Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 807/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ CÁC CƠ SỞ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NGHIÊM TRỌNG THUỘC ĐỐI TƯỢNG CÔNG ÍCH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020, gồm các nội dung chính sau đây:

1. Tên Chương trình và cơ quan quản lý Chương trình

a) Tên Chương trình: Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây viết tắt là Chương trình).

b) Cơ quan quản lý Chương trình: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Mục tiêu của Chương trình

a) Mục tiêu tổng quát:

Xử lý khắc phục ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại các cơ sở, khu vực công ích, các điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, nước thải từ các đô thị loại II trở lên đang gây suy thoái, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020:

- Xử lý ô nhiễm môi trường của 30 bãi rác, bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khắc phục ô nhiễm, giảm thiểu suy thoái, cải tạo và phục hồi môi trường.

- Thu gom, tiêu hủy thuốc, hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu và cải thiện, phục hồi môi trường đối với 70 điểm tồn lưu bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật, bao bì tồn lưu gây ra.

- Đầu tư xây dựng 03 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra 03 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

3. Phạm vi, đối tượng và nguyên tắc ưu tiên bố trí vốn Chương trình

a) Phạm vi thực hiện:

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các dự án, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng hỗ trợ của Chương trình theo các Quyết định: số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020; số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước; số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc; số 1435/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020; số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái cảnh quan lưu vực sông Cầu; số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật mới phát sinh đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

b) Nguyên tắc phân bổ vốn từ ngân sách trung ương

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương:

+ Thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan.

+ Ngân sách trung ương hỗ trợ theo khả năng cân đối nguồn vốn; ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện các dự án của Chương trình, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

- Vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường từ ngân sách trung ương:

+ Thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan;

+ Ngân sách trung ương hỗ trợ theo nguồn vốn, theo quy mô, theo nhu cầu, khả năng đối ứng vốn của địa phương; ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện các dự án của Chương trình, đảm bảo hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

c) Đối tượng thực hiện Chương trình: Các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được giao nhiệm vụ để thực hiện các dự án, hoạt động của Chương trình.

4. Thời gian thực hiện Chương trình: Từ năm 2016 đến năm 2020.

5. Kinh phí thực hiện Chương trình:

Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là: 535 tỷ đồng (điều chỉnh tăng khi có nguồn nhưng không vượt quá mức quy định 4.648 tỷ đồng được phê duyệt tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ), trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương: 42 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá mức quy định là 670 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ). Trường hợp vốn đầu tư phát triển bố trí không đủ trong giai đoạn, cho phép kéo dài thời gian để thực hiện và điều chỉnh mục tiêu chương trình;

- Vốn sự nghiệp bảo vệ môi trường từ ngân sách trung ương: 493 tỷ đồng (điều chỉnh tăng khi có nguồn nhưng không vượt quá mức quy định là 548 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ);

- Vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác được bố trí khi có nguồn nhưng không vượt quá mức quy định là 3.430 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ. Trường hợp chưa huy động đủ vốn, cho phép kéo dài thời gian để thực hiện và điều chỉnh mục tiêu Chương trình.

6. Các dự án thành phần của Chương trình

a) Dự án thành phần số 1. Xử lý triệt để các cơ sở, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu:

- Điều tra, đánh giá, xác định mức độ và phạm vi ô nhiễm môi trường gây ra từ các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã được đóng cửa; xây dựng phương án, kế hoạch khắc phục, cải tạo, nâng cấp hoặc đầu tư mới các công trình xử lý môi trường phù hợp với điều kiện thực tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, cụ thể như sau:

+ Xây dựng và áp dụng thử nghiệm công nghệ cải tạo và phục hồi môi trường cho một số bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đang gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng tại các khu vực khác nhau để nhân rộng áp dụng ở các giai đoạn sau;

+ Di dời các công trình và người dân sống trên khu vực bị ô nhiễm;

+ Tiến hành cô lập, cách ly, ngăn chặn ô nhiễm ra môi trường xung quanh; xây dựng các hệ thống an toàn để ngăn ngừa người dân và gia súc tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm;

+ Tiến hành xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường (đất, nước, không khí), đảm bảo các quy định về môi trường hiện hành;

+ Tiến hành quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trong và sau quá trình triển khai.

- Triển khai dự án theo đúng nội dung đã được phê duyệt.

- Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, vận hành bền vững các công trình bảo vệ môi trường thuộc Chương trình sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư; lập báo cáo xác nhận việc hoàn thành các nội dung xử lý; khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện và hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của các dự án; đề xuất kế hoạch, giải pháp triển khai trên diện rộng.

Kinh phí thực hiện:

- 42 tỷ đồng (điều chỉnh tăng khi có nguồn nhưng không vượt quá mức quy định là 670 tỷ đồng đã phê duyệt tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ).

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% cho các dự án mới triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Trường hợp dự án có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn bổ sung từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan quản lý, thực hiện dự án: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Xây dựng và các cơ quan có liên quan.

b) Dự án thành phần số 2. Xử lý và cải thiện môi trường tại một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

Nội dung nhiệm vụ chủ yếu:

- Điều tra, đánh giá, xác định mức độ và phạm vi ô nhiễm 70 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng; xây dựng dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Triển khai các hoạt động xử lý khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường theo các nội dung sau:

+ Di dời các công trình và người dân sống trên khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu;

+ Tiến hành cô lập, cách ly, bao vây ngăn chặn ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu ra môi trường xung quanh, xây dựng các hệ thống an toàn để ngăn ngừa người dân và gia súc tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm;

+ Tiến hành xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường (đất, nước, không khí), đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về môi trường;

+ Tiến hành quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trong và sau quá trình xử lý.

+ Lập báo cáo xác nhận việc hoàn thành các nội dung xử lý, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Kinh phí thực hiện: 493 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá mức quy định 548 tỷ đồng quy định tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ). Ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020. Các địa phương được bố trí vốn ngân sách trung ương phải cam kết bố trí phần vốn còn lại từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo Chất lượng.

Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Cơ quan quản lý, thực hiện dự án: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Cơ quan phối hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan.

c) Dự án thành phần số 3. Đầu tư xây dựng 03 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra 03 lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai.

Nội dung nhiệm vụ chủ yếu:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, xây dựng dự án đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải; tìm kiếm nguồn vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tiến hành triển khai xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về môi trường.

- Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, vận hành bền vững các công trình bảo vệ môi trường thuộc Chương trình sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư;

- Lập báo cáo xác nhận việc hoàn thành các nội dung xử lý, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Kinh phí thực hiện: sẽ được bố trí khi có nguồn nhưng không vượt quá mức quy định 3.430 tỷ đồng theo quy định tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ.

Phân công trách nhiệm:

- Cơ quan chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Cơ quan quản lý, thực hiện dự án: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cơ quan phối hợp: Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan.

7. Phương án huy động vốn

Cơ quan thực hiện Chương trình mục tiêu, Dự án thành phần ở Trung ương, địa phương có trách nhiệm huy động các nguồn lực hợp pháp để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kết quả nhiệm vụ của Dự án, bao gồm:

a) Ngân sách hỗ trợ từ Trung ương: gồm vốn đầu tư dự kiến từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14, vốn sự nghiệp, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác;

b) Vốn đối ứng từ ngân sách địa phương: Hội đồng nhân dân các cấp địa phương bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, dự án. Địa phương có trách nhiệm và cam kết bố trí kinh phí đối ứng để thực hiện Chương trình, Dự án;

c) Thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án có cùng mục tiêu, nội dung, hoạt động;

d) Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, Dự án bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu vốn đã được quy định;

đ) Tăng cường huy động vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu khác; ngân sách của các bộ, ngành, địa phương;

e) Huy động từ cộng đồng (bao gồm cả tiền, hiện vật và ngày công lao động) và các nguồn vốn hợp pháp khác từ các tổ chức tài trợ, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp và cá nhân ở trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật.

8. Các giải pháp để thực hiện Chương trình

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý các công trình xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; rà soát, xây dựng các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khắc phục ô nhiễm va cải thiện môi trường để hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương triển khai Chương trình có hiệu quả, đúng mục tiêu.

b) Giải pháp về hợp tác quốc tế

Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ về xử lý ô nhiễm môi trường; huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay tín dụng ưu đãi.

Thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ và các nhà tài trợ một cách rõ ràng, linh hoạt để tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, có hiệu quả cho việc thực thi Chương trình; đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với các nhà tài trợ cho lĩnh vực xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ và đảm bảo thực hiện theo đúng các thỏa thuận đã được cam kết.

c) Giải pháp về khoa học và công nghệ

Tập trung tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ trong xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam.

9. Tổ chức thực hiện Chương trình

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện Chương trình.

- Tổng hợp và xây dựng kế hoạch trung hạn và hằng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

- Chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý các công trình xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra của Chương trình.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hằng năm để thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc Chương trình.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.

c) Bộ Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ, bố trí vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình.

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.

d) Các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình ở địa phương;

- Rà soát, đề xuất xây dựng và triển khai các dự án để thực hiện Chương trình;

- Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch trung hạn và hằng năm của Bộ, ngành và địa phương, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan;

- Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình do địa phương quản lý; định kỳ báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến độ thực hiện Chương trình tại địa phương; tổ chức sơ kết và tổng kết Chương trình ở địa phương theo quy định.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐNĐ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, QHQT, QHĐP, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (03).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 807/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 807/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/07/2018
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 777 đến số 778
  • Ngày hiệu lực: 03/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản