Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 796/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU, ĐIỀU TRA CƠ BẢN VỀ TIỀM NĂNG KHÍ HYDRATE Ở CÁC VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” vào nhiệm vụ của “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau:

A. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Nghiên cứu, điều tra cơ bản khí hydrate nhằm xác định tiềm năng nguồn tài nguyên này ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

2. Nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng tài nguyên khí hydrate phải mang tính kế thừa, có chọn lọc, tiếp thu những thành tựu công nghệ mới của thế giới. Ưu tiên hợp tác với các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến về nghiên cứu, điều tra khí hydrate.

3. Xây dựng hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật để quản lý, bảo đảm an toàn trong nghiên cứu, điều tra, thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên này và bảo vệ môi trường.

B. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát

Nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam để xác lập các luận cứ, định hướng cho công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng và lựa chọn công nghệ khai thác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015:

- Xác định sự tồn tại của khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam;

- Phát hiện các cấu trúc địa chất có triển vọng tồn tại khí hydrate;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên khí hydrate bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hiện đại, có độ tin cậy cao;

- Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong nghiên cứu, điều tra khí hydrate.

b) Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020:

- Điều tra, khẳng định các cấu trúc địa chất có tiềm năng khí hydrate để chuyển giao cho công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng;

- Cập nhật cơ sở dữ liệu về tài nguyên khí hydrate vào hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên – môi trường biển Việt Nam;

- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao trong nghiên cứu, điều tra khí hydrate;

- Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại phục vụ việc nghiên cứu, điều tra khí hydrate;

- Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật phục vụ việc quản lý tài nguyên khí hydrate và bảo vệ môi trường.

C. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Giải pháp về thể chế, chính sách, pháp luật:

a) Khẩn trương hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ việc nghiên cứu, điều tra khí hydrate;

b) Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu, điều tra khí hydrate;

c) Xây dựng chế độ ưu đãi cho những người tham gia công tác điều tra khí hydrate.

2. Giải pháp về tài chính: Nhà nước đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu, điều tra khí hydrate.

Phê duyệt về nguyên tắc 05 dự án để thực hiện các mục tiêu của Chương trình (Phụ lục kèm theo).

3. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, điều tra khí hydrate:

a) Đưa nội dung về khí hydrate vào chương trình đào tạo của các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường;

b) Bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng tham gia hoạt động nghiên cứu, điều tra khí hydrate;

c) Đào tạo đội ngũ chuyên gia về khí hydrate ở các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

4. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về khí hydrate:

a) Triển khai nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về khí hydrate;

b) Kết hợp công tác nghiên cứu với công tác điều tra về khí hydrate.

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu, điều tra khí hydrate:

a) Thuê chuyên gia nước ngoài, phương tiện và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ điều tra, khảo sát, nghiên cứu về tiềm năng khí hydrate;

b) Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước có trình độ tiên tiến để phục vụ nghiên cứu, điều tra khí hydrate;

c) Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về nghiên cứu, điều tra khí hydrate với các nước và tổ chức quốc tế.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước;

b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án được giao;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình;

d) Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Chương trình.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối và bố trí vốn để thực hiện Chương trình.

3. Bộ Công Thương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án được giao.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 


PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU, ĐIỀU TRA CƠ BẢN TIỀM NĂNG KHÍ HYDRATE Ở CÁC VÙNG BIỂN VÀ THỀM LỤC ĐỊA VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 796/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

Tên nhiệm vụ, dự án

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thứ tự ưu tiên

Ghi chú

Thời gian thực hiện

I

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

1.

Thu thập, phân tích, tổng hợp các tài liệu về khí hydrate để xác lập các dấu hiệu, tiền đề về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam

Bộ Công Thương (Tập đoàn DKQGVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số trường đại học

1

 

2010-2012

II

NGHIÊN CỨU, ĐIỀU TRA VỀ TIỀM NĂNG KHÍ HYDRATE

2.

Nghiên cứu, điều tra đánh giá khoanh định các cấu trúc địa chất có tiềm năng và triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Công Thương, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, một số trường đại học

1

 

2010-2015

3.

Khoan biển sâu, thu thập mẫu khí hydrate.

Bộ Công Thương (Tập đoàn DKQGVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng

2

Có thể thực hiện trước năm 2015 nếu có đủ cơ sở tài liệu trong khi thực hiện các nhiệm vụ trước

Sau 2015

4.

Điều tra chi tiết một số cấu trúc địa chất có triển vọng khí hydrate ở các vùng biển Việt Nam

Bộ Công Thương (Tập đoàn DKQGVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, một số trường đại học

3

Sau 2015

III

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

5.

Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, điều tra khí hydrate

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số trường đại học

2010-2020

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 796/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt “Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 796/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/06/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản