Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 770-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1994

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 thàng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên Việt Nam và Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;
Sau khi trao đổi ý kiến và nhất trí với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang và vai trò xung kích của thành niên xung phong trong giai đoạn hiện nay,

QUYẾT ĐỊNH:

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 1. Thanh niên xung phong là hình thức tổ chức lực lượng xung kích của thanh niên do Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức ra nhằm tập hợp thanh niên xung kích thực hiện các chương trình, dự án kinh tế, xã hội của Nhà nước, vừa làm nhiệm vụ kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, vừa giáo dục, rèn luyện và đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên.

Điều 2. Các đơn vị Thanh niên xung phong được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ sau đây: thực hiện chương trình, dự án của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng có nhiều khó khăn (như miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), vùng đất hoang hoá ở đồng bằng, vùng bãi bồi ven sông, biển; thực hiện một số nhiệm vụ cần có lực lượng xung kích trong từng thời gian ở nơi có khó khăn như khắc phục hậu quả thiên tai, vệ sinh phòng bệnh, chữa bệnh, dạy học, phổ biến khoa học kỹ thuật, v.v...; giáo dục lao động cho các đối tượng xã hội, góp phần giải quyết các tệ nạn xã hội (mại dâm, ma tuý).

Đơn vị Thanh niên xung phong được giao thực hiện các chương trình, dự án hoặc các công việc nói trên có trách nhiệm hoàn thành các nhiệm vụ đã giao và được hưởng các chính sách khuyến khích nói trong Quyết định này.

Cùng với các nhiệm vụ được giao qua các chương trình, dự án, các công việc của Nhà nước, mỗi đơn vị Thanh niên xung phong còn có nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện, đào tạo nghề nghiệp cho đội viên của mình, bảo đảm cho đội viên Thanh niên xung phong có bước trưởng thành về phẩm chất, đạo đức, về kỹ thuật, nghiệp vụ trong quá trình phục vụ trong đội ngũ Thanh niên xung phong.

THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 3. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân các huyện, quận có các chương trình, dự án, các công việc đã nói ở Điều 2 bàn với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp (dưới đây gọi tắt là Đoàn) và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn đứng ra lập các đơn vị Thanh niên xung phong để tiếp nhận và thực hiện các chương trình, dự án, các công việc của Nhà nước, Bộ, ngành hoặc địa phương mình.

Tổ chức Đoàn các cấp có thể chủ động tự xây dựng chương trình, dự án và bàn với Bộ, ngành hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận để xét duyệt và đưa vào kế hoạch của Bộ, ngành hoặc địa phương, sau đó, Đoàn đứng ra lập tổ chức Thanh niên xung phong để thực hiện.

Trong trường hợp cần thiết, Trung ương Đoàn có thể thành lập những đơn vị Thanh niên xung phong để thực hiện những chương trình, dự án do Trung ương Đoàn trực tiếp quản lý.

Uỷ ban nhân dân và các cơ quan chức năng địa phương cùng cấp tạo điều kiện pháp lý như ra quyết định thành lập, cấp giấy phép hoạt động, quyết định giải thể đơn vị khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, v.v... cho tổ chức Thanh niên xung phong theo các quy định hiện hành của Nhà nước trên cơ sở đề nghị của Đoàn cùng cấp.

Điều 4. Thanh niên xung phong gồm các thanh niên từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hoá, tự nguyện tham gia (nếu là 16-17 tuổi thì cần có sự thoả thuận của gia đình). Thanh niên xung phong được cấp giấy chứng nhận và phù hiệu Thanh niên xung phong do Trung ương Đoàn quy định thống nhất.

Từ nay, Thanh niên xung phong chỉ thành lập ở đơn vị thực hiện các chương trình, dự án hoặc được giao một số nhiệm vụ trong từng thời gian, theo các hình thức: Đội Thanh niên xung phong, Tổng đội Thanh niên xung phong (là tổ chức cấp trên của đội, trong trường hợp chương trình, dự án lớn có một số đội thực hiện), Trường Thanh niên xung phong, Trung tâm Thanh niên xung phong dạy nghề cho các đối tượng xã hội.

Các đơn vị thành niên xung phong sau khi hoàn thành các chương trình, dự án chuyển sang doanh nghiệp thì hoạt động theo các văn bản pháp luật quy định đối với các loại doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp Thanh niên xung phong hiện có được tiếp tục hoạt động, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, gương mẫu trong chấp hành pháp luât. Không thành lập doanh nghiệp Thanh niên xung phong mới ở thị trấn, thị xã, thành phố.

Điều 5.  Các đơn vị Thanh niên xung phong tiếp nhận chương trình, dự án thuộc nguồn vốn nào (vốn vay, vốn sự nghiệp, vốn đầu tư, v.v...) thì tổ chức bộ máy quản lý nội bộ và hoạt động theo quy chế hiện hành về quản lý nguồn vốn đó, thực hiện việc hạch toán, kế toán của đơn vị theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đơn vị Thanh niên xung phong (thực hiện dự án) được phép liên doanh với nước ngoài theo Luật đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án được giao.

Điều 6. Các đơn vị Thanh niên xung phong (Tổng đội, Đội, Trường, Trung tâm, v. v...) có tài khoản riêng và được sử dụng con dấu riêng theo mẫu quy định.

Điều 7. Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh căn cứ vào các chủ trương, chính sách của Nhà nước để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn đề xuất việc tổ chức các đơn vị Thanh niên xung phong, cung cấp cán bộ và trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các đơn vị Thanh niên xung phong, nhất là về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho đội viên Thanh niên xung phong.

Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì cùng Uỷ ban Thanh niên Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan bàn bạc và soạn thảo chương trình, dự án xây dựng, sử dụng Thanh niên xung phong gắn với các chương trình, dự án kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Điều 8. Uỷ ban Thanh niên Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước đối với Thanh niên xung phong có trách nhiệm cùng các Bộ, ngành chức năng của Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị Thanh niên xung phong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thực hiện những chính sách riêng đối với Thanh niên xung phong, vừa bảo đảm cho tổ chức Thanh niên xung phong hoạt động đúng hướng, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, vừa bảo đảm cho đội viên Thanh niên xung phong được hưởng các quyền lợi do Nhà nước dã quy định; đồng thời cùng các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc thực hiện và nghiên cứu, hoàn chỉnh các chính sách khuyến khích đối với Thanh niên xung phong.

Điều 9. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, hoặc Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, quận, huyện là người giao cho các đơn vị Thanh niên xung phong nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án có trách nhiệm trực tiếp phê duyệt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt các văn bản liên quan của từng chương trình, dự án (như luận chứng, hợp đồng, v.v...) theo quy định hiện hành đối với từng loại dự án; chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm cung ứng các phương tiện vật chất, các nguồn vốn theo tiến độ thực hiện chương trình, dự án; tạo các điều kiện thuận lợi trong phạm vi trách nhiệm của mình để các đơn vị Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ được giao; tổ chức nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, dự án.

CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH

Điều 10. Đơn vị Thanh niên xung phong được giao thực hiện chương trình, dự án nào thì được hưởng các chính sách quy định cho chương trình, dự án đó. Khi thực hiện chương trình, dự án, đội viên Thanh niên xung phong thực hiện giao kết hợp đồng lao động với lãnh đạo đơn vị Thanh niên xung phong như quy định tại Chương IV vủa Bộ luật Lao động. Ngoài ra, Thanh niên xung phong còn được hưởng thêm các quyền lợi quy định trong các Điều dưới đây, trong đó gồm các chính sách đối với đơn vị và đối với các thành viên của đơn vị .

Điều 11. Đơn vị Thanh niên xung phong nhận các chương trình, dự án ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, ngoài việc được hưởng các chính sách hiện hành của chương trình, dự án đó, còn được xét hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động giáo dục, dạy nghề, văn hoá, thể thao, v.v... nhằm động viên khuyến khích thanh niên yên tâm lập nghiệp và góp phần nâng cao dân trí tại các vùng đó.

Điều 12. Đối với cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ từ một năm trở lên ở miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo xa xôi:

a) Trong thời gian đang làm việc:

Ngoài việc được thực hiện chế độ phụ cấp, thời gian làm việc, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và những quy định đối với lao động nữ theo Bộ luật Lao động, còn được hưởng thêm:

- Được trang cấp một lần ban đầu về trang phục bảo đảm cho đội viên có thể thực hiện những nhiệm vụ ghi trong hợp đồng lao động.

Mỗi năm được nghỉ phép một lần. Thời gian nghỉ phép năm áp dụng như hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ trên hạn định của Luật Nghĩa vụ quân sự.

b) Khi hoàn thành nhiệm vụ trong đơn vị Thanh niên xung phong (kết thúc chương trình, dự án):

- Được đơn vị cấp giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ trong Thanh niên xung phong.

- Nếu về địa phương, được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường từ đơn vị về địa phương; được chính quyền các cấp ưu tiên trong tuyển sinh, tuyển dụng sắp xếp việc làm theo quy định đối với quân nhân xuất ngũ.

- Nếu tình nguyện tiếp tục làm việc trong đơn vị Thanh niên xung phong có nhu cầu thì được ưu tiên ký tiếp hợp đồng lao động.

- Được miễn làm nghĩa vụ lao động công ích; cứ mỗi năm phục vụ trong Thanh niên xung phong được miễn lao động công ích một năm.

Được miễn làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ khi đã phục vụ trong Thanh niên xung phong từ 24 tháng trở lên.

Điều 13. Cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước được cử đến làm việc từ 1 năm trở lên trong các đơn vị Thanh niên xung phong ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được hưởng chính sách, chế độ như cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước lên công tác ở miền núi theo các quy định hiện hành và được hưởng các chính sách đối với đội viên Thanh niên xung phong ghi ở Điều 13 của Quyết định này.

Khi hoàn thành nhiệm vụ trong các đơn vị Thanh niên xung phong (kết thúc chương trình, dự án) thì được trở về làm việc ở cơ quan, đơn vị khi ra đi và cơ quan, đơn vị này có trách nhiệm bố trí công việc; nếu muốn làm việc ở đơn vị khác thì được bố trí phù hợp với nhu cầu và khả năng của bản thân và của đơn vị đó.

Điều 14. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ (kết thúc chương trình, dự án), nếu đội viên Thanh niên xung phong tình nguyện ở lại định cư, lập nghiệp lâu dài để xây dựng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì được hưởng các chính sách, chế độ về xây dựng vùng kinh tế mới, đồng thời được tiếp tục hưởng các chính sách đối với Thanh niên xung phong.

Nếu các đơn vị Thanh niên xung phong nói trên có đủ điều kiện và tự nguyện chuyển thành các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các ngành, nghề thích hợp hoạt động theo pháp luật thì được tạo điều kiện để đăng ký, được hưởng các chính sách về xây dựng vùng kinh tế mới và được tiếp tục hưởng các chính sách đối với Thanh niên xung phong.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Quyết định này thay thế các văn bản trước đây của Chính phủ về Thanh niên xung phong và có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành.

Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Thanh niên Việt Nam hướng dẫn và quy định cụ thể nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách khuyến khích Thanh niên xung phong đã được quy định trong Quyết định này.

Đề nghị Trung ương Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn các cấp bộ Đoàn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong việc thực hiện Quyết định này.

Điều 16. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp thi hành Quyết định này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giúp Thủ tướng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện Quyết định này và thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề nẩy sinh.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 770-TTg năm 1994 về việc tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 770-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/1994
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 15/02/1995
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 20/12/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản