Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 818/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 10 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH SẢN XUẤT RAU, VẢI THIỀU AN TOÀN  TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020”

CHỦ TỊCH UBND TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ - CP ngày 07-9-2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ - CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ - CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội;

Căn cứ Quyết định số 3662/QĐ - NNN - HTQT ngày 20-11-2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học” vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB);

Căn cứ Quyết định số 1038/QĐ - BNN - HTQT ngày 22-4-2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Sổ tay hướng dẫn thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học” (2513 - VIE) vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB);

Căn cứ Quyết định 379/BNN - KHCN năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau, quả và chè an toàn;

Căn cứ Quyết định số 84/2008/QĐ - BNN ngày 28 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành quy chế chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Viet GAP) cho rau, quả và chè an toàn;

Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ - BNN ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy định quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại Tờ trình số: 324/TTr - KHĐT - QHTH ngày 27 tháng 3 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch sản xuất rau, vải thiều an toàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020” gồm các nội dung chính sau:

I. Tên Quy hoạch: “Quy hoạch sản xuất rau, vải thiều an toàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020”.

II. Phương án quy hoạch:

1. Mục tiêu quy hoạch

a) Lập Quy hoạch, đánh giá chất lượng đất trồng, nước phục vụ sản xuất, lập bản đồ vùng sản xuất rau, vải thiều an toàn trong tỉnh, trong đó xác định các vùng sản xuất rau an toàn, vải thiều tập trung đến năm 2020.

b) Xác định các tiểu dự án xây dựng mô hình sản xuất (SAZ) rau, vải thiều an toàn đến năm 2020, đảm bảo cơ cấu chủng loại rau, vải thiều theo nhu cầu của thị trường, có cơ cấu luân canh hợp lý và đề xuất một số giải pháp phát triển.

c) Đến năm 2020: 50% cơ sở chế biến bảo quản rau, vải thiều áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, ISO; 100% diện tích rau, quả tại các vùng sản xuất an toàn tập trung áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hại HACCP.

2. Phương án quy hoạch:

a) Quy hoạch vùng sản xuất rau, vải thiều an toàn đến năm 2020

Quy mô quy hoạch vùng sản xuất rau, vải thiều an toàn đến năm 2020 toàn tỉnh là 9.998 ha, bao gồm:

- Vùng sản xuất rau an toàn với quy mô 4.139 ha tại 41 xã trên địa bàn 11 huyện, thành phố, thị xã.

- Vùng sản xuất vải an toàn với quy mô 5.859 ha tại 30 xã trên địa bàn huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh.

b) Các tiểu dự án xây dựng mô hình sản xuất rau, vải thiều an toàn đến năm 2020 (mô hình điểm):

Toàn tỉnh xây dựng 10 tiểu dự án xây dựng mô hình sản xuất rau, vải thiều an toàn đến năm 2020 với quy mô 328 ha, bao gồm 08 mô hình sản xuất rau an toàn với quy mô 280 ha, 02 mô hình sản xuất vải an toàn với quy mô 48 ha. Tiến độ thực hiện trong từng giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 2012 - 2015:

+ Triển khai 04 mô hình sản xuất rau an toàn gồm: xã Tam Kỳ huyện Kim Thành quy mô 25 ha; xã Phạm Trấn huyện Gia Lộc quy mô 27 ha; xã Hiến Thành huyện Kinh Môn quy mô 30 ha; xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện quy mô 24 ha.

+ Triển khai xây dựng mô hình sản xuất vải an toàn tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà quy mô 28 ha.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Triển khai xây dựng 04 mô hình sản xuất rau an toàn gồm: xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng quy mô 30 ha; xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ quy mô 80 ha; xã An Lâm, huyện Nam Sách quy mô 14 ha; xã Nhân Huệ, thị xã Chí Linh quy mô 50 ha.

+ Triển khai xây dựng mô hình sản xuất vải an toàn tại phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh quy mô 20 ha.

III. Vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư:

1. Vốn đầu tư:

Tổng kinh phí thực hiện quy hoạch 2.396 tỷ 655 triệu đồng (Hai nghìn, ba trăm, chín mươi sáu tỷ, sáu trăm năm mươi lăm triệu đồng). Bao gồm:

- Vốn đầu tư XDCB 2.348 tỷ 355 triệu đồng, bao gồm:

Xây dựng hệ thống giao thông

443.000 tr.đ

Xây dựng hệ thống thủy lợi

705.405 tr.đ

Xây dựng hệ thống điện

 64.200 tr.đ

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng khác

 1.119.750 tr.đ

Mua sắm thiết bị nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm

16.000 tr.đ

- Vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 48 tỷ 300 triệu đồng, bao gồm:

Quản lý chất lượng sản phẩm rau an toàn

5.400 tr.đ

Xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn về rau an toàn

42.900 tr.đ

2. Phân kỳ đầu tư và nguồn vốn đầu tư:

a) Giai đoạn 2012 - 2015:

Tổng kinh phí đầu tư 179 tỷ 797 triệu đồng, bao gồm:

- Vốn đầu tư XDCB: 163 tỷ 497 triệu đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư từ Dự án QSEAP do Ngân hàng Châu Á tài trợ chiếm 90%, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương 10%.

- Vốn sự nghiệp KHCN 16 tỷ 300 triệu đồng: huy động từ nguồn vốn sự nghiệp KHCN Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

Tổng kinh phí đầu tư 2.216 tỷ 858 triệu đồng, bao gồm:

- Vốn đầu tư XDCB: 2.184 tỷ 858 triệu đồng.

Trong đó: Sử dụng vốn kết dư của Dự án QSEAP (nếu có) và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách (Trung ương, địa phương) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Vốn sự nghiệp KHCN: 32 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn sự nghiệp KHCN Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

IV. Các giải pháp thực hiện quy hoạch (chi tiết như trong báo cáo quy hoạch)

Bao gồm các giải pháp chính như sau:

1. Giải pháp kỹ thuật xây dựng cơ sở hạ tầng: giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, cung cấp điện, hệ thống nhà lưới, nhà sơ chế và lắp đặt các thiết bị.

2. Giải pháp về khoa học và công nghệ.

3. Giải pháp về đào tạo nhân lực.

4. Giải pháp về chính sách khuyến nông.

5. Giải pháp về thị trường.

V. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối phát triển sản xuất rau, vải thiều an toàn theo quy hoạch: Tổ chức công bố công khai quy hoạch được phê duyệt; tham gia các hoạt động cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện sản xuất an toàn; chủ trì tổ chức việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy hoạch.

2. Sở Khoa học và Công nghệ: đầu tư các đề tài, dự án khoa học công nghệ góp phần hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tại vùng sản xuất rau, vải an toàn.

3. Sở Lao động và TBXH: đầu tư các dự án về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân trên địa bàn quy hoạch.

4. Các Sở, ngành khác có liên quan, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các chính sách, giải pháp để thực hiện có hiệu quả quy hoạch được phê duyệt.

5. UBND cấp huyện trong vùng dự án thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch để chỉ đạo thống nhất việc triển khai quy hoạch, các dự án trên địa bàn.

6. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân: tổ chức tốt các khâu sản xuất, quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan: Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đơn vị thực hiện.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Thừa