Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 836/QĐ-BNV | Hà Nội, ngày 26 tháng 05 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI) HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN VIỆT NAM (2008 - 2013)
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (nhiệm kỳ 2008 - 2013) đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II thông qua vào ngày 02 tháng 12 năm 2008, tại Hà Nội.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ và Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/ĐIOXIN VIỆT NAM
(Phê duyệt theo Quyết định số 836/QĐ-BNV ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (viết tắt là Hội) là một tổ chức xã hội. Hội đoàn kết, tập hợp các nạn nhân bị tổn thương bởi chất độc hóa học, phần lớn là do chất độc da cam có chứa dioxin của các công ty hóa chất Mỹ sản xuất và quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nạn nhân chất độc da cam) và các tầng lớp nhân dân Việt Nam tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả chất độc da cam/đioxin nhằm góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, vì lợi ích của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Hội hoạt động theo pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo Điều lệ này. Hội là Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bảo trợ. Hội chịu sự quản lý của Nhà nước.
Hội quan hệ, hợp tác với các tổ chức trong nước và trên thế giới theo nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với pháp luật của Nhà nước Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, hoặc công nhận, phù hợp với thông lệ quốc tế.
1. Tên hội: “Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam”.
2. Tên giao dịch quốc tế:
“Viet Nam Association for victims of Agent Orange/Dioxin”.
3. Tên viết tắt bằng tiếng Anh: “VAVA”.
4. Biểu tượng Hội: “Hình tròn, ở giữa có ba hình bán thân màu cam tượng trưng cho các thế hệ nạn nhân chất độc da cam trên nền vàng nhạt, dưới có chữ VAVA, bao quanh có dòng chữ màu xanh lá cây: Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam và hình bông lúa”.
Hội là một tổ chức xã hội của những nạn nhân chất độc da cam là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cá nhân tự nguyện hoạt động đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
1. Hội được thành lập nhằm huy động mọi tiềm năng của xã hội, các các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài, tạo mọi điều kiện giúp đỡ để những nạn nhân chất độc da cam và gia đình hòa nhập cộng đồng, xã hội góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
2. Hội giáo dục, động viên nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn vươn lên, tổ chức chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân.
1. Hội hoạt động trong phạm vi cả nước.
2. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng tại Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước.
3. Trụ sở của Trung ương Hội đặt tại Thủ đô Hà Nội.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI
1. Vận động các tầng lớp nhân dân trong xã hội phát huy truyền thống của dân tộc “Thương người như thể thương thân” đùm bọc, thương yêu giúp đỡ các nạn nhân về tinh thần, vật chất nhằm vượt qua đau đớn về thể xác, giảm bớt được khó khăn trong cuộc sống, khuyến khích nạn nhân chiến thắng bệnh tật, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan để tiếp tục lao động cống hiến cho xã hội.
2. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
3. Đại diện cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, trong quan hệ quốc tế và trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội
1. Tập hợp, đoàn kết, động viên nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng, chấp hành pháp luật Nhà nước.
2. Tổ chức các hoạt động và vận động sự đóng góp của các cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội nghề nghiệp … trợ giúp về vật chất và tinh thần để cùng Nhà nước tạo điều kiện cho những nạn nhân chất độc da cam cải thiện đời sống, hòa nhập với cộng đồng. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động của Hội.
3. Đề xuất và kiến nghị với Nhà nước ban hành, bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân chất độc da cam.
4. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực hoạt động nhân đạo giúp đỡ cho các nạn nhân chất độc da cam. Trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của Hội phù hợp với pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Tham gia hoạt động đối ngoại nhân dân vì lợi ích của các nạn nhân chất độc da cam.
Điều 7. Nguyên tắc hoạt động của Hội
1. Tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Đoàn kết, tương trợ, bình đẳng và hợp tác.
HỘI VIÊN, HỘI VIÊN DANH DỰ, CỘNG TÁC VIÊN, NGƯỜI BẢO TRỢ, TÌNH NGUYỆN VIÊN
Hội viên của Hội bao gồm:
1. Người Việt Nam bị phơi nhiễm và tổn thương chất độc da cam/đioxin do các công ty hóa chất Mỹ sản xuất và quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và các tổ chức, cá nhân tán thành Điều lệ tự nguyện xin vào Hội thì được xem xét, kết nạp vào Hội. Việc kết nạp hội viên do Thường vụ Ban Chấp hành Hội quyết định;
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài có công đóng góp cho Hội được mời và công nhận làm Hội viên danh dự của Hội. Hội viên danh dự không tham gia ứng cử, đề cử vào Ban Lãnh đạo và không tham gia biểu quyết các quyết định của Hội.
Điều 9. Cộng tác viên; người tài trợ; tình nguyện viên
1. Cộng tác viên là những người tham gia một số hoạt động của Hội, tham gia tìm kiếm hoặc tham gia thực hiện các dự án vì lợi ích của Hội.
2. Người tài trợ là người đóng góp thường xuyên về tài chính, vật chất cho Hội.
3. Tình nguyện viên là những người tự nguyện tham gia các hoạt động điều trị bệnh tật, phục hồi chức năng, dạy nghề, dạy học và giúp đỡ nạn nhân hoà nhập với cộng đồng.
4. Cộng tác viên; người tài trợ, tình nguyện viên được Hội tạo điều kiện tham gia các hoạt động của Hội.
1. Tham gia sinh hoạt tại các tổ chức của Hội, được thảo luận và biểu quyết các công việc của Hội.
2. Bầu cử, ứng cử, đề cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
3. Được nhận sự hỗ trợ giúp đỡ theo khả năng của Hội, được bảo vệ khi các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp bị xâm phạm.
4. Được đề xuất, góp ý kiến và đề nghị Hội kiến nghị với các cơ quan hữu quan về các vấn đề mà mình quan tâm.
Điều 11. Nghĩa vụ của Hội viên
1. Chấp hành Điều lệ Hội, Nghị quyết của Đại hội cũng như các Nghị quyết khác của Hội;
2. Tham gia các hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ được Hội phân công.
3. Đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để cùng phấn đấu thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội; tham gia đóng góp vào việc vận động ủng hộ, phát triển Hội.
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CẤP HỘI
1. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thành lập ở trung ương và địa phương.
a. Ở trung ương: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có phạm vi hoạt động toàn quốc, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập và phê duyệt Điều lệ.
b. Ở địa phương: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập và phê duyệt Điều lệ, theo nhu cầu của địa phương. Hội tự nguyện tuân theo Điều lệ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, được Ban Chấp hành trung ương Hội xem xét, công nhận làm hội thành viên.
2. Tổ chức Hội, gồm:
a. Đại hội đại biểu, hoặc Đại hội toàn thể;
b. Ban Chấp hành;
c. Ban Thường vụ Ban Chấp hành, Ban Thường trực;
d. Ban Kiểm tra;
đ. Cơ quan Trung ương Hội;
e. Các hội thành viên;
g. Các tổ chức trực thuộc Hội được thành lập theo quy định của pháp luật.
1. Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội. Đại hội nhiệm kỳ được tổ chức 5 năm một lần do Ban Chấp hành đương nhiệm triệu tập.
2. Nhiệm vụ, quyền của Đại hội:
a. Thảo luận Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ cũ và phương hướng nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ mới của Hội;
b. Thảo luận Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra;
c. Thảo luận và thông qua Điều lệ hoặc Điều lệ sửa đổi, bổ sung;
d. Thảo luận và thông qua Nghị quyết của Đại hội;
đ. Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra. Hình thức bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra do Đại hội quyết định.
3. Trong trường hợp đặc biệt, để giải quyết các vấn đề cấp bách của Hội, Ban Chấp hành có thể triệu tập Đại hội bất thường, theo đề nghị của Chủ tịch Hội, hoặc của trên 50% tổng số Ủy viên Ban Chấp hành.
4. Giấy triệu tập Đại hội, chương trình nghị sự, tài liệu sử dụng trong Đại hội phải gửi đến các cấp hội trực thuộc ít nhất hai tuần trước ngày họp.
5. Các nghị quyết của Đại hội được thông qua bằng biểu quyết theo đa số quá bán. Mỗi đại biểu, hoặc hội viên dự họp có 1 phiếu. Hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.
1. Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ Đại hội. Danh sách và số lượng ủy viên Ban Chấp hành do Ban Chấp hành nhiệm kỳ cũ giới thiệu được Đại hội thông qua. Số lượng ủy viên, cơ cấu Ban Chấp hành do Đại hội quyết định, gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Chủ tịch các hội thành viên và Trưởng các đơn vị trực thuộc Hội.
2. Ban Chấp hành có nhiệm kỳ là 05 năm, trường hợp cần bầu bổ sung, hoặc thay thế ủy viên Ban Chấp hành giữa nhiệm kỳ thì Chủ tịch giới thiệu, Ban Chấp hành thông qua. Số lượng bầu bổ sung không quá 10% tổng số ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội bầu. Hình thức bầu bổ sung do Hội nghị Ban Chấp hành quyết định.
3. Ban Chấp hành hoạt động theo Quy chế do Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành thông qua.
4. Ban Chấp hành Trung ương Hội một năm họp một lần. Các phiên họp Ban Chấp hành là hợp lệ khi có mặt quá nửa tổng số ủy viên Ban Chấp hành.
5. Các quyết định và nghị quyết của Ban Chấp hành được thông qua bằng biểu quyết và chỉ có hiệu lực khi có trên 50% tổng số ủy viên Ban Chấp hành dự họp tán thành. Nếu phiếu thuận và không thuận ngang nhau, bên nào có ý kiến của Chủ tịch Ban Chấp hành sẽ được chấp thuận. Hình thức biểu quyết do Ban Chấp hành quyết định.
6. Ban Chấp hành có những nhiệm vụ quyền hạn:
a. Quyết định các biện pháp thực hiện nghị quyết của Đại hội;
b. Thông qua kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của Ban Chấp hành;
c. Thông qua kế hoạch tài chính và quyết toán tài chính hàng năm, hoặc cả nhiệm kỳ của Hội;
d. Giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ Đại hội;
đ. Quy định các nguyên tắc, chế độ quản lý, quy chế sử dụng tài chính của Hội, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ quan Hội;
e. Bầu cử, bãi miễn các ủy viên Ban Thường vụ Ban Chấp hành, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký. Hình thức bỏ phiếu bầu, hoặc bãi miễn do Ban Chấp hành quyết định;
g. Quyết định khen thưởng, kỷ luật.
h. Quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, Hội nghị thường kỳ, Hội nghị bất thường.
Điều 15. Ban Thường vụ Ban Chấp hành, Thường trực Hội
1. Ban Thường vụ Ban Chấp hành (gọi tắt là Ban Thường vụ) là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành. Số lượng và hình thức bầu Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quy định. Ban Thường vụ họp 03 tháng 01 lần. Ban Thường vụ họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch, hoặc của trên 50% tổng số ủy viên Ban Thường vụ. Các cuộc họp của Ban Thường vụ là hợp lệ khi có quá nửa tổng số ủy viên Ban Thường vụ dự họp. Nghị quyết của Ban Thường vụ có giá trị khi quá bán số ủy viên dự hội nghị tán thành. Ban Thường vụ gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký (Thư ký) và các ủy viên.
Ban Thường vụ có nhiệm vụ, quyền hạn:
a. Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đại hội, của Ban Chấp hành Hội;
b. Thông qua việc phân bổ, sử dụng tài sản, tài chính của Hội;
c. Quyết định các vấn đề về tổ chức và hội viên của Hội;
d. Thông qua báo cáo kết quả hoạt động và kế hoạch, chương trình hoạt động sắp tới của Ban Thường vụ và nội dung, chương trình kỳ họp tới của Ban Chấp hành;
2. Thường trực Hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký (Thư ký), Chủ tịch phân công để đảm nhiệm công việc hàng ngày.
1. Ban Kiểm tra do Đại hội bầu, có từ 03 đến 05 thành viên, do 01 Trưởng ban phụ trách. Hình thức bầu do Ban Chấp hành quyết định. Ban Kiểm tra có cùng nhiệm kỳ của Ban Chấp hành.
2. Ban Kiểm tra hoạt động theo Quy chế do Ban Chấp hành thông qua.
3. Ban Kiểm tra có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a. Kiểm tra, giám sát hoạt động của hội viên và tổ chức trực thuộc Hội trong việc chấp hành pháp luật liên quan đến hoạt động của Hội, Điều lệ Hội, các Nghị quyết của Đại hội, của Ban Chấp hành và Quy chế quản lý tài chính, tài sản Hội;
b. Kiểm tra, thông báo với hội viên và kiến nghị xử lý các vấn đề do Ban Chấp hành hoặc hội viên đề nghị.
4. Trưởng ban kiểm tra được dự các kỳ họp của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội cùng cấp và cấp dưới.
Điều 17. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch
1. Chủ tịch Ban Chấp hành do Ban Chấp hành bầu. Chủ tịch Ban Chấp hành đồng thời là Chủ tịch Hội.
2. Chủ tịch có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a. Đại diện về mặt đối nội, đối ngoại của Hội;
b. Đề xuất phương hướng, chủ trương, biện pháp nhằm đảm bảo Hội hoạt động theo đúng pháp luật nhà nước, Điều lệ Hội, Nghị quyết Đại hội; xây dựng, kiện toàn Hội phát triển vững mạnh về tất cả các mặt;
c. Chủ tài khoản của Hội;
d. Tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội, nghị quyết Ban Chấp hành và nghị quyết Ban Thường vụ;
e. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ;
g. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ban Chấp hành và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội;
h. Ký quyết định thành lập, giải thể các ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật;
i. Phê duyệt nhân sự, quy chế làm việc của các tổ chức thuộc cơ quan Hội, quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hội.
3. Các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành do Ban Chấp hành bầu theo sự giới thiệu của Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch Ban Chấp hành đồng thời là các Phó Chủ tịch Hội.
Các Phó Chủ tịch là người giúp việc cho Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và có thể được ủy quyền điều hành công việc khi Chủ tịch vắng mặt.
Điều 18. Phó Chủ tịch - Tổng thư ký
1. Phó Chủ tịch - Tổng thư ký (Ủy viên Thư ký) do Ban Chấp hành bầu, theo sự giới thiệu của Chủ tịch.
2. Tổng thư ký có nhiệm vụ, quyền hạn:
a. Đại diện cho cơ quan trung ương Hội trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
b. Tổ chức soạn thảo kế hoạch và đôn đốc kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội, nghị quyết Ban Chấp hành và Ban Thường vụ;
c. Tổ chức, điều hành hoạt động hàng ngày của cơ quan Trung ương Hội;
d. Xây dựng các quy chế hoạt động của cơ quan, quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hội trình Ban Thường vụ thông qua;
đ. Ngoài những sự kiện đặc biệt cần thông tin kịp thời, ba tháng 01 lần, thông báo kết quả hoạt động các mặt của Hội cho Ban Chấp hành, các hội thành viên và đơn vị trực thuộc biết;
e. Tổ chức soạn thảo báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành và các báo cáo gửi tới các cơ quan Đảng, Chính quyền và Mặt trận cùng cấp theo quy định;
g. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ban Chấp hành về các hoạt động của cơ quan Hội.
Điều 19. Cơ quan trung ương Hội
1. Cơ quan trung ương Hội hoạt động theo Quy chế do Ban Thường vụ thông qua.
2. Tổ chức cơ quan trung ương Hội do Ban Thường vụ thông qua.
3. Các nhân viên cơ quan trung ương Hội phải là những người được đào tạo chuyên môn theo chức trách có trách nhiệm cao, tuyển dụng qua phỏng vấn công khai, làm việc theo hợp đồng và chức trách được giao.
4. Kinh phí hoạt động hàng năm của cơ quan trung ương Hội do Phó Chủ tịch - Tổng thư ký dự trù, Ban Thường vụ thông qua.
Điều 20. Các đơn vị trực thuộc Hội
Hội có thể thành lập một số đơn vị trực thuộc, hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của Hội, theo nghị quyết của Ban Thường vụ. Việc thành lập các đơn vị này phải tuân thủ quy định của pháp luật và do Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội ra quyết định.
1. Tài chính của Hội bao gồm:
a. Nguồn ủng hộ của nhân dân và các tổ chức trong và ngoài nước;
b. Nguồn tài trợ của ngân sách Nhà nước (nếu có);
c. Hội phí;
d. Các nguồn thu hợp pháp khác.
2. Tài chính của Hội chi vào những việc sau:
a. Chi các khoản trợ giúp nạn nhân, bao gồm: trợ giúp khó khăn đột xuất, tặng quà nhân dịp lễ, tết, làm nhà, trợ cấp hoặc cho vay vốn sản xuất không lấy lãi, điều trị bệnh, nuôi dưỡng, dạy nghề, dạy học …
b. Chi cho các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội; chi phụ cấp, lương cho cán bộ nhân viên chuyên trách của Hội; chi phí hành chính, văn phòng.
c. Chi khen thưởng.
3. Việc chi phải căn cứ vào nguồn lực hiện có của Hội theo nguyên tắc tự trang trải là chủ yếu.
Tài sản do Nhà nước tài trợ, do nhân dân và các tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ đều là tài sản của Hội, do Hội quản lý, sử dụng theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
Điều 23. Quản lý tài sản, tài chính của Hội
1. Tài sản, tài chính của Hội được quản lý theo quy chế hoạt động do Ban Thường vụ quy định phù hợp với chế độ quản lý tài chính của Nhà nước. Tất cả tài sản, thu chi tài chính của Hội đều phải được thể hiện đầy đủ trên sổ sách kế toán của Hội.
2. Hàng năm, Hội phải lập báo cáo tài chính theo quy định về quản lý tài chính hiện hành, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về hội theo quy định của pháp luật. Báo cáo tài chính hàng năm của Hội phải được báo cáo công khai trước Ban Thường vụ và Hội nghị Ban Chấp hành. Báo cáo tài chính cả nhiệm kỳ được báo cáo công khai trước Đại hội.
Những tập thể, hoặc cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội được Hội xét khen thưởng hoặc đề nghị Mặt trận Tổ quốc, hoặc Nhà nước khen thưởng. Hình thức, chế độ khen thưởng thực hiện theo hướng dẫn của Nhà nước và của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
Những tập thể hoặc cá nhân ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo các tổ chức trực thuộc Hội, hội viên vi phạm Điều lệ, Nghị quyết của Hội, hoặc làm tổn thương đến uy tín, danh dự Hội, hoặc xâm phạm, làm thất thoát tài chính, tài sản của Hội thì tùy theo mức độ sai phạm có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức kỷ luật:
1. Với tập thể: Phê bình; Cảnh cáo;
2. Với cá nhân: Bãi miễn chức vụ; xóa tên khỏi danh sách hội viên; buộc bồi thường thiệt hại. Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý theo pháp luật.
Điều 26. Chấp hành Điều lệ Hội
1. Các cấp Hội và hội viên trong toàn quốc phải nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ Hội.
2. Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ hướng dẫn việc thi hành Điều lệ Hội.
Điều 27. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ
Chỉ Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn quốc của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.
Điều lệ này gồm 7 Chương, 28 Điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam nhiệm kỳ II (2008 - 2013) sửa đổi, bổ sung và thông qua ngày 02 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội. Điều lệ có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định phê duyệt.
- 1Luật về quyền lập hội 1957
- 2Nghị định 88/2003/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội
- 3Nghị định 48/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ
- 4Quyết định 365/QĐ-BNV năm 2014 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Quyết định 836/QĐ-BNV năm 2009 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (2008 - 2013) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 836/QĐ-BNV
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 26/05/2009
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Trần Hữu Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/05/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra