Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/2003/QĐ-UBBT

Phan Thiết, ngày 10 tháng 11 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU VÀ TÀI SẢN XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/03/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;

- Căn cứ Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước;

- Căn cứ Quyết định số 29/2000/QĐ-BTC ngày 29/02/2000 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ Trưởng Bộ Tài chính ;

- Xét đề nghị của Liên Sở Tài chính -Vật Giá, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý, xử lý tài sản tịch thu và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước” tại Tỉnh Bình Thuận.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các văn bản của Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3 : Các Ông Chánh Văn phòng HĐND & UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính- Vật giá, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành các Hội, Đoàn thể và Chủ tịch các Huyện, Thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
 - Như điều 3
 - Thủ tướng Chính phủ (báo cáo)
 - Bộ Tài chính (báo cáo)
 - Bộ Tư pháp(báo cáo)
 - Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo)
 - Thường trực HĐND Tỉnh (báo cáo)
 - Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh
 - Chánh, PVP HĐND & UBND Tỉnh 
 - Viện KSND Tỉnh, Tòa án Tỉnh
 - Lưu VP/UB+CV VP HDND & UBND Tỉnh

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC QUẢN LÝ, XỬ LÝ TÀI SẢN TỊCH THU VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: /2003/QĐ-UBBT ngày: /11/2003 của UBND Tỉnh Bình Thuận)

Điều 1: Đối tượng áp dụng

a/ Tài sản là vật chứng vụ án có quyết định xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 58 – Bộ luật Tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

b/ Tài sản sử dụng trong các vụ vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của các ngành, các cấp có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 16/7/2002.

c/ Tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định tại điều 247, 248, 249, 647 của Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam :

- Tài sản là bất động sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản, sau 5 năm kể từ ngày các cơ quan chức năng thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu.

- Tài sản là cổ vật, là di tích lịch sử, văn hóa hay tài sản được tìm thấy không phải là cổ vật, di tích lịch sử, văn hóa mà có giá trị lớn bị chôn dấu, chìm đắm, trôi dạt được tìm thấy và đã được các cơ quan có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu Nhà nước, hoặc tài sản tuy có giá trị nhỏ nhưng được pháp luật quy định thuộc sở hữu Nhà nước.

- Tài sản có giá trị lớn bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được ai là chủ sở hữu sau 1 năm kể từ ngày được cơ quan chức năng của nhà nước thông báo công khai.

- Tài sản là di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng người đó không được quyền hưởng di sản, hoặc người đó từ chối quyền hưởng di sản.

d/ Tài sản do những tổ chức, cá nhân trong nước hiến tặng hoặc giao cho tổ chức, cá nhân được xác lập quyền sở hữu Nhà nước của cấp có thẩm quyền.

e/ Các tài sản khác được xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo Pháp luật quy định.

Điều 2: Chuyển giao tài sản

Cơ quan Tài chính thực hiện ủy quyền quản lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước cho cơ quan phát hiện, bắt giữ, ra quyết định tịch thu chịu trách nhiệm trông giữ, bảo quản tài sản, tang vật tịch thu cho đến khi hoàn tất việc xử lý tài sản theo quy định.

Điều 3: Về định giá, phê duyệt giá chuẩn, phương thức tổ chức bán tài sản tịch thu:

Chủ tịch UBND Tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài chính- Vật giá, Chủ tịch UBND Huyện, Thủ trưởng các Ngành thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tỉnh về kết quả thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

3.1 Đối với tài sản là lâm sản:

3.1.1) Lâm sản quý hiếm hoặc sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản quý hiếm được xử lý tịch thu quyết định đã có hiệu lực pháp luật của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật: Sở Tài chính Vật giá phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan của Tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội đồng định giá Tỉnh) trực tiếp tổ chức định giá, trình UBND Tỉnh phê duyệt giá chuẩn và chủ trì cùng các ngành chức năng có liên quan của Tỉnh (sau đây gọi tắt là Hội đồng đấu giá Tỉnh) tổ chức bán đấu giá và phê duyệt kết quả bán đấu giá.

3.1.2) Lâm sản không thuộc diện quý hiếm hoặc sản phẩm chế biến từ gỗ, lâm sản không thuộc diện quý hiếm được xử lý tịch thu quyết định đã có hiệu lực pháp luật của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật:

a/ Do các đơn vị chức năng thuộc Tỉnh bắt giữ, xử lý (gồm các đơn vị trực thuộc Văn phòng Chi cục Kiểm lâm, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Chi cục Quản lý Thị trường): Hội đồng định giá của Tỉnh tổ chức định giá, Sở Tài chính Vật giá phê duyệt giá chuẩn.

Đối với gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 có giá trị trên 10 triệu đồng cho mỗi quyết định xử lý, Sở Tài chính- Vật giá làm Chủ tịch Hội đồng tổ chức bán đấu giá và phê duyệt kết quả bán đấu giá.

Đối với gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 có số lượng ít, phân tán, có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống đối với mỗi quyết định xử lý và các loại lâm sản phụ như: tre, nứa, lồ ô, song mây, lá buông, trụ tiêu, cây bất cập phân ..., gỗ kém phẩm chất, loại gỗ có giá trị thấp (cụ thể là N7-N8), loại gỗ mau hư hỏng như: dong đồng, cóc lột, da, trám trắng, gòn: giao cho Chi cục Kiểm lâm tổ chức bán thẳng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng theo giá chuẩn của Hội đồng định giá của Tỉnh đã phê duyệt.

b/ Do các cơ quan chức năng của Huyện, Thành phố (kể cả Hạt kiểm lâm, Lâm trường, các Ban quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Huyện, Thành phố) bắt giữ, xử lý: Chủ tịch UBND Huyện, Thành phố chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch chủ trì cùng các ngành chức năng thuộc Huyện, Thành phố tổ chức định giá trên cơ sở bảng thông báo giá chuẩn hàng tháng của Liên Sở Tài chính Vật giá, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện, Thành phố phê duyệt giá chuẩn.

Đối với gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 có giá trị trên 10 triệu đồng cho mỗi quyết định xử lý, Phòng Tài chính Kế hoạch Huyện, Thành phố làm Chủ tịch Hội đồng, tổ chức bán đấu giá và trình Chủ tịch UBND Huyện, Thành phố phê duyệt kết quả bán đấu giá.

Đối với gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 8 có giá trị dưới 10 triệu đồng cho mỗi quyết định xử lý: Chủ tịch UBND Huyện, thành phố quyết định phương thức bán và phê duyệt kết quả bán.

Riêng đối với tài sản tịch thu là lâm sản phụ như: tre, nứa, lồ ô, song mây, lá buông, trụ tiêu, cây bất cập phân ..., và gỗ kém phẩm chất, loại gỗ có giá trị thấp (cụ thể là N7-N8), loại gỗ mau hư hỏng như: dong đồng, cóc lột, da, trám trắng, gòn … thì Chủ tịch UBND Huyện, Thành phố quyết định bán thẳng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng theo giá chuẩn đã định.

3.2/ Đối với tài sản tịch thu không phải là lâm sản, gồm: nhà, đất, vàng bạc, kim loại quý, đá quý, phương tiện đường thủy, xe ô tô, xe mô tô, xe bò, xe lôi, các dụng cụ phá rừng:

3.2.1/ Tài sản: nhà, đất trong Thị trấn, Thị xã, Thành phố; vàng bạc, kim loại quý, đá quý; phương tiện đường thủy, xe ô tô: Hội Đồng định giá của Tỉnh tiến hành định giá; trình Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt giá chuẩn. Sở Tài chính Vật giá chủ trì cùng các ngành chức năng có liên quan của Tỉnh tổ chức bán đấu giá, trình UBND Tỉnh phê duyệt kết quả bán đấu giá.

Riêng đối với xe ô tô bán dưới dạng thanh lý, phế liệu giao cho Sở Tài chính- Vật giá phê duyệt kết quả bán đấu giá.

3.2.2) Tài sản: xe mô tô, xe bò, xe lôi, các dụng cụ phá rừng do các đơn vị chức năng của Tỉnh bắt giữ, xử lý: Hội Đồng định giá của Tỉnh tiến hành định giá; Sở Tài chính Vật giá phê duyệt giá chuẩn đồng thời quyết định phương thức bán và phê duyệt kết quả bán.

3.2.3) Tài sản: nhà, đất nằm trên địa bàn xã thuộc Huyện quản lý, xe mô tô, xe bò, xe lôi, và các dụng cụ phá rừng do các cơ quan chức năng trực thuộc Huyện, Thành phố (kể cả Hạt kiểm lâm, Lâm trường, các Ban quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn Huyện, Thành phố) bắt giữ, xử lý: Hội Đồng định giá của Huyện, Thành phố do Phòng Tài chính - Kế hoạch làm Chủ tịch Hội đồng định giá; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện, Thành phố phê duyệt giá chuẩn.

Đối với xe mô tô, xe bò, xe lôi, và các dụng cụ phá rừng, Chủ tịch UBND Huyện, thành phố quyết định phương thức bán và phê duyệt kết quả bán .

 Đối với nhà, đất nằm trên địa bàn xã phải tổ chức bán đấu giá. Phòng Tài chính - Kế hoạch làm Chủ tịch Hội đồng, tổ chức bán đấu giá và trình UBND Huyện, Thành phố phê duyệt kết quả bán đấu giá.

3.3/ Tài sản tịch thu là súc vật sống dùng làm phương tiện vi phạm (Trâu, bò, ngựa...):

3.3.1/ Do các đơn vị chức năng thuộc Tỉnh bắt giữ, xử lý: Hội đồng định giá của Tỉnh tổ chức định giá, Sở Tài chính- Vật giá phê duyệt giá chuẩn. Thủ trưởng đơn vị bắt giữ tổ chức bán thẳng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo đơn duyệt của Giám đốc Sở, Ngành trực tiếp quản lý, không thấp hơn giá chuẩn đã được phê duyệt.

3.3.2/ Do các đơn vị chức năng thuộc Huyện bắt giữ, xử lý: Hội đồng định giá của Huyện tổ chức định giá, UBND Huyện phê duyệt giá chuẩn.Thủ trưởng đơn vị bắt giữ tổ chức bán thẳng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo đơn duyệt của Chủ tịch UBND Huyện, không thấp hơn giá chuẩn đã được phê duyệt.

3.4/ Tài sản tịch thu khác (ngoài điểm 3.1, 3.2, 3.3):

3.4.1/ Do các cơ quan chức năng thuộc Tỉnh bắt giữ, xử lý:

 Hội đồng định giá Tỉnh tổ chức định giá: giao cho Sở Tài chính- Vật giá phê duyệt giá chuẩn đối với tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng cho mỗi Quyết định tịch thu và trình UBND Tỉnh phê duyệt giá chuẩn đối với tài sản có giá trị 100 triệu đồng trở lên cho mỗi Quyết định tịch thu.

Sở Tài chính- Vật giá làm Chủ tịch hội đồng, tổ chức bán đấu giá, đồng thời phê duyệt kết quả bán đấu giá.

3.4.2/ Do các cơ quan chức năng thuộc Huyện, Thành phố bắt giữ, xử lý:

 Hội đồng định giá Huyện tổ chức định giá (Phòng Tài chính - Kế hoạch làm Chủ tịch Hội đồng) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện, Thành phố phê duyệt giá chuẩn đối với tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng cho mỗi Quyết định tịch thu hoặc báo cáo UBND Huyện để UBND Huyện đề nghị Sở Tài chính- Vật giá trình UBND Tỉnh phê duyệt giá chuẩn đối với tài sản có giá trị 100 triệu đồng trở lên cho mỗi Quyết định tịch thu.

 Phòng Tài chính - Kế hoạch làm Chủ tịch Hội đồng tổ chức bán đấu giá và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Huyện, Thành phố phê duyệt kết quả bán đấu giá.

Điều 4: Phí đấu giá và thu tiền đặt trước của khách hàng tham dự đấu giá:

- Mức thu phí đấu giá theo quy định của HĐND Tỉnh. Giao cho Sở Tài chính- Vật giá tham mưu đề xuất mức thu để UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh quyết định.

- Mức thu tiền đặt trước từ 10% đến 30% giá chuẩn bán đấu giá, mức cụ thể giao cho Chủ tịch Hội đồng trong phiên bán đấu giá quyết định. Khách hàng không trúng đấu giá được trả lại tiền đặt trước ngay sau khi kết thúc cuộc bán đấu giá.

Điều 5 : Tổ chức đấu giá

Việc tổ chức bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định hiện hành. Trong đó:

- Cơ quan tổ chức bán đấu giá phải thông báo việc bán đấu giá trong thời gian từ 3 đến 5 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng ( Đài truyền hình hoặc báo...)

- Thời hạn đăng ký đấu giá: trong vòng 10 ngày kể từ ngày thông báo bán đấu giá.

- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày đấu giá, khách hàng trúng đấu giá phải nộp đủ tiền trúng đấu giá (kể cả tiền đặt trước).

- Khi đã nộp đủ tiền, trong vòng 10 ngày kể từ khi có quyết định phê duyệt kết quả đấu giá của cơ quan có thẩm quyền, khách hàng phải liên hệ cơ quan trông giữ tài sản để nhận tài sản. Nếu quá thời hạn nhưng khách hàng không nhận tài sản thì phải nộp tiền lưu kho, lưu bãi theo mức thu UBND Tỉnh tạm thời quy định cụ thể như sau :

+ Xe ô tô : 15.000 đồng/chiếc/ngày

+ Xe mô tô : 5.000 đồng/chiếc/ngày

+ Gỗ : 5.000 đồng/m3/ngày.

+ Tài sản khác : 0,1%/giá trị tài sản/ngày

Số tiền lưu kho, lưu bãi thu được, đơn vị được trích 30% tính trên tổng số thu bổ sung cho kinh phí phục vụ công tác hoạt động của đơn vị, phần 70% còn lại được nộp kịp thời và đầy đủ vào Ngân sách Nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Cơ quan trông giữ tài sản phải tạo điều kiện thuận lợi bàn giao tài sản cho khách hàng trúng đấu giá theo đúng quy định pháp luật.

Điều 6 : Chi phí cho công tác tổ chức đấu giá

- Cho phép được trích 2% trên giá trị bán tài sản (kể cả tài sản bán thẳng và nằm ngoài khoản chi phí trích trước của đơn vị bắt giữ tài sản) để sử dụng chi cho công tác định giá và bán đấu giá tài sản Nhà nước. Nội dung chi bao gồm: chi phí kiểm kê, giao nhận; chi phí tổ chức định giá; tổ chức thông tin, quảng cáo, tổ chức trưng bày tài sản và cho xem tài sản bán đấu giá; chi phí in ấn tài liệu hồ sơ bán đấu giá, chi cho tổ chức cuộc bán đấu giá và một số công tác liên quan đến quản lý, xử lý tài sản sung qũy nhà nước.

Số trích 2%, sau khi thực chi còn lại được bổ sung kinh phí cho cơ quan trực tiếp tổ chức bán đấu giá để đầu tư mua sắm tài sản phục vụ cho công tác quản lý và xử lý tài sản.

- Cơ quan được trích chi phí cho công tác tổ chức đấu giá có trách nhiệm theo dõi phản ánh đầy đủ các khoản thu chi và quyết toán theo quy định hiện hành.

- Thẩm quyền quyết định chi trong số trích 2%: Giao Thủ trưởng cơ quan là Chủ tịch Hội Đồng bán đấu giá hoặc Thủ trưởng cơ quan tổ chức bán thẳng tài sản quyết định chi.

Điều 7 : Tổ chức thực hiện

Trên đây là Quy chế quản lý, xử lý tài sản tịch thu và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước áp dụng theo Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 và Quyết định số 29/2000/QĐ-BTC ngày 29/02/200 của Bộ Tài chính. Những nội dung khác có liên quan đến việc xử lý tài sản này áp dụng theo đúng quy định hiện hành của nhà nước. Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính Vật giá, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành các Hội, Đoàn thể và Chủ tịch các Huyện, Thành phố có liên quan triển khai thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 77/2003/QĐ-UBBT ban hành quy chế quản lý, xử lý tài sản tịch thu và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 77/2003/QĐ-UBBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/11/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/11/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản