 tháng một lần để đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ, xác định khó khăn vướng mắc và kiến nghị biện pháp giải quyết; trường hợp đặc biệt tổ chức họp đột xuất để giải quyết công việc cần làm ngay; đôn đốc các tổ chức, đơn vị được giao các đề án, dự án thực hiện đúng tiến độ.
Điều 12. Chế độ thông tin, báo cáo
Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm và báo cáo đột xuất thông qua Văn phòng Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo Trưởng ban.
Điều 13. Kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bố trí. Việc thực hiện chi tiêu tuân thủ theo chế độ tài chính kế toán hiện hành của Nhà nước.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hay phát sinh vấn đề mới cần điều chỉnh, Văn phòng Ban Chỉ đạo tổng hợp trình Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long xem xét, quyết định./.
Quyết định 836/QĐ-TTg năm 2008 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 836/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/06/2008
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/06/2008
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định