Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐẶC THÙ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ HÀ NỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội;

Căn cứ Quyết định số 1126/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chung

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước thành lập, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo Quyết định số 1126/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2012 và cơ chế tài chính đặc thù quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Các nguồn tài chính và nội dung chi của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

1. Nguồn tài chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm:

a) Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp:

- Kinh phí hoạt động thường xuyên:

Ngân sách nhà nước đảm bảo hỗ trợ 60% kinh phí hoạt động thường xuyên trong năm 2012; không quá 50% trong giai đoạn 2013 - 2015; không quá 40% trong giai đoạn 2016 - 2020. Mức kinh phí hoạt động thường xuyên ngân sách nhà nước hỗ trợ được tính toán căn cứ theo mức thu học phí, chi phí đào tạo và tổng quy mô Nhà nước đặt hàng đào tạo một năm.

Đối với đào tạo theo nhu cầu xã hội hoặc theo đơn đặt hàng của các tổ chức, doanh nghiệp thì Trường tự đảm bảo chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí theo nguyên tắc thu học phí đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên và tiến tới có tích lũy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, phê duyệt định mức chi phí đào tạo của Trường đảm bảo chất lượng đào tạo cần thiết để làm căn cứ xác định nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động thường xuyên của Trường và bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.

- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn đối ứng của các dự án, kinh phí mua sắm trang thiết bị và sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong phạm vi dự toán được giao hàng năm.

b) Các nguồn thu sự nghiệp, bao gồm:

- Nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nhiệm vụ, đề tài khoa học - công nghệ do Nhà nước đặt hàng.

- Thu từ phí và lệ phí theo quy định; thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ; thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hợp đồng chuyển giao công nghệ; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu sự nghiệp khác (nếu có).

c) Vốn tài trợ, viện trợ, quà biếu, tặng của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Khoản hỗ trợ, tài trợ của đối tác Pháp (bao gồm các cơ quan chính phủ, liên minh các trường đại học đối tác, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, quỹ phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tại Pháp, gọi chung là phía Pháp) được coi là nguồn thu của Trường và phải được hạch toán vào tài khoản của Trường.

d) Nguồn tài chính khác, bao gồm: vốn khấu hao tài sản cố định; thu thanh lý tài sản được để lại theo quy định; các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

2. Nội dung chi của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội gồm:

- Chi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao (bao gồm cả chi học bổng khuyến khích học tập, chi tiền lương, tiền công cho cán bộ quản lý, giảng viên làm việc tại Trường).

- Chi cho, các hoạt động dịch vụ (kể cả chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định, chi trả vốn trả lại tiền vay theo quy định của pháp luật).

- Chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Chi thực hiện chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức.

- Chi thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng.

- Chi vốn đối ứng thực hiện các dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định.

- Chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao.

- Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định thực hiện các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chi cho các hoạt động liên doanh, liên kết.

- Các khoản chi khác theo quy định (nếu có).

Điều 3. Quyền tự chủ tài chính của Trường

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập, được tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng nguồn tài chính, cụ thể:

1. Về nguồn thu phí, lệ phí:

a) Học phí: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được quyền tự xây dựng và quy định mức thu học phí.

b) Lệ phí: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được quyền tự xây dựng và quy định mức thu lệ phí thi và tuyển sinh.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xây dựng mức thu phí, lệ phí, trình Hội đồng Trường thông qua và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi thực hiện. Trường có trách nhiệm công khai mức thu học phí và lệ phí thi và tuyển sinh theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Về nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng:

Trường được tự quyết định việc sử dụng kinh phí được giao để thực hiện các nhiệm vụ trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

3. Về nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên:

Trường được tự quyết định các nội dung và mức chi (bao gồm cả chi trả học bổng khuyến khích học tập đối với người học, chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ quản lý, giảng viên của Trường) trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ trong phạm vi nguồn tài chính của Trường đảm bảo đúng chế độ, công khai, minh bạch và hiệu quả. Trong đó:

a) Đối với tiền lương cho cán bộ quản lý và giảng viên người Pháp và người nước ngoài:

- Trên cơ sở cam kết giữa Chính phủ hai nước, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hiện chi trả theo hợp đồng ký kết với cán bộ quản lý và giảng viên, căn cứ vào chất lượng, số lượng công việc và đảm bảo tính hài hòa, cân đối về khối lượng công việc với giảng viên người Việt Nam làm việc tại Trường phù hợp với mức sống, điều kiện làm việc ở môi trường Việt Nam. Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có trách nhiệm xác định tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn cán bộ, giảng viên phía Pháp cử sang làm việc, giảng dạy tại Trường phù hợp với nhu cầu của Trường vào từng thời điểm; trực tiếp quản lý, giám sát và chịu trách nhiệm về hiệu quả làm việc của các cán bộ, giảng viên phía Pháp.

- Cán bộ quản lý và giảng viên người Pháp và người nước ngoài làm việc tại Trường có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và được hưởng các ưu đãi, miễn trừ theo quy chế về chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

b) Đối với tiền lương, tiền công cho cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên người Việt Nam:

- Trong giai đoạn 2009 - 2020, căn cứ vào trình độ, năng lực chuyên môn, kết quả làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và khả năng cân đối nguồn tài chính của Trường, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hiện chi trả tiền lương, tiền công cho cán bộ, giảng viên và nhân viên người Việt Nam thêm một lần trên cơ sở tiền lương cấp bậc, chức vụ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Khoản chi trả tiền lương này được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của Trường.

- Từ năm 2020 trở đi, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được tự quyết định mức chi trả tiền lương, tiền công đối với cán bộ, giảng viên và nhân viên người Việt Nam căn cứ vào trình độ, năng lực chuyên môn, kết quả làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ và khả năng cân đối nguồn tài chính của Trường.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thông báo công khai, minh bạch việc chi trả tiền lương đối với các cán bộ, giảng viên của Trường (bao gồm cả giảng viên người Pháp và người Việt Nam).

4. Về việc trích lập các quỹ:

Hàng năm, sau khi trang trải tất cả các khoản chi phí hợp lý, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định của pháp luật, trong phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có), Trường phải trích lập quỹ phát triển sự nghiệp công lập tối thiểu 25%.

5. Về chi trả thu nhập tăng thêm:

Sau khi đã trừ tất cả các khoản chi và trích lập quỹ phát triển sự nghiệp công lập theo quy định, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được tự quyết định việc sử dụng kinh phí còn lại để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức và người lao động tùy thuộc vào nội dung, kết quả công việc và chính sách đãi ngộ theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.

6. Về cơ chế tài chính thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ:

Thực hiện chế độ khoán kinh phí theo quy định hiện hành.

Điều 4. Quản lý tài chính và tài sản

1. Lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thực hiện chế độ kế toán đối với đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện lập dự toán và quyết toán hàng năm với Bộ Giáo dục và Đào tạo.

a) Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch hoạt động của Trường và các mục tiêu, nhiệm vụ đã cam kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của năm báo cáo và hướng dẫn xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Trường trong năm kế hoạch (trong đó phân bổ chi tiết theo từng nhiệm vụ được giao) trình Hội đồng trường xem xét, thông qua và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp vào dự toán ngân sách năm kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Kế hoạch và dự toán ngân sách của Trường bao gồm cả phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các khoản tài trợ của phía Pháp (nếu có).

b) Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán ngân sách với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trong trường hợp có những thay đổi trong kế hoạch hoạt động đòi hỏi phải điều chỉnh dự toán ngân sách, Hiệu trưởng nhà trường trình Hội đồng trường xem xét, quyết định và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, xử lý theo quy định.

2. Quản lý tài chính và tài sản

a) Các nguồn tài chính, các nội dung chi, mức chi và các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, tài sản của Trường phải được thể hiện trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường.

Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường là căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước khác theo dõi, giám sát và là căn cứ để Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch kiểm soát chi hoạt động thường xuyên của Trường.

Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản: Việc kiểm soát và thanh toán thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính.

Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Trường xây dựng trên cơ sở trao đổi công khai, minh bạch trong toàn trường và báo cáo Hội đồng Trường thông qua trước khi thực hiện.

Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm tổ chức xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ.

b) Ban Quản lý dự án xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Ban Quản lý dự án của Trường có trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, có hiệu quả và quyết toán năm, quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính đầu tư phát triển và quy định của nhà tài trợ.

c) Trường có trách nhiệm sử dụng và quản lý tài sản theo đúng mục đích, nhiệm vụ được giao; bảo toàn và phát triển tài sản Nhà nước giao; sử dụng nguồn tài trợ của phía Pháp theo đúng nội dung thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước và thỏa thuận với nhà tài trợ (nếu có); thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa bảo vệ tài sản theo chế độ quy định, lập và quản lý hồ sơ tài sản nhà nước; hạch toán, ghi chép tài sản, báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được giao theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

d) Trường được sử dụng năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học sẵn có, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn huy động của công chức, viên chức để tham gia đầu tư xây dựng mới các cơ sở giáo dục ngoài khuôn viên của Trường theo hình thức góp vốn, chia lãi theo tỷ lệ vốn góp với các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

đ) Trường thực hiện nghĩa vụ tài chính (phí, lệ phí và thuế) theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Kiểm toán, báo cáo và công khai tài chính

a) Trường thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm. Kết quả kiểm toán phải được gửi cho Hội đồng trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đối tác Pháp.

b) Trường thực hiện chế độ báo cáo và công khai tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 5. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả việc thực hiện cơ chế tài chính của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; trong trường hợp cần thiết thì đề xuất với Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cơ chế tài chính của Trường đảm bảo phù hợp với thực tế.

Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý dự án của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Hội đồng trường và Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND thành phố Hà Nội;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội;
- Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
- BQLDA xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội;
- BQLDA của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội;
- Chính phủ Cộng hòa Pháp;
- Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 78/QĐ-TTg năm 2013 quy định cơ chế tài chính đặc thù của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 78/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/01/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 41 đến số 42
  • Ngày hiệu lực: 09/01/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản