UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 792/QĐ-UBND | Việt Trì, ngày 11 tháng 4 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM TỈNH PHÚ THỌ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm;
Căn cứ Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22/06/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 283/TTr-SLĐTBXH ngày 21 tháng 3 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Phú Thọ”.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Y tế, Thương mại - Du lịch, Văn hóa - Thông tin; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và các thành viên Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh căn cứ Quyết định thực hiện.
| T.M ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI KIỂM TRA LIÊN NGÀNH VỀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM TỈNH PHÚ THỌ
(Kèm theo Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
Điều 1. Vị trí, chức năng:
Đội kiểm tra liên ngành về phòng chống tệ nạn mại dâm tỉnh Phú Thọ (sau đây gọi tắt là Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh) là đơn vị do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm (theo Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ).
Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh hoạt động một cách thường xuyên và lâu dài; các thành viên của Đội hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, giúp ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các hoạt động thường xuyên của Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh.
Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh được cấp thẻ Kiểm tra do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ trong khi thi hành nhiệm vụ: thành viên thuộc ngành công an đảm trách sử dụng và quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ và thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Nhiệm vụ:
Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh có nhiệm vụ:
- Kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm, an ninh trật tự, văn hóa thông tin, sử dụng lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động và các quy định pháp luật có liên quan khác;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra và tổ chức thực hiện;
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Đội kiểm tra liên ngành cấp dưới trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra. Theo dõi, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đã được Đội kiến nghị mà không được giải quyết kịp thời;
- Thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ (06 tháng, năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện công tác kiểm tra của Đội.
2. Quyền hạn:
Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh có quyền:
- Yêu cầu các tổ chức, cá nhân bị kiểm tra cung cấp tình hình, số liệu, tài liệu; trả lời các vấn đề liên quan đến việc kiểm tra;
- Liên hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xác minh, thu thập thông tin phục vụ cho công tác kiểm tra.
- Lập biên bản khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính và xử lý các hành vi đó theo thẩm quyền.
Đối với hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Đội hoặc có dấu hiệu của tội phạm thì Đội phải lập biên bản và chuyển biên bản, tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Điều 3. Tổ chức, hoạt động:
1. Tổ chức:
* Cơ cấu Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh gồm có 07 đồng chí:
+ 01 Đội trưởng: Là Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội.
+ 02 Phó đội trưởng: Là Phó Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội hoặc Trưởng - Phó phòng, ban chuyên môn của Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội.
+ 04 thành viên: Là đại diện của các cơ quan: Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Thương mại - Du lịch.
* Phân công nhiệm vụ:
- Đội trưởng:
+ Chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.
+ Có trách nhiệm chỉ đạo, phân công các thành viên xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện; tổng hợp và báo cáo kết quả hoạt động của Đội.
+ Có quyền quyết định việc kiểm tra đột xuất và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
+ Có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch UBND tỉnh trong các trường hợp: thành viên của Đội lập thành tích hoặc bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng hoặc vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ.
- Phó Đội trưởng:
+ Chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đội trưởng, có quyền thay mặt Đội trưởng giải quyết các công việc của Đội khi Đội trưởng vắng mặt.
+ Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên.
- Các thành viên:
+ Chịu sự chỉ đạo, phân công trực tiếp của Đội trưởng.
+ Có trách nhiệm thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ được giao.
+ Có trách nhiệm thông báo với Đội trưởng khi phát hiện trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật.
+ Có trách nhiệm thông báo cho nhau về thông tin, tư liệu, tình hình tệ nạn xã hội và tội phạm liên quan để thống nhất biện pháp phòng ngừa, đấu tranh.
2. Hoạt động:
Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh có nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, Đội cần chú ý thực hiện các hoạt động chủ yếu sau:
2.1. Xây dựng chương trình, kế hoạch:
Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh phải xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm, trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt. Sau đó lập kế hoạch chi tiết cho từng quý, từng tháng. Để hạn chế sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả kiểm tra chương trình, kế hoạch hoạt động của Đội phải xác định rõ:
+ Thời gian tiến hành kiểm tra;
+ Thành phần tham gia kiểm tra;
+ Địa bàn kiểm tra (tên, địa chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ sẽ kiểm tra);
+ Nội dung kiểm tra;
+ Yêu cầu đối với công tác kiểm tra.
2.2. Tổ chức thực hiện:
2.2.1. Công tác kiểm tra:
* Hình thức kiểm tra:
Công tác kiểm tra được tiến hành theo hai hình thức chủ yếu:
- Một là: Kiểm tra theo kế hoạch.
- Hai là: Kiểm tra đột xuất.
- Công tác kiểm tra theo kế hoạch phải đảm bảo tuân thủ một cách đầy đủ, chính xác kế hoạch đã duyệt.
- Công tác kiểm tra đột xuất chỉ được thực hiện nếu xảy ra một trong các trường hợp sau:
+ Có đơn thư khiếu nại, tố cáo về tình hình hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
+ Có sự yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như: Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thông tin, Sở Thương mại - Du lịch.
+ Có sự đề nghị của thành viên Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh hoặc thành viên Đội kiểm tra 814 khi phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm.
* Nội dung kiểm tra:
Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra:
- Giấy phép kinh doanh của cơ sở kinh doanh dịch vụ;
- Việc chấp hành các quy định pháp luật của cơ sở kinh doanh dịch vụ về:
+ Phòng, chống tệ nạn mại dâm;
+ Sử dụng lao động;
+ Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động;
+ An ninh trật tự;
+ Văn hóa thông tin.
* Yêu cầu đối với công tác kiểm tra:
- Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh chỉ tiến hành kiểm tra khi có ít nhất 03 thành viên tham gia, phải đảm bảo thành phần cần thiết cho việc lập biên bản và xử lý vi phạm khi thi hành nhiệm vụ.
- Khi tiến hành kiểm tra, thành viên của Đội phải xuất trình thẻ kiểm tra và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không được gây khó khăn, cản trở hoạt động bình thường của cơ sở bị kiểm tra.
- Việc kiểm tra phải được tiến hành đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.
* Đối với hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Đội hoặc có dấu hiệu của tội phạm thì Đội phải lập biên bản và chuyển biên bản, tài liệu có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Đội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan cấp trên về các quyết định xử phạt của mình.
2.3. Tổng hợp, báo cáo:
- Sau mỗi đợt kiểm tra, Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh phải tiến hành tổng kết để từ đó xác định được:
+ Thực trạng của việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh;
+ Ưu điểm và tồn tại, hạn chế cần được khắc phục của Đội trong quá trình thi hành nhiệm vụ;
+ Bài học kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội.
- Đội phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ (hàng năm, 06 tháng) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện công tác kiểm tra của Đội. Báo cáo phải đầy đủ và chính xác.
2.4. Đề xuất ý kiến:
Trên cơ sở hoạt động thực tiễn, Đội kiểm tra liên ngành cấp tỉnh có thể đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh về các vấn đề sau:
- Biện pháp quản lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh;
- Sự chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý những vi phạm đã được Đội kiến nghị;
- Các điều kiện cần được UBND tỉnh hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội.
Điều 4. Mối quan hệ công tác của Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh:
Trong phạm vi quyền hạn của mình Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện công tác kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Khi thực hiện nhiệm vụ, các thành viên chịu sự chỉ đạo, phân công của Đội trưởng và được đề xuất các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để Đội trưởng xem xét giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền Đội trưởng báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Điều 5. Kinh phí hoạt động:
Kinh phí hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh được trích từ ngân sách Nhà nước chi cho chương trình mục tiêu hàng năm về công tác phòng chống tệ nạn mại dâm.
Yêu cầu Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh sử dụng kinh phí tiết kiệm, hợp lý và đúng theo quy định tài chính hiện hành.
Điều 6. Chế độ khen thưởng và xử lý vi phạm:
1. Nếu thành viên của Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh có thành tích trong công tác thì được khen thưởng theo quy định. Trình tự, thủ tục làm hồ sơ khen thưởng thực hiện theo pháp luật hiện hành về thi đua khen thưởng và hướng dẫn thi đua khen thưởng hàng năm về phòng, chống tệ nạn xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Nếu thành viên của Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh trong khi thi hành nhiệm vụ bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng thì được hưởng chế độ trợ cấp, đền bù theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ.
3. Nếu thành viên của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh trong khi thi hành nhiệm vụ có hành vi vi phạm pháp luật thì Đội trưởng báo cáo bằng văn bản cho thủ trưởng trực tiếp của thành viên đó và Chủ tịch UBND tỉnh. Việc xử lý hành vi vi phạm được thực hiện pháp lệnh cán bộ công chức và các quy định pháp luật có liên quan khác.
Điều 7. Điều khoản thi hành:
Các thành viên trong Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện Quy chế một cách nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, quy định của Nhà nước, của tỉnh thì Quy chế sẽ được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
- 1Quyết định 483/2009/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Ninh Thuận
- 2Quyết định 978/QĐ-UBND năm 2009 về quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Hưng Yên
- 3Quyết định 2638/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Sơn La
- 4Quyết định 121/2017/QĐ-UBND Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Quảng Ninh
- 5Quyết định 36/2018/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Yên Bái
- 1Thông tư 05/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Nghị định 178/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm
- 5Quyết định 483/2009/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Ninh Thuận
- 6Quyết định 978/QĐ-UBND năm 2009 về quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Hưng Yên
- 7Quyết định 2638/QĐ-UBND năm 2014 về Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Sơn La
- 8Quyết định 121/2017/QĐ-UBND Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Quảng Ninh
- 9Quyết định 36/2018/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Yên Bái
Quyết định 792/QĐ-UBND năm 2007 về Quy chế hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Phú Thọ
- Số hiệu: 792/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/04/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/04/2007
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết