Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 809/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2011 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung chủ yếu sau đây:
Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối bảo đảm nguồn thực phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, giữ vững uy tín thương hiệu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
1. Kiện toàn và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, củng cố và phát triển lực lượng kiểm soát về chất lượng và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối từ Trung ương đến các địa phương.
2. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản và muối, đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực, cam kết quốc tế.
3. Xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng tiên tiến, hiện đại phục vụ yêu cầu của công tác quản lý và hội nhập trong giai đoạn mới.
1. Củng cố, kiện toàn bộ máy hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản.
a) Mục tiêu: Nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của ngành và hội nhập kinh tế quốc tế.
b) Nội dung:
Rà soát, đánh giá lại về tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản của Trung ương và các địa phương;
Nghiên cứu một số mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của các nước tiên tiến và các nước có điều kiện phát triển tương đồng;
- Sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ và củng cố, kiện toàn bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Chi Cục các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng quản lý thống nhất từ trang trại đến bàn ăn, theo từng chuỗi ngành hàng thuộc lĩnh vực quản lý;
- Xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có liên quan;
Xác định khung định biên nhân lực theo vị trí việc làm, làm cơ sở cho việc kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của các địa phương;
- Từng bước phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản cho Ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã;
- Thí điểm thành lập đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện dịch vụ công về tư vấn, kiểm nghiệm, chứng nhận quá trình và sản phẩm nông lâm thủy sản tại một số địa phương có điều kiện.
c) Thời gian thực hiện: 2011 - 2012.
2. Nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuyên ngành
a) Mục tiêu: Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, đảm bảo kiểm soát quá trình sản xuất kinh doanh đối với thực phẩm có nguồn gốc từ nông, lâm, thủy sản và muối cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
b) Nội dung:
- Rà soát đánh giá hiện trạng của hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; nghiên cứu mô hình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của các nước tiên tiến và các nước có điều kiện phát triển tương đồng;
- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm, thủy sản và muối chuyên ngành;
- Củng cố và phát triển lực lượng thực hiện công tác kiểm soát từ cơ sở sản xuất đến tiêu dùng và xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá; trước mắt phát triển nhanh các dịch vụ tư vấn, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối, phát triển lực lượng của các cơ sở sản xuất kinh doanh để thực hiện tự kiểm soát quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ;
- Xây dựng cơ chế phối hợp kiểm soát giữa cơ quan quản lý nhà nước với lực lượng xã hội hoá;
- Hoàn thiện, bổ sung các chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh ngành hàng.
c) Thời gian thực hiện: 2012 - 2014.
3. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
a) Mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo phù hợp với sự phát triển của ngành và các cam kết quốc tế
b) Nội dung:
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản và muối;
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quy định quốc tế, đáp ứng các cam kết của WTO.
c) Thời gian thực hiện: 2011 - 2012.
4. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng tiên tiến, hiện đại
a) Mục tiêu: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống kiểm soát theo hướng tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng sự phát triển của ngành và yêu cầu của thị trường quốc tế.
b) Nội dung:
- Xây dựng mới 1 - 2 phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản tương đương khu vực và tham gia hệ thống phòng kiểm nghiệm kiểm chứng ASEAN;
- Nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm chuyên ngành thành các phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia các nhóm chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm các nhóm ngành hàng động vật, thực vật, thủy sản theo quy định của Luật An toàn thực phẩm;
- Nâng cấp các phòng kiểm nghiệm chuyên ngành thuộc các Tổng cục, Cục đủ năng lực để phân tích 100% chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối, đạt tiêu chuẩn TCVN/ISO 17025;
- Xây dựng phòng kiểm nghiệm cơ bản cho các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở các tỉnh, thành phố trọng điểm;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối từ Trung ương đến các địa phương và cơ sở;
- Xây dựng phòng kiểm tra, kiểm nghiệm nhanh về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm sản, thủy sản và muối nhập khẩu thí điểm tại một số cửa khẩu trọng điểm;
c) Thời gian thực hiện: Từ 2012 đến 2015.
1. Về cơ chế chính sách
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính phù hợp hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối theo hướng nâng cao mức độ tự chủ, song song với đảm bảo từ ngân sách nhà nước.
- Hoàn thiện các quy định về thu, nộp và lệ phí quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối bảo đảm đồng bộ và thống nhất trong toàn quốc;
- Nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy xã hội hoá theo hướng mở rộng mô hình hợp tác công tư; khuyến khích đầu tư của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các dịch vụ tư vấn, đào tạo kiểm nghiệm, chứng nhận đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối;
- Nghiên cứu xây dựng khung định biên nhân lực theo vị trí việc làm cho các cơ quan quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản ở Trung ương và địa phương.
2. Đẩy mạnh phân cấp, xã hội hoá công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản và muối
- Phát triển nhanh lực lượng kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuyên ngành của các địa phương; bố trí cán bộ chuyên trách công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm ở các huyện, quận; đồng thời giao nhiệm vụ cho nhân viên Thú y, nhân viên Bảo vệ thực vật, nhân viên Khuyến nông - Khuyến ngư của các xã;
- Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải nhanh chóng tự tổ chức lực lượng và tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất đến kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm;
- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm... nhằm tăng cường công tác tự kiểm soát, giám sát các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất;
- Xây dựng và phát triển mô hình tự quản lý và kiểm soát của cơ sở sản xuất kinh doanh; phát triển mô hình cộng tác viên ở cơ sở giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm chuyên trách và theo mùa vụ;
- Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý, kiểm soát cho các cấp của địa phương và các lực lượng xã hội tham gia.
3. Đào tạo nguồn nhân lực
- Khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo về công tác quản lý, kiểm soát ở các cấp và cơ sở sản xuất;
- Tăng cường các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ, công chức ở Trung ương, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là các chính sách, quy định mới có liên quan của Việt Nam và quốc tế, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài đối với công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm;
- Tổ chức thường xuyên các khoá bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn ngày cho các đối tượng là cán bộ, công chức chuyên trách ở cấp huyện, xã và các đối tượng là lực lượng kiểm soát, nhân viên, cán bộ làm việc tại các cơ sở sản xuất;
- Xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
4. Cải cách hành chính:
- Xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối phục vụ sự chỉ đạo kịp thời, đồng thời đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu;
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các thủ tục hành chính đảm bảo thủ tục gọn nhẹ, đơn giản, thông tin được cập nhật liên tục, nhanh chóng, chính xác và được lưu trữ;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai dịch vụ công phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
5. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; tập trung nghiên cứu các phương pháp phân tích, phát hiện, xác định nhanh, chính xác và có hiệu quả; tập trung đầu tư nghiên cứu, phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm làm cơ sở thiết lập các biện pháp quản lý.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế: Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề tài, dự án hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực liên quan. Mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Tăng cường tham gia đàm phán các thoả thuận hợp tác song phương, đa phương về công nhận, thừa nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.
V. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN
1. Dự án 1 "Đầu tư tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ Trung ương đến địa phương", bao gồm các tiểu dự án:
- Xây dựng mới phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương chuẩn khu vực.
- Nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm chuyên ngành thuộc Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật thành các phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia.
- Tăng cường năng lực các phòng kiểm nghiệm chuyên ngành (còn lại) thuộc các Cục, Tổng Cục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Xây dựng thí điểm phòng kiểm tra, kiểm nghiệm nhanh chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu tại một số cửa khẩu trọng điểm.
- Xây dựng phòng kiểm nghiệm cơ bản cho các Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Dự án 2 "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối chuyên ngành".
3. Dự án 3 "Tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối".
4. Dự án 4 "Tăng cường năng lực phân tích, quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối".
1. Kinh phí thực hiện đề án được huy động từ nhiều nguồn: Ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn của các doanh nghiệp, của các tổ chức và cá nhân.
Trong đó:
a) Ngân sách trung ương ưu tiên đầu tư: Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, các trang thiết bị, công nghệ của các phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng, phòng kiểm nghiệm chuyên ngành của cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; kiện toàn bộ máy hệ thống cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.
b) Ngân sách địa phương cùng với hỗ trợ của Trung ương thực hiện: Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị của các phòng kiểm nghiệm của cơ quan quản lý địa phương phục vụ việc quản lý và giám sát rủi ro; kiện toàn bộ máy của hệ thống cơ quan quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm các cấp; tổ chức đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng công chức, viên chức và nhân viên, cộng tác viên của địa phương; xây dựng, củng cố, hoàn thiện lực lượng kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản và muối và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường kỳ và đột xuất.
c) Vốn của các tổ chức, cá nhân:
Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các phòng kiểm nghiệm để thực hiện quản lý quá trình sản xuất kinh doanh hoặc thực hiện theo các hợp đồng dịch vụ tư vấn, chứng nhận về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức xây dựng lực lượng kiểm soát hoạt động theo hướng xã hội hoá; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm việc của các doanh nghiệp, của lực lượng kiểm soát xã hội hoá;
- Khai thác tốt các nguồn vốn đầu tư khác thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế song phương và đa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ....
2. Nhu cầu kinh phí thực hiện đề án
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án: Khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trong đó:
- Ngân sách trung ương: 40%
- Ngân sách địa phương: 37%
- Vốn ODA và vốn huy động của các tổ chức, cá nhân: 23%
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan để chỉ đạo, xây dựng lộ trình chi tiết; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; chủ trì tổ chức thực hiện các dự án 1, 2 và 4 và phối hợp với các địa phương thực hiện các dự án 1 và 3.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối, bố trí kinh phí để các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện Đề án theo đúng tiến độ và hiệu quả; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
3. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan và các địa phương liên quan nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu biên chế, kiện toàn bộ máy của các cơ quan quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản ở Trung ương và địa phương; nghiên cứu việc tổ chức xây dựng, cơ chế hoạt động của lực lượng kiểm soát và cơ chế chính sách khuyến khích theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá.
4. Các Bộ, ngành khác có liên quan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao trong Đề án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan mình.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân cấp dưới tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; xây dựng và hoàn thiện bộ máy cơ quan quản lý và hệ thống lực lượng kiểm soát, bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối tại địa phương; xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực; bố trí mặt bằng xây dựng trụ sở và các công trình của hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và muối; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức lực lượng kiểm soát nhằm tăng cường kiểm soát trong quá trình sản xuất bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 809/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 809/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/05/2011
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 363 đến số 364
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra