Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 7506/1999/QĐ-UB-CNN

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHOÁN, BẢO VỆ, KHOANH NUÔI, TÁI SINH VÀ TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ Ở HUYỆN CẦN GIỜ, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Quyết định số 202/TTg ngày 02 tháng 5 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng ;
- Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố tại Tờ trình số 491/CV-UB ngày 28 tháng 9 năm 1999 ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này quy định về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng phòng hộ ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như điều 3
- TT/TU, TT.HĐND/TP
- Thường trực UBND TP
- Chi Cục Kiểm lâm ND
- BQL rừng phòng hộ Cần Giờ
- VPUB : CPVP, các Tổ
- Lưu

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHOÁN, BẢO VỆ, KHOANH NUÔI, TÁI SINH VÀ TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ Ở HUYỆN CẦN GIỜ, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

(Ban hành kèm theo quyết định số 7506/1999/QĐ-UB-CNN ngày 08 tháng 12 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ được Ủy ban nhân dân thành phố giao rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ là chủ rừng Nhà nước.

Việc giao khoán nêu trong quy định này chỉ thuộc phạm vi rừng phòng hộ, đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt luận chứng kinh tế-kỹ thuật hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn thanh toán chi phí khoán theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

Điều 2.- Chủ rừng Nhà nước gọi tắt là Bên khoán được quyền giao khoán bảo vệ rừng cho các đối tượng nhận khoán rừng là hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, đơn vị gọi tắt là Bên nhận khoán.

Bên nhận khoán phải có đủ lực lượng, ngày đêm có mặt tại rừng để kiểm tra, canh giữ bảo vệ rừng. Đối với hộ gia đình và cá nhân phải là người thường trú tại địa phương mới được hợp đồng nhận khoán.

Điều 3.- Giữa Bên khoán và Bên nhận khoán phải ký hợp đồng khoán ; nội dung hợp đồng khoán bao gồm :

3.1- Nêu rõ ranh giới, tổng diện tích, trong đó diện tích rừng (gồm rừng trồng và rừng tự nhiên), đất trống cần trồng rừng, diện tích mặt nước và đất khác (kèm theo bản đồ hiện trạng 1/4.000, 1/5.000 hoặc 1/10.000) ;

3.2- Hiện trạng rừng : Năm trồng, tình hình sinh trưởng, phát triển của rừng, công tác quản lý, bảo vệ hoặc tình trạng bị chặt phá (nếu có) ;

3.3- Những cam kết về quyền và nghĩa vụ của Bên khoán và Bên nhận khoán ; phương thức thanh toán tiền công khoán ;

3.4- Thời gian nhận khoán.

3.5- Những quy định xử phạt đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng.

3.6- Hợp đồng khoán do Bên khoán và Bên nhận khoán lập, ký kết và phải được Ủy ban nhân dân xã sở tại xác nhận nếu là hộ gia đình, cá nhân hoặc cấp trên một cấp xác nhận nếu là đơn vị, tổ chức và phải được Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phê duyệt.

Điều 4.- Nguồn vốn để thanh toán chi phí khoán, bảo vệ rừng là nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước bao gồm của Trung ương và thành phố. Bên khoán lập kế hoạch kinh phí hàng năm thông qua Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ phê duyệt, trình các cơ quan thẩm quyền quyết định cấp phát để thanh toán tiền công khoán giữ rừng cho Bên nhận khoán theo hợp đồng.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC, QUYỀN LỢI CỦA VIỆC GIAO, NHẬN KHOÁN, BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ

Điều 5.- Căn cứ diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở từng lô, khoảnh đã được điều chế, điều kiện tự nhiên (sông, rạch) để làm ranh giới trong khu vực khoán và khả năng lao động, quản lý, bảo vệ rừng của hộ gia đình, cá nhân, đơn vị nhận khoán, mức giao khoán được quy định, như sau :

5.1- Khoán diện tích bảo vệ, chăm sóc rừng (gồm rừng trồng và rừng tự nhiên) :

+ Đối với lao động giữ rừng (công nhân lâm nghiệp) : Giao khoán bình quân 40 ha/lao động ;

+ Đối với hộ gia đình giữ rừng (bình quân 4 nhân khẩu) : Giao khoán quản lý, bảo vệ rừng bình quân 80 ha/hộ ;

+ Đối với các cơ quan, đơn vị giữ rừng : Căn cứ vào số lao động trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc rừng để xác định diện tích rừng giao khoán theo định mức trên.

+ Một số khu vực được quy hoạch là khu rừng rất xung yếu (vùng bảo vệ nghiêm ngặt) chỉ được giao khoán cho các đơn vị, tổ chức có đủ điều kiện về nhân lực, phương tiện vật chất và kỹ thuật chuyên ngành lâm nghiệp.

5.2- Ngoài mức diện tích giao khoán nêu trên, tùy từng khu vực nhận khoán có quỹ đất và nhu cầu của Bên nhận khoán, Bên nhận khoán có thể được Bên khoán giao một diện tích đất trống, lãng trũng (trong phần đất được khoán) để sản xuất tự túc, diện tích không quá 3 ha ; riêng đối với cơ quan, đơn vị thì diện tích sản xuất không vượt quá 10% diện tích nhận khoán, được chủ rừng Nhà nước xác định vị trí, ranh giới cụ thể trên bản đồ và thực địa, Ủy ban nhân dân xã nơi có rừng và đất lâm nghiệp xác nhận, Ủy ban nhân dân huyện cấp phép sản xuất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát triển rừng phòng hộ.

Điều 6.- Thời hạn giao khoán, bảo vệ, chăm sóc rừng ổn định từ 30 năm đến không quá 50 năm, tùy loại rừng, chu kỳ sinh trưởng của rừng và tình hình cụ thể của Bên nhận khoán.

Điều 7.- Hồ sơ khoán bảo vệ rừng do Bên khoán lập và hướng dẫn, gồm :

7.1- Đơn xin nhận khoán bảo vệ rừng ;

7.2- Hợp đồng khoán bảo vệ rừng ;

7.3- Trích lục bản đồ khu vực giao khoán (theo khoản 1, Điều 8, quy định này) ;

7.4- Biên bản giao nhận rừng (rừng trồng, rừng tự nhiên), đất trống, cây trồng khác và các tài sản trên đất (nếu có) ;

7.5- Các văn bản, phụ lục có liên quan đến việc khoán bảo vệ rừng (nếu có) ;

7.6- Hồ sơ hợp đồng khoán được lập thành 4 bộ, giao cho :

+ Bên khoán giữ : 1 bộ ;

+ Bên nhận khoán giữ : 1 bộ ;

+ Lưu tại Ủy ban nhân dân xã : 1 bộ ;

+ Lưu tại Ủy ban nhân dân huyện : 1 bộ

(phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).

Điều 8.- Quyền và nghĩa vụ của Bên khoán :

8.1- Xác nhận đúng diện tích, hiện trạng từng loại rừng, tuổi rừng, vị trí, ranh giới trên bản đồ và trên thực địa (có đường ranh giới rõ ràng, bền vững). Lập trích lục bản đồ hoặc sơ đồ hiện trạng 1/4.000, 1/5.000 hoặc 1/10.000 cho Bên nhận khoán. Chi phí lập thủ tục giao khoán do Bên khoán đài thọ theo quy định của Nhà nước.

8.2- Phải tuân thủ quy hoạch, luận chứng kinh tế-kỹ thuật dự án đầu tư, quy trình thiết kế kỹ thuật phương án điều chế rừng do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố phê duyệt để khoán bảo vệ rừng.

8.3- Xây dựng kế hoạch (theo các danh mục đầu tư của dự án) về quản lý, chăm sóc bảo vệ rừng, trồng rừng mới,... và hướng dẫn Bên nhận khoán thực hiện đúng các kế hoạch đó.

8.4- Hướng dẫn và giúp đỡ Bên nhận khoán về kỹ thuật gieo ươm tạo cây giống và kỹ thuật gây trồng ; hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư trong việc sản xuất trồng rừng phòng hộ theo phương thức kết hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến rừng và đất rừng.

8.5- Giúp Bên nhận khoán vay vốn để phát triển sản xuất theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.

8.6- Lập, trình duyệt các hồ sơ thiết kế, phương án điều chế rừng cho Bên nhận khoán.

8.7- Tổ chức nghiệm thu bảo vệ rừng 6 tháng một lần, với sự tham gia của đại diện Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố (phòng Lâm nghiệp), Ủy ban nhân dân xã sở tại và phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cần Giờ để đánh giá mức độ hoàn thành nội dung cam kết bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán.

8.8- Khi Bên nhận khoán vi phạm hợp đồng thì Bên khoán căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật hợp đồng.

Điều 9.- Nghĩa vụ và quyền lợi của Bên nhận khoán :

9.1- Bên nhận khoán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ những cam kết ghi trong hợp đồng khoán.

9.2- Được hưởng công khoán bảo vệ rừng (gồm cả rừng trồng và rừng tự nhiên) với mức bình quân 185.000 đồng/ha/năm.

Tùy điều kiện khó, dễ của khu rừng nhận khoán bảo vệ, tình hình tài nguyên rừng và điều kiện đất đai ưu đãi trong sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, các dịch vụ kết hợp, Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ quy định mức hưởng tiền công bảo vệ rừng cụ thể cho từng khu rừng hoặc khu vực, nhưng không dưới 150.000 đồng/ha/năm và không quá 200.000 đồng/ha/năm.

9.3- Được tận thu các sản phẩm phụ từ rừng nhận khoán theo quy định của Nhà nước và theo hướng dẫn của Bên khoán.

9.4- Đối với đất trống, lãng trũng, bãi bồi, đất ngập nước khi được sự đồng ý của Bên khoán, nếu Bên nhận khoán tự đầu tư vốn để sản xuất thì được hưởng toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch và được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

9.5- Đối với hộ gia đình và cá nhân nhận khoán được trợ cấp ban đầu một số tiền để làm chốt bảo vệ, mua sắm phương tiện cần thiết cho bảo vệ rừng và cho sinh hoạt. Ngoài ra, còn được cấp 6 triệu đồng/hộ để cất nhà và được cấp một xuồng chèo để làm phương tiện đi lại tuần tra, thời gian sử dụng trong 3 năm.

9.6- Khi thời gian nhận khoán theo hợp đồng chưa kết thúc, trong trường hợp chủ hộ nhận khoán chết thì được chuyển quyền nhận khoán bảo vệ rừng cho người thừa kế theo quy định của pháp luật thừa kế ; nếu do hoàn cảnh khách quan không thể tiếp tục nhận khoán được nữa thì báo cho Bên khoán lập hồ sơ thanh lý hợp đồng để Bên khoán giao cho hộ gia đình, cá nhân hoặc đơn vị khác nhận chăm sóc, bảo vệ rừng.

9.7- Trong khu vực nhận khoán có đất trống, nếu thành phố đầu tư trồng rừng thì Bên nhận khoán được ưu tiên ký hợp đồng khoán trồng rừng, chăm sóc rừng mới trồng và sau đó được bổ sung diện tích vào hợp đồng khoán bảo vệ rừng. Nếu Bên nhận khoán không nhận trồng rừng thì Bên khoán (chủ rừng Nhà nước) đưa lực lượng khác tới trồng và sau khi rừng trồng được nghiệm thu thì giao lại cho Bên nhận khoán khu rừng đó bảo vệ và bổ sung diện tích rừng trồng mới vào hợp đồng khoán bảo vệ rừng cho Bên nhận khoán.

9.8- Khi Bên khoán vi phạm hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho Bên nhận khoán hoặc Bên nhận khoán hủy bỏ hợp đồng tùy theo mức độ vi phạm của Bên khoán.

9.9- Trong trường hợp bị thiên tai, rủi ro thì được xét miễn, giảm các khoản phải nộp hoặc phải bồi thường cho Bên khoán theo quy định của pháp luật.

Điều 10.- Bên khoán và Bên nhận khoán có thành tích xuất sắc trong việc bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng thì được khen thưởng, nếu vi phạm pháp luật về rừng thì ngoài việc bị xử lý theo quy định tại các Điều 50, Điều 51 của Luật bảo vệ và phát triển rừng, còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11.- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Giám đốc các Sở-Ngành thành phố liên quan có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Bên khoán và Bên nhận khoán thực hiện đúng quy định về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng phòng hộ ở huyện Cần Giờ theo đúng quy định này.

Ủy ban nhân dân các xã thuộc huyện Cần Giờ có các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng có trách nhiệm trực tiếp giám sát việc thực hiện các hợp đồng khoán đã ký kết, phối hợp với Bên khoán thường xuyên chăm lo cải thiện đời sống cho lao động nhận khoán bảo vệ rừng.

Điều 12.- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy định này, định kỳ báo cáo kết quả và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế tình hình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Cần Giờ./.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 7506/1999/QĐ-UB-CNN về khoán, bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng phòng hộ ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 7506/1999/QĐ-UB-CNN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/12/1999
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản