Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 768/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THỦY LỢI PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 729/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐND ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 43/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Ke hoạch thực hiện Chương trình hành động số 27-CTrHĐ/TU của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn Thành phố;

Căn cứ Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt đề án Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Thông báo số 08/TB-VP ngày 07 tháng 01 năm 2014 của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố về nội dung kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Hoàng Quân tại cuộc họp Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố về đề án quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Xét Tờ trình số 173/TTr-SNN ngày 10 tháng 02 năm 2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Công văn số 102/SNN-CCTL ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giải trình một số nội dung theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Hoàng Quân tại Thông báo số 08/TB-VP ngày 07 tháng 01 năm 2014 về Đe án Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên Đề án: Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

2. Địa điểm: thành phố Hồ Chí Minh;

3. Mục tiêu:

Mục tiêu chung: Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có lồng ghép chương trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Thành phố chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến thủy lợi như: chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới, cấp nước phục vụ dân sinh và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể:

Quy hoạch thủy lợi phục vụ cho các mục tiêu của Quy hoạch sản xuất nông nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 định hướng đến năm 2025, đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mang tính cạnh tranh, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, thân thiện môi trường và an toàn vệ sinh sản phẩm.

Mục tiêu mà Quy hoạch thủy lợi sẽ đạt được đến năm 2020, cụ thể như sau:

- Cấp nước tưới cho 15.580 ha cây hàng năm, 8.650 ha cây lâu năm, 1.000 ha sản xuất muối và 7.773 ha nuôi thủy sản;

- Tiêu nước cho 63.623 ha;

- Cấp nước trực tiếp từ kênh Đông là 450.000 m3/ngày đêm.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ của đề án phải thực hiện các nội dung sau:

- Đánh giá hiện trạng đầu tư, khai thác, quản lý hệ thống công trình thủy lợi Thành phố.

- Khai thác tổng hợp nguồn nước, rà soát đề xuất giải pháp cấp nước để phục vụ cho phát triển sản xuất bao gồm các ngành: sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp, cấp nước phục vụ dân sinh; rà soát đề xuất các giải pháp chống hạn, tiêu úng kết hợp bảo vệ môi trường, phòng chống cháy rừng. Đề xuất các giải pháp công trình tưới tiêu trọng lực, kiên cố hóa kênh mương v.v... đảm bảo tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

- Trên nền tảng mục tiêu chung, xây dựng bước đi hợp lý trong quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước dân sinh, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư phát triển ngành trong giai đoạn trước mắt (2014-2020) và lâu dài (tầm nhìn đến 2025).

- Thực hiện đề án quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp không làm ảnh hưởng nhiều đến Quy hoạch thế trận quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ của Thành phố.

4. Phạm vi nghiên cứu:

Trên phạm vi toàn Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung tại các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định theo Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

5. Phân chia tiểu vùng và dự báo nhu cầu nước

Trên phạm vi các quận - huyện có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề án phân chia thành 04 tiểu vùng:

- Tiểu vùng 1: Toàn bộ huyện Củ Chi có nguồn nước tưới chủ yếu lấy từ hệ thống kênh Đông, vùng ven sông Sài Gòn lấy nước trực tiếp từ sông Sài Gòn;

- Tiểu vùng 2: Huyện Hóc Môn, Quận 12, quận Bình Tân và Bắc Bình Chánh (phía Bắc sông Bến Lức) sử dụng nước từ hệ công trình thủy lợi nội vùng;

- Tiểu vùng 3: gồm Nam Bình Chánh (phía Nam sông Bến Lức) và huyện Nhà Bè, chịu tác động của thủy triều, chủ yếu tưới, tiêu nhờ năng lượng thủy triều, nguồn nước mưa và nước ngầm dưới đất.

- Tiểu vùng 4: Toàn bộ huyện Cần Giờ với rừng ngập mặn nguyên sinh. Vùng này bị bao quanh bởi nguồn nước mặn nên chủ yếu sử dụng nước mưa để phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Tổng hợp nhu cầu nước theo các giai đoạn (đơn vị: triệu m3)

Tiểu vùng

Không xét BĐKH

Có xét BĐKH

2013

2020

2025

2020

2025

2050

Tiểu vùng 1

185,20

164,8

171

165,76

172,42

173,66

Tiểu vùng 2

235,25

198,17

190,35

198,72

191,02

191,38

Tiểu vùng 3

87,64

54,6

54,8

54,83

55,13

55,41

Tiểu vùng 4

145,17

149,57

134,49

149,65

134,6

134,69

Toàn vùng

653,27

567,14

550,64

568,97

553,16

555,14

6. Giải pháp quy hoạch thủy lợi Thành phố

Giải pháp quy hoạch thủy lợi cho từng vùng được xác định làm cơ sở xây dựng quy hoạch thủy lợi cho từng vùng. Giải pháp chủ yếu quy hoạch thủy lợi giai đoạn này là nạo vét, duy tu sửa chữa, nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị quản lý vận hành các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng thêm các công trình thủy lợi mới phục vụ nuôi trồng thủy sản và làm muối, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật công nghệ cao, chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời bổ sung cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho Thành phố.

Cụ thể như sau:

Tiểu vùng 1 (huyện Củ Chỉ)

- Nâng cấp hoàn chính hệ thống Kênh Đông, cứng hóa bờ kênh các cấp, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị quản lý vận hành. Nâng cấp hệ thống kênh tiêu các cấp, tiến đến kiên cố hóa các kênh tiêu đi qua khu dân cư tập trung, khu đô thị nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát cũng như giảm kinh phí duy tu nạo vét hàng năm, chống lấn chiếm bờ kênh. Sau năm 2020, tiến hành cứng hóa các bờ vùng của các khu tưới lớn, cánh đồng mẫu lớn.

- Hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản dọc kênh Đông và N46 khoảng 200ha.

- Cấp nước sinh hoạt và công nghiệp đến năm 2025 là 1.350.000 m3/ngày, trong đó lấy nước trực tiếp từ hệ thống kênh Đông là 450.000 m3/ngày.

- Xây dựng hệ thống hàng rào dọc các kênh cấp nước sinh hoạt nhằm bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước.

- Nâng cấp mở rộng và nạo vét các hệ thống kênh trục tiêu thoát nước: rạch Thai Thai, rạch Bà Thước, Rạch cầu Đen, rạch Sơn, hệ thống kênh tiêu Đức Lập - Quyết Thắng - Bến Mương - Láng The, kênh Địa Phận và các kênh nhỏ khác.

- Xây dựng hồ điều hòa Bến Mương - Láng The với quy mô diện tích khoảng 450 ha khu vực xã Phước Vĩnh An, xã Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông nhằm mục tiêu: tích trữ nước mùa khô, chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu; đồng thời tạo dung tích phòng lũ, giảm ngập úng cho khu vực trong mùa mưa lũ.

Tiểu vùng 2 (huyện Hóc Môn - Bắc Bình Chánh)

- Tiếp tục duy tu, nâng cấp hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh bằng việc nạo vét kênh rạch trong vùng có sản xuất nông nghiệp, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống cống bọng, đê bao bảo vệ kết hợp giao thông nông thôn, hiện đại hóa trang thiết bị quản lý vận hành đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp vùng ven đô thị. Các hệ thống thủy lợi cần nạo vét và nâng cấp gồm các kênh trục chính như: Kênh A, Kênh B, Kênh C, hệ thống Bình Lợi A, Bình Lợi B, đê bao Tân Nhựt... Thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng nước trong vùng nhằm giám sát và dự báo chất lượng nước; xây dựng quy trình vận hành chặt chẽ, hợp lý các hệ thống cống phía ngoài để điều tiết nguồn nước đạt chất lượng về các kênh lấy nước tưới để phục vụ sản xuất.

- Các kênh rạch vùng giáp ranh khu dân cư, khu công nghiệp cần được nạo vét mở rộng nhằm đảm bảo khả năng tiêu thoát nước. Các kênh rạch cần nạo vét gồm: rạch cầu Suối, kênh Trung ương...

Tiểu vùng 3 (Nam Bình Chánh - Nhà Bè)

Giải pháp quy hoạch thủy lợi vùng này là nạo vét các kênh rạch, nâng cấp các đê bao kết hợp giao thông nông thôn, bổ sung thêm cống bọng nhằm đảm bảo sản xuất ổn định cho các diện tích nông nghiệp tập trung. Các hệ thống cần nâng cấp như: hệ thống Hóc Hưu, cầu Già, đê bao Tân Liêm, đê bao sông cần Giuộc...

Tiểu vùng 4 (huyện Cần Giờ)

Hiện nay vùng này đang được đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và làm muối tại 04 xã phía Bắc Cần Giờ. Định hướng quy hoạch thủy lợi cho vùng này là đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản bằng hệ thống đê bao kết hợp giao thông nông thôn và các kênh trục nhằm cấp và tiêu nước. Đối với sản xuất muối cần xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vùng sản xuất trước triều cường và nước dâng do bão.

7. Ước tổng kinh phí và phân kỳ thực hiện quy hoạch

Tổng hợp kinh phí đầu tư các công trình thuộc quy hoạch thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025: 8.041 tỷ đồng;

Phân các giai đoạn đầu tư như sau:

- Giai đoạn 2014 - 2015: Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhu cầu vốn cho giai đoạn 2014-2015: 928 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2016 - 2020: Đầu tư nâng cấp giai đoạn 1 hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi và hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh; đầu tư hệ thống thủy lợi nuôi tôm thẻ chân trắng; hệ thống thủy lợi phục vụ làm muối tại huyện Cần Giờ; nạo vét, cải tạo, nâng cấp các hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Củ Chi, Bình Chánh.

Nhu cầu vốn cho giai đoạn 2016 - 2020: 2.317 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Kiên cố hóa, cứng hóa bờ kênh, mặt đê, hiện đại hóa quản lý vận hành hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi và hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh; xây dựng hồ điều hòa Bến Mương - Láng The và đầu tư các công trình thủy lợi khác trên địa bàn huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ.

Nhu cầu vốn cho giai đoạn 2021 - 2025: 4.796 tỷ đồng.

(Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)

8. Giải pháp thực hiện quy hoạch

8.1. Giải pháp về quản lý, thực hiện quy hoạch:

Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch thủy lợi bám sát các chương trình, đề án Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn, Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025;

Tích hợp, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi trên địa bàn Thành phố;

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành Thành phố với các quận, huyện trong việc quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch hạ tầng thủy lợi đảm bảo chất lượng, hiệu quả; định kỳ 5 năm cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với chủ trương chính sách, định hướng, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố;

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các cơ quan chuyên môn, các viện, trường đại học, các nhà khoa học trong ngành nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực;

Tăng mức cấp bù thủy lợi phí đáp ứng cho công tác quản lý khai thác, duy tu sửa chữa công trình thủy lợi.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước.

8.2. Giải pháp về nguồn vốn đầu tư:

Giải pháp về nguồn vốn cho việc thực hiện quy hoạch thủy lợi chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách của địa phương và Trung ương.

- Sử dụng hợp lý và hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Rà soát, sắp xếp bố trí vốn đảm bảo đúng mục tiêu, thời gian hoàn thành các dự án theo quy định.

- Các công trình đầu mối và nội đồng đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ. Kinh phí để kiên cố hóa kênh mương thực hiện theo Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg về “Về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương”. Theo đó kinh phí kiên cố các kênh cấp III và nội đồng do nhân dân góp công lao động, ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí bằng vật liệu xây dựng.

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cho phép khu vực tư nhân đầu tư vào các dịch vụ công ngành thủy lợi. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quy mô lớn, có tác dụng lan tỏa.

- Khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân bằng việc thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hiện hành. Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân để huy động các nguồn lực xã hội cho thủy lợi.

- Đề xuất Trung ương ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về tạo vốn, hỗ trợ vốn để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước theo nhiều hình thức đa dạng và phù hợp như BT, BOT, PPP...

8.3. Về giải pháp bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt

Trước thực trạng về chất lượng nguồn nước trên các sông, kênh rạch hiện nay; giải pháp chính của công tác bảo vệ nguồn nước ở Thành phố Hồ Chí Minh và hạ du Đồng Nai - Sài Gòn là bảo vệ chất lượng nước sông, thu gom và xử lý triệt để chất thải nguy hại và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Ngoài việc thành phố tự nỗ lực bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai - Sài Gòn thì cũng rất cần có sự chung tay bảo vệ của các tỉnh thành khác thì chất lượng nước từ thượng lưu về Thành phố mới được cải thiện. Thành phố cũng cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ khác như không cấp phép đầu tư mới cho những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường; hoàn thiện đề án phân vùng tiếp nhận xả thải trên địa bàn Thành phố; tiếp tục duy trì chương trình hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất khu vực dân cư vào khu sản xuất tập trung, hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt...

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Căn cứ nội dung Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê duyệt, các Sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan tổ chức triển khai thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức công bố nội dung quy hoạch đến các quận - huyện, cơ quan ban ngành của Thành phố để biết và triển khai thực hiện theo mục tiêu, nội dung của quy hoạch này.

- Cụ thể hóa các nội dung của quy hoạch, xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch hàng năm, 5 năm đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch.

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp để phát triển ngành thuỷ lợi Thành phố.

- Theo dõi, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tiến độ thực hiện quy hoạch. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện của từng giai đoạn quy hoạch; đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

2. Các Sở, ban, ngành thành phố

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch thủy lợi thuộc trách nhiệm của đơn vị mình, đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết các vấn đề liên quan theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các sở, ban, ngành liên quan cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, dự toán chi ngân sách hằng năm, đảm bảo Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đầu tư theo các chương trình, dự án.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện liên quan và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai để quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn nước trên hệ thống sông, kênh rạch, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt theo quy chuẩn, quy định hiện hành.

3. Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp

- Thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch đang thực hiện trên địa bàn các quận huyện đảm bảo phù hợp với quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được phê duyệt;

- Chịu trách nhiệm công bố các quy hoạch được phê duyệt đến chính quyền cơ sở cũng như người dân; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, đảm bảo quy hoạch được thực hiện theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đầu tư phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quản lý.

- Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đề xuất kịp thời các nhu cầu về nguồn nước cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn quản lý;

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Pháp lệnh về Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thanh Liêm

 

BẢNG: TỔNG HỢP KINH PHÍ VÀ PHÂN KỲ ĐẦU TƯ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Đơn vị: triệu đồng

TT

Danh mục

Kinh phí

Phân kỳ

2014-2015

2016-2020

2021-2025

 

Tổng cộng

8.041.098

928.036

2.316.827

4.796.235

 

TIỂU VÙNG 1 (CỦ CHI)

4.494.028

410.314

837.114

3.246.600

1

Nâng cấp hệ thống kênh Đông

1.725.000

-

585.000

1.140.000

2

Cải tạo, mở rộng rạch Thai Thai

26.352

-

26.352

-

3

Cải tạo, mở rộng rạch Bà Phước

28.162

-

28.162

-

4

Cải tạo, mở rộng rạch Cầu đen

4.200

-

4.200

-

5

Cải tạo, mở rộng rạch Sơn

36.000

-

36.000

-

6

Cải tạo, nâng cấp hệ thống Bến Mương Láng The

243.000

-

136.400

106.600

7

Hồ điều hòa Bến Mương Láng The

2.000.000

-

-

2.000.000

8

Nạo vét kênh Địa Phận

21.000

-

21.000

-

9

Xây dựng nông thôn mới

410.314

410.314

-

-

 

TIỂU VÙNG 2 (HM - BBC)

2.140.424

213.011

756.243

1.171.170

1

Nâng cấp hệ thống Hóc Môn - Bắc Bình Chánh

1.655.955

-

484.785

1.171.170

2

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp hệ thống đê xã Bình Lợi

60.030

-

60.030

-

3

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp hệ thống đê xã Tân Kiên

66.006

-

66.006

-

4

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp hệ thống đê xã Tân Nhựt

145.422

-

145.422

-

5

Xây dựng nông thôn mới

213.011

213.011

-

-

 

TIỂU VÙNG 3 (NAM BC - NHÀ BÈ)

628.710

222.312

159.754

246.644

1

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp đê bao xã Phong Phú

129.960

-

-

129.960

2

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp đê bao xã An Phú Tây

51.980

-

51.980

-

3

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp đê bao xã Hưng Long

41.660

-

41.660

-

4

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp đê bao xã Tân Quý Tây

33.720

-

33.720

-

5

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp đê bao xã Bình Chánh

17.324

-

17.324

-

6

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp đê bao xã Qui Đức

15.070

-

15.070

-

7

Nạo vét kênh rạch, nâng cấp đê bao xã Đa Phước

116.684

-

-

116.684

8

Xây dựng nông thôn mới

222.312

222.312

-

-

 

TIỂU VÙNG 4 (CẦN GIỜ)

777.936

82.399

563.716

131.821

1

Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm thẻ chân trắng

616.412

-

484.591

131.821

2

Hệ thống thủy lợi phục vụ làm muối

79.125

-

79.125

-

3

Xây dựng thông thôn mới

82.399

82.399

-

-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 768/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025

  • Số hiệu: 768/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/02/2014
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản