Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/2013/QĐ-UBND | Ninh Thuận, ngày 22 tháng 11 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải về quy định về tải trong, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ; Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 979/TTr-SGTVT ngày 25 tháng 10 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; gồm IV chương, 16 điều.
Các nội dung không quy định trong Quyết định này các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 và Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22 tháng 02 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 2. Chủ các phương tiện vận tải và người điều khiển phương tiện vận tải khi tham gia giao thông phải chấp hành quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 171/2002/QĐ ngày 23 tháng 01 năm 2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định tải trọng cho phép một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan và các tổ chức, cá nhân có phương tiện vận tải lưu thông trên đường bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ TẢI TRỌNG, KHỔ GIỚI HẠN CỦA ĐƯỜNG BỘ, LƯU HÀNH XE QUÁ TẢI TRỌNG, XE QUÁ KHỔ GIỚI HẠN, XE BÁNH XÍCH TRÊN ĐƯỜNG BỘ, VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG KHI THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 77/2013/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Quy định này về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bằng phương tiện cơ giới đường bộ và việc lưu hành xe bánh xích gây hư hại mặt đường, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn an toàn của đường bộ trên đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Quy định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bằng phương tiện cơ giới trên đường bộ, lưu hành xe bánh xích gây hư hại mặt đường, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn an toàn của đường bộ trên đường bộ.
Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hàng không thể tháo rời (chia nhỏ) là hàng dạng kiện còn nguyên kẹp chì, niêm phong của cơ quan hải quan, cơ quan an ninh hoặc đối với thiết bị, máy móc nếu tháo rời, chia nhỏ sẽ bị hư hỏng hoặc thay đổi công năng.
2. Khổ giới hạn an toàn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường bộ để các xe kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.
3. Tải trọng của đường bộ là năng lực chịu tải của cầu và đường.
4. Năng lực chịu tải của cầu được xác định theo tiêu chuẩn thiết kế và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được thể hiện qua việc công bố của cơ quan có thẩm quyền hoặc biển báo về tải trọng của cầu.
5. Năng lực chịu tải của đường được xác định theo tải trọng trục xe tính toán để thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được thể hiện qua việc công bố của cơ quan có thẩm quyền hoặc các biển báo hạn chế về tải trọng trên đường bộ.
6. Tổng trọng lượng của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng hóa xếp trên xe.
7. Tải trọng trục xe là tổng trọng lượng của xe phân bố trên mỗi trục xe (trục đơn, cụm trục kép, cụm trục ba).
VẬN CHUYỂN HÀNG SIÊU TRƯỜNG, SIÊU TRỌNG TRÊN ĐƯỜNG BỘ
Điều 4. Hàng siêu trường, siêu trọng
1. Hàng siêu trường: là hàng không thể tháo rời (chia nhỏ), khi xếp lên phương tiện vận chuyển có một trong các kích thước bao ngoài (của tổ hợp phương tiện và hàng xếp trên phương tiện) đo được như sau:
a) Chiều dài lớn hơn 20 mét;
b) Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;
c) Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,2 mét (trừ container).
2. Hàng siêu trọng: là hàng không thể tháo rời (chia nhỏ), có trọng lượng trên 32 tấn.
Điều 5. Phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng.
1. Phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải có trọng tải, kích thước phù hợp với kiện hàng vận chuyển.
Trong trường hợp cần thiết có thể gia cố tăng cường khả năng chịu tải của phương tiện nhưng phải theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng phải có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực.
Điều 6. Trách nhiệm của bên chủ hàng.
1. Thông báo cho bên vận tải về trọng lượng, kích thước hàng và địa điểm xếp dỡ hàng.
2. Chịu trách nhiệm về nhãn hiệu gửi hàng (tên, địa chỉ nơi gửi, nơi nhận trọng lượng, kích thước, phương pháp xếp dỡ, yêu cầu bảo quản, ...).
3. Phối hợp đầy đủ với bên vận tải giải quyết các vướng mắc phát sinh trong khi thực hiện vận chuyển.
Điều 7. Trách nhiệm của bên vận tải.
1. Có đủ đội ngũ lái xe, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề để sử dụng phương tiện và các thiết bị chuyên dùng.
2. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bảo đảm an toàn cho người, hàng hóa và công trình giao thông. Nội dung chủ yếu của phương án gồm: khảo sát hành trình chạy xe (tuyến đường, đoạn đường được đi); vị trí địa hình nơi xếp dỡ; yêu cầu hỗ trợ hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông trên đường khi phương tiện vận chuyển đi qua; tốc độ xe đi, giờ đi, điểm đỗ, ...
Việc khảo sát, thiết kế nhằm gia cố tăng cường năng lực chịu tải và khả năng thông qua của đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận.
Điều 8. Lưu hành trên đường bộ của phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng
Việc lưu hành trên đường bộ của phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng thực hiện theo các quy định về lưu hành xe bánh xích gây hư hại mặt đường, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ trên đường bộ (được quy định tại Chương III Quy định này).
Điều 9. Xe bánh xích gây hư hại mặt đường
Xe bánh xích gây hư hại mặt đường (sau đây gọi tắt là xe bánh xích) là loại xe di chuyển bằng bánh xích mà khi chạy trên đường, răng của bánh xích cắm xuống đường gây hư hỏng mặt đường, nền đường.
Điều 10. Xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ
1. Xe quá tải trọng của đường bộ (sau đây gọi tắt là xe quá tải): là xe có tổng trọng lượng (bao gồm trọng lượng của xe và trọng lượng của hàng hóa xếp trên xe) vượt quá năng lực chịu tải của cầu hoặc xe có tải trọng trục xe vượt quá năng lực chịu tải của đường.
2. Xe quá khổ giới hạn của đường bộ (sau đây gọi tắt là xe quá khổ): là xe theo thiết kế của nhà sản xuất (hoặc xe sau khi xếp hàng) có một trong các kích thước bao ngoài vượt quá khổ giới hạn an toàn của đường bộ hoặc có một trong các kích thước bao ngoài như sau:
a) Chiều dài lớn hơn 20 mét hoặc lớn hơn 1,1 lần chiều dài của xe trước khi xếp hàng;
b) Chiều rộng lớn hơn 2,5 mét;
c) Chiều cao tính từ mặt đường bộ trở lên lớn hơn 4,75 mét đối với đường cấp I.II.III; 4,50 mét đối với đường cấp IV trở xuống;
d) Giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ: áp dụng theo Điều 17 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải.
3. Tải trọng trục và xe và tổng trọng lượng của xe:
a) Tải trọng trục xe:
- Trục đơn: Tải trọng trục xe ≤ 10 tấn/trục.
- Cụm trục kép (hai trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục:
+ Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn.
+ Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn.
+ Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn.
- Cụm trục ba (ba trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề:
+ Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn.
+ Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.
b) Tổng trọng lượng của xe:
- Đối với xe thân liền:
+ Có tổng số trục bằng hai, tổng trọng lượng của xe ≤ 16 tấn.
+ Có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 24 tấn.
+ Có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 30 tấn.
+ Có tổng số trục bằng năm hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn.
- Đối với tổ hợp xe đầu kéo với rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc:
+ Có tổng số trục bằng ba, tổng trọng lượng của xe ≤ 26 tấn.
+ Có tổng số trục bằng bốn, tổng trọng lượng của xe ≤ 34 tấn.
+ Có tổng số trục bằng năm, tổng trọng lượng của xe ≤ 44 tấn.
+ Có tổng số trục bằng sáu hoặc lớn hơn, tổng trọng lượng của xe ≤ 48 tấn.
4. Xe chuyên dùng và xe chở container: chiều cao xếp hàng hoá tính từ điểm cao nhất của mặt đường xe chạy trở lên không quá 4,35 mét.
5. Xe máy chuyên dùng và xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng có tổng trọng lượng, tải trọng trục xe hoặc kích thước vượt quá tải trọng, quá khổ giới hạn an toàn của đường bộ khi tham gia giao thông cũng được coi là xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ.
6. Xe quá tải, quá khổ khi lưu thông trên đường đô thị, thị trấn thị tứ, đường xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phải tuân thủ theo biển báo hiệu đường bộ số 115 “Hạn chế trọng lượng xe”; biển số 116: Hạn chế trọng lượng trên trục xe”.
Kèm theo quy định cấp đường trong địa phận tỉnh Ninh Thuận.
Điều 11. Lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ trên đường bộ
1. Việc lưu hành của xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ trên đường bộ phải bảo đảm an toàn giao thông và an toàn của đường bộ.
2. Tổ chức, cá nhân khi lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ trên đường bộ phải thực hiện các quy định sau:
a) Có Giấy phép lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ trên đường bộ do cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền (sau đây gọi tắt là Giấy phép lưu hành);
b) Tuân thủ các quy định được ghi trong Giấy phép lưu hành.
Điều 12. Cấp Giấy phép lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ
1. Chỉ cấp Giấy phép lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ trên từng đoạn, tuyến đường bộ cụ thể và trong những trường hợp đặc biệt, khi không còn phương án vận chuyển nào khác phù hợp hơn hoặc không thể sử dụng chủng loại phương tiện vận tải đường bộ khác phù hợp hơn để vận chuyển trên đoạn, tuyến đường bộ đó.
2. Không cấp Giấy phép lưu hành cho xe chở hàng có thể tháo rời (chia nhỏ) hoặc xe bánh xích không lắp guốc xích khi tham gia giao thông.
3. Trường hợp xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ vượt quá năng lực chịu tải của cầu, đường mà phải gia cố thì cá nhân, tổ chức có nhu cầu lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ trên đường bộ phải chịu trách nhiệm chi phí thiết kế gia cố và gia cố. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được cấp Giấy phép lưu hành sau khi đã hoàn thành việc gia cố cầu, đường đáp ứng khả năng chịu tải do xe quá tải, quá khổ gây ra.
4. Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép lưu hành:
a) Các xe quá tải, quá khổ không thuộc loại xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và khi lưu hành không kèm điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe dẫn đường, hộ tống hoặc các điều kiện tương tự khác:
- Trường hợp lưu hành trên tuyến, đoạn tuyến đường bộ mới cải tạo nâng cấp đồng bộ: Thời hạn là thời gian cho từng chuyến vận chuyển hoặc từng đợt vận chuyển nhưng không quá 60 ngày.
- Trường hợp lưu hành trên tuyến, đoạn tuyến đường bộ chưa cải tạo nâng cấp hoặc cải tạo nâng cấp chưa đồng bộ: thời hạn là thời gian cho từng chuyến vận chuyển hoặc từng đợt vận chuyển nhưng không quá 30 ngày;
b) Các xe quá tải, quá khổ khi lưu hành phải có các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe dẫn đường, hộ tống hoặc điều kiện tương tự khác hoặc các xe thuộc loại xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng: thời hạn là thời gian cho từng chuyến vận chuyển hoặc từng đợt vận chuyển nhưng không quá 30 ngày;
c) Các xe bánh xích tự di chuyển trên đường bộ, thời hạn là thời gian từng lượt đi từ nơi đi đến nơi đến;
d) Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này không được vượt quá thời hạn có hiệu lực quy định trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Điều 13. Hồ sơ và thời gian xét cấp Giấy phép lưu hành
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lưu hành.
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ theo mẫu tại Phụ lục 4, Phụ lục 5 kèm theo Quy định này; kèm theo đơn có vẽ sơ đồ xe ghi đầy đủ, chính xác các kích thước bao ngoài (nếu xe chở hàng phải ghi đầy đủ, chính xác các kích thước bao ngoài khi đã xếp hàng hóa lên xe hoặc lên rơ moóc, sơ mi rơ moóc: chiều cao, chiều rộng, chiều dài), khoảng cách các trục xe, chiều dài đuôi xe. Đơn đề nghị cấp Giấy phép lưu hành là bản chính, rõ ràng, đầy đủ, không được tẩy xóa; tổ chức, cá nhân đứng đơn đề nghị phải là chủ phương tiện hoặc chủ hàng hoặc người điều khiển phương tiện. Tổ chức, cá nhân đứng đơn đề nghị phải ký, ghi rõ họ, tên và đóng dấu cơ quan, tổ chức; trường hợp đơn đề nghị cấp Giấy phép lưu hành không có dấu thì người đứng đơn (chủ phương tiện hoặc chủ hàng hoặc người điều khiển phương tiện) phải trực tiếp đến làm thủ tục và phải xuất trình thêm giấy phép lái xe hoặc chứng minh thư nhân dân của người đứng đơn;
b) Bản chụp giấy đăng ký hoặc giấy đăng ký tạm thời (đối với phương tiện mới nhận) xe, đầu kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc;
c) Bản chụp các trang ghi về đặc điểm phương tiện và kết quả kiểm định lần gần nhất của Sổ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trường hợp phương tiện mới nhận chỉ cần bản chụp tính năng kỹ thuật của xe (do nhà sản xuất gửi kèm theo xe).
Người đến làm thủ tục xin cấp Giấy phép lưu hành phải mang theo các bản chính của các bản chụp nêu trên để đối chiếu.
2. Thời gian xem xét cấp Giấy phép lưu hành không quá 02 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp phải kiểm định cầu, đường nhằm xác định khả năng để quy định điều kiện đi hoặc gia cố cầu, đường thì thời gian xem xét cấp không quá 02 ngày làm việc kể từ khi có kết quả kiểm định của tổ chức tư vấn đủ tư cách hành nghề hoặc sau khi đã hoàn thành việc gia cố cầu, đường bảo đảm cho xe đi an toàn.
Điều 14. Thẩm quyền cấp Giấy phép lưu hành
1. Giám đốc Sở Giao thông vận tải cấp Giấy phép lưu hành cho xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ kể cả xe thuộc loại xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoạt động trên mạng lưới đường bộ trong trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải cấp Giấy phép lưu hành cho các trường hợp xe quá tải, quá khổ đặc biệt mà khi lưu hành phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe dẫn đường, hộ tống hoặc phải gia cố cầu, đường hoặc thực hiện các quy định bắt buộc về an toàn giao thông khác.
3. Cơ quan cấp giấy phép lưu hành phải chịu trách nhiệm về việc cấp Giấy phép lưu hành, bảo đảm đúng đối tượng, giải pháp cho lưu hành phù hợp với tình trạng của phương tiện, cầu đường và bảo đảm an toàn giao thông.
Điều 15. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm
1. Việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm Quy định này được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
2. Trường hợp xảy ra hư hỏng công trình đường bộ do việc lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng trên đường bộ khi không thực hiện theo các quy định của Quyết định này, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, kiểm tra thực hiện việc cấp Giấy phép lưu hành và hoạt động của xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ trên đường bộ và có trách nhiệm:
a) Thường xuyên kiểm tra và thông báo tình hình cầu, đường trong phạm vi quản lý, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các tuyến đường do tỉnh quản lý và báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với tuyến đường Quốc lộ 27B do Bộ Giao thông vận tải ủy thác quản lý;
b) Cấp giấy phép lưu hành xe bánh xích, xe quá tải, quá khổ được thu và sử dụng các khoản phí, lệ phí liên quan đến việc cấp Giấy phép lưu hành theo quy định của Bộ Tài chính./.
- 1Quyết định 1730/QĐ-UBND năm 2011 quy định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ trên các tuyến tỉnh lộ do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2014 tăng cường giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xe ôtô vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 3Quyết định 27/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định tạm thời tải trọng, khổ giới hạn của đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 3Luật giao thông đường bộ 2008
- 4Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 5Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Thông tư 03/2011/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 07/2010/TT-BGTVT "quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ" do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 7Quyết định 1730/QĐ-UBND năm 2011 quy định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ trên các tuyến tỉnh lộ do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 8Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2014 tăng cường giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng xe ôtô vận chuyển hàng hóa quá khổ, quá tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 9Quyết định 27/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định tạm thời tải trọng, khổ giới hạn của đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Nam Định
Quyết định 77/2013/QĐ-UBND về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ, vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 77/2013/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/11/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Trần Xuân Hòa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra