Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83/2007/QĐ-UBND

Tp Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 06 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG NUÔI, VẬN CHUYỂN CÁ SẤU SỐNG VÀ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY HIỂM

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Quyết định số 54/2006/QĐ-BNN ngày 05 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp;
Căn cứ Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản;
Căn cứ Quyết định số 208/2005/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển cá sấu trên địa bàn thành phố đến năm 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 615/TTr-SNN-VP ngày 21 tháng 5 năm 2007, 

 QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và điều kiện an toàn trong hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở - ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Chi cục Kiểm lâm và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.                                                                             

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 

 Nguyễn Trung Tín

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG NUÔI, VẬN CHUYỂN CÁ SẤU SỐNG VÀ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY HIỂM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Kèm theo Quyết định số 83/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý trại nuôi và điều kiện an toàn trong hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm với bất kỳ mục đích gì, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ TRẠI NUÔI CÁ SẤU VÀ CÁC LOÀI  ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY HIỂM

Điều 3. Điều kiện chung về trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm

1. Tổ chức, cá nhân nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm phải đăng ký trại nuôi tại Chi cục Kiểm lâm; trại nuôi cá sấu nói riêng và các loài động vật hoang dã nguy hiểm nói chung phải đáp ứng các điều kiện về trại nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ).

Cụ thể trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm, phù hợp với năng lực sản xuất của trại nuôi.

b) Có đăng ký trại nuôi tại Chi cục Kiểm lâm, được Chi cục Kiểm lâm kiểm tra, thẩm định và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

c) Bảo đảm các điều kiện an toàn cho ng­­ười và vệ sinh môi trường theo quy định của Nhà nước.

d) Có người đủ chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý, kỹ thuật nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, chăm sóc và ngăn ngừa dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chi cục Kiểm lâm có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân đăng ký trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ.

Điều 4. Thủ tục đăng ký trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm

1. Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm nộp tại Chi cục Kiểm lâm để được thẩm định theo quy định, thành phần hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau đây:

a) Đơn đăng ký trại nuôi theo mẫu;

b) Bản thông tin về trại nuôi theo mẫu, quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP như sau:

- Phụ biểu 3-B: Đối với các loài cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm thuộc Phụ lục I của Công ước CITES.

- Phụ biểu 4-B: Đối với các loài cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm thuộc Phụ lục II, Phụ lục III của Công ước CITES.

(Kèm theo Quyết định này Phụ lục Đơn đăng ký trại nuôi và Phụ biểu 3-B, Phụ biểu 4-B của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ)

Điều 5. Trách nhiệm quản lý, xác nhận trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm

1. Chi cục Kiểm lâm là cơ quan có trách nhiệm quản lý, thẩm định, xác nhận trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ và kiểm tra điều kiện an toàn trong hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm tại Quy định này.

2. Trình tự thủ tục, thời hạn thẩm định và xác nhận đăng ký trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm:

Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 4 của Quy định này, Chi cục Kiểm lâm phải hoàn thành việc thẩm định hồ sơ đăng ký và:

a) Đối với loài cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm thuộc Phụ lục I của Công ước CITES thì Chi cục Kiểm lâm thẩm định hồ sơ và gửi hồ sơ đã thẩm định cho cơ quan quản lý CITES xem xét, cơ quan quản lý CITES gửi hồ sơ đăng ký cho Ban Thư ký CITES quốc tế xem xét, chấp nhận, sau đó cơ quan quản lý CITES cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi.

b) Đối với loài cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm thuộc Phụ lục II, Phụ lục III của Công ước CITES thì Chi cục Kiểm lâm thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi.

3. Trường hợp từ chối tiếp nhận hồ sơ, Chi cục Kiểm lâm phải thông báo ngay bằng văn bản lý do từ chối cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm.

4. Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm theo quy định tại Phụ biểu 5 của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ.

(Kèm theo Quyết định này Phụ biểu 5 của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ)

Điều 6. Điều kiện an toàn chuồng, trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm

Tổ chức, cá nhân nuôi cá sấu phải xây dựng chuồng trại đảm bảo điều kiện an toàn tối thiểu như sau:

1. Trại nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm phải có tường rào xung quanh, xây dựng bằng vật liệu kiên cố; tường rào cao tối thiểu là 1,5 mét; tại các khu vực có nền đất yếu, tường rào phải xây dựng âm xuống đất tối thiểu 0,5 mét để tránh trường hợp cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm nhũi đất thoát ra ngoài.

2. Chuồng, trại nuôi phải đảm bảo kỹ thuật an toàn cho người và vật nuôi, tuyệt đối không để cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm tấn công người, hoặc sổng chuồng, thoát ra khỏi trại nuôi đe dọa tính mạng, sức khỏe con người.

3. Bảo đảm vệ sinh chuồng, trại, phòng chống được bệnh tật phát sinh, không gây ô nhiễm môi trường, không thải nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

4. Tổ chức, cá nhân nuôi cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm với mục đích phục vụ khách tham quan du lịch, chuồng trại nuôi phải có hàng rào kiên cố, phải có nhân viên kỹ thuật hướng dẫn và bảo vệ du khách, không để du khách thò tay, chân hoặc té ngã vào chuồng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, sức khỏe của du khách.

5. Trường hợp cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm thoát khỏi trại nuôi, chủ trại nuôi phải báo ngay cho Chi cục Kiểm lâm, Chính quyền địa phương, các cơ quan Công an, hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời xử lý. Chi cục Kiểm lâm chịu trách nhiệm bảo vệ hiện trường và thu bắt cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm sổng. 

Chương 3:

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN CÁ SẤU SỐNG VÀ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY HIỂM

Điều 7. Thủ tục, vận chuyển cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm

Tổ chức, cá nhân vận chuyển cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm phải lập thủ tục theo quy định tại Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 8. Điều kiện an toàn khi vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm

Tổ chức, cá nhân vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm phải nhốt trong các loại dụng cụ chuyên dùng (lồng, chuồng, thùng,…) làm bằng vật liệu chắc chắn, hoặc sử dụng công cụ, phương tiện khác nhưng phải đảm bảo tuyệt đối cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm không thể tấn công người, không để cá sấu và các loài động vật hoang dã nguy hiểm thoát ra ngoài môi trường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người.

Chương 4:

THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Các cơ quan: Kiểm lâm, Công an, Quản lý thị trường, Kiểm dịch động vật, Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bảo vệ môi trường theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mình có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã quy định tại Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm quy định tại Quyết định này thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quy định này theo thẩm quyền.

2. Các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện của thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi ngành, mỗi cấp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra thi hành Quy định này.

Điều 11. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp vướng mắc, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Chi cục Kiểm lâm để trình Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

                                                                                                   

QUY CÁCH

TỐI THIỂU CHUỒNG NUÔI CHO MỘT CON CÁ SẤU VÀ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY HIỂM

TT

LOÀI

Quy cách (mét)

Ghi chú

1

Cá sấu

1,2 x 1,2 x 2

Kể cả hồ nước

2

Vượn, khỉ

2 x 3 x 3

Khung sắt, Lưới B 40

3

Kỳ đà

1,2 x 1,2 x 1,5

Kể cả hồ nước

4

Gấu

3 x 3 x 3

Khung sắt, Lưới B 40

5

Cu li

1 x 1 x 1

Nt

6

Rắn các loại

1 x 1,5 x 0,5

Khung sắt, gỗ, gạch, lưới mùng, nuôi 10-12 con trong một chuồng

7

Mèo rừng, chồn

1 x 2 x 2

Nt

8

Heo rừng

2 x 2 x 2

Nt

9

Nhím

1 x 2 x 1,5

Nt

10

Trăn

1 x 2 x 1

Khung sắt, lưới mạ kẽm

11

Hổ, báo

5 x 5 x 5

Tường gạch, lưới B 40

12

Nhện, bò cạp

1 x 1 x 1

Khung sắt, gỗ, lưới mùng, nuôi nhiều con trong một chuồng

 

PHỤ LỤC:

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TRẠI NUÔI CÁ SẤU VÀ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY HIỂM

I. ĐƠN ĐĂNG KÝ TRẠI NUÔI

 

 

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

ĐƠN ĐĂNG KÝ LẬP TRẠI, GÂY NUÔI, NHÂN GIỐNG CÁ SẤU VÀ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY HIỂM 

     

Kính gửi: Chi cục Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh

 

Tôi tên là: ........................................................................................   Sinh năm........................

Địa chỉ thường trú: ...……………………………………….……………………....................

CMND:……………………do CA…….........……... cấp ngày …...... tháng ......... năm .........

Điện thoại: ……………………....................………….    Fax: ....................…………………

Địa chỉ trại nuôi: …………………………...................………………………….…………....

Giấy Chứng nhận đăng ký: Số……................... Do .......………........... Cấp............................

Tôi xin đăng ký lập trại gây nuôi, nhân giống loài động vật hoang dã sau đây:

 

Tên loài nuôi tiếng Việt, tên khoa học

Số lượng nuôi

Quy cách - trọng lượng

Ghi Chú

Đực

Cái

Chưa xác định

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn gốc: ……………………...................………………………………………….………

Nuôi vì mục đích: ...........................………...................………………………………………

Diện tích chuồng trại: …………………………………...................………m2 .......................

Kiến trúc xây dựng :………………………………………………...................………………

Trong quá trình gây nuôi, nhân giống và phát triển, tôi xin chấp hành đúng  những quy định về việc bảo vệ phát triển động vật hoang dã; không mua các loài động vật hoang dã đánh bắt ngoài thiên nhiên, bán trôi nổi trên thị trường không có nguồn gốc chứng minh hợp pháp.

Việc gây nuôi đúng pháp luật, chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn cho người và vật nuôi; thường xuyên báo cáo kịp thời về sự thay đổi của trại cho cơ quan chức năng (Chi cục Kiểm lâm sở tại); mở sổ ghi chép theo mẫu hướng dẫn của Chi cục Kiểm lâm và chấp hành sự kiểm tra và hướng dẫn của cơ quan chức năng. Nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

TP. Hồ Chí Minh, ngày ......./......./200

CHỦ NUÔI

Ký, ghi rõ họ, tên

 

 

II. THÔNG TIN TRẠI NUÔI KÈM THEO ĐƠN ĐĂNG KÝ

Phụ biểu 3-B: Mẫu hồ sơ đăng ký các trại nuôi sinh sản động vật hoang dã quy định tại Phụ lục I của Công ước CITES và Nhóm I-B theo quy định của pháp luật Việt Nam

1. Tên và địa chỉ của trại:

2. Họ, tên chủ trại hoặc người đại diện:                              

Số CMND/Hộ chiếu:                         Ngày cấp:                    Nơi cấp:

3. Loài đăng ký gây nuôi sinh sản (tên khoa học, tên thông thường):

4. Thông tin chi tiết về số lư­­ợng và tuổi của con đực, cái trong đàn giống sinh sản:

5. Tài liệu chứng minh các con giống có nguồn gốc hợp pháp theo quy định hiện hành hoặc nếu nhập khẩu thì phải chứng minh đ­ư­ợc việc nhập khẩu phù hợp với các quy định của Công ư­­ớc CITES và luật pháp quốc gia:

6. Nếu trại mới sản xuất đư­­ợc thế hệ F1 thì cung cấp tài liệu chứng minh trại được quản lý và hoạt động theo phư­­ơng pháp mà một trại khác đã áp dụng và được công nhận đã sản xuất đư­­ợc thế hệ F2:

7. Sản lư­­ợng hàng năm trư­­ớc đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới:

8. Loại sản phẩm (động vật sống, da, xư­­ơng, huyết thanh, các bộ phận hoặc dẫn xuất khác):

9. Mô tả chi tiết phư­­ơng pháp đánh dấu mẫu vật (dùng thẻ, chíp điện tử, cắt tai, cắt vẩy), nhằm xác định nguồn giống sinh sản, các thế hệ kế tiếp và các loại sản phẩm xuất khẩu:

10. Mô tả cơ sở hạ tầng của trại nuôi: diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, khả năng thú y, vệ sinh môi trư­ờng, cách thức lưu trữ thông tin:

11. Các trại nuôi sinh sản những loài không phân bố ở Việt Nam phải trình bằng chứng nguồn giống là mẫu vật tiền Công ­ư­ớc, có nguồn gốc từ mẫu vật tiền Công ước hoặc đư­­ợc đánh bắt tại quốc gia có loài đó phân bố theo đúng các quy định của Công ư­­ớc và luật pháp của quốc gia đó:

12. Các trại nuôi sinh sản những loài không phân bố ở Việt Nam phải trình giấy chứng nhận mẫu vật không mang dịch bệnh hoặc không gây hại cho các hoạt động kinh tế khác của quốc gia:        

13. Các thông tin khác theo yêu cầu của Công ước CITES đối với những loài động vật quy định tại Phụ lục I của Công ước.

 
 Phụ biểu 4-B: Mẫu hồ sơ đăng ký trại nuôi sinh sản động vật hoang dã quy định tại các Phụ lục II, III của Công ước CITES và Nhóm II-B theo quy định của pháp luật Việt Nam

Các trại nuôi sinh sản phải có văn bản đề nghị và gửi kèm theo hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sau đây:

 

1. Tên và địa chỉ của trại:

2. Họ, tên chủ trại hoặc người đại diện:                                            

Số CMND/Hộ chiếu:                     Ngày cấp:                  Nơi cấp:

3. Loài đăng ký nuôi sinh sản (tên khoa học và tên thông thường):

4. Thông tin chi tiết về số lư­­ợng và tuổi của con đực, cái trong đàn giống sinh sản:

5. Tài liệu chứng minh các con giống đó được đánh bắt hợp pháp theo quy định hiện hành hoặc nếu nhập khẩu thì phải chứng minh đ­ư­ợc việc nhập khẩu đó phù hợp với các quy định của Công ư­­ớc CITES và luật pháp quốc gia:

6. Thông tin về tỷ lệ chết trung bình hàng năm của động vật nuôi và lý do:

7. Sản lư­­ợng hàng năm trư­­ớc đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới:

8. Bản đánh giá nhu cầu và nguồn cung cấp mẫu vật để tăng cư­­ờng nguồn giống sinh sản nhằm phát triển nguồn gen:

9. Loại sản phẩm xuất khẩu (động vật sống, da, xư­ơng, huyết thanh, các bộ phận hoặc dẫn xuất khác):

10. Mô tả cơ sở hạ tầng của trại nuôi: diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, khả năng thú y, vệ sinh môi trường và cách thức l­ư­u trữ thông tin:

 

Phụ biểu 5: Mẫu Giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, nuôi sinh    trưởng, trồng cấy nhân tạo

 

TÊN CQ, TC CẤP TRÊN

TÊN CƠ QUAN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


......, ngày ...... tháng ...... năm ......

 

 

 GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ

TRẠI NUÔI SINH SẢN/NUÔI SINH TRƯỞNG/TRỒNG CẤY  NHÂN TẠO ĐỘNG, THỰC VẬT HOANG DÃ

 

Trại nuôi sinh sản/cơ sở trồng cấy nhân tạo (tên đăng ký):

 Địa chỉ:

 Mã số (do cơ quan đăng ký cấp):

 Tên khoa học/thông thường loài nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo (nếu nuôi, trồng cấy nhiều loài thì kèm theo danh sách riêng):

Chứng nhận trại nuôi sinh sản/cơ sở trồng cấy nhân tạo có tên nói trên đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số……………………………............................……… về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

 

CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ

(Chữ ký, con dấu)

 

 

(Họ, tên người ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 83/2007/QĐ-UBND quy định về quản lý và điều kiện an toàn trong hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu sống và các loài động vật hoang dã nguy hiểm do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 83/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/06/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Trung Tín
  • Ngày công báo: 01/07/2007
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 18/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản