Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 79/TCHQ-QĐ

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT, NHẬP KHẨU TIỂU NGẠCH

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20-2-1990.
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 7-3-1994.
Căn cứ Quyết định 60/TTg ngày 8-2-1994.
Căn cứ Thông tư liên Bộ Tài chính - Tổng cục Hải quan số 31/TT-LB ngày 8-4-1994.
Căn cứ đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý về Hải quan.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình thủ tục Hải quan đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu tiểu ngạch.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Ông Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan và các ông Cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng, Hiệu trưởng trường Hải quan Việt Nam có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

QUY TRÌNH

NGHIỆP VỤ HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT, NHẬP KHẨU TIỂU NGẠCH

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 79/TCHQ-GQ ngày 14/6/1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Quy trình thủ tục hải quan gồm bốn bước liên tục, quan hệ chặt chẽ với nhau, bước trước là tiền đề, cơ sở cho bước sau, bước sau kiểm tra và hoàn thiện thêm bước trước.

I - KHAI BÁO HẢI QUAN

Khai báo hải quan là cơ sở pháp lý để tiến hành thủ tục hải quan đối với một lô hàng xuất, nhập khẩu tiểu ngạch. Để làm tốt khâu này, Hải quan nơi làm thủ tục phải làm chu đáo các việc:

- Niêm yết công khai tất cả các quy định đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu tiểu ngạch.

- Phát tờ khai và hướng dẫn cho người hoặc tổ chức có hàng xuất, nhập khẩu tiểu ngạch khai báo đúng yêu cầu, nội dung theo các cột mục của tờ khai đặc biệt chú ý khai đúng tên hàng chủng loại, phẩm cấp hàng, nước sản xuất, số lượng, trọng lượng, đơn giá, trị giá.

- Việc khai vào tờ khai hải quan phải do người có hàng hoặc người được uỷ quyền hợp pháp phải ký tên và chịu trách nhiệm về pháp lý. Tuyệt đối cán bộ Hải quan không được khai thay chủ hàng.

II - KIỂM TRA HÀNG HOÁ (KIỂM HOÁ)

Kiểm hoá là việc chủ hàng phải xuất trình hàng hoá thực tế để cán bộ hải quan đối chiếu tờ khai và các chứng từ kèm theo. Đây là bước quyết định đòi hỏi sự mẫn cán và tính kiên quyết của cán bộ hải quan, khi tiến hành bước này cần chú ý:

- Kiểm hoá một lô hàng xuất, nhập khẩu tiểu ngạch ít nhất phải có hai cán bộ hải quan.

- Việc kiểm hoá phải có sự chứng kiến của người có hàng hoặc người đại diện.

- Tất cả các lô hàng xuất, nhập khẩu tiểu ngạch phải được kiểm hoá, tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng lô hàng XNK tiểu ngạch mà quyết định hình thức kiểm hoá: Kiểm chi tiết 100%; kiểm chi tiết đại diện, mang tính xác suất từ 05% đến 10% số kiện (chú ý kiểm kiện nào phải ghi rõ kiện đó); Kiểm nguyên đai kiện. Dù áp dụng bất cứ hình thức kiểm hoá nào, điều cốt yếu là phải xác định được đúng mặt hàng, chủng loại, phẩm cấp hàng, số lượng, trọng lượng, cán bộ kiểm hoá phải ghi đầy đủ kết quả kiểm hoá vào tờ khai, phải ký ghi rõ họ tên và phải chịu trách nhiệm về việc đó.

- Quá trình kiểm hoá nếu phát hiện có vi phạm như khai man hoặc dấu diếm hàng cấm... thì phải lập biên bản phạm pháp Hải quan để xử lý.

III - TÍNH THUẾ, THU THUẾ VÀ NỘP TIỀN THUẾ VÀO NGÂN SÁCH

Để đảm bảo thực hiện đúng chính sách mặt hàng, việc tính thuế và thu thuế phải đảm bảo thu đúng, thu đủ và nộp kịp thời vào ngân sách thể hiện qua việc thực hiện:

- Căn cứ vào tờ khai và kết quả kiểm hoá để tính thuế xuất, nhập khẩu tiểu ngạch.

- Sắp xếp mặt hàng đúng số hiệu của biểu thuế để áp dụng đúng thuế xuất.

- Xác định đúng trị giá để tính thuế - phải áp dụng đúng biểu giá tối thiểu của Bộ Tài chính. Trường hợp mặt hàng chưa có trong bảng giá thì trưởng Hải quan cửa khẩu căn cứ vào giá trung bình tại cửa khẩu để tính và thu thuế, đồng thời báo cáo ngay về Hải quan tỉnh và Tổng cục Hải quan để bổ xung vào biểu giá.

- Thuế thu ngày nào phải nộp ngay vào ngân sách ngày đó.

- Việc tính thuế phải theo tờ khai về số lượng và giá cả đã được kiểm hoá, được thể hiện rõ và đầy đủ trên tờ khai, sau đó mới viết biên lai và thu thuế.

- Tiền thuế phải thu đúng, thu đủ và thu ngay không cho nợ thuế.

IV - GIẢI PHÓNG HÀNG

Khi người có hàng đã hoàn chỉnh ba bước nêu trên thì Hải quan đóng dấu đã hoàn thành thủ tục hải quan vào tờ khai, cấp tờ khai và biên lai thu thuế cho người có hàng theo quy định và giải phóng hàng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 79/TCHQ-QĐ năm 1994 về Quy trình thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tiểu ngạch do Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan ban hành

  • Số hiệu: 79/TCHQ-QĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/06/1994
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/06/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản