Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 789/QĐ-VP

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY CHẾ ĐẤU THẦU KHAI THÁC PHÂN CHIA SẢN PHẨM ĐÁ QUÝ”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01-11-1995 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 65/CP ngày 13-10-1995 của Chính phủ ban hành "Quy chế quản lý các hoạt động trong các lĩnh vực đá quý";
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt "Quy chế đấu thầu khai thác, phân chia sản phẩm đá quý" do Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam trình.

Điều 2. "Quy chế đấu thầu khai thác, phân chia sản phẩm đá quý" có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký quyết định này. Các quy định trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ chức năng, Cục trưởng các Cục quản lý Nhà nước chuyên ngành của Bộ Công nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan của Trung ương và địa phương, Tổng giám đốc Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế này.

 

 

Đặng Vũ Chư

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

ĐẤU THẦU KHAI THÁC, PHÂN CHIA SẢN PHẨM ĐÁ QUÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 789/QĐ-VP ngày 19-3-1996 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp).

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định nội dung và thể thức đấu thầu khai thác phân chia sản phẩm đá quý áp dụng cho tất cả các vùng mỏ đá quý được Chính phủ giao cho Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam quản lý và tổ chức khai thác, theo tinh thần Nghị định số 65/CP ngày 13 tháng 10 năm 1995 của Chính phủ.

Điều 2. Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổng công ty) là tổ chức đấu thầu khai thác (bên mời thầu). Tham dự thầu là các tổ chức kinh tế, cá nhân Việt Nam có đủ điều kiện theo Quy chế này (bên dự thầu).

Điều 3. Đối tượng đấu thầu là các lô đất chứa đá quý nằm trong vùng mỏ Tổng công ty được phép tổ chức khai thác.

Diện tích các lô đất đấu thầu do Tổng công ty xác định và được Hội đồng đấu thầu công bố.

+ Mỗi đơn vị dự thầu có thể tham gia đấu thầu nhiều lô trong một phiên đất thầu.

Nếu đơn vị tham gia đấu thầu nhiều lô thì tiền đặt cọc phải nộp đủ cho số lô đó.

Điều 4. Hồ sơ mời thầu bao gồm các tài liệu sau:

1 - Thông báo mời thầu

2 - Hướng dẫn đấu thầu

3 - Mẫu đơn dự thầu

4 - Mẫu hợp đồng khai thác, phân chia sản phẩm đá quý

5 - Tài liệu giới thiệu tổng quan về kết quả của điều tra địa chất vùng mỏ của lô đất đấu thầu.

6 - Sơ đồ phân bố các lô đất đấu thầu.

Điều 5. Giá đặt thầu, giá trả thầu và giá trúng thầu.

1. Giá đặt thầu

Giá đặt thầu là mức giá tối thiểu được chào giá cho mỗi lô đất chứa đá quý, xác định theo một đơn giá thống nhất cho tất cả các lô trong mỗi khu mỏ và được công bố công khai trong thông báo mời thầu.

Đơn giá đặt thầu do Tổng công ty đề xuất và được Hội đồng đấu thầu công bố theo tinh thần Nghị định số 65/CP ngày 13-10-1995 của Chính phủ.

2. Giá trả thầu

Giá trả thầu là giá do các đơn vị dự thầu trả.

Giá trả thầu hợp lệ là giá trả bằng hoặc cao hơn giá đặt thầu.

3. Giá trúng thầu

Giá trúng thầu là giá trả thầu hợp lệ cao nhất.

4. Thời gian khai thác và hoàn trả đất đối với mỗi lô đấu thầu do Tổng công ty xác định và được Hội đồng đấu thầu thông báo trong hồ sơ mời thầu.

Điều 6. Điều kiện dự thầu:

Tất cả các tổ chức kinh tế, cá nhân Việt Nam (sau đây gọi là đơn vị) đều được quyền dự thầu khi có đủ các điều kiện sau:

1. Là pháp nhân hoặc thế nhân có đủ tư cách pháp lý,

2. Chấp nhận và tuân thủ Quy chế đấu thầu này,

3. Nộp lệ phí và tiền đặt cọc đấu thầu. Lệ phí đấu thầu không vượt quá 2 triệu đồng cho một lần đấu thầu. Tiền đặt cọc đấu thầu bằng 5% giá đặt thầu, nộp bằng tiền mặt, séc hoặc giấy bảo lãnh của một ngân hàng chuyên doanh hoặc gửi ở một tài khoản phong toả.

Lệ phí và tiền đặt cọc phải nộp đồng thời khi nộp hồ sơ dự thầu.

Điều 7. Hội đồng đấu thầu

Hội đồng đấu thầu do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty ký quyết định thành lập riêng cho từng vùng mỏ đá quý, có thành phần gồm:

Đại diện Tổng công ty làm Chủ tịch Hội đồng;

Đại diện uỷ ban Nhân dân tỉnh có mỏ;

Đại diện Bộ Công nghiệp;

Đại diện Bộ Tài chính.

Hội đồng đấu thầu có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ dự thầu, mở thầu, công bố kết quả đấu thầu và đơn vị trúng thầu.

II. TRÌNH TỰ TỔ CHỨC ĐẤU THẦU VÀ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KHAI THÁC, PHÂN CHIA SẢN PHẨM ĐÁ QUÝ

Điều 8. Chuẩn bị hồ sơ mời thầu:

1. Để tổ chức đấu thầu, trước hết Tổng công ty phải chuẩn bị các tài liệu quy định tại Điều 4 của Quy chế đấu thầu này.

2. Ngoài những tài liệu trong hồ sơ mời thầu, cần phải chuẩn bị thêm các hồ sơ sau đây để giới thiệu với các đơn vị dự thầu khi có yêu cầu:

- Giấy phép sử dụng đất,

- Giấy phép khai thác mỏ,

Điều 9. Thông báo mời thầu:

Sau khi đã chuẩn bị xong các điều kiện cần thiết để đấu thầu, Tổng công ty ra thông báo mời thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo mời thầu được công bố ít nhất là 30 ngày trước ngày mở thầu.

Điều 10. Nghiên cứu hồ sơ mời thầu:

Trước khi quyết định tham dự thầu, các đơn vị được thị sát vùng mỏ và các lô đất đấu thầu, theo sự hướng dẫn của Tổng công ty.

Trong quá trình các đơn vị dự thầu nghiên cứu hồ sơ mời thầu và thị sát mỏ các lô đất đấu thầu, Tổng công ty có trách nhiệm giải đáp hoặc tổ chức trao đổi chung với các đơn vị dự thầu nếu có những vấn đề mà các đơn vị dự thầu thấy cần thảo luận, làm rõ trong hồ sơ mời thầu.

Điều 11. Nộp hồ sơ dự thầu

1. Hồ sơ dự thầu gồm:

- Đơn dự thầu làm theo mẫu của Hội đồng đấu thầu, trong đó ghi rõ giá trả thầu.

- Giới thiệu tư cách của đơn vị dự thầu (pháp nhân nếu là các tổ chức, thế nhân nếu là cá nhân).

- Giới thiệu năng lực của đơn vị dự thầu (vốn, thiết bị, công nghệ v.v...)

2. Hồ sơ dự thầu làm thành một bộ được niêm phong trong một phong bì và gửi theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Hội đồng đấu thầu theo địa chỉ và thời hạn ghi trong thông báo mời thầu, Hội đồng đấu thầu có trách nhiệm bảo quản các hồ sơ dự thầu, không được mở các hồ sơ trước thời điểm mở thầu.

3. Mọi chi phí liên quan đến việc tìm hiểu và lập hồ sơ dự thầu do đơn vị dự thầu chịu.

Điều 12. Sửa đổi giá thầu, xin thôi dự thầu:

Sau khi gửi hồ sơ dự thầu, nếu muốn sửa đổi giá trả thầu đơn vị dự thầu có thể gửi tiếp đơn dự thầu bổ sung cho bên mời thầu (ghi rõ giá trả thầu mới) trước thời hạn cuối cùng ghi trong Thông báo mời thầu. Đơn vị dự thầu có thể sửa đổi giá trả thầu một hoặc nhiều lần, đơn có giá trả thầu cao nhất được coi là đơn chính thức. Các đơn vị dự thầu bổ sung phải được gửi tới Hội đồng đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Quy chế này.

Đơn dự thầu nộp hoặc gửi cho Hội đồng đấu thầu sau thời hạn cuối cùng ghi trong Thông báo mời thầu coi như không hợp lệ.

Các đơn vị dự thầu có thể xin thôi dự thầu nhưng phải nộp đơn tới Hội đồng đấu thầu chậm nhất 24 tiếng đồng hồ trước thời điểm mở thầu. Hồ sơ dự thầu không được trả lại.

Điều 13. Mở thầu và xét chọn đơn vị trúng thầu.

1. Việc mở thầu được tiến hành công khai đúng thời điểm ghi trong Thông báo mời thầu.

2. Các đơn vị dự thầu được quyền tham dự mở thầu.

3. Vào thời điểm mở thầu, Hội đồng đấu thầu mở công khai các phong bì đựng hồ sơ dự thầu của các đơn vị dự thầu theo các bước sau đây:

- Kiểm tra dấu niêm phong của các phong bì đựng hồ sơ dự thầu.

- Kiểm tra từng hồ sơ để xác định sự thiếu đủ các tài liệu trong hồ sơ.

- Sau khi kiểm tra Hội đồng đấu thầu đọc danh sách các đơn vị dự thầu có hồ sơ dự thầu hợp lệ.

4. Đánh giá kết quả mở thầu và tuyên bố đơn vị trúng thầu:

- Đơn vị dự thầu có giá thầu cao nhất cho lô đất đấu thầu là đơn vị trúng thầu lô đất đó.

- Trong trường hợp có hai đơn vị dự thầu trở lên trả giá bằng nhau cho một lô đất thì Hội đồng đấu thầu tổ chức cho các đơn vị đó trả thầu tiếp cho đến khi chọn được đơn vị trả giá cao nhất. Thể thức, thời gian và địa điểm do Hội đồng đấu thầu quyết định.

Sau khi mở thầu và công bố kết quả trúng thầu, Hội đồng đấu thầu phải lập Biên bản mở thầu, báo cáo Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty về kết quả đấu thầu.

- Toàn bộ hồ sơ của các đơn vị dự thầu được lưu giữ cùng với Biên bản mở thầu.

Điều 14. Thông báo trúng thầu:

Chậm nhất là 5 ngày sau ngày mở thầu, Tổng công ty phải gửi Thông báo trúng thầu cho đơn vị trúng thầu kèm theo bản dự thảo Hợp đồng khai thác, phân chia sản phẩm đá quý.

Điều 15. Ký kết hợp đồng khai thác, phân chia sản phẩm đá quý

1. Chậm nhất là 30 ngày sau khi nhận được thông báo trúng thầu, đơn vị trúng thầu phải nộp 50% số tiều trả thầu cho Tổng công ty trước khi ký hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý với Tổng công ty. Tổng công ty chỉ ký hợp đồng sau khi nhận đủ 50% số tiền nêu trên của đơn vị trúng thầu.

Số tiền trả thầu còn lại, bên trúng thầu phải nộp cho Tổng công ty theo thoả thuận ghi trong hợp đồng.

2. Việc ký kết hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm đá quý phải tuân theo các quy định của pháp luật về ký kết hợp đồng kinh tế và theo đúng các nội dung nêu tại các Điều 12, 16, 18, 19 và 20 của "Quy chế quản lý các hoạt động trong lĩnh vực đá quý" ban hành kèm theo Nghị định số 65/CP ngày 13-10-1995 của Chính phủ.

2. Trong thời hạn quy định tại khoản 1 của Điều này, nếu đơn vị trúng thầu không nộp đủ 50% số tiền trả thầu thì coi như tự bỏ cuộc.

Điều 16. Thanh toán tiền đặt cọc.

Đơn vị không trúng thầu sẽ được trả lại tiền đặt cọc sau khi Hội đồng đấu thầu tuyên bố đơn vị trúng thầu.

Tiền đặt cọc của đơn vị trúng thầu sẽ được tính vào tiền trả thầu.

Đơn vị trúng thầu tự bỏ cuộc không được nhận lại tiền đặt cọc.

Điều 17. Chuyển quyền khai thác:

Trong trường hợp đơn vị trúng thầu không thể tiếp tục khai thác lô đất đã trúng thầu thì có thể chuyển quyền khai thác cho một đơn vị khác có đủ điều kiện tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của đơn vị đã ký kết hợp đồng khai thác phân chia sản phẩm với Tổng công ty sau khi được Tổng công ty chấp nhận.

III. THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ PHẠT VIỆC TỔ CHỨC ĐẤU THẦU, KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KHAI THÁC PHÂN CHIA SẢN PHẨM ĐÁ QUÝ VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG ĐÃ KÝ KẾT