Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77/2001/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 77/2001/QĐ-BNN NGÀY 27 THÁNG 07 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN HÀNG NĂM

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Quy hoạch,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về trình tự xây dựng kế hoạch phát triển Nông nghiệp và nông thôn hàng năm của Ngành Nông nghiệp và PTNT.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan chức năng và Thủ trưỏng các cơ quan được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Lê Huy Ngọ

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN HÀNG NĂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 77/2001/QĐ-BNN ngày 27 tháng 7 năm 2001)

Điều 1. Mục đích, yêu cầu

1- Mục đích:

- Nâng cao chất lượng của các kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo đầu tư phù hợp với định hướng của Ngành, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn;

- Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong Ngành Nông nghiệp và PTNT trong việc xây dựng kế hoạch;

- Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành Nông nghiệp, giữa Ngành Nông nghiệp với các Bộ, Ngành và các cơ quan liên quan trong công tác kế hoạch hoá phát triển nông nghiệp và nông thôn.

2- Yêu cầu:

- Đảm bảo kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn thể hiện được tính dân chủ, khoa học và thực tiễn;

- Đảm bảo quản lý Nhà nước thống nhất đối với công tác kế hoạch hoá phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Điều 2. Trình tự xây dựng kế hoạch phát triển Ngành Nông nghiệp

1- Hàng năm, sau khi sơ kết đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, ước tính thực hiện kế hoạch cả năm và xác định những định hướng phát triển tiếp theo; đồng thời căn cứ yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước (thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ), dựa trên tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và đầu tư... Vụ Kế hoạch và Quy hoạch dự thảo mục đích, yêu cầu, nội dung và các bước tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn, báo cáo lãnh đạo Bộ và thể hiện bằng văn bản Chỉ thị của Bộ trưởng về việc xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm tới.

2- Sau khi có Chỉ thị của Bộ trưởng, Vụ Kế hoạch và Quy hoạch ban hành các biểu mẫu và hướng dẫn xây dựng kế hoạch từng lĩnh vực đến các Sở Nông nghiệp và PTNT, Doanh nghiệp trực thuộc, các Viện, Trường và Vụ, Cục; đồng thời tổ chức hội nghị triển khai việc xây dựng kế hoạch.

3- Các đơn vị căn cứ vào Chỉ thị và hướng dẫn của Bộ, vào chức năng nhiệm vụ và lĩnh vực phụ trách, tiến hành xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện; đồng thời tập hợp danh mục các dự án đầu tư đã được Bộ duyệt để bố trí kế hoạch đầu tư. Đối với những dự án đầu tư đã có quyết định của Bộ cho lập dự án thì xúc tiến lập và trình Bộ phê duyệt trước ngày 15/10 để kịp bố trí kế hoạch đầu tư. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, các đơn vị cần thường xuyên quan hệ trao đổi với Vụ Kế hoạch và Quy hoạch để nắm các thông tin cần thiết, thống nhất các chỉ tiêu và phương pháp tính toán.

3.1 Các sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp và PTNT của địa phương và gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch và Quy hoạch) để tổng hợp chung toàn Ngành.

3.2 Vụ Kế hoạch và Quy hoạch chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan tổ chức làm việc với các Sở Nông nghiệp, Tổng công ty, Công ty trực thuộc Bộ, các Viện, Trường... để thảo luận, nắm tình hình của đơn vị cơ sở.

3.3 Các Vụ, Cục có chức năng quản lý chuyên ngành liên quan đến nhiều đơn vị và theo dõi các lĩnh vực hoạt động có nguồn vốn phải phân bổ thì chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuyên ngành. Cụ thể là:

- Vụ Tài chính kế toán chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch và Quy hoạch và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thu, chi ngân sách Nhà nước (kinh phí hành chính sự nghiệp).

- Vụ Khoa học công nghệ và CLSP chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch và Quy hoạch và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phát triển khoa học công nghệ, kế hoạch sử dụng vốn sự nghiệp khoa học và chủ trương đầu tư xây dựng cơ bản của các đơn vị khoa học.

Đối với kế hoạch điều tra cơ bản và môi trường: Vụ Khoa học công nghệ và CLSP cùng Vụ Kế hoạch và Quy hoạch tiếp nhận các dự án điều tra cơ bản và môi trường của các đơn vị và hướng dẫn xây dựng dự án. Riêng các dự án điều tra cơ bản về thuỷ lợi phải có ý kiến đồng ý của Cục Quản lý nước và Công trình thuỷ lợi. Vụ Khoa học công nghệ và CLSP lập hội đồng khoa học thẩm định dự án, trình Bộ phê duyệt. Vụ Kế hoạch và Quy hoạch bố trí vốn cho dự án theo quyết định đã được phê duyệt.

- Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định các dự án đầu tư và trình Bộ phê duyệt trước ngày 15/10 (trước năm kế hoạch) để có cơ sở bố trí kế hoạch vốn đầu tư; theo dõi việc thực hiện vốn đầu tư ở các đơn vị.

- Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch và Quy hoạch và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nhân lực và xây dựng cơ bản đối với các trường và viện có đào tạo sau đại học trực thuộc Bộ quản lý.

- Cục Chế biến NLS và NNNT chủ trì phối hợp với các Vụ, Cục liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất mía đường, rau quả, muối và cơ khí nông nghiệp.

- Cục Khuyến nông và Khuyến lâm chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan xây dựng kế hoạch trồng trọt, chăn nuôi và kế hoạch thực hiện chương trình giống.

- Cục Quản lý nước và CTTL chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch và Quy hoạch và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư thuỷ lợi.

- Cục Phòng chống lụt bão và QLĐĐ chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều.

- Cục Phát triển lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch và Quy hoạch và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp.

- Các cục Kiểm lâm, Thú y, Bảo vệ thực vật chủ trì xây dựng các kế hoạch có liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

- Các đơn vị phụ trách các chương trình quốc gia (Nước sạch và VSMT, Định canh định cư và VKTM, chương trình 661) chủ trì xây dựng kế hoạch thuộc trách nhiệm đã được phân công.

Tất cả các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành xây dựng xong kế hoạch dự thảo phải trình Thứ trưởng phụ trách khối để xin ý kiến chỉ đạo. Bộ phân cấp chủ trương đầu tư cho các dự án như sau:

- Tập thể lãnh đạo Bộ thông qua kế hoạch chung và các dự án nhóm A, B;

- Bộ trưưởng và Thứ trưởng phụ trách khối thông qua kế hoạch chuyên ngành và các dự án nhóm C.

Các kế hoạch chuyên ngành sau khi hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung theo chỉ đạo của Thứ trưởng phụ trách, được gửi về Vụ Kế hoạch và Quy hoạch vào đầu tháng 10 để đưa vào kế hoạch tổng hợp của Ngành.

4- Trên cơ sở kế hoạch của các sở, các đơn vị trực thuộc và kế hoạch từng lĩnh vực ngành do các Vụ, Cục chức năng xây dựng, Vụ Kế hoạch và Quy hoạch tổng hợp thành bản dự thảo kế hoạch chung của Ngành và lấy ý kiến của các Vụ, Cục, Viện... để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh trước khi trình lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng của Bộ vào tháng 11.

5- Dự thảo kế hoạch chung của Ngành sau bước sửa chữa, bổ sung theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và Ban cán sự Đảng, thành bản kế hoạch của Bộ và được gửi xin ý kiến của các Bộ, Ngành liên quan.

6- Vụ Kế hoạch và Quy hoạch thu thập ý kiến tham gia của các Bộ, Ngành; chuẩn bị các ý kiến tiếp thu trình Bộ trưởng và hoàn chỉnh bản kế hoạch theo chỉ đạo của Bộ trưởng.

7- Bản kế hoạch chung của Ngành sau các bước hoàn chỉnh nói trên, được trình lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng thông qua lần cuối, sau đó được hoàn thiện thành bản kế hoạch chính thức của Ngành do Bộ trưưởng ký và trình Chính phủ.

Điều 3. Vụ Kế hoạch và Quy hoạch chịu trách nhiệm theo dõi văn bản Bộ đã trình Chính phủ, làm việc với các Bộ, Ngành Trung ương để bảo vệ kế hoạch.

Sau khi có chỉ tiêu chính thức của Nhà nước, Vụ Kế hoạch và Quy hoạch phối hợp với các Vụ, Cục chức năng (nêu ở điểm 3.3) thống nhất trình Bộ quyết định phân bổ chỉ tiêu kế hoạch và thông báo đến các đơn vị; theo dõi việc thực hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc để các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, Vụ Kế hoạch và Quy hoạch phối hợp với các Vụ, Cục chức năng rà soát tình hình thực hiện kế hoạch của các đơn vị để làm kế hoạch điều chỉnh, bảo đảm thực hiện vốn đầu tư đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 4. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm phổ biến cho cán bộ, công chức thuộc đơn vị mình, quán triệt và thực hiện đúng nội dung Quy định này. Hàng năm, sau mỗi kỳ xây dựng kế hoạch, các đơn vị tổ chức họp kiểm điểm việc thực hiện, phát huy những việc làm tốt, rút kinh nghiệm những việc làm chưa đúng quy định để khắc phục kịp thời.

Điều 5. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Quy hoạch có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành quy định trình tự xây dựng kế hoạch hàng năm của các đơn vị trong toàn Ngành.

Điều 6. Quy định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần phản ánh về Vụ Kế hoạch và Quy hoạch để kịp thời sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 77/2001/QĐ-BNN Quy định trình tự xây dựng kế hoạch phát triển Nông nghiệp và nông thôn hàng năm do Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 77/2001/QĐ-BNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/07/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Huy Ngọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/08/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản