Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 800/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 25 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỐI THOẠI DOANH NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017 và định hướng đến năm 2020.

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 175/TTr-SKHĐT ngày 25 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong hoạt động đối thoại doanh nghiệp (gọi tắt là Quy chế đối thoại doanh nghiệp).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tư pháp; giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành trực thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Pleiku; thủ trưởng các ban, ngành trực thuộc các bộ, ngành trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Bộ Tài chính (b/c);
- Bộ Nội vụ (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (b/c);
- Các Đ/c PCT UBND tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Ban KTNS- HĐND tỉnh;
- Báo Gia Lai; Đài PTTH Gia Lai;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT,NC,TH, KT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỐI THOẠI DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai và doanh nghiệp trong việc: trao đổi, phản ánh các khó khăn vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; trách nhiệm giải quyết của các cơ quan và báo cáo tình hình giải quyết theo các phản ánh của doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Quy chế đối thoại doanh nghiệp).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.

2. Cơ quan quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương đặt tại tỉnh Gia Lai.

3. Liên đoàn Lao động tỉnh; Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh; các tổ chức đoàn thể; các tổ chức chính trị- xã hội; các cơ quan báo, đài... có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện).

5. Các tổ chức: Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân Trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh (gọi tắt là: Tổ chức hội của doanh nghiệp).

6. Các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai (gọi tắt là doanh nghiệp).

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp và hoạt động

1. Việc phối hợp thực hiện theo quy định pháp luật, trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan trả lời.

2. Phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc trả lời doanh nghiệp.

3. Thủ trưởng cơ quan trả lời chịu trách nhiệm về tính pháp lý của nội dung trả lời.

Điều 4. Nội dung, ngôn ngữ, hình thức đối thoại

1. Nội dung đối thoại:

a) Các câu hỏi, phản ánh vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp về chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính, quy tắc ứng xử,... liên quan đến đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Thông tin về điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế- xã hội, chính sách và môi trường đầu tư của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh cần công khai theo quy định.

c) Không có các nội dung về khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp hoặc tranh chấp nội bộ của doanh nghiệp.

2. Ngôn ngữ đối thoại: Bằng tiếng Việt; trường hợp doanh nghiệp thực hiện đối thoại bằng ngôn ngữ nước ngoài thì phải tự bố trí người cùng tham gia để làm nhiệm vụ phiên dịch sang tiếng Việt và chịu trách nhiệm nội dung đối với người tiếp nhận thông tin.

3. Các hình thức đối thoại:

a) Thông qua các Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp; các chương trình giao lưu định kỳ của các doanh nhân.

b) Doanh nghiệp phản ánh nội dung thông qua các tổ chức hội của doanh nghiệp để tổng hợp và chuyển tải thông tin để các cơ quan có trách nhiệm trả lời.

c) Doanh nghiệp gửi văn bản trực tiếp đến các cơ quan quản lý chuyên ngành (Sở Tư pháp, Sở Nội vụ,...), cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính hoặc thông qua trang thông tin điện tử của tỉnh, của các cơ quan để được hướng dẫn, trả lời.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ VÀ DOANH NGHIỆP

Điều 5. Tổ chức gặp mặt doanh nghiệp định kỳ

1. UBND tỉnh Gia Lai có trách nhiệm tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp định kỳ ít nhất 02 lần/năm. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị.

2. Các sở, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức hoặc phối hợp tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp ít nhất 02 lần/năm.

3. Hằng tháng theo thỏa thuận các Hội doanh nghiệp (Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân Trẻ tỉnh, Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh) phối hợp cùng Văn phòng UBND tỉnh luân phiên tổ chức chương trình giao lưu theo hình thức “Cà phê doanh nhân”... để bàn các biện pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cũng như tháo gỡ các vướng mắc (nếu có) cho doanh nghiệp.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp

1. Trách nhiệm chung:

a) Xây dựng chuyên mục “Hỏi đáp của doanh nghiệp” tại website của từng cơ quan, đơn vị để tiếp nhận và trả lời trực tiếp các ý kiến của doanh nghiệp.

b) Chịu trách nhiệm về nội dung và thời gian trả lời doanh nghiệp, kể cả các câu hỏi doanh nghiệp phản ánh thông qua các Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp do UBND tỉnh hoặc các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức.

c) Báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh đối với những nội dung không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, trước khi trả lời cho doanh nghiệp.

d) Cử cán bộ đầu mối làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và trả lời ý kiến của doanh nghiệp; gửi các thông tin đã trả lời để tổng hợp, cập nhật vào trang thông tin đối thoại của tỉnh.

e) Tổ chức hoặc tham gia Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp định kỳ theo quy định.

2. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh:

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng trang thông tin điện tử đối thoại doanh nghiệp, trực thuộc Cổng thông tin điện tử của tỉnh; là đầu mối tổ chức, điều hành chung mọi hoạt động của trang thông tin, đảm bảo quá trình lưu chuyển thông tin được thông suốt.

b) Phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp trình UBND tỉnh để xem xét trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp.

c) Điều phối các câu hỏi của doanh nghiệp (chưa có địa chỉ trả lời, có địa chỉ trả lời chưa rõ ràng hoặc có nhiều địa chỉ trả lời) đến đúng cơ quan trả lời.

3. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tham mưu UBND tỉnh theo dõi, tổng hợp chung về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tình hình giải quyết của các sở, ngành, địa phương.

b) Tham mưu tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp thông qua các tổ chức hội của doanh nghiệp để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hoặc kiến nghị xem xét giải quyết.

c) Công khai thông tin về danh sách doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Website của Sở để phục vụ cho các cơ quan, đơn vị trong việc tra cứu, liên lạc...

4. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Triển khai việc xây dựng trang thông tin điện tử đối thoại doanh nghiệp sau khi quy chế đã được phê duyệt;

b) Chịu trách nhiệm về hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, có biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu cho hệ thống, đảm bảo trang thông tin vận hành ổn định, thông suốt.

c) Thực hiện việc nâng cấp hệ thống, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế thiết bị khi cần thiết.

d) Có giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho phép trang thông tin đối thoại doanh nghiệp với các hệ thống khác theo quy định, đáp ứng yêu cầu tìm kiếm khai thác thông tin của doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan theo từng thời kỳ.

5. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng trả lời các hỏi đáp về pháp luật, thủ tục hành chính,... liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

b) Tổng hợp, xây dựng chuyên mục về những câu hỏi và trả lời về pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

c) Giám sát các nội dung trả lời của các cơ quan, đơn vị đối với doanh nghiệp.

Điều 7. Trách nhiệm các tổ chức hội của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

1. Phổ biến nội dung Quy chế này đến các doanh nghiệp là thành viên để các doanh nghiệp biết và thực hiện.

2. Định kỳ hàng tháng tổng hợp các thông tin phản ảnh, kiến nghị của các doanh nghiệp (nếu có) gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

3. Phối hợp tổ chức có hiệu quả chương trình về giao lưu, gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp.

Điều 8. Trách nhiệm của Doanh nghiệp

1. Tham gia đối thoại theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.

2. Chịu trách nhiệm về tính trung thực đối với các nội dung tham gia đối thoại.

3. Khi gửi nội dung đối thoại trực tiếp tại trang thông tin đối thoại doanh nghiệp của tỉnh hoặc các trang thông tin của các sở, ngành, địa phương liên quan thì phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin (cá nhân, doanh nghiệp) theo yêu cầu.

4. Góp ý, kiến nghị, đề xuất giải pháp để hoạt động đối thoại doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Chế độ báo cáo

Các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, Điều 2 của quy chế này thực hiện báo cáo kết quả thực hiện đối thoại doanh nghiệp định kỳ hàng quý. Định kỳ hàng quý, các cơ quan, đơn vị phải gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo thực hiện. Thời hạn gửi báo cáo được thực hiện theo quy định về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, của ngành.

Điều 10. Kinh phí hoạt động

Kinh phí duy trì các hoạt động liên quan đến công tác đối thoại doanh nghiệp quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, Điều 2 của Quy chế này do ngân sách nhà nước đảm bảo theo nguyên tắc: Nhiệm vụ của cơ quan nào, do cơ quan đó lập dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Điều 11. Khen thưởng, kỷ luật

Trong quá trình thực hiện Quy chế này: Tổ chức, cá nhân có thành tích được cấp có thẩm quyền xem xét, khen thưởng; tổ chức, cá nhân vi phạm, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia công tác đối thoại doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, doanh nhân và doanh nghiệp kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để xem xét, điều chỉnh Quy chế cho phù hợp./.