Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 79/2014/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH SỬ DỤNG ĐƯỜNG DÂY NÓNG VIỆT NAM - TRUNG QUỐC VỀ CÁC VỤ VIỆC PHÁT SINH ĐỘT XUẤT CỦA HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ TRÊN BIỂN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư;

Căn cứ Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 25 tháng 12 năm 2000, có hiệu lực từ ngày 30 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2015.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN QUY ĐỊNH SỬ DỤNG ĐƯỜNG DÂY NÓNG VIỆT NAM - TRUNG QUỐC VỀ CÁC VỤ VIỆC PHÁT SINH ĐỘT XUẤT CỦA HOẠT ĐỘNG NGHỀ CÁ TRÊN BIỂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định nội dung, quy trình và trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và giải quyết các vụ việc theo Quy định sử dụng đường dây nóng giữa Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tranh chấp nghề cá trên biển là tranh chấp phát sinh của tàu cá và ngư dân hai nước hoạt động trên biển.

2. Sự cố nghề cá trên biển là sự cố phát sinh do tàu cá và ngư dân hai nước hoạt động trên biển, bao gồm: Mất liên lạc; hỏng hóc, trôi dạt; bị tàu khác đâm va; chìm đắm; thuyền viên bị ốm, bị tai nạn lao động, bị rơi xuống biển.

3. Tránh nạn khẩn cấp là hoạt động tránh trú bão, tránh nạn của ngư dân hai nước hoạt động trên biển cần được phía bên kia giúp đỡ.

4. Xử lý tàu cá và ngư dân: Bao gồm các hình thức: Cảnh báo, kiểm soát, bắt giữ người và phương tiện do lực lượng chức năng của hai bên thực hiện.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Đảm bảo tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

2. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, xử lý, bảo mật thông tin trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Tiếp nhận, trao đổi, xử lý thông tin, đề xuất và thống nhất phương án xử lý vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển đối với các vụ việc về:

a) Tranh chấp nghề cá trên biển;

b) Sự cố nghề cá trên biển;

c) Tránh nạn khẩn cấp;

d) Xử lý tàu cá và ngư dân.

2. Giải quyết các vụ việc theo phương án xử lý đã thống nhất.

Chương II

QUY TRÌNH TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN

Điều 5. Cơ quan tiếp nhận thông tin

1. Cơ quan đầu mối triển khai Quy định sử dụng đường dây nóng phía Việt Nam là Cục Kiểm ngư - Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (gọi tắt là Cục Kiểm ngư).

2. Các cơ quan tiếp nhận thông tin

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trung tâm Quan sát tàu cá, Trung tâm Thông tin Kiểm ngư, Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản;

b) Bộ Quốc phòng: Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân;

c) Bộ Giao thông vận tải: Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam), Trung tâm phối hợp Tìm kiếm và Cứu nạn hàng hải Việt Nam;

d) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn: Trung tâm Quốc gia Điều hành tìm kiếm cứu nạn;

đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương: Hệ thống Trạm bờ thuộc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các cấp.

3. Xử lý thông tin

a) Cơ quan tiếp nhận thông tin quy định tại Khoản 2 Điều này, có trách nhiệm gửi thông tin cho Cơ quan đầu mối quy định tại Khoản 1 Điều này không quá 01 giờ kể từ khi nhận được thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển;

b) Cục Kiểm ngư gửi thông tin cho cơ quan chủ trì xử lý trong thời gian không quá 30 phút kể từ khi nhận được thông tin;

c) Cơ quan chủ trì xử lý trong thời gian không quá: 01 giờ đối với trường hợp tránh nạn khẩn cấp; 02 giờ đối với sự cố nghề cá trên biển; 20 giờ đối với trường hợp tranh chấp nghề cá trên biển; 40 giờ đối với trường hợp bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân kể từ khi nhận thông tin từ cơ quan đầu mối;

d) Thông tin trao đổi, cung cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục I, II, III và IV ban hành kèm theo Quy chế này.

Điều 6. Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về tranh chấp nghề cá trên biển

1. Tiếp nhận thông tin từ tàu cá, ngư dân Việt Nam.

a) Tàu cá, ngư dân Việt Nam gửi thông tin về tranh chấp nghề cá trên biển tới cơ quan tiếp nhận thông tin quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quy chế này;

b) Cơ quan tiếp nhận thông tin gửi cho Cục Kiểm ngư;

c) Cục Kiểm ngư tiếp nhận, tổng hợp thông tin và chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng (gọi tắt là Cục Tác chiến), Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao (gọi tắt là Cục Lãnh sự) thống nhất đưa ra phương án xử lý;

d) Cục Kiểm ngư gửi Thông báo về tranh chấp nghề cá trên biển sang cơ quan đầu mối phía Trung Quốc.

2. Tiếp nhận thông tin từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc.

a) Cục Kiểm ngư tiếp nhận thông báo về tranh chấp nghề cá trên biển từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc, sau đó gửi thông tin cho Cục Lãnh sự để chủ trì giải quyết qua đường ngoại giao, đồng thời gửi cho Cục Tác chiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố có tàu cá, ngư dân xảy ra tranh chấp để xác minh thông tin và phối hợp với Cục Lãnh sự giải quyết theo chức năng, thẩm quyền;

b) Cục Lãnh sự thông báo kết quả giải quyết cho Cục Kiểm ngư.

Điều 7. Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về sự cố nghề cá trên biển và tình hình tránh nạn khẩn cấp

1. Tiếp nhận thông tin từ tàu cá, ngư dân Việt Nam.

a) Tàu cá và ngư dân Việt Nam gửi thông tin về sự cố nghề cá trên biển và tình hình tránh nạn khẩn cấp tới cơ quan tiếp nhận thông tin;

b) Cơ quan tiếp nhận thông tin gửi cho Cục Kiểm ngư;

c) Cục Kiểm ngư tiếp nhận và gửi thông báo sự cố nghề cá trên biển và tình hình tránh nạn khẩn cấp sang cơ quan đầu mối phía Trung Quốc để đề nghị hỗ trợ; gửi Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam để phát thông báo trên các kênh thông tin cho tàu cá, ngư dân liên quan, đồng thời gửi cho Cục Lãnh sự để chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết theo chức năng, thẩm quyền;

d) Cục Lãnh sự thông báo kết quả giải quyết cho Cục Kiểm ngư.

2. Tiếp nhận thông tin về sự cố nghề cá trên biển từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc.

a) Cục Kiểm ngư tiếp nhận thông báo về sự cố nghề cá trên biển của tàu cá, ngư dân Trung Quốc từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc;

b) Cục Kiểm ngư gửi thông tin đã nhận được cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết vụ việc phù hợp với các quy định hiện hành;

c) Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn gửi thông báo kết quả cho Cục Kiểm ngư.

3. Tiếp nhận thông tin về tình hình tránh nạn khẩn cấp từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc và phối hợp xử lý trong nước.

a) Cục Kiểm ngư tiếp nhận thông báo về tình hình tránh nạn khẩn cấp của tàu cá, ngư dân Trung Quốc từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc;

b) Cục Kiểm ngư gửi thông tin đã nhận được cho Cục Tác chiến để chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết vụ việc phù hợp với các quy định hiện hành;

c) Cục Tác chiến thông báo kết quả giải quyết cho Cục Kiểm ngư.

Điều 8. Quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình xử lý tàu cá và ngư dân

1. Tiếp nhận thông tin về xử lý tàu cá và ngư dân Trung Quốc từ các cơ quan có thẩm quyền xử lý tàu cá và ngư dân (gọi tắt là cơ quan chức năng) của Việt Nam và gửi sang cơ quan đầu mối phía Trung Quốc.

a) Cơ quan chức năng Việt Nam gửi thông tin về tình hình xử lý tàu cá và ngư dân Trung Quốc cho Cục Kiểm ngư;

b) Cục Kiểm ngư tiếp nhận và gửi thông báo về tình hình xử lý tàu cá và ngư dân Trung Quốc cho cơ quan đầu mối phía Trung Quốc, đồng thời sao gửi Cục Lãnh sự để phối hợp giải quyết khi có yêu cầu từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc.

2. Tiếp nhận thông tin về xử lý tàu cá và ngư dân Việt Nam từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc.

a) Cục Kiểm ngư tiếp nhận thông báo về tình hình xử lý tàu cá và ngư dân Việt Nam từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc;

b) Cục Kiểm ngư chuyển thông tin đã nhận được cho Cục Lãnh sự để chủ trì giải quyết qua đường ngoại giao; đồng thời gửi Bộ Công an, Cục Tác chiến, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có tàu cá, ngư dân bị xử lý để xác minh thông tin và phối hợp với Cục Lãnh sự giải quyết theo chức năng, thẩm quyền;

c) Cục Lãnh sự thông báo kết quả giải quyết cho Cục Kiểm ngư.

3. Tiếp nhận thông tin từ tàu cá, ngư dân Việt Nam bị cơ quan chức năng Trung Quốc xử lý.

a) Tàu cá, ngư dân Việt Nam gửi thông tin về tình hình bị cơ quan chức năng Trung Quốc xử lý tới cơ quan tiếp nhận thông tin;

b) Cơ quan tiếp nhận thông tin gửi thông tin cho Cục Kiểm ngư;

c) Cục Kiểm ngư gửi thông báo đề nghị phối hợp cung cấp thông tin sang cơ quan đầu mối phía Trung Quốc để xác minh thông tin, đồng thời gửi cơ quan liên quan trong nước để phối hợp xác minh;

d) Cục Kiểm ngư gửi thông tin đã nhận được từ cơ quan đầu mối phía Trung Quốc và cơ quan liên quan trong nước cho Cục Lãnh sự để chủ trì giải quyết qua đường ngoại giao; đồng thời gửi Bộ Công an, Cục Tác chiến, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý tàu cá, ngư dân bị xử lý để phối hợp giải quyết;

đ) Cục Lãnh sự thông báo kết quả giải quyết cho Cục Kiểm ngư.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Điều 9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chỉ đạo Cục Kiểm ngư thuộc Tổng cục Thủy sản thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối đường dây nóng với Trung Quốc.

2. Trả lời và cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển theo quy định.

3. Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy sản và quy định về đường dây nóng tới ngư dân.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra phương án xử lý các vụ việc về:

a) Tranh chấp nghề cá trên biển theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Quy chế này;

b) Vi phạm của tàu cá và ngư dân Trung Quốc theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy chế này.

5. Tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển theo quy định của Quy chế này và các quy định hiện hành.

Điều 10. Bộ Quốc phòng

1. Chỉ đạo Cục Tác chiến chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra phương án xử lý và tổ chức triển khai phương án phù hợp với các quy định hiện hành đối với vụ việc về tránh nạn khẩn cấp của tàu cá, ngư dân Trung Quốc theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Quy chế này.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra phương án xử lý và tổ chức triển khai phương án hỗ trợ tàu cá Việt Nam xảy ra sự cố hoặc tránh nạn từ Trung Quốc về nước.

3. Tham gia, phối hợp xử lý các vụ việc về tranh chấp nghề cá trên biển và xử lý tàu cá, ngư dân Trung Quốc theo quy định của Quy chế này.

4. Trao đổi, cung cấp thông tin về an ninh trật tự nghề cá, tình hình tàu cá và ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ.

5. Tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy sản và quy định về đường dây nóng tới ngư dân.

Điều 11. Bộ Ngoại giao

1. Chỉ đạo Cục Lãnh sự chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra phương án xử lý và tổ chức triển khai phương án đối với vụ việc về:

a) Tranh chấp nghề cá trên biển theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quy chế này;

b) Sự cố nghề cá trên biển và tránh nạn khẩn cấp của tàu cá, ngư dân Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Quy chế này;

c) Tàu cá, ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc xử lý theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Quy chế này.

2. Tổ chức hỗ trợ ngư dân Việt Nam bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, xử lý.

3. Tham gia, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển theo quy định của Quy chế này.

Điều 12. Bộ Tài chính

Bảo đảm kinh phí thường xuyên của các Bộ và cơ quan Trung ương có liên quan thực hiện nhiệm vụ đường dây nóng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 13. Bộ Công an

1. Phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm và đề xuất hình thức xử lý theo pháp luật.

2. Chỉ đạo cơ quan công an địa phương xác minh thông tin về ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ.

3. Phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về an ninh trật tự nghề cá, tình hình tàu cá và ngư dân bị phía Trung Quốc bắt giữ với cơ quan có liên quan.

Điều 14. Bộ Giao thông vận tải

Chỉ đạo Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải Việt Nam và Trung tâm phối hợp Tìm kiếm và Cứu nạn Hàng hải Việt Nam:

1. Tiếp nhận thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

2. Phát thông tin quảng bá về an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn tới các tàu, thuyền đánh bắt cá và ngư dân.

3. Tham gia, phối hợp triển khai phương án xử lý vụ việc về cứu hộ, cứu nạn và sự cố nghề cá trên biển.

Điều 15. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

1. Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan đưa ra phương án xử lý và tổ chức triển khai phương án đối với sự cố nghề cá trên biển của tàu cá, ngư dân Trung Quốc theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế này.

2. Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai phương án xử lý các vụ việc tìm kiếm, cứu nạn tàu cá và ngư dân và sự cố nghề cá trên biển theo quy định hiện hành.

Điều 16. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan:

1. Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh thông tin về tàu cá ngư dân thuộc diện quản lý.

2. Tham gia triển khai phương án xử lý vụ việc về cứu hộ, cứu nạn và sự cố nghề cá trên vùng biển quản lý.

3. Tham gia quản lý tàu cá, ngư dân Trung Quốc vào tránh nạn khẩn cấp trên vùng biển quản lý.

4. Bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí khác (nếu có) để thực hiện nhiệm vụ đường dây nóng theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

5. Tham gia, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thủy sản và quy định về đường dây nóng tới ngư dân.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Hàng quý (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các cơ quan chuyên môn gửi báo cáo tổng hợp về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) để tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền.

2. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính, Công an, Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./

 

PHỤ LỤC I

THÔNG BÁO VỀ TRANH CHẤP NGHỀ CÁ TRÊN BIỂN
(Ban hành kèm theo Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển tại Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Số:

Ngày    tháng    năm 20

Kính gửi: …………………………………

Thời gian xảy ra tranh chấp

...giờ ... phút,
ngày ... tháng ... năm...

Địa điểm xảy ra tranh chấp

Độ vĩ Bắc: ...

Độ kinh Đông: ...

Tên/số hiệu tàu cá Việt Nam

 

Tên/số hiệu tàu cá Trung Quốc

 

Số đăng ký tàu cá Việt Nam

 

Số đăng ký tàu cá Trung Quốc

 

Họ tên thuyền trưởng tàu cá Việt Nam

 

Họ tên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc

 

Số lao động trên tàu cá Việt Nam

 

Số lao động trên tàu cá Trung Quốc

 

Ý kiến ban đầu của thuyền trưởng tàu cá Việt Nam

Ý kiến ban đầu của thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc

Tổn thất đối với tàu cá Việt Nam

Tình hình tổn thất

 

Tổn thất đối với tàu cá Trung Quốc

Tình hình tổn thất

 

Giá trị

VND

 

Giá trị

NDT

Phương án xử lý

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN BAN HÀNH
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC II

THÔNG BÁO VỀ SỰ CỐ NGHỀ CÁ TRÊN BIỂN
(Ban hành kèm theo Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển tại Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Số:

Ngày    tháng    năm 20

Kính gửi: …………………………………

Thời gian xảy ra sự cố

...giờ...phút,
ngày...tháng...năm...

Địa điểm xảy ra sự cố

Độ vĩ Bắc:

Độ kinh Đông:

Tên/số hiệu tàu cá

 

Số đăng ký tàu cá

 

Họ và tên thuyền trưởng

 

Số lao động trên tàu

 

Loại sự cố

Về tàu

□ Mất liên lạc

□ Hỏng hóc, trôi dạt

□ Đâm va

□ Chìm đắm

Về người

□ Bị ốm

□ Bị tai nạn lao động

□ Bị rơi xuống biển

□ Khác (ghi rõ lý do)

Phương án xử lý

□ Tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp

□ Cứu hộ khẩn cấp

□ Đề nghị tạo điều kiện cập cảng gần nhất

□ Cần sự giúp đỡ về y tế

□ Phương án khác: (ghi rõ lý do) …………………………………………

…………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………….

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN BAN HÀNH
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC III

THÔNG BÁO TÌNH HÌNH TRÁNH NẠN KHẨN CẤP
(Ban hành kèm theo Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển tại Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Số:

Ngày    tháng    năm 20

Kính gửi: …………………………………

Thời gian đề nghị tránh nạn khẩn cấp

...giờ...phút, ngày... tháng...năm

Vị trí tàu hiện tại

Độ vĩ Bắc: ...

Độ kinh Đông: ...

Tên/số hiệu tàu cá

 

Số đăng ký tàu cá

 

Họ và tên chủ tàu

 

Họ và tên thuyền trưởng

 

Số lao động trên tàu

 

Chiều dài tàu

 

Lý do trú tránh

□ Hỏng hóc về tàu

□ Hỗ trợ khẩn cấp về y tế đối với ngư dân

□ Thời tiết cực đoan trên biển

□ Khác: ghi rõ lý do

Khu vực đề nghị lánh nạn

 

Thời gian dự kiến cập cảng

 

Phương thức liên lạc

□ Cờ U, P □ Vô tuyến điện □ Điện thoại

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN BAN HÀNH
(Ký tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC IV

THÔNG BÁO VỀ TÌNH HÌNH TRÁNH TÀU CÁ VÀ NGƯ DÂN
(Ban hành kèm theo Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển tại Quyết định số 79/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Số:

Ngày    tháng    năm 20

Kính gửi: …………………………………

Thời gian kiểm tra

...giờ ... phút,
ngày...tháng...năm...

Địa điểm kiểm tra

Độ vĩ Bắc: ...

Độ kinh Đông: ...

Tên/số hiệu tàu cá

 

Số đăng ký tàu cá

 

Họ và tên thuyền trưởng

 

Số lao động trên tàu

 

□ Cảnh báo

□ Kiểm soát

□ Bắt giữ

Lực lượng bắt giữ ………………………………

Địa điểm tạm giữ ……………………………….

Cơ quan xử lý:

 

Ghi chú:

 

 

 

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN BAN HÀNH
(Ký tên, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 79/2014/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 79/2014/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2014
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 53 đến số 54
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản