Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 752/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 22 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/06/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giao đoạn 2021-2025;

Xét đề nghị của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lưc kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp (b/c);
- TT Tỉnh uỷ, TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC, CVP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Quang Khải

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành Kèm theo Quyết định số 752/QĐ-UBND ngày 22/6/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng doanh nghiệp; Giải pháp có trọng tậm, trọng điểm, kịp thời, cụ thể, rõ ràng...

- Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phải được thực hiện trên cơ sở phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương, giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp nội dung và nguồn lực.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triền khai đồng bộ, công khai, minh bạch, có trọng tâm, trọng điểm, định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của Trung ương trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.

- Xác định rõ trách nhiệm của từng Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai và phối hợp thực hiện triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Cung cấp thông tin pháp luật, chính sách, đề án chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Trung ương và địa phương ban hành thông qua các hình thức triển khai phù hợp để đảm bảo 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu các thông tin pháp luật có liên quan.

- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đội ngũ tư vấn viên tham gia mang lưới tư vấn viên pháp luật.

- Tổ chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại giữa đại diện các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho những người quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và các đối tượng có liên quan khác.

II. NỘI DUNG chương trình

1. Hoạt động cung cấp thông tin

1.1. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhập, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật.

- Nội dung thực hiện: Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin điện tử thành phần của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm cung cấp kịp thời thông tin quy địnhu pháp luật của tỉnh điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã.

1.2. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhập, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý, bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài thương mại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp.

- Nội dung thực hiện:

Cập nhập và đăng tải các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai mà Uỷ ban nhân dân tỉnh là một bên có liên quan trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc kết nối với Cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này.

Hệ thống hóa, cấp nhập dữ liệu về các văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật.

Đăng tải danh sách tư vấn viên pháp luật và các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh

- Đơn vị phối hợp: Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan.

2. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật

2.1. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nội dung thực hiện

Tổ chức các chương trình, hoạt động bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, tuyên truyền, phổ biến trực tiếp cho người quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế và đội ngũ cán bộ công đoàn và người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Biên soạn nội dung, tài liệu và hệ thống bài giảng cung cấp các kiến thức pháp luật có liên quan đến kinh doanh mà các doanh nghiệp thường xuyên gặp phải trong quá trình đầu tư, kinh doanh như: chính sách thuế, hải quan, pháp luật quan hệ lao động, đất đai, pháp luật về xử lý vi phạm trong kinh doanh, giải quyết các tranh chấp, ....

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp chủ trì giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

- Đơn vị phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Công Thương, Cục Thuế, Hải Quan, Ban quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

2.2. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nội dung thực hiện:

Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giữa các chuyên gia pháp lý với người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Biên soạn nội dung, tài liệu về kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư Pháp

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã, doanh nghiệp có liên quan.

3. Hoạt động tư vấn pháp luật

- Nội dung thực hiện:

Tổ chức các hội nghị đối thoại để cung cấp thông tin pháp lý, giải quyết vướng mắc về các vấn đề pháp lý theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổ chức các hội nghị, diễn đàn đối thoại về các vấn đề pháp lý chuyên sâu giữa các chuyên gia với đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổ chức tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua các hình thức như: tư vấn và giải đáp trực tiếp, trả lời bằng văn bản, thông qua điện thoại, qua đường bưu điện, qua mạng điện tử, thư điện tử ... và các hình thức khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xây dựng các mô hình hiệu quả trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xây dựng mô hình câu lạc bộ pháp chế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư Pháp

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã và mạng lưới cộng tác viên tư vấn pháp luật, doanh nghiệp có liên quan.

4. Phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của Trung ương trên địa bàn tỉnh

Đơn vị thực hiện: Giao cho Sở Tư pháp tham mưu, phối hợp thực hiện.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

Kinh phí thực hiện chương trình do ngân sách nhà nước cấp hàng năm và các nguồn kinh phí huy động, hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có).

- Sở Tư pháp chủ trì giúp UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết bố trí kinh phí thực hiện Chương trình.

- Hàng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng dự toán kinh phí triển khai Chương trình vào thời điểm dự toán năm ngân sách tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp:

- Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai Chương trình; Chủ động triển khai thực hiện các nội dung công việc được giao trong Chương trình, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, yêu cầu chung của Chương trình.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu xây dựng, ban hành (hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành) kế hoạch hoạt động hàng năm; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá, tổng kết việc thực hiện Chương trình theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện Chương trình; định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư pháp kết quả thực hiện.

2. Sở Tài chính:

Phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh bố trí kinh phí tổ chức thực hiện và hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan

- Triển khai, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Chương trình này.

- Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình định kỳ hoặc khi có yêu cầu về Sở Tư pháp để tổng hợp, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị tổng hợp gửi về Sở Tư pháp (qua Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, điện thoại: 0914664113, Email: pbgdplbn@gmail.com) để tổng hợp, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 752/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 752/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/06/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Đào Quang Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản