Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 793/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 23 tháng 03 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ KHẮC PHỤC CẢNH BÁO CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU VỀ CHỐNG KHAI THÁC BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

Căn cứ Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS, ngày 23/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 95/TTr-SNN ngày 16/3/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục: Thủy sản; Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; Chăn nuôi và Thú y; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Ban quản lý cảng cá trên địa bàn tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (t/h);
- Bộ NN&PTNT (b/c),
- Tổng cục Thủy sản;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Tổ 689 tỉnh (t/h);
- Chi cục Kiểm ngư vùng 2 (p/h);
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Lưu VT, KT8.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Tuấn Quốc

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ KHẮC PHỤC CẢNH BÁO CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU VỀ CHỐNG KHAI THÁC BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 793/QĐ-UBND ngày 23/3/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa -ng Tàu)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), không báo cáo và không theo quy định của tổ chức, cá nhân trong tỉnh nhằm khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC), phát triển nghề cá có trách nhiệm và giữ uy tín thương hiệu thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo của EC về khai thác IUU, giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam. Phổ biến kịp thời và đầy đủ các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển, các quy định của các Quốc gia có biển lân cận về việc khai thác thủy sản trên biển;

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong Ngư dân về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của Pháp luật Việt Nam và các nước lân cận về việc khai thác hải sản trên biển nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá và Ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác hải sản trái phép trong và ngoài vùng biển Việt Nam; chấp hành đúng quy định pháp luật của Luật thủy sản và quy định của Liên minh Châu Âu EC và các nước trên thế giới về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gắn với nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững trong những năm tới.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch này phải đảm bảo được tính khả thi và hiệu quả, gắn với việc thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 4840/QĐ- BNN-TCTS, ngày 23/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố có biển tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và trước ngày 30/6/2018 phải chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM.

1. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Quyết định số 4840/QĐ-BNN-TCTS, ngày 23/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt Kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh: Thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy số 794-TB/TU, ngày 29/5/2017 tại Hội thảo đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái pháp luật; Công văn số 5211/UBND-VP, ngày 09/6/2017 về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; Chỉ thị số 24/CT-UBND và Quyết định số 2904/QĐ-UBND, ngày 16/10/2017 ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg, ngày 18/5/2010 và công điện 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 của Thủ Tướng Chính phủ v/v tập trung ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, trên địa bàn tỉnh;

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tổng thể về khai thác trên biển và tại các cảng cá của tỉnh năm 2018. Từ ngày 01/4/2018, 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế khi tàu xuất bến. Tổ chức thực hiện việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác IUU nhập cảng thương mại để tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa theo chỉ đạo của cơ quan Trung ương.

3. Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về thủy sản và Bộ luật Hình sự. Xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác, trong đó tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản vĩnh viễn; xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm và các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

4. Bắt buộc chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Sau ngày 30/6/2018, 100% tàu cá hoạt động xa bờ được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng; thu nộp nhật ký khai thác; kiểm tra các thông tin ghi trong sổ nhật ký khai thác về sản lượng thủy sản khai thác; kiểm tra ngư cụ, kích thước mắt lưới; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi xuất bến và bật thiết bị 24/24 để kết nối với Trạm bờ của Chi cục Thủy sản tỉnh.

5. Rà soát, củng cố, kiện toàn lại mô hình, tổ chức các cảng cá và khu neo đậu trú bão cho tàu cá: Cát Lở, Sông Dinh, Bình Châu, Bến Đầm, Lộc An, Hưng Thái và Phước Tỉnh, ... đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; bố trí lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản, Biên phòng thường trực tại các cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá để tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác và nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam qua các cảng cá của Bà Rịa - Vũng Tàu.

6. Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động, sản lượng lên bến, đăng ký, cấp phép hoạt động cho tàu cá tại địa phương, khi có sự chuyển giao từ Trung ương.

7. Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, chủ động tích cực tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và khai thác IUU trên báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương.

8. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản. Đến 30/6/2018, 100% chủ tàu/thuyền trưởng trước khi xuất bến ký cam kết không xâm phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác thủy sản trái phép, không khai thác các loài thủy sản nằm trong danh mục cấm khai thác, kích cỡ không được phép khai thác, thời gian cấm khai thác,..., sử dụng phương tiện đúng theo loại nghề được ghi trong giấy phép khai thác thủy sản; không sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, ...

9. Xây dựng lộ trình, kế hoạch lắp đặt và thường xuyên kiểm tra, rà soát việc lắp đặt, sử dụng hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS; hệ thống giám sát tàu cá thuộc dự án Movimar lắp đặt trên tàu cá; bắt buộc tàu cá có công suất từ 90cv trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên biển. Lộ trình, từ nay đến hết năm 2018 bắt buộc đối với tàu làm nghề lưới kéo, đến hết năm 2020 các tàu làm nghề vây, rê, câu, chụp mực, ... phải hoàn thành việc gắn thiết bị giám sát hành trình, sau đó không cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác đối với tàu cá chưa trang bị hệ thống này; xử lý nghiêm các trường hợp tắt thiết bị giám sát, không báo cáo khi hoạt động ở vùng biển xa, nhất là vùng biển giáp ranh với các nước.

10. Trong quý I năm 2018, tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê lại tổng số tàu cá làm nghề lưới kéo tại các địa phương của tỉnh; quán triệt những quy định của Trung ương và địa phương về quản lý hoạt động nghề lưới kéo và yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng tàu lưới kéo ký bản cam kết không vi phạm quy định trong khai thác thủy sản, không đưa tàu và thuyền viên sang vùng biển các nước khai thác thủy sản trái phép.

11. Lập kế hoạch làm việc, tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của tỉnh về việc tạm dừng đóng mới tàu cá vỏ gỗ kể từ ngày 01/01/2017 (theo văn bản số 9917/UBND-VP, ngày 14/11/2016); không giải quyết thủ tục đăng ký, đăng kiểm cho các tổ chức, cá nhân mua tàu cá vỏ gỗ ngoài tỉnh kể từ 10/10/2017, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có tàu cá giải bản hoặc các tàu hoạt động nghề lưới kéo giải bản được đóng mới thay thế tàu giải bản, với điều kiện phải gắn máy thủy mới 100%, có tổng công suất máy chính từ 400cv trở lên và hoạt động các nghề lưới vây, nghề rê, nghề câu, nghề chụp và dịch vụ hậu cần (theo nội dung văn bản số 9619/UBND-VP, ngày 09/10/2017); tạm dừng đóng mới, nâng cấp và có chế độ kiểm soát đặc biệt đối với tàu cá làm nghề lưới kéo, tạm dừng cải hoán đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015 (theo văn bản số 9443/BNN-TCTS, ngày 18/11/2015 và Chỉ thị số 45/CT-TTg); tạm dừng đóng mới tàu cá vật liệu vỏ gỗ hành nghề dịch vụ hậu cần thủy sản (theo văn bản số 4217/UBND-VP, ngày 13/6/2016), nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành quy định pháp luật của Nhà nước.

12. Đối với việc cấp phép khai thác thủy sản: Kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cấp văn bản chấp thuận đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm; tàu cá bị bắt giữ chuộc, thả hoặc trốn về nước tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng đến 01 năm; chủ tàu có tàu vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (theo CĐ 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 và QĐ 2904/QĐ-UBND, ngày 16/10/2017).

13. Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu đội tàu đánh bắt xa bờ hiện có, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ, điều chỉnh cơ cấu các nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ các phương thức khai thác mang tính hủy diệt, đồng thời không phát triển và giảm dần các nghề khai thác thiếu lựa chọn, kém hiệu quả, không bền vững... xử lý nghiêm trường hợp tàu cá làm nghề lưới kéo vi phạm vùng biển ven bờ, các nghề te điện, đăng đáy, rập xếp vi phạm quy định khai thác thủy sản. Vận động ngư dân không sử dụng tàu quá cũ nát (trên 15 tuổi), tàu sử dụng máy cũ đi hoạt động tại vùng biển xa bờ, hoặc tàu lắp đặt các máy tàu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chuyển đổi sang các nghề khai thác được khuyến khích phát triển.

14. Lập danh sách tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gửi cơ quan Trung ương và các ngành chức năng liên quan, tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện việc kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trước cộng đồng địa phương.

15. Thường xuyên củng cố, kiện toàn theo hướng nâng cao trách nhiệm, năng lực hoạt động Tổ công tác 689 của tỉnh và các địa phương để giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tổng thể về khai thác thủy sản trên biển và tại các cảng cá của tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo.

- Tham mưu xây dựng trình UBND tỉnh ban hành quy định bắt buộc chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

- Rà soát, củng cố, kiện toàn lại mô hình, tổ chức các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá; bố trí lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản thường trực tại các cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá để tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác và nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam qua các cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, chủ động tích cực tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và khai thác IUU trên báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương.

- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kế hoạch, hướng dẫn chủ tàu cá có công suất trên 90cv bắt buộc phải lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh, thiết bị giám sát hành trình để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí của các sở, ngành, địa phương có liên quan, để thẩm định nội dung chi phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ được giao; gửi Sở Tài chính thẩm định kinh phí, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Tham mưu giúp UBND tỉnh kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp và định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy kết quả thực hiện Kế hoạch.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Thanh tra Sở NN&PTNT) và UBND các huyện, thành phố có biển thực hiện Kế hoạch về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu (có dự thảo Kế hoạch về thanh tra, kiểm tra gửi kèm).

- Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý tàu cá khai thác IUU; ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài và hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản.

- Bố trí lực lượng Biên phòng thường trực tại các cảng cá để phối hợp tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng.

- Chỉ đạo các Đồn, Trạm kiểm soát biên phòng yêu cầu chủ tàu/thuyền trưởng trước khi xuất bến ký cam kết không xâm phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác thủy sản trái phép, không khai thác các loài thủy sản nằm trong danh mục cấm khai thác, kích cỡ không được phép khai thác, thời gian cấm khai thác,..., sử dụng phương tiện đúng theo loại nghề được ghi trong giấy phép khai thác thủy sản; không sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định...

- Ngày 20 hàng tháng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (qua Chi cục Thủy sản) số liệu về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tình hình xử lý vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm pháp luật về thủy sản (trong đó có thông tin về xử lý tàu cá vi phạm khai thác IUU) để tổng hợp báo cáo theo quy định.

3. Công An tỉnh.

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an địa phương tăng cường công tác phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép và khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với các hành vi này.

- Tham gia phối hợp các lực lượng, các ban, ngành của tỉnh để tuyên truyền nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.

- Quản lý chặt chẽ số ngư dân được nước ngoài trả về, phát hiện và xử lý các trường hợp bị nước ngoài hoặc các thế lực thù địch tác động, mua chuộc, lôi kéo hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

4. Sở Ngoại vụ.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam ở trong và ngoài nước kiên quyết đấu tranh với các nước bắt giữ trái phép tàu cá, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên vùng biển Việt Nam, vùng chồng lấn chưa phân định ranh giới giữa Việt Nam và các nước.

- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để bảo hộ ngư dân Việt Nam tại các nước trên tinh thần nhân đạo và theo thông lệ Quốc tế; tìm kiếm thông tin hợp tác, quy định pháp luật của nước bạn để, tìm cơ hội đưa ngư dân sang các nước bạn hợp tác khai thác hải sản hợp pháp trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

- Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy sản) số liệu về tình hình tàu cá và ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, thả về để tổng hợp báo cáo theo quy định.

5. Sở Thông tin và Truyền thông.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông, báo, đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU. Cung cấp thông tin cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là ngư dân về các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề phân định ranh giới giữa trên biển giữa Việt Nam và một số quốc gia láng giềng, lưu ý các vùng biển chưa phân định, chồng lấn với các nước; tuyên truyền các quy định pháp luật của Việt Nam và một số nước thường xuyên có tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng, thông tin kịp thời kết quả điều tra, xử lý một số vụ việc điển hình về môi giới, đầu tư cho tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, nhằm mục đích răn đe, giáo dục, để cảnh giác.

6. Sở Tài chính.

Trên cơ sở ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổng nhu cầu kinh phí của các sở, ngành, địa phương, Sở tài chính thẩm định kinh phí tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí theo Luật Ngân sách nhà nước và khả năng ngân sách.

7. UBND các huyện, thành phố.

- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan triển khai các nội dung theo Kế hoạch này. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ tất cả các giải pháp để trước ngày 30/6/2018 phải chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân thuộc địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, khắc phục tốt những quy định IUU.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tập trung nguồn lực triển khai thực hiện./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 793/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch thực hiện giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 793/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Lê Tuấn Quốc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản